Cảm thụ tác phẩm văn học

29/10/2019

cam-thu-tac-pham-van-hoc

I. KHÁI NIỆM

Văn học là bộ môn nghệ thuật nhằm phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống xã hội và con người nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mỹ vô cùng phong phú, đa dạng đồng thời hướng tâm hồn con người đến với giá trị chân – thiện – mỹ. Thông qua bức tranh hiện thực đó, các nhà văn, nhà thơ luôn gởi gắm tình cảm, tư tưởng và thái độ của mình trước hiện thực cuộc sống. Tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu. Chính vì thế, văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Những ngôn từ tồn tại trong hiện thực cuộc sống được chắt lọc, gọt dũa để trở thành hình tượng nghệ thuật.

Từ cơ sở lý luận trên khi phân tích một tác phẩm văn học cần lưu ý hai vấn đề sau đây:

- Nội dung: là toàn bộ bức tranh xã hội được tái hiện như thế nào trong tác phẩm, cách nhìn cách đánh giá vấn đề, tâm tư tình cảm của tác giả muốn gởi gắm qua tác phẩm.

-Nghệ thuật: thể loại, bố cục, bút pháp, cách xây dựng hình tượng, cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu…

II. CẢM THỤ NỘI DUNG TÁC PHẨM

1. Vấn đề hiện thực xã hội

Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, ghi lại biết bao cảnh đời, sự việc, con người, xã hội… cung cấp cho ta một kho hiểu biết rất lớn về cuộc sống con người. Bức tranh sinh động của hiện thực cuộc sống cung cấp đề tài để nhà văn tái hiện trong cuộc sống qua tác phẩm văn học để thông tin thẩm mỹ đến người đọc. Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động mà có chọn lọc thật kỹ qua lăng kính của nhà nghệ sĩ. Đâu phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nguyễn Du trong biết bao tác phẩm đồ sộ của Trung Quốc lại chọn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác phẩm không một tiếng vang của nhà văn xếp vào loại xoàng xĩnh, để tái tạo và chuyển sang thơ đầy sáng tạo và trở thành một kiệt tác văn học, vì chính  trong tác phẩm ấy, nhà thơ đã bắt gặp một hiện thực xã hội Việt Nam đương thời biết bao bất công oan trái đã vùi dập thân phận người dân lương thiện xuống vũng lầy cuộc đời nghiệt ngã. Không chỉ thế, nhà thơ còn bắt gặp sự đồng cảm sâu sắc đối với nhân vật Thúy Kiều. Cuộc đời Kiều với cuộc đời nhà thơ có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nguyễn Du từ một gia đình quyền thế trong triều Lê- Trịnh rồi bỗng chốc tiêu tán trong cơn tao loạn phải trầm luân mười mấy năm trời (1786 – 1802) với biết bao bể dâu của cuộc đời bão nổi có khác gì thân phận nàng Kiều. Bức tranh hiện thực sinh động được tái hiện trong nét bút lãng mạn tài hoa của Huy Cận qua Đoàn thuyền đánh cá đã khắc tạc nên vẻ đẹp của con người mới làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội trong niềm lạc quan yêu đời. Đó là khí thế của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Phân tích được giá trị hiện thực của tác phẩm cần lưu ý nội dung phản ánh có chân thật hay không? Nội dung đó có đi vào cái cơ bản, bức thiết trong cuộc sống? Nhà văn đã xây dựng được hình tượng điển hình gì trong tác phẩm? Đó là điều cơ bản mà cần thể hiện trong bài văn phân tích. Ví dụ truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao là bức tranh thu nhỏ đời sống người nông dân, người trí thức tiểu tư sản ở nông thôn Việt Nam trong chế độ nửa thực dân phong kiến với biết bao mảng đời, biết bao số phận bi thương.

2. Vấn đề về nội dung tư tưởng

Như vậy khi phân tích tác phẩm, các em cần lưu ý khai thác bức tranh hiện thực xã hội được tái hiện trong tác phẩm và đồng thời phân tích, đánh giá cách nhìn, cách lí giải của tác giả trước hiện thực cuộc sống. Cũng chính vì thế, bên cạnh việc hiểu hoàn cảnh xã hội, cũng phải hiểu tiểu sử cuộc đời tác giả, hoàn cảnh sáng tác, tâm tình tác giả. Các nhà văn, nhà thơ đã gởi gấm những tình cảm, tư tưởng và thái độ của mình trên đầu ngọn bút để từng lời từng câu chữ thể hiện niềm vui nỗi buồn, băn khoăn ưu tư. Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa cho Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đã nhận xét: “Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái  bút lực ấy". Đó là một nỗi lòng, có khi cả "bút máu" trong hồn người viết mà làm sao khi cảm thụ một tác phẩm, người đọc có thể khóc được cho Tố Như; tự hào về Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi; cảm thông được cái cô độc lẻ loi của Bà Huyện Thanh Quan, nỗi lòng man mác sâu kín của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, hay tấm lòng  nhân nghĩa  hừng hực, khí thế của Nguyễn Đình Chiểu…

