Bi Kịch Cá Nhân Con Người Qua Truyện Ngắn Tướng Về Hưu Của Nguyễn Huy Thiệp

11/12/2019

bi-kich-ca-nhan-con-nguoi-qua-truyen-ngan-tuong-ve-huu-cua-nguyen-huy-thiep

I. KHÁI NIỆM

1. Thuật ngữ bi kịch

          Thuật ngữ “bi kịch” dùng để chỉ những biến cố xảy ra trên sân khấu, trong phim ảnh, trong tiểu thuyết. Bi kịch theo nghĩa rộng là một tính chất của cuộc sống con người, những gì xảy ra trong đời khi ước mơ khát vọng bị vùi lấp trong hiện thực.

          “Bi” là cái buồn, cái khổ đau, cái thất vọng của một giá trị chân lý, lý tưởng bị đổ vỡ, cái ước mơ khát vọng cao cả không thể thực hiện do những tác động của khách thể. Bi kịch trong văn học là một thể loại kịch bắt nguồn từ Hy lạp cổ đại mà đỉnh cao là tác giả Sophocle với các vở kịch kinh điển như Qedipus làm vua... Theo Aristotle bi kịch khác với hài kịch ở chỗ kết thúc không vui. Nhân vật bi kịch, là con người ở trên mức bình thường về địa vị và tính cách, phải chịu một sự đổi thay của vận mệnh. Nỗi bất hạnh của nhân vật do sự kết hợp của số phận, những thay đổi về tư tưởng, tình cảm, đời sống kinh tế, tập tục xã hội của hiện thực cuộc sống và cả những sai lầm của cá nhân gây ra. Nhân vật bi kịch là những con người đáng yêu, có ý chí nghị lực, có tâm hồn rộng mở, họ chiến đấu chống lại định mệnh của họ, và cuối cùng phải chấp nhận trong sự bất lực trước thực tại và đi đến những kết thúc bất hạnh. Những tác phẩm kinh điển về bi kịch như Hamlet, Othello, Roméo & Juillet của W. Shakespeare đã trở thành chuẩn mực, kinh điển. Vậy thì bi kịch trên sân khấu ngụ ý một quan điểm nào đó về bản chất và ý nghĩa của kiếp nhân sinh – bi kịch theo nghĩa rộng hơn.

          Bi kịch trong văn học chuyên chở ý nghĩa bi đát của đời sống và ý thức khốn khổ về sự vĩ đại tiềm tàng trong con người. Cũng như kịch, bi kịch trong văn xuôi thể hiện những xung đột, mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa ý thức và hiện thực trong đời sống xã hội. Chuyện người thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều - Nguyễn Du ít nhiều đều thể hiện tính chất của bi kịch. Tuy nhiên trong tính quy phạm với kết thúc có hậu của văn học trung đại ít nhiều đã hạn chế giá trị của bi kịch. Trong truyện ngắn hiện đại Việt Nam từ sau 1975 tính chất bi kịch trong tác phẩm vẫn tồn tại nhất là bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh. Ánh hào quang của chiến thắng chỉ còn là ánh hồi quang, họ trở nên lạc lõng trong thời kỳ kinh tế thị trường... Quá khứ và hiện tại xung đột dữ dội trong nội tâm của nhân vật tạo cho sự hòa nhập trở nên khó khăn và là một mâu thuẫn xung đột bên trong của nhân vật. Nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Lực trong Cỏ lau, Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, ông Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp... Các nhân vật hiện đại thường là những con người bình thường, có hiểu biết, có lý tưởng sống, nhưng vẫn không thoát khỏi xung đột, dằn xé nội tâm trong cuộc sống đời thường.

2. Vấn đề cá nhân con người trong văn học sau 1975

          Trong lịch sử xã hội loài người, sự phát triển ý thức cá nhân là dấu hiệu của sự phát triển của ý thức con người về vai trò chủ thể của mình trong mối quan hệ với bản thân, với xã hội, với tự nhiên. Trong văn học, sự vận động và phát triển của một nền văn học được thể hiện ở trình độ chiếm lĩnh con người, sự khám phá và lý giải về đời sống cá nhân, về cá tính là một vấn đề có vị trí vô cùng quan trọng.

