CẢM NHẬN BÀI THƠ SANG THU – HỮU THỈNH

21/02/2020

Cũng như mùa xuân, mùa thu đã trở thành đề tài muôn thuở của thi ca Việt Nam. Có rất nhiều nhà thơ viết về mùa thu Việt Nam và mỗi người đều có một cảm nhận riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Với Nguyễn Khuyến mùa thu là bầu trời thu xanh ngắt, ngõ trúc quanh co… Với Xuân Diệu mùa thu là dáng liễu buồn, là màu áo mơ phai… Với Lưu Trọng Lư mùa thu là “Con nai vàng ngơ ngác/đạp trên lá vàng khô”. Và Hữu Thỉnh, một nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ đã góp vào tuyển tập những bài thơ thu Việt Nam một ấn tượng mới mẻ về mùa thu qua bài thơ “Sang thu”. Bài thơ đã đem lại cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng trước sự biến chuyển nhẹ nhàng của đất trời lúc giao mùa hạ - thu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ qua sự cảm nhận tinh tế của tác giả. 

cam-nhan-bai-tho-sang-thu-huu-thinh

Bài thơ chỉ có 12 câu thơ năm chữ nhưng đã miêu tả một cách tinh tế sự biến chuyển nhẹ nhàng, giao cảm của đất trời lúc giao mùa hạ thu. Nếu như trong thơ của Xuân Diệu, tín hiệu bắt đầu là màu sắc “mơ phai” của lá vàng:

“Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.”

Thì tín hiệu bắt đầu mùa thu trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh lại là hương ổi chín trong làn gió se se lạnh:

“Bỗng nhận ra hương ổi 

Phả vào trong gió se”

Sự biến đổi của đất trời lúc sang thu được nhà thơ phát hiện ra nhờ tín hiệu của sự chuyển mùa là làn gió se nhè nhẹ mang theo hương ổi chín lan vào không gian, một mùi hương đặc biệt của mùa thu ở nông thôn Việt Nam. Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc một cảm giác bất ngờ ngay dòng thơ đầu tiên. “Bỗng” là bất chợt có pha chút ngỡ ngàng. Một mùi hương vốn dĩ quen thuộc mà có lúc nào đó bị bỏ quên đã bắt đầu trở về khi chớm sang thu để người đọc có cảm giác tưởng lạ mà quen. Hương vị thân thuộc của làng quê. 

Từ “phả” có nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, nhà thơ không tả mà chỉ gợi cho người đọc sự liên tưởng về màu vàng và hương thơm lừng tỏa ra từ những trái ổi chín nơi vườn quê Bắc Bộ. Làn gió se, nhẹ, khô và hơi lạnh của mùa thu càng làm cho hương ổi thêm nồng nàn. Mùi hương ổi chín vốn quen thuộc với người Việt nam nhưng lại xa lạ với thơ ca đã được tác giả đưa vào thơ hết sức tự nhiên. Và cũng từ đây một loạt hình ảnh quen mà lạ đã xuất hiện trong bài thơ để tạo nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ, trong sáng kì lạ. Sự kết hợp hài hòa giữa “động” và “tĩnh”, “mạnh” và “nhẹ” tạo cho câu thơ nhiều cung bậc như cảm xúc của nhà thơ lúc giao mùa.

Sau làn gió se lạnh mang theo hương ổi chín là làn sương mỏng giăng mắc, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.” 

Hai chữ “chùng chình” đã diễn tả rất nên thơ bước đi chầm chậm khi trở về của mùa thu. Và rõ ràng sự có mặt của hương ổi chín và làn sương mỏng đã khiến tác giả ngỡ ngàng, bâng khuâng khi nhận ra mùa thu đã về. Nếu như từ “bỗng” bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên của tác giả khi mùa thu về thì từ “hình như” lại thể hiện sự phỏng đoán một cách mơ hồ của tác giả. Và để cảm nhận được bức tranh đẹp đẽ đó, tác giả đã huy động tất cả các giác quan và cả sự rung động tinh tế của mình.

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã.”

Nét độc đáo của bài thơ sự chuyển đổi tầm nhìn từ trong vườn ra ngoài ngõ rồi mở rộng ra không gian bao la bên ngoài với sông với bầu trời bao la và khép lại sự nghiền ngẫm giá trị sống trong cõi đời. Tất cả các sự vật được tác giả lựa chọn để miêu tả cảnh đất trời sang thu đều ở trạng thái ngập ngừng. Dòng sông dường như cố ý trôi một cách chậm chạp, thanh thản, nhẹ nhàng gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh mùa thu. Những cánh chim đã bắt đầu vội vã bởi vì mùa thu đã về, nó phải gấp gáp làm tổ, tha mồi chuẩn bị cho mùa đông rét mướt hoặc bay về phương Nam tránh rét. Hai tốc độ trái chiều nhau giữa chậm và nhanh của hai hình ảnh trên là quy luật tự nhiên không đồng đều ở thời điểm giao thoa của muôn loài, muôn vật những đồng thời cũng diễn tả tâm trạng con người trước đổi thay của cuộc sống.