Mỗi ngôn từ là mỗi tiếng lòng, là nỗi niềm tâm sự sâu lắng thể hiện trong từng câu chữ của tác giả. Vì thế, nội dung tác phẩm văn học không chỉ miêu tả cuộc sống mà còn biểu hiện tư tưởng ở cách nhìn, cách nghĩ, lý tưởng của nhà văn trước những vấn đề của cuộc sống. Đó chính là nội dung tư tưởng của tác phẩm. Trong tác phẩm văn học hai nội dung tư tưởng chủ đạo của văn học chính là nội dung yêu nước và nhân đạo. Trong quá trình phân tích, hiểu được cuộc đời tác giả, quan niệm sống của nhà văn, tìm hiểu qua ngôn từ ấy một tấm lòng, một nhân cách của nhà văn có tấm lòng yêu nước nồng nàn, luôn quan tâm đến số phận con người, đấu tranh chống cái xấu xa thấp hèn, thể hiện tâm hồn rộng mở trước thiên nhiên, con người, cuộc sống.

III. VẤN ĐỀ CẢM THỤ NGHỆ THUẬT

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Cái thế giới hiện thực sinh động của cuộc sống, tấm lòng yêu thương con người cuồn cuộn chảy trong mạch sống của thi nhân phải được chắt chiu, dồn nén trên từng câu chữ, được thể hiện qua các phương diện nghệ thuật…

1. Giọng điệu của văn thơ

          Tạo nên giọng điệu của văn thơ, để thể hiện những cung bậc tình cảm không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ mà còn là dấu câu, cách ngắt nhịp, vần điệu. Khi tiếp xúc tác phẩm việc xác định giọng điệu không chỉ để đọc đúng mà còn hiểu đúng tác phẩm, hiểu đúng dụng ý diễn đạt của tác giả. Giọng thơ cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tính riêng về phong cách cá nhân của tác giả. Một ví dụ gần gũi để minh chứng: Giọng thơ của Hồ Xuân Hương mạnh mẽ, thơ Bà Huyện Thanh Quan trang nhã mà u uất nỗi buồn thương nơi thẳm đáy lòng. Giọng văn của Thạch Lam nhè nhẹ sâu lắng ngay cả trong bi kịch đời người, giọng văn của Nam Cao lúc duềnh dàng, lúc đột ngột, Nguyễn Tuân cô đọng. Đó là những phong cách không thể nhằm lẫn.

a. Dấu câu và cách ngắt nhịp: Trong phân tích tác phẩm việc lưu ý phân tích dấu câu và cách ngắt nhịp là một phương tiện để diễn đạt nội dung cần phải hết sức tinh tế. Nhiệm vụ chính của dấu câu là để tách ý , tách nghĩa song trong văn chương nó còn hàm ý sâu xa là tạo nên “ý tại ngôn ngoại” mà người đọc phải nghiền ngẫm mới nhận ra. Đọc những câu thơ giới thiệu Mã Giám Sinh, nếu tinh tế trong giọng điệu, các em sẽ nhận ra đằng sau những dấu câu ấy là dụng ý diễn đạt của thiên tài Nguyễn Du:

Hỏi tên, rằng: “ Mã Giám Sinh”,

Hỏi quê, rằng :” Huyện Lâm Thanh cũng gần.

Nhịp thơ 2/1/3 tạo giọng điệu câu thơ cộc lốc như bản chất tên vô lại họ Mã, còn nhịp thơ 2/1/5 không chỉ là sự cộc cằn thô lỗ mà nếu như tinh ý sẽ nhận ra bản chất gian dối của hắn. Năm thanh “huyện Lâm Thanh cũng gần” đi liền nhau không phải để khẳng định quê quán Mã Giám Sinh gần với nơi ở của gia đình Kiều mà chừng như khi nói đến đây, họ Mã đã cố nói lướt thật nhanh để cho gia đình Vương viên ngoại nghe không rõ. Song nghệ thuật lừa đảo của hắn ở chỗ nhấn mạnh hai từ “cũng gần” như cố tạo niềm tin đối với gia đình Kiều. Đúng là bản lĩnh tên buôn người giảo quyệt. Kỳ thực hắn không phải ở Lâm Thanh mà là “người viễn khách” ở tận Lâm Tri.

Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, làm sao chúng ta không khỏi day dứt khi đọc những câu văn: “… Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút … kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…”. Giọng điệu của câu văn sau nghe chua chát quá. Kiếp người như kiếp lão Hạc sung sướng ở chỗ nào? Lão sống thui thủi một mình trong căn nhà với con chó vàng, một kỷ vật mà con trai lão đã để lại trước khi bán mình cho đồn điền cao su ra đi biền biệt năm năm rồi không trở về. Dấu chấm lửng ở giữa câu là sự im lặng không lời, là những dấu lặng trong cung nhạc buồn của cuộc đời cay đắng xót xa, đọng lại trong lòng người đọc nỗi đau thân phận con người sao đắng cay đến thế! Cũng vì cái nghèo, không đủ tiền cưới vợ, anh con trai lão phẫn chí bỏ làng ra đi. Cái niềm an ủi mong manh còn lại của lão là con chó vàng , lão cũng không thể giữ được thì cuộc đời kia còn có nghĩa lý gì? Ngôn ngữ đặc biệt của dấu chấm lửng ấy là linh hồn của cả câu văn. Trong quá trình phân tích, nếu thiếu sót sẽ là một khiếm khuyết lớn.

b. Vần: Tiếng Việt rất giàu nhạc tính nên vần điệu cũng góp phần thể hiện nội dung. Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương thật khéo léo khi chọn vần “eo” như khơi gợi sự cảm nhận ngôi đền bé nhỏ, chông chênh dưới mắt nữ sĩ

“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.”

Đó còn là thái độ khinh miệt của bà đối với tên tướng bại trận. Hay khi đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, ba vần bằng “bình, mình, tình” đi liền nhau tạo cảm giác nhẹ nhàng êm ái mà thiết tha tình yêu quê hương đất nước trong mạch cảm xúc sâu lắng của nhà thơ.

“Câu Nam ai Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình.”

c. Ngữ điệu: Ngữ điệu của câu còn thể hiện ở cách sử dụng hài hòa ngữ âm qua các thanh bằng trắc.

· Thanh trắc: tạo âm hưởng câu thơ mạnh mẽ hoặc diễn tả tâm trạng day dứt, dằn xé. Ví dụ: Để nhấn mạnh vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tạo sự phối thanh rất độc đáo, đặc biệt là việc sử dụng ba thanh trắc đi liền nhau:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần”

Thơ lục bát vốn sử dụng nhiều thanh bằng nhưng trong câu thơ trên, chữ thứ hai lại là thanh trắc tạo giọng điệu câu thơ mạnh mẽ hơn để nhấn mạnh vẻ đẹp toàn mỹ từ dáng vẻ đến tâm hồn của nhân vật, tạo sự chú ý cho người đọc.

· Thanh bằng: tạo âm hưởng nhẹ nhàng êm ái du dương. Ví dụ:

“Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai Nam bình.”

(Thanh Hải)

Trong hai câu thơ với mười tiếng mà chỉ có một thanh trắc còn lại chín thanh bằng tạo giọng thơ nhẹ nhàng êm ái như câu hát du dương vang vọng trên dòng Hương giang phẳng lặng.

          Nói tóm lại, vấn đề đầu tiên trong phân tích nghệ thuật là các em cần lưu ý giọng điệu của câu văn để hiểu được dụng ý diễn đạt của tác giả.

2. Cách sử dụng từ ngữ

          Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Chính nhà văn đã lấy chất liệu ngôn từ ấy để tái hiện hiện thực xã hội, đồng thời thể hiện cách đánh giá, cảm xúc nhà thơ trước cuộc sống. Sau đây là mô hình chung về cách phân tích từ ngữ:

a. Nắm vững nghĩa của từ: nghĩa chung và nghĩa trong văn cảnh (nghĩa trong văn cảnh là nghĩa quan trọng nhất). Cần phải xác định được những từ ngữ cần phân tích để tránh trình trạng phân tích tràn lan. Ví dụ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ thật đặc sắc:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”