          Như vậy con người cá nhân tồn tại từ những nhu cầu bản năng tự nhiên đến những nhu cầu tinh thần, hướng tới những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, giá trị chân lý... gắn với sự tồn tại những cá tính, những tư chất riêng, năng lực phẩm chất riêng, nhân cách riêng để khẳng định sự hiện hữu của chính cá nhân đó. Con người là con người của xã hội nên bao giờ cũng gắn với môi trường giai cấp, xã hội cụ thể và mỗi cá nhân là một thành viên trong cộng đồng nên ý thức cá nhân bao giờ cũng gắn với ý thức xã hội. Nói đến cá nhân là nói đến những nhu cầu vật chất cho sự tồn tại một con người, những gía trị tinh thần như: tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, lương tri... tạo ra sự hài hòa trong mối quan hệ xã hội.

          Văn học Việt Nam sau năm 1975, các nhà văn đã chú ý đến con người cá nhân, đời sống riêng tư, thế giới riêng, năng lực riêng của mỗi người. Chiến tranh đã kết thúc. Đất nước, quê hương, xã hội, con người biết bao thay đổi và mỗi cá nhân được nhận thức, vận động để hoà nhập vào cuộc sống mới nhưng không bị đánh mất mình trong dòng chảy của đời sống. Văn học những năm 1980, phản ánh sự dằn xé trong nội tâm con người giữa hai dòng thời gian: quá khứ và hiện tại trong thế giới nội tâm, qua miền ý thức đẩy bí ẩn, phức tạp.

II. NGUYỄN HUY THIỆP VỚI TƯỚNG VỀ HƯU

1. Vài nét về Nguyễn Huy Thiệp

          Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê quán Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970, dạy học ở Tây Bắc đến năm 1980, sau đó chuyển công tác về Cục xuất bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo, rồi chuyển sang công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ rồi nghỉ việc để chuyên viết văn. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

          Tướng về hưu lần đầu được in trên tuần báo Văn Nghệ số 20 /6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam. Nó lập tức trở thành một hiện tượng văn học và được nhà xuất bản Trẻ tuyển chọn in trong tập truyện ngắn với tựa đề Tướng về hưu. Nhà xuất bản Văn hoá, năm 1989 cũng cho ra một tập gồm 11 truyện lấy tên là Những ngọn gió Hua Tát... Tuy mới xuất hiện nhưng Tướng về hưu được xem như một truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.

          Về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử và cả một vài tác phẩm ông viết sau này mang xu hướng rẻ rúng, tầm thường theo lợi nhuận, nhưng những thành công của Nguyễn Huy Thiệp với Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ và đặc biệt là Tướng về hưu đã đóng góp những nét chấm phá trong văn học đương đại Việt Nam.

2. Bi kịch cá nhân con người trong Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp

          Vương Trí Nhàn có nhận xét về Tướng về hưu: “Nhắc tới anh, người ta nhớ Tướng về hưu gây xôn xao một dạo, bởi cách viết rạch ròi, trần trụi... Bằng một lối kể thâm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời, trong Tướng về hưu, tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác về sự lì lợm của chính mình; cái tốt bé nhỏ như một cái gì trớ trêu rơi rớt lại không được việc gì; lương tri vẫn còn trong mỗi người nhưng nó chỉ đủ sức làm cho người ta nghẹn ngào khi phải đối mặt với những cảnh tha hóa, bần cùng...”. Bi kịch cá nhân con người bắt đầu khi thiếu tướng Nguyễn Thuấn bình lặng trở lại cuộc sống đời thường ở cái tuổi “cổ lai hy” khi “việc lớn trong đời đã làm xong rồi!” kiểu: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”. Nhưng tướng Thuấn không được “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu” của Nguyễn Công Trứ mà lại nặng trĩu mối u hoài khi cảm thấy mình như lạc loài trong ngôi nhà của mình. Ông không mang về ánh hào quang của người lính suốt cả đời chinh chiến, không dằn vặt, hoài niệm về chiến tranh như Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh hay nỗi đau dằn xé của Lực trong Cỏ Lau của Nguyễn Minh Châu khi ngày trở về thì người vợ thân yêu đã có chồng khác. Ông trở về sống bên người những người thân của mình. Thế nhưng tại trong ngôi nhà của mình, ông cảm thấy lạc loài, không hòa nhập được.

