Bàn về nét chữ...

11/12/2021

Chữ …

Trần Quốc Tuấn (Giáo viên - Trường THPT Vĩnh viễn)

Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực họ cũng lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự sùng chữ của ông bà, trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì chúng ta cũng hiểu được các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào? Bởi vì nét chữ thể hiện cốt cách/ phẩm giá con người. Cho nên việc trọng con chữ, kính thầy mến bạn, chăm lo đèn sách đã trở thành một nếp sống, nếp nghĩ truyền thừa văn minh mà ông cha đã xây dựng thành một giá trị truyền thống cao vọng. “Cơn sốt giảng đọc kinh điển”, “cơn sốt Nho giáo” vang bóng một thời đã khởi dậy sự thịnh thế của văn hóa chữ nghĩa tồn tại kịch liệt và hưng thịnh từ ngàn năm.

Từ cái ý thức sự học sự đọc, nắn rèn con chữ  mà những “học gia chân chính” ngày xưa đều là thánh hiền. Khi bước chân vào nghiệp học là đã đau đáu cho một con đường, một lý tưởng, một mục đích vươn tới đó là “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”.

Cao Bá Quát, hình ảnh điển mẫu của Nho giáo Việt Nam. Danh đồ (đường công danh) của Cao Bá Quát được biểu dương thông qua biệt tài viết chữ mà chúng ta được làm quen qua tác phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân. Huấn Cao chính là nguyên mẫu từ bậc danh nho Cao Bá Quát. Gương sáng muôn đời về tài năng đức độ, thể hiện qua thơ phú, sự học và từng nét chữ được viết ra. “Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu - Ngã vô hành dã, diệc vô lưu” (Ngẩng cao đầu bước trên đường danh – Ta không làm việc gì và cũng không có gì phải lưu luyến). Con người ông trọng khí tiết, ưa điều đạo đức nhân nghĩa và coi khinh tài phú, danh vọng ở đời. Vừa mở cửa quan đã lao vào cửa ngục, đó là số phận của Nho đồ Cao Bá Quát. Nhà Nho khí khái, luôn ưu thời mẫn thế  và không chịu nổi sự nhiễu nhương của đám hôn quân dung chúa lãnh đạo triều sự làm vận nước lao đao, dân tình khổ não. Cảnh cho chữ đắt giá mà Nguyễn Tuân đã vẽ tạc trong tác phẩm đã thể hiện khí tiết nghút trời của một đại danh nho khi đối diện với cái đẹp, lương tri và hiện thực nghiệt ngã.

Chuyện xưa tích cũ nhưng để lại trong chúng ta những bài học lớn, bài học về cốt cách làm người, về đạo đức luân lý ở đời. Bàn về nét chữ, nết người, suy rộng ra là bàn về phẩm chất của con người. Những bậc đại trí xưa đáng được trọng xưng muôn đời, bởi lẽ họ đã sống một cuộc đời chuẩn mực, xem danh lợi là hão huyền để chỉ hào hứng với việc nêu cao nhân cách ngời sáng của mình trước cám dỗ của lợi lộc. Bậc chính danh xưa có nên nhân cách đó là từ cái nghiêm cẩn của sự nắn chỉnh ngay từ nhỏ. Khuôn thước điển phạm đã đúc tạc nên những bậc kì tài dùng lương tâm để đối đãi với đời. Tất cả xuất phát từ việc trọng chữ nghĩa, yêu kinh sách, tôn vinh giá trị của cha ông truyền thừa. Từng con chữ được viết ra từ tim óc, từ tấm chân tình uyên nguyên của bản thể. Sự ý thức triệt để nghiệp học là để lo cho muôn dân hạnh phúc và cái đẹp gắn thiết với điều lương thiện mới tạo nên sự vinh diệu đỉnh cao. Từ đó nét chữ đã thể hiện đươc tấm lòng ân nghĩa, sự nhân đức tài trí của con người.

Vậy còn, người nay thì sao? Đã bao giờ chúng ta ý thức được rằng “nét chữ- nết người” hay chưa?

Cuộc sống số hóa, tất cả đều nhanh chóng “gõ móng” như linh dương thoăn thoắt trên bàn phím mà nhiều lúc “tay nhanh hơn não”. Tốc độ sống theo sự lập trình của máy móc đã khiến chúng ta thiếu đi sự “cẩn trọng”, quên đi những nét chữ mềm mại, trau truốt trên giấy thanh tân. Thế hệ trẻ ngày càng sống “ăn xổi ở thì”, ưa thích sự nhanh chóng, vội vã và không còn giữ đạo trung dung như người xưa. Việc viết, trình bày, nắn chỉnh từng con chữ trên trang giấy hầu như không còn được ý thức. Những bài văn được viết bằng những chữ ngã ngiêng, cẩu thả đã thể hiện rõ sự buông tuồng trong lối sống. Thực tế đó không cần nêu dẫn vì nó đã trở nên phổ biến, khi chữ của các sĩ tử ngày càng “giết chết” trang giấy với đời sống trắng một cách nhẫn tâm.