Tưởng” là nghĩ đến, nhớ đến. Nhưng nhớ mong hay suy nghĩ thì còn có thể gặp lại, còn “tưởng” là nghĩ đến, nhớ đến trong vô vọng, trong tuyệt vọng. Đó là những ngày tháng tẻ nhạt vô vị khi Kiều về lầu Ngưng Bích trong cảnh “bẽ bàng mây sớm đèn khuya”, nàng nghĩ đến mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn. Sắc thái đa nghĩa của từ “tưởng” còn thể hiện ở mối quan hệ trong tình yêu của Kim – Kiều. Kiều tự nhận thấy mình là người có tội đã bội ước với Kim Trọng nên từ “tưởng” còn thể hiện thái độ của kẻ dưới đối với người bề trên. Đó là thái độ trân trọng mà Kiều dành cho Kim Trọng. Song nếu như chỉ dừng lại ở đó là chưa hiểu hết ý thơ, “tưởng” còn là sự tưởng tượng. Vậy thì Kiều mường tượng cảnh hôm nào cả hai cùng dưới trăng thề nguyền “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, thế mà bây giờ trong đường trần ấy, cả hai không thể nào sánh bước bên nhau. Đó chính là bi kịch trong nội tâm của nàng Kiều.

         Một ví dụ khác để hiểu rõ hơn tính hàm súc của từ. Nguyễn Đình Chiểu trong bài thơ Xúc cảnh có viết: “Chúa xuân đâu hỡi có hay không?”. Từ “hay” là từ thật đặc sắc trong câu thơ. Từ “hay” trong nét nghĩa thứ nhất là động từ để chỉ “chúa xuân” có hay biết không. Song nếu tinh tế các em sẽ nhận ra nét đặc sắc ở chỗ từ “hay” còn là quan hệ từ để liên kết hai khái niệm “” và “không”. Có vua hay không có vua. Nếu có vua thì tại sao để đất nước rơi vào hoàn cảnh này. Lời thơ là lới ai oán cho than phận người dân mất nước, là lời trách móc vua quan nhà Nguyễn “nở để dân đen mắc nạn này”. Nhận thức được điều đó cũng còn là một quá trình rèn luyện.

         b. Qua ngữ nghĩa của từ, phân tích hình ảnh mà từ ngữ diễn đạt. Đôi khi những từ ngữ tưởng bình thường mà lại mang ý nghĩa hết sức sâu sắc. Hình ảnh “cái lò gạch” trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao lại mang giá trị biểu cảm rất lớn. Chí Phèo bị vứt trong cái lò gạch bỏ không từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh để rồi trong vòng quay khắc nghiệt của cuộc đời đã biến hắn từ người nông dân chân chất thành tên lưu manh, để rồi phải chọn cái chết thảm khốc trên đường tìm sự lương thiện. Ngay khi hắn còn giẫy giụa trong vũng máu, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng mình rồi đột nhiên hiện ra trong đầu thị “cái lò gạch” cũ bỏ không. Chi tiết đó có ý nghĩa độc đáo. Nếu như Thị Nở lỡ có con với Chí Phèo thì chắc chắn thị sẽ quẳng nó vào cái lò gạch cũ bỏ không và lại một đời thằng Chí Phèo con ra đời trong vòng lẩn quẩn không lối thoát. Điều mà nhà văn Nam Cao muốn diễn đạt đó là sự bế tắc không lối thoát của thân phận người nông dân trong xã hội nửa thực dân phong kiến.

Hình ảnh “cánh buồm xa xa”, “hoa trôi man mác”, “nội cỏ rầu rầu”, “gió cuốn mặt duềnh”, “ầm ầm tiếng sóng” là những hình ảnh gợi cảm giác sâu lắng về nỗi đau thân phận Thúy Kiều trên bước đường lưu lạc (Kiều ở lầu Ngưng Bích – Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du).

         c. Các từ láy: Hệ thống từ ngữ trong tiếng Việt rất phong phú và đa dạng, nhất là hệ thống từ láy không chỉ tượng hình, tượng thanh, gợi cảm mà khơi gợi cả những suy tư. Những từ láy “lom khom”, “lác đác” trong câu thơ:

         “Lom khom dưới núi tiều vài chú,

         Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”