          Phần đông thế giới nhân vật trong Tướng về hưu đều là những con người cô đơn. Mặc dù họ sống trong ngôi biệt thự khá sang trọng với “tam đại đồng đường”, đầy đủ về đời sống vật chất nhưng mỗi con người là một thế giới riêng, không hòa nhập được vào cuộc sống chung của đại gia đình. Một bà vợ hơn ông sáu tuổi đã bị lú lẫn, một anh con trai là kỹ sư nhưng nhu nhược, cô con dâu bác sĩ phụ sản – con người của chủ nghĩa thực dụng, cùng hai đứa cháu nội lúc nào cũng bận bịu với học ngoại ngữ, học thanh nhạc. Bi kịch cá nhân con người trong Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là bi kịch con người lý tưởng bình đẳng và sự tha hóa trong nếp sống thực dụng của nền kinh tế thị trường.

          Tướng Thuấn là không mang biểu tượng của một thời oanh liệt, của những năm tháng lặn lội ở chiến trường. Nguyễn Huy Thiệp không miêu tả ông trở về với những huân huy chương, ông trở về có phần xa lạ đối với mọi người trong nhà. Sự trở về của ông có phần làm xáo trộn nếp sống của gia đình mà cô con dâu ông điều hành và quản lý. Cái nề nếp vốn đã ổn định, trật tự từ lâu theo lối sống thực dụng bỗng bị khuấy đảo. Trước tiên là khách khứa đến thăm nhiều. Nhưng đối với cô con dâu thì điều đó “Không thể thế được”. Đó là lời chào đón của người con dâu khi bố chồng trở về trên chính ngôi nhà của ông. Và cũng chính cô đã nhận ra ngay mặt trái của sự thăm viếng là nhờ vả, là lợi dụng vào thanh danh của viên tướng: “Đừng mừng... họ chỉ nhờ vả. Cha ạ, cha đừng làm gì quá sức”. Một cái nhìn tinh tế của đôi mắt thục dụng trong hiện thực cuộc sống mà người tướng già không kịp nhận ra. Có thể ở nơi chiến trường ông đã đi qua những cuộc chiến tranh, con người và con người gắn kết nhau trong tình đồng đội, ít có vụ lợi cá nhân. Nhưng khổ nỗi nơi chiến địa, người ta hy sinh, san sẻ cho nhau từ vật chất lẫn tinh thần, còn cuộc sống xã hội thì khác hẳn. Chén cơm manh áo đời thường, sự ti tiện ích kỷ cá nhân. Con người giành giựt nhau trong đời sống kinh tế. Ông trở về trong ngỡ ngàng của đứa con trai (dù rằng đã biết trước), trong sự xa lạ của cô con dâu trí thức, nhưng rất thực dụng và cả hai đứa cháu nội gái. Về hưu không theo kịp với nhịp sống hiện đại, ông bị lạc lõng trước cuộc sống bộn bề, phức tạp, nhố nhăng trong một xã hội đang chuyển mình từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Câu nói "Sao tôi cứ như lạc loài" dường như chứng minh cho nhận định trên. Ánh hào quang duy nhất theo ông là "Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng", hoặc "Cha là tướng. Về hưu cha vẫn là tướng. Cha chỉ huy. Cha mà làm lính thì sẽ loạn cờ". Thế nhưng chính ông cũng thốt lên khi trả lời với ông Cơ (người giúp việc nhà): “Tôi có tiếng gì mà mang?”. Ông trả lời trong tiếng thở dài nghe có phần ngao ngán. Danh tiếng của một con người, danh tiếng của viên tư lệnh, cả quá khứ vàng son ấy, và ngay cả địa vị người bố trong gia đình vốn có truyền thống Nho học cũng nhạt nhòa trong quyền năng của đồng tiên mà cô con dâu thao túng.