Nét chấm phá độc đáo trong bức tranh thơ gợi nhiều suy tưởng cho người đọc có lẽ ở hai câu thơ sau: 

“Có đám mây mùa hạ 

Vắt nửa mình sang thu.” 

Mùa hạ, mùa thu là hai đầu bến và đám mây là nhịp cầu ô thước vắt qua. Nhịp cầu duyên dáng nối hai bờ thời gian. Đây là một hình ảnh thơ đầy sáng tạo và thú vị của Hữu Thỉnh. Nhà thơ đã lấy không gian để miêu tả thời gian. Do đó câu thơ diễn tả cảm giác lúc giao mùa tinh tế, sống động hơn và  hình ảnh hơn. Ẩn sau hình ảnh thơ ấy, nếu tinh tế người đọc sẽ cảm nhận một thoáng bâng khuâng trong tâm trạng nhà thơ. Âm điệu hai câu thơ có phần trầm lắng trong cảm xúc nhè nhẹ mà sâu lắng. Bài thơ viết năm 1977, hai năm sau chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Là một người lính trở về cuộc sống đời thường, cảm nhận giây phút chuyển mùa ấy, có thể bất giác Hữu Thỉnh nghĩ về những đồng đội của mình đã an nghỉ mãi mãi giữa tuổi thanh xuân mang theo cả những ước mơ khát vọng cháy bỏng “đám mây mùa hạ” cống hiến cho quê hương, Tổ quốc. Có chút gì đó nuối tiếc, có chút gì đó vấn vương, hồi tưởng như đám mây hạ nhè nhẹ trôi qua bầu trời rồi ngập ngừng nên câu thơ “vắt nửa mình sang thu” không chỉ miêu tả hình ảnh thiên nhiên vào thu mà còn lắng đọng lòng người nỗi ưu tư, trăn trở.

Nắng, mưa, sấm, chớp là những hiện tượng thiên nhiên cũng được nhà thơ nhắc đến trong thời điểm giao mùa này. 

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ 

Trên hàng cây đứng tuổi.” 

Mùa thu đến nhưng mùa hạ chưa đi nên vẫn còn bao nhiêu nắng. Cái nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng cũng đã bắt đầu nhạt dần. Và trong thời điểm giao mùa này, những cơn mưa rào mùa hạ thường hay ào ạt, bất ngờ cũng vơi dần đi. Theo đó, những tiếng sấm bất ngờ thường gắn với cơn mưa mùa hạ cũng ít đi và nó không còn làm cho những hàng cây xanh cổ thụ giật mình nữa. Những thi liệu như "nắng, sấm, mưa" là những hình ảnh đặc trưng của mùa hạ nhưng độ gay gắt của mùa hạ đang chuyển hóa thành dịu êm. Đây là dấu hiệu của mùa thu và sự phân hóa giữa hai bờ ranh giới hạ - thu cũng thật là mong manh. Người ta chỉ có thể xác định được bằng sự nhạy cảm của giác quan. Làm sao có thể đong đếm đầy vơi, nhiều ít, mau thưa? Người ta chỉ có thể ước lượng trong hồn mình mà thôi.  

Âm điệu khổ thơ trở nên trầm lắng suy tư. Có “đầy” thì có “vơi”, có “còn” thì có “hết”, có “nắng” thì có “mưa”. Đó là quy luật của tự nhiên, của cuộc đời. Chính vì thế con người phải tiếp nhận một cách an nhiên. Trong hai câu cuối của bài thơ, hình ảnh hàng cây đứng tuổi giống như một chứng nhân đang quan sát và lắng nghe sự chuyển mình của vạn vật xung quanh nó và hình ảnh này cũng là những suy ngẫm mà tác giả muốn gởi gắm trong bài thơ. Tiếng sấm chính là những vang động bất thường của ngoại cảnh, hàng cây đứng tuổi là hình ảnh những người đã từng trải. Khi con người đã từng trải, đã đi qua mùa going bão thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Có đặt hai câu thơ trong hoàn cảnh đất nước ta những năm đầy khó khăn thử thách thì mới thấy hết được ý nghĩa của hai câu kết. Nó khẳng định bản lĩnh cứng cỏi sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. 

Tóm lại, bằng các hình ảnh giàu sức biểu cảm và sự cảm nhận tinh tế, bài thơ "Sang thu" đã miêu tả thành công sự biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt của đất trời lúc cuối hạ sang đầu thu và qua hình ảnh thiên nhiên nhà thơ đã gửi gắm những suy ngẫm của mình về cuộc đời. Bài thơ "Sang thu" đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước quê hương trong tiết trời thu và khiến cho ta thêm yêu quý đất trời quê hương mình. 

Thạc sĩ Hồ Thị Giáng Thu

(Giáo viên trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú)

  • (Có 118 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...