                             (Bà Huyện Thanh Quan)

là những từ tượng hình, không chỉ tạo hình ảnh mà còn lắng đọng lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về con người và cuộc sống trong bức tranh thơ ấy. Cái bóng dáng co ro, lầm lũi, cô độc của người tiều phu như nhạt nhòa dần trong nhập nhoạng hoàng hôn, như dần dần chìm khuất vào vách núi. Lác đác vài ngôi nhà của vùng sơn cước heo hút khơi gợi, lắng đọng trong lòng người đọc về cuộc sống yếu ớt mong manh. Người lữ thứ đã buồn, mà cảnh vật lại cứ buồn hơn.

         d. Những từ ngữ diễn tả tâm trạng, những cảm giác, màu sắc: Khi phân tích cần lưu ý những loại từ ngữ này để hiểu hết nội dung diễn đạt. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là bức tranh sinh động, đầy màu sắc:

         “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

         Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

Sắc màu “bạc”, “vàng”, “hồng” là sắc màu nồng ấm để diễn tả cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong niềm vui của cuộc sống mới dâng trào.

Mỗi màu sắc có giá trị biểu trưng riêng (Ở mức độ tương đối, phụ thuộc vào văn cảnh). Sau đây là một số ví dụ:

· Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có câu: “Một bông hoa tím biếc” (Thanh Hải). Màu tím đặc trưng cho xứ Huế lãng mạn, trầm tư; màu tím biếc là sự son sắt thủy chung như tâm hồn người dân xứ Huế. Đâu phải ngẫu nhiên trong muôn sắc màu của mùa xuân, những cánh mai vàng rực rỡ cho mùa xuân huy hoàng, những cành đào đỏ thắm ấm nồng, thành đạt, Thanh Hải lại chọn màu tím trầm lắng ấy? Chính vì màu tím đó là màu tím của quê hương, là tình cảm thiết tha với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ Thanh Hải.

· “Liễu xanh hót cặp oanh vàng

Trời lam trắng điểm một hàng cò bay.

          (Tuyệt cú - Đỗ Phủ)

Giữa sắc màu xanh của liễu, điểm xuyến chút vàng của cặp chim oanh như nét chấm phá độc đáo thể hiện mùa xuân tươi tắn, tràn đầy sức sống của thiên nhiên. Trên nền trời màu xanh lam nhè nhẹ, những hàng cò trắng yên ả bay. Sự kết hợp hài hòa sắc màu lam và trắng tạo cảm giác yên bình, thanh thản trong tâm hồn.

3. Các phép tu từ: Ngôn ngữ văn học được chắt lọc từ ngôn ngữ đời thường, được trau chuốt qua các phép tu từ  để trở nên bóng bẩy, hàm súc, giàu sắc thái biểu cảm. Phân tích các phép tu từ  không phải là việc gọi tên các phép tu từ, mà là việc chỉ ra tác dụng trong miêu tả, dụng ý diễn đạt của tác giả.

Những phép tu từ thường gặp:

Phép tu từ

Nhận biết

Tác dụng

Ví dụ

So sánh

Đem đối chiếu sự vật, sự việc có nét tương đồng.

tạo hình ảnh sống động, gợi cảm.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa. (Huy Cận)

Nhân hóa

Gán cho các sự vật, sự việc những đặc điểm, tính cách của con người.

Tạo cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, gần gũi, giàu cảm xúc

Câu hát căng buồm cùng gió khơi (Huy Cận)

Ẩn dụ

Giấu đi sự vật miêu tả mà chỉ đưa ra hình ảnh so sánh

Tạo cách diễn đạt sâu sắc, ý nhị, giàu cảm xúc.

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ (Viễn Phương)

Hoán dụ

Thay sự vật này bằng sự vật khác có quan hệ gần gũi.

Tạo cho câu sinh động biểu cảm.

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân (Viễn Phương)

Điệp từ, điệp ngữ

Sử dụng nhiều lần một từ, một ngữ, câu, một cấu trúc ngữ pháp

Nhấn mạnh ý, tạo nhạc điệu cho thơ, tính hùng biện cho văn.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim.