          Một điều đau buồn của con người trong chiến tranh, tướng Thuấn sinh ra trong một gia đình Nho giáo, nhưng bất hạnh thay, khi ông chào đời được ít ngày thì mẹ ông mất. Sống với bà mẹ kế khắc nghiệt với nhiều cay đắng. Năm mười hai tuổi, ông trốn nhà ra đi rồi vào bộ đội, ít khi về nhà. Ngay cả khi lấy vợ trong cuộc hôn nhân không do tình yêu nhưng vẫn đầy trách nhiệm, rồi sinh con, rồi tiếp tục biền biệt trong súng đạn chiến tranh. Hạnh phúc riêng tư ngắn ngủi trong những lần thỉnh thoảng ghé về nhà, hay những lá thư đều rất ngắn ngủi. Nhưng dưới dòng chữ ấy “ẩn chứa nhiều tình thương cùng âu lo”. Việc lớn đã xong trở về vun quén hạnh phúc gia đình trong những ngày còn lại bên cạnh những người thân yêu. Song chính ngay tại ngôi nhà của ông đã xây dựng tám năm trước khi về hưu, ông đăm chiêu khi muốn ở một phòng dưới nhà ngang như người vợ lú lẫn của ông nhưng không được. Ông cũng đã bứt rứt khi cô con dâu sắp xếp cho người mẹ chồng ăn riêng, ở riêng vì “tại mẹ lẫn” của tuổi già. Người phụ nữ mà có lẽ suốt cả đời tần tảo lầm lũi chăm lo gia đình mà suốt đời chỉ là cái bóng nhạt nhẽo. Là vị tướng đầy quyền lực, chỉ huy ngoài mặt trận cả hàng ngàn, vạn người, nhưng chỉ trong gia đình bé nhỏ ấy với mấy người thì ông lại trở nên thụ động, lệ thuộc.

          Chỉ trong ba tháng từ ngày về hưu, một con người năng động trở nên thụ động, lầm lũi, có điều gì đó nghẹn khuất trong lòng tướng Thuấn và trở thành nỗi nhớ rồi là nỗi nhục. Sự cô đơn của tướng Thuấn chưa hẳn là nỗi buồn nhớ một cái gì đã thuộc về quá khứ, ông trở thành cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Viên tướng từng hỏi con trai khi mới về hưu: "Nghỉ rồi, cha làm gì?". Thuần khuyên bố viết hồi ký nhưng ông từ chối, còn Thuỷ gợi ý: "Cha nuôi vẹt xem" thì bị ông phản ứng ngay: "Kiếm tiền à?". Hình như đồng tiền không nằm trong suy nghĩ của ông. Nhưng oái oăm thay, đồng tiển đã là lẽ sống của xã hội. Chính vì thế ông không thể chấp nhận việc cô con dâu, một bác sĩ sản khoa hàng ngày đem các nhau thai nhi bỏ đi, cho vào phích đá đem về nấu lên cho chó, cho lợn ăn chóng lớn để bán lấy tiền. Ông đã nhìn thấy những mẫu thai nhi bé xíu, có cả những ngón tay nhỏ hồng hồng trong nồi cám. Đau đớn quá, ông đã bật khóc. Nước mắt của vị tướng về hưu, người đã từng chôn cất ba nghìn người lại bật khóc vì những sinh linh, những hình hài chưa kịp hoàn chỉnh của con người đã trở thành thực phẩm cho loài chó, lợn, và chính loài chó lợn ấy lại nuôi sống con người mang danh phận trí thức. Đúng là bi kịch. Ông đã thốt lên: “Khốn nạn ! Tao không cần sự giàu có này”. Không phải ông không cần tiền, nhưng kiếm tiền đến như thế thì đã là một tội ác. Sự lạnh lùng của nền kinh tế thị trường với thế lực đồng tiền thành tiêu chí đã tạo cho Thủy lạnh lùng đến kinh tởm. Cô bảo ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát?”. Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng ngôn ngữ đặc quánh để diễn tả thái độ, hành động, suy nghĩ của con người, của sự đen tối, của giá trị đồng tiền. Chả trách khi người vợ ông chết, ông Bổng cạy miệng bà vợ ông cho vào chín đồng tiền chinh Khải Định “để đi đò” làm đứa cháu gái mười hai tuổi ngây ngô nói lên những lời đầy triết lý đau xót: “Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố?… Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần”.