Bàn tay liền với trái tim, nét chữ được viết từ bàn tay thì giọt mực đọng lại trên trang giấy cũng đầy tình cảm và đạo lý. Trong trận Mậu Thân (1968) nhà thơ Lê Anh Xuân đã ngã xuống khi trong túi áo còn bức thư của người yêu chưa đọc, những nét chữ gói thương ghém nhớ của người với người làm chúng ta rưng rưng cảm động. “Trái tim rỉ máu năm đầu ngón tay”, hình hài những con chữ phơi ngửa định mạng của mình trên trang giấy trinh khôi cự quậy, phập phồng bao nhiêu hương, sắc, tình, hình, tứ của người viết ra. Đẹp và vinh diệu biết mấy, bởi lẽ nó là nhân cách con người, rèn chữ cũng như rèn người, nét chữ nghiêm ngắn biểu hiện cả lối giáo dục gia đình. Dạy con rèn chữ cũng như răn điều giữ dìn gia đạo. Người xưa dùng giấy mực, bút nghiên mà nói về sự đạo đức nhân nghĩa: “Giấy rách phải giữ lấy lề; Giấy trắng mực đen; Người ta bán vạn buôn ngàn/ Em đây bán giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin ai đó chớ cười/ Vì em làm giấy cho người chép thơ; Mực xanh giấy trắng viết ngắn còn dài/ Mong rằng tình bạn nhớ hoài ngàn năm”…

Chữ người xưa được viết nên bởi giới tinh hoa, xã hội đó kẻ có học rất hiếm và người nào được học hầu hết đều trở thành văn thần. Những nét bút của họ viết ra đều mang nặng nỗi ưu tư rên xiết cho thế sự. Bàn, đàm, huyết/ tâm thư (dâng sớ/ sổ con),  thể hiện ý thức, sự băn khoăn cho vận mệnh dân tộc, cho muôn dân trăm họ. Họ viết ra trên trang giấy để biểu đạt sự trung quân ái quốc và điều đó đã để lại cho hậu thế những áng văn bất hủ mẫu mực trên nhiều phương diện. Còn các “trí/ chí” trên face hiện giờ cũng ưa phát ngôn, vay thương khóc mướn, thể hiện cốt cách “quan đại trọng thần” của cha ông ta xưa nhưng chủ yếu là những “nhậu suông nhân cách” vô vị, nhàn rỗi và đôi khi là sự phản văn hóa, miệng sa tay lỡ.

Hãy để bàn phím được “ráo”, hãy dừng lại việc để những dấu ấn vô nghĩa trên các hộp bình luận liên mạng, để có thời gian đọc viết, nắn nót từng con chữ nơi phòng văn yên tĩnh. Đó là cách để các bạn sống chậm, nghĩ chậm chắc và minh triết hơn. Những tấm bưu thiếp, những bài văn hay qua nét chữ tốt sẽ làm cho trái tim con người thêm phần nhân văn.

Hình ảnh ông đồ xưa với bút nghiêm ngồi ở những “chợ đồng xuân” những dịp xuân sang, để biếu chữ cho người. Những cánh hoa đào rơi trên giấy thanh tân đã đi vào tranh thủy mặc về một thời mà cái đẹp thuần khiết, thanh tao. Việc cho chữ ngày tết vẫn còn, những ông đồ có già có trẻ mỗi dịp tết đến xuân về, vẫn bày biện giấy mực để trao đi tình yêu thuần thiết từ những nét thư pháp, thư họa mang màu vị cổ phong. Thật đáng trân trọng khi cái đẹp một thời vẫn lưu giữ. Cuộc thi văn hay chữ đẹp, cuộc thi rèn nét chữ, tôn nết người cần được tổ chức nhiều hơn nữa để ý thức làm người luôn được nêu cao. Thông qua con chữ là bao nhiêu lương tính của con người được khơi dậy, giáo dưỡng, luyện rèn.

Học trò cần chú trọng nhiều hơn đến việc viết lách bằng giấy trắng mực xanh. Để có thể được chậm rãi mà cảm nhận tim óc của mình theo đôi bàn tay đổ xuống trang giấy. Ngoài ra rèn chữ còn là rèn người, tính cẩn trọng, sự nguyên tắc, lề lối, kiên trì. Nghĩ rộng ra đó là cách trình bày, cách thể hiện, cách thực hành nói viết, giao tiếp cũng cần sự “vuông thành sắc cạnh” mà điều trên được khởi đầu từ cách bàn tay đưa dẫn từng con chữ. Hãy để giấy trắng thanh tân lưu giữ cuộc đời đèn sách của bạn để gói gém, trân trọng sự học sự đọc hôm nay đã từng.

(Bàn về nét chữ - Trần Quốc Tuấn)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...