(Phạm Tiến Duật )

Hình thức sóng đôi

Các cặp câu sóng đôi nhau

Tạo sự nhịp nhàng, hài hòa

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

(Thanh Hải)

Đối ngữ

Là hình thức sóng đôi mà trong đó các cặp câu cân xứng nhau

Tạo sự cân đối hài hòa

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ đàn chim dáo dác bay. (Nguyễn Đình Chiểu)

Liệt kê

Nêu ra nhiều sự vật sự việc theo quan hệ đẳng lập

Diễn tả đầy đủ những khía cạnh, biểu hiện cảm xúc, tạo ấn tượng,

Này chồng này mẹ này cha,

Này là em ruột, này là em dâu (Nguyễn Du)

Thậm xưng

Nói quá sự thật

Nhấn mạnh ý diễn đạt, tạo sự chú ý

Thuyền chở yên hà nặng vạy then. (Nguyễn Trãi)

Câu hỏi tu từ

Là câu hỏi nghệ thuật mà nội dung bao hàm ý trả lời

Xác nhận sự việc, tạo ấn tượng, kích thích trí tưởng tượng, khơi gợi sự suy tưởng

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

(Nguyễn Du)

Đổi trật tự cú pháp

Thay đổi trật tự thông thường của các thành phần trong câu, thành tố trong ngữ

Nhấn mạnh nội dung diễn đạt, tạo sắc thái tình cảm

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Bà Huyện Thanh Quan)

Điển cố, điển tích

Sử dụng các câu chữ trong tác phẩm văn học cổ hoặc mượn những chuyện xưa tích cũ để diễn đạt

Nâng cao khả năng diễn đạt ý tưởng, tạo tính hàm súc sâu sắc

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

(Nguyễn Du)

Tượng trưng

Là những hình ảnh có tính ước lệ, (thường xuất hiện trong văn học trung đại)

tạo hình tượng văn học, giàu cảm xúc

Mai cốt cách, tuyết tinh thần. (Nguyễn Du)

          Sau đây là một vài ví dụ minh họa về các phép tu từ

Ví dụ 1

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

          (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Một trái tim!” Vâng, một trái tim nồng nàn yêu nước của thế hệ trẻ đi vào cuộc chiến đấu chống Mỹ vĩ đại đã thêu dệt nên những thiên anh hùng ca tuyệt mỹ. Chính trái tim ấy đã đập cùng nhịp đập của thời đại. Một cách nói hoán dụ thật khéo léo tạo cho ý thơ sinh động, giàu cảm xúc. Trái tim của người lính “như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu) ấy đã khép lại bài thơ nhưng mở ra biết bao cảm xúc cho người đọc về một thời để nhớ, một thời không thể nào quên.

Ví dụ 2

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

          (Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiểu)

Câu hỏi tu từ như đọng lại, sâu xoáy trong lòng người đọc nỗi đau nơi thẳm tâm hồn nhà thơ, một tấm lòng nồng nàn yêu nước thương dân nhưng bất lực trước hiện thực xã hội. Đồng thời câu hỏi tu từ còn là lời oán trách triều đình tạo âm hưởng câu thơ như lời kêu cứu trong tuyệt vọng.

Ví dụ 3:

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.”

          (Thu vịnh – Nguyễn Khuyến)

Hình ảnh “hoa năm ngoái” lấy từ ý thơ của Thôi Hộ (Trung quốc): “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm cũ còn cười gió đông) tạo cho câu thơ sâu sắc ý nhị. Nguyễn Khuyến đã nghiệm ra hoa nở ngoài giậu thu kia không phải là hoa của năm nay mà là hoa năm ngoái, của quá khứ xa xưa thưở nước nhà còn thanh bình, độc lập. Còn giờ thì trước cảnh nước mất nhà tan, hoa kia nở cũng trở nên vô nghĩa, lạc loài. Có nỗi đau khổ nào hơn thế không? Mượn điển tích xưa tạo ý thơ sâu sắc, lắng đọng trong lòng người đọc niềm đau của một nhân cách lớn, mốt tấm lòng yêu nước trong bất lực, trong quặn thắt nỗi đau đời.

4. Không gian, thời gian trong tác phẩm văn học

a. Không gian nghệ thuật

Không gian là nơi, địa điểm trong tác phẩm để nhà văn triển khai các sự kiện, các biến cố, là chỗ cho nhân vật hoạt động, thổ lộ tâm sự nỗi niềm. Khi phân tích tác phẩm các em cần lưu ý xem không gian trong tác phẩm có gì đặc biệt, có ý nghĩa gì, phản ánh điều gì sâu sắc về nội dung cũng như tâm tình tác giả.