          Thế giới con người trong bi kịch của Nguyễn Huy Thiệp còn là những toan tính nhỏ nhen ích kỷ của nếp sống thực dụng. Một lối sống phi đạo đức, thiếu nhân tính đã len vào tâm hồn sơ cứng của một bộ phận người mà vẫn tồn tại, thậm chí còn có thế lực trong gia đình. Ngay cả vấn đề tình yêu, hôn nhân. Tướng Thuần đã hụt hẳng biết bao trong ngày cưới của Kim Chi với đứa cháu lưu manh của ông. Cái diễn văn chuẩn bị công phu trong ngày lễ trọng đại của đời người hóa nên thừa thải, lạc lõng giữa cái bát nháo, ô hợp rất thản nhiên, rất đời của bọn du thủ du thực. Những bài hát tây ta lộn xộn như một mở hổ lốn. Cô cháu dâu là một cô giáo mầm non, con gái ông vụ phó lại sinh sau đám cưới mười ngày. Cô con dâu là bác sĩ sản khoa đã nhận định “Chuyện ấy là chuyện thường. Bây giờ làm gì còn có trinh nữ. Con làm ở bệnh viện sản con biết”. “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng” của cụ Tố Như xem ra không có giá trị với thì hiện tại. Con người sống bằng bản năng, bằng sự thõa mãn dục vọng, xem thường giá trị đạo lý. Người ta quan hệ rồi lại từ chối trách nhiệm, lại phá thai, lại quan hệ… cái vòng lẫn quẫn ấy đã cung cấp nguồn dinh dưỡng cho chó, lợn… Đó có cũng là bi kịch con người.

          Cái khéo léo của nhà văn là đặt bi kịch trong hài kịch, cái hài trong cái bi. Nói như cụ Tố Như thì “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, viên tướng đã cay đắng thốt lên: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục”, thì cô con dâu đã khẳng khái trả lời: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả. Thôi ăn đi. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy. Ăn là trên hết”. Cái “tâm”, một khái niệm đạo đức được biến thành lương thực thực phẩm. Nói đến cái tâm thì lại bị xem là nói năng điên khùng thì quả buồn cười thật, là bi kịch mất rồi. Ngay cả chủ nghĩa bình quân của viên tướng khi cho mỗi người bốn mét vải mà theo ông là lẽ sống thì cô con dâu đã khéo đùa: “Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại”. Hay trong lời than khóc của ông Bổng, một con người tán tận lương tâm không đáng được gọi là người: “Bao giờ tôi chết, đô tùy của tôi troàn dân cờ bạc, cỗ không thịt lợn mà là thịt chó”. Vậy thì cái đám tang ấy trở thành đám nhậu đúng nghĩa. Ngay cả trong đám tang, ông Bổng cũng đã lừa lấy thắng cháu bốn nghìn đồng mà còn được cô cháu dâu nhận xét: “Thôi, coi như trả công. Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Có điều gì đó đảo lộn mọi giá trị luân lý. Tính bi hài kịch của tác phẩm cò thể hiện ở ngay lời nói nhận xét củ bà lào lú lẫn. Ông Bổng một con người mà xã hội xa lánh bởi bản chất lưu manh, lỗ mãng, phi nhân bất nghĩa và chỉ duy có người chị dâu trong lúc sắp chết bảo ông Bổng “là người” đã khiến ông xúc động khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân (con ông Bổng) gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”.

          Có một điều khá thú vị, khi nhà văn để cho cậu Khổng mà trẻ con thường gọi là Khổng Tử công tác tại xí nghiệp nước mắm mà lại thích làm thơ gởi báo Văn nghệ. Và khôi hài hơn nữa là cũng đã làm rung động trái tim người đàn bà sắt đá, lạnh lùng. Họ cứ “rúc rích với nhau” ngay trong căn nhà, trước sự khó chịu của viên tướng, ông Cơ, và người chồng nhu nhược. May mà bi kịch không diễn ra mà chỉ mới là lớp hài kịch buông màn khá nhanh khi cô con dâu phát hiện cậu Khổng suýt làm điều xằng bậy với đứa con gái mười bốn tuổi của cô. Nhân vật Thủy cũng là một bi kịch nội tâm. Trong bên ngoài vẻ lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy thế mà cũng rung động trước cậu Khổng. Phải chăng cô vẫn có cái khao khát, lãng mạn bị chìm khuất trong đồng tiền. Hay là Thủy dự định vào cuộc phiêu lưu mới mà con người là một trò đùa như Thuần đã nói: “Cuộc đời còn nhiều trò đùa lắm”. Khổ nỗi người ta cũng có thể đem hạnh phúc làm trò đùa thì thật quá đáng.

          Nhưng màn hài kịch cười ra nước mắt chính là việc lão Bổng phát hiện cái chum trong đáy ao khiến cho cả nhà hì hục đào bới be bét bùn đất, cứ ngỡ là chum vàng để rồi cuối cùng mới nhận ra đó là cái chum mà lão Bổng cùng Trùm Nhân đã ăn trộm nhà Hàn Tín, bị đuổi, vứt xuống ao từ đời nào, khiến cho cả nhà lại một phen cười nôn ruột. Không có vàng thì có tiền chinh. Lão Bổng đùa mai mỉa: “Không sao, bây giờ cả làng này chết tao cũng đủ tiền đi đò nhét vào miệng họ”. Đúng là nếp sống thực dụng ăn sâu vào xương tủy, “lành làm gáo, vỡ làm mui”, chẳng bỏ sót điều gì.

          Đem chủ nghĩa bình quân, mọi người cùng làm, mọi người cùng hưởng ở chiến trường về áp dụng trong gia đình đã gặp trở ngại. Tướng Thuấn là người độ lượng và nhân hậu. Ngay khi trở về ông chia cho mọi người bốn mét vải lính. Cả hai người giúp việc cũng được phần như mọi người. Bình quân “Đấy là lẽ sống” của ông. Thậm chí khi thấy ông Cơ và cô Lài, những con người chân chất đáng thương kia phải làm lụng vất vả trong ngôi nhà, ông đã toan phụ giúp nhưng cô con dâu không đồng ý. Sự phân định đẳng cấp xã hội, đồng tiền định vị chủ - tớ rạch ròi. Và cũng chính ông đã tự nhận khi nói với cô Lài “Con ơi, con không hiểu rằng cả tin chính là sức mạnh để sống hả con?”. Nhưng ý tưởng đẹp đẽ về sự công bằng ấy đã bị cô con dâu biến thành trò cười cho mọi người “Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại”. Lời cảnh tĩnh nhẹ nhàng mà thâm thúy. Cái cuộc sống vốn đa dạng đa diện, đầy những mâu thuẫn của cuộc đời, của nền kinh tế thị trường khi giá trị đồng tiền làm thước đo cuộc sống. Chính cô con dâu làm bác sĩ ấy đã mỗi ngày lấy nhau thai về cho heo và chó becgie ăn chóng lớn để kinh doanh. Điều đó năm ngoài suy nghĩ của Tướng Thuấn. Tuy trong đời ông đã từng chôn cất ba nghìn người. Nhưng đó là những con người chết cho lý tưởng. Ông từng chia đều vải lính cho cả nhà, muốn dọn xuống nhà ngang ở với bà vợ già mất trí nhớ, cho tiền cha con ông Cơ về Thanh Hoá xây mộ, cho ông cơ nửa lạng cao, cô Lài mảnh lụa hoa của Ấn Độ mà ông vụ phó tặng cho ông. Đó là sự đồng cảm với những người lao động lam lũ, vất vả. Chỗ dựa gần gũi nhất với ông trong gia đình là ông Cơ và cô Lài. Nhưng họ chỉ là những người làm công, những người nghèo khổ đáng thương.