Trong bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến là một không gian cô quạnh, vắng lặng, u buồn: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” là một làng quê bé nhỏ, cô tịch trong tâm sự nỗi niềm cô đơn bất lực của nhà thơ. Không chọn một mặt hồ lung linh sắc biếc của mây trời, không chọn một dòng sông dài cuồn cuộn chảy, Nguyễn Khuyến chọn chiếc ao bé nhỏ vắng lặng của nông thôn miền bắc để gởi gắm tâm sự nỗi niềm sâu kín mà đó cũng còn là tâm hồn dung dị của nhà thơ. Trong u uẩn nỗi đau đời, dưới mắt Bà Huyện Thanh Quan cảnh đèo Ngang hùng vĩ, hiểm trở kia bỗng trở nên bé nhỏ, chật chội: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Cây cỏ hoa lá chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp chất chứa biết bao ưu tư dằn xé. Hay trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, những từ ngữ chỉ không gian  “xa - gần, nọ – kia”cứ đan xen vào nhau không tô vẽ nên cảnh đẹp mà khắc họa nỗi lòng ngổn ngan, rối bời trăm mối tơ vò của Thúy Kiều.

“… Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.”

“… Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. “

                              (Nguyễn Du)

Một không gian rộng mở, khoáng đạt trong Cửa biển Bạch Đằng của Nguyễn Trãi: “Biển rung gió bấc thế bừng bừng” để diễn tả dòng sông đầy kiêu hãnh, ngang tầm lịch sử.

Không gian trong thơ Huy Cận trước 1945 là khoảng mênh mông, cô quạnh, là nơi chồng chất tầng lớp nỗi buồn:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

                              (Tràng giang)

Cách mạng Tháng tám tạo cuộc tái sinh mầu nhiệm để nhà thơ sáng m          ắt sáng lòng, sáng cả hồn thơ. Vẫn tầm thước bao la của vũ trụ, vẫn biển cả mênh mông nhưng tâm thế con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản than, làm chủ cuộc đời đã thay đổi sắc màu không gian:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

          (Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

Không gian nghệ thuật ẩn chức nhiều dụng ý nghệ thuật của tác giả. Những nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao) hay chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) tồn tại trong túp lều nhỏ ở rìa làng hay cái lò gạch cũ bỏ hoang. Cái không gian ấy như ngầm ám chỉ những con người, những số phận bị gạt ra ngoài lề cuộc sống, những thân phận bị bỏ rơi, khơi gợi cho người đọc niềm cảm thương sâu sắc về nỗi đau than phận con người.

Không gian nghệ thuật trong Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long là đỉnh núi Yên Sơn chon von vòi vọi bốn bề mây mù lạnh lẽo mà vẫn nồng cháy tình yêu thiết tha cuộc sống của những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo (anh thanh niên, nhà nghiên cứu bản đồ sét, anh kỹ sư vườn rau..). Không gian khắc nghiệt ấy lại là thử thách, là thước đo nhân phẩm con người.

b. Thời gian nghệ thuật

Gắn với không gian nghệ thuật là thời gian nghệ thuật. Thời gian trong tác phẩm văn học cũng là những quy ước có tính tương đối. Đó có thể là một khoảnh khắc, một buổi, một ngày, mà cũng có thể là vô tận. Thời gian trong tác phẩm văn học có thể là hiện tại, quá khứ, mà cũng thể là tương lai. Phân tích tác phẩm cần lưu ý tính tượng trưng trong thời gian nghệ thuật.

-Buổi sáng: thể hiện sức sống đang lên, sự rạng rỡ, tương lai tươi sáng. Ví dụ: “Mặt trời đội biển nhô màu mới.” (Huy Cận)

-Buổi chiều: tượng trưng cho sự tàn lụi, kết thúc, héo hắt. Chính thời khắc của ngày tàn đó dễ khơi gợi trong lòng người nỗi buồn man mác. Nguyễn Du đã khéo léo chọn thời khắc của ngày tàn để diễn tả nỗi cô đơn, lạc loài của Thúy Kiều khi về lầu Ngưng Bích: “Buồn trông cửa bể chiều hôm”.

-Buổi tối: thể hiện sự cô đơn, trống vắng, trằn trọc, ưu tư. Ví dụ:

+ “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.”

          (Thu ẩm - Nguyễn Khuyến)

+ “Não nùng rung gối khách;

Thánh thoát mấy canh dư.”

          (Thính vũ – Nguyễn Trãi)

-Mùa xuân: tương trưng cho tuổi trẻ, sức sống, niềm tin xán lạn.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.”

          (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

-Mùa hạ: thể hiện khát vọng cháy bỏng.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim.”

          (Từ ấy – Tố Hữu)

Ta nghe hè dậy bên lòng,

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!”