          Đọc Tướng về hưu, Đặng Anh Đào đánh giá: “Tử và sinh, tình yêu và cái chết, đám cưới và đám ma… Một truyện ngắn mà đã dựng lại cả sơ đồ của tiểu thuyết và truyện kể từ khi ra đời. Chuyện nuôi chó và nuôi vẹt, vấn đề “trinh nữ” trong xã hội này, thế nào là đạo đức và bóc lột, một cô gái dở hơi, những lá thư “giới thiệu”, trí thức hay lao động chân tay, cuộc sống làng xã hay sự cô đơn… Tất cả những chuyện đó đều là những chuyện nhỏ nhặt, không phải là phổ biến, nhiều khi rất độc đáo (cả những cái đít chum, cả thuốc lá galăng nữa) nhưng đều là những tín hiệu thức tỉnh sự chú ý của người đọc. Chúng nhấp nháy báo hiệu một điều gì đó, khi từ miệng một đứa trẻ thốt ra cái câu: “Có phải ngậm miệng ăn tiền không hở bố?” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.24).

          W. Shakespeare trong vở kịch Hamlet đã đưa ra khái niệm triết học “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại). Viên tướng tồn tại trong ngôi nhà chính mình mà như cái bóng. Bởi lẽ mọi việc đều theo sự sắp đặt của cô con dâu. Ngay cả người chồng cũng chỉ là con người nhu nhược phụ thuộc vào vợ. như viên tướng đã nhận định về con trai độc nhất của mình: “Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình”. Bản chất con người trí thức ấy bị lệ thuộc, nhất nhất mọi việc đều phải hỏi ý kiến vợ. Ngay cả đám tang mẹ anh, anh cũng không dám quyết định đến nỗi con người lưu manh táo tợn như ông Bổng cũng phải thốt lên: “khác máu tanh lòng”. Thế nhưng tướng Thuấn làm được điều gì trong ngôi nhà ấy. Ông có thật sự tồn tại hay không? Có mà như không có. Suốt thời gian ấy, ông cứ như tù túng trong ngôi nhà chính mình. "Cha tôi sụp hẳn đi từ khi về hưu. Hôm nay cầm thư, thấy ông nhanh nhẹn và trẻ trung hẳn". Thế giới của tướng Thuấn là thế giới của chiến tranh, của quá khứ đã lùi xa Để thoát khỏi nỗi cô đơn "Sao tôi cứ như lạc loài", ông háo hức trở lại đơn vị cũ. Và đâu biết rằng đó cũng là định mệnh. Và ông hy sinh trên đường lên chốt biên giới. Sự ra đi của tướng Thuấn mang nét bi tráng của người anh hung, cái chết đến với ông đã được dư báo trước, và nó dường như là điều tất yếu sẽ xảy ra với những người trung thực nhưng lại tụt hậu với thời cuộc. Nói như lão Bổng: “Mỗi lính tráng các anh, “dòm” phát là sướng”, hay “Thế là sướng, “đòm” phát là xong”. Cái chết nhẹ tựa lông hồng, mới sống đó rồi ra đi đó. Nguyễn Huy Thiệp đưa ra khái niệm chết “sướng” cũng là một nét độc đáo.

          Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm, miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người ta, nó đòi hỏi trí tưởng tượng, đòi hỏi con người phải bứt phá” (Nguyễn Thị Minh Thái). Sự bứt phá của nhà văn ở điểm nhìn thấy được những hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tha hóa một tầng lớp xả hội cuốn theo đồng tiền. Nguyễn Huy Thiệp đã tìm thấy những cái hữu hình lẫn vô hình, cái mâu thuẫn giữa chân giá trị và cái giả dối cứ đan xen nhau, nếu không có đôi mắt tinh tường khó phân biệt chân giả. Ngay cả ông Bổng cũng có lúc khóc như một đứa trẻ khi được coi “là người”, cái con người đã bị lãng quên từ lâu bởi những toan tính thấp hèn, bởi sự táng tận lương tâm, nhưng cũng có lúc ông nghĩ đến huyết thống học hàng: “Quân trí thức khốn nạn ! Rẻ dân lao động ! Nể bố nó, không tôi cạch cửa!”.

          Bi kịch trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vừa xót xa, vừa ngậm ngùi, vừa bùng cháy dữ dội. Những truyện ngắn Chảy đi sông ơi! Với cái chết của Thắm: “Khốn nạn ! Nhà Thắm cứu được không biết bao nhiêu người ở khúc sông này… Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không ai cứu…”. Hay trong truyện ngắn Cún: “Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông chỉ có độc nhất một khát vọng thành người thế mà không được…”. Những tác phẩm Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Con gái thủy thần… tạo được tiếng vang trong những cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Nói như Vương Chí Nhàn: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng” (hay là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hàng năm, thì trong những năm 1987 và nửa đầu năm 1988 – người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp”.

3. Nghệ thuật trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp

          Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Mỗi nhà văn sáng tạo ngôn từ để trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng, tính cách riêng. Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng những câu chữ gãy gọn, súc tích, đa phần là câu đơn với giọng kể chắt lọc. Hầu như nhà văn ít sử dụng đối thoại nên giọng kể đôi lúc trở nên khô cứng nhưng vẫn đủ uy lực để khắc sâu trong tâm trí người đọc về những nhân vật, về những số phận bi kịch cá nhân con người. Hơi thở văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có chút gì bất cần, có chút gì kiêu bạc lẫn tàn nhẫn và đắng cay. Có những cái uyên bác trong sự dung tục, cái nhẹ nhàng mềm mại trong cái lạnh lùng, hằn học, chua chát. Tính đa âm, đa sắc trong ngôn ngữ truyện phản ánh tích cách mạnh mẽ đa diện của hiện thực cuộc sống. Và mỗi truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp như muốn tự phác họa những bản chất tiềm ẩn trong con người, mỗi tác phẩm đã trở thành bức chân dung tự họa.

III. KẾT LUẬN

          Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa thân phận con người trong xã hội sau chiến tranh, khi mà những giá trị chuẩn mực đạo lý đã thay đổi theo sức mạnh của nền kinh tế thị trường. Chính vì thế, nhà nghiên cứu văn học người Australia Greg Lockhart đã khẳng định "Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp cho văn học thế giới không chỉ về số phận riêng lẻ của một con người, mà của cả dân tộc, rộng ra, của cả thế giới”.

Tướng về hưu là đỉnh cao tạo nên thế đứng vững vàng cho Nguyễn Huy Thiệp trong thế giới văn chương.

Nguyễn Văn Thành

Tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Văn Kha, Con người cá nhân trong truyện Việt Nam từ 1975 đến 1990, nguồn google
  • Vương Chí Nhàn – Nguyễn Huy Thiệp, nguồn google,com
  • Phạm Phú Phong, Giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp, tạp chí Sông Hương, 2008.
  • Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Huy Thiệp:Tôi sống ảo, sống trong mộng mị”, Vietnamnet, 20/7/2007.
  • Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2001.
  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...