(Tố Hữu)

-Mùa thu: khơi gợi những cảm giác man mác sâu kín, lắng đọng những suy tư. Ví dụ ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.

-Mùa đông: thể hiện sự tàn lụi, héo hắt, cô quạnh.

Mây về ngàn Hống đen như mực,

Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng.”

          (Vịnh mùa đông – Nguyễn Công Trứ)

5. Nhân vật trong tác phẩm văn học

Đã là tác phẩm văn học phải có nhân vật. Nhân vật có thể là người, vật, đồ vật. Nhưng nói thế nào đi nữa thì vẫn là vấn đề con người và số phận con người trong cuộc sống. Nhân vật trong văn xuôi (tự sự) là những con người cụ thể, được tác giả hóa thân nên mọi hành động, suy nghĩ của nhân vật là cách nhìn, cách lý giải về cuộc sống của tác giả. Nhân vật trong thơ trữ tình có thể cụ thể nhưng cũng có thể là cái tôi trữ tình của tác giả. Khi phân tích tác phẩm cần làm nổi bật những đặc điểm, tính cách của nhân vật, đồng thời đánh giá nhân vật đó là điển hình cho tầng lớp nào của xã hội, phản ánh hiện thực xã hội và tâm tư tình cảm của tác giả. Ví dụ nhân vật Vũ Nương trong Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là điển hình tiêu biểu cho nỗi đau thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến tàn ác bất công với biết bao oan trái cuộc đời vùi dập. Hay trong Viếng lăng Bác của Viễn Phương, nhân vật trữ tình là tác giả với những cảm xúc thành kính thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Những nhân vật trong Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long là những con người mới trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. đó là những con người “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần”, và chính họ thầm lặng nhưng đã góp nên mùa xuân dất nước.

6. Tình tiết và cốt truyện

Tình tiết là những chi tiết đặc biệt, là tình huống có vấn đề, có mâu thuẫn trong tác phẩm mà cần sự giải quyết hợp lí trong cách nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống của tác giả. Chính tình tiết và diễn biến đó để tạo nên câu chuyện. Vì vậy khi phân tích tác phẩm cần hết sức lưu ý tình tiết quan trọng. Ví dụ Chuyện người con gái Nam Xương chi tiết “đoạn nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng…” lại có giá trị tố cáo sâu sắc hiện thực xã hội tàn ác bất công khiến người phụ nữ thủy chung son sắt, người con dâu thảo tốt đẹp kia phải chọn cái chết ở dòng sông oan nghiệt để minh chứng tấm lòng trinh bạch thì còn đắng cay nào bằng. Việc nàng tắm gội chay sạch là việc bình tĩnh chọn cái chết khi không còn cách nào giải quyết khỏi bế tắc cuộc đời. Sống mới là quan trọng nhưng khi cuộc sống không còn ý nghĩa nữa thì cái chết là một tất yếu không tránh khỏi. Chi tiết nàng ngửa mặt lên trời mà than nói lên nỗi thống khổ của con người, là bi kịch của đời người. Cuộc sống cõi trần đời đó nàng không tìm được sự đồng cảm, hạnh phúc thì chỉ còn biết kêu oan với trời cao đất dầy minh chứng tấm lòng thành của nàng. Chi tiết đó đọng lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc. Việc chọn lọc các tình tiết là cả vấn đề tinh tế, đòi hỏi khả năng cảm thụ tốt tác phẩm.

Cốt truyện trong tác phẩm văn học là bức tranh hiện thực xã hội được bố cục, kết cấu theo một trình tự hợp lí. Vấn đề phân tích tác phẩm cần lưu ý câu chuyện bắt đầu từ đâu? Cốt truyện diễn tiến như thế nào? Kết thúc ra sao? Thông qua cốt truyện, nhà văn muốn phản ánh điều gì về hiện thực cuộc sống, muốn gởi gắm điều gì? Đó là điều cần xác định khi phân tích tác phẩm tự sự.

III. KẾT LUẬN

Cảm thụ tác phẩm văn học là một quá trình tích hợp đòi hỏi người đọc phải vận dụng nhiều tri thức về nội dung, nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm. Nói như Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam “Mỗi bài thơ hay là cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”. Chúng ta sẽ tìm gặp sự đồng điệu trong tâm hồn tác giả nếu chúng ta tìm được chìa khóa cảm thụ tác phẩm văn chương.

Trần Thị Mai

(Giáo viên THCS Nguyễn Huệ, Tân Phú)

  • (Có 11,311 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...