Con người với khát vọng nhân văn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

22/10/2021

Con người với khát vọng nhân văn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

1. Khát vọng nhân văn trong cái nhìn về chiến tranh

Thế kỷ XX trên mảnh đất đau thương này, chiến tranh đã mang lại biết bao đau thương, bất hạnh cho dân tộc Việt Nam. Hơn ba mươi lăm năm đã đi qua, ký ức về một thời chiến tranh vẫn cứ khắc khoải trong lòng người về những cảnh tang thương chết chóc. Văn học trước Đổi Mới, chiến tranh là một bản hùng ca của cả bốn mươi thế kỷ cùng ra trận, với âm vang hùng tráng của khúc khải hoàn ca, của những binh đoàn trùng trùng nối nhau ra tiền tuyến, của những chàng trai cô gái lên đường phơi phới bước chân. Đất nước đứng lên của Nguyễn Ngọc, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Mẫn và Tôi của Phan Tứ, Nắng đồng bằng của Chu Lai… Tất cả tạo nên một dàn hợp xướng thể hiện sức mạnh, ý chí của cộng đồng của dân tộc… Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, những nhà văn vốn đi ra từ cuộc chiến mà tiên phong là Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau đã có góc nhìn mới hơn về cuộc chiến, về số phận riêng lẻ của con người. Tiếp bước Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Bảo Ninh… đã cảm nhận được mặt trái của chiến tranh, đằng sau ánh hào quang của chiến công. Chiến tranh không chỉ hủy hoại con người về thể xác mà còn hủy hoại cả tâm hồn con người. Sức mạnh tàn phá của bom đạn không chỉ hủy diệt sự sống mà hủy diệt cả nhân tính con người. Những vết thương hữu hình, vô hình cứ lưu trú trong tâm khảm thành hội chứng chiến tranh. Khi hòa bình vãn hồi, một số người lính trở về mang thêm vết thương của con người không hội nhập được với cuộc sống thực tại, họ trở nên lạc loài xa lạ ngay trên quê hương mình, ngay trong cuộc sống đời thường mà các tác phẩm như Ăn mày dĩ vãng, Nỗi buồn chiến tranh, Tướng về hưu… đã thể hiện nỗi trăn trở ưu tư, những khát vọng nhân văn đẹp đẽ.

Ngay cả trong văn học đô thị miền Nam trước 1975, các nhà văn tiến bộ đều lên án chiến tranh. Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ đã khắc họa số phận con người khắc nghiệt trước chiến tranh, con người bất mãn, uất ức muốn phá nát cái xã hội đen tối của đô thị miền Nam thời Mỹ chiếm đóng, và những con người là những con thú tật nguyền: “…Không còn gì nữa hết. Con vật nguy hiểm chui lên từ lỗ nẻ nào đó đã chết. Nhân loại bớt một kẻ thù. Thằng Bình sứt đã rụng về cội, đã bình yên dưới bốn viên đá xi măng…” [1, trang 176], hay sự tàn khốc của chiến tranh biến con người trở thành những con thú hoang máu lạnh: Đứa con loài bò sát của Huỳnh Ngọc Sơn, Người bắt ruồi của Nguyễn Hoàng Thu… luôn là nỗi đau dằn xé, ám ảnh con người. Và khát vọng nhân văn đẹp đẽ nhất là cái nhìn con người về chiến tranh, là đề tài lớn của văn học Việt Nam sau 1986. Văn học hiện đại ít khai thác những hào quang của cuộc chiến mà quan tâm thân phận con người sau chiến tranh. Người lính trở về còn gì? Được gì? Làm gì? Và mất gì?... Võ Thị Hảo với Người sót lại của Rừng Cười, viết về những cô gái đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, và người may mắn sống sót trở về lại trở thành kẻ đáng thương hại. Cái nhìn về chiến tranh của Võ Thị Hảo không là những hào quang, không bằng những tấm huân huy chương mà bằng niềm đau thương mất mát, hy sinh của những cô gái đáng lẽ họ phải được hưởng hạnh phúc: “Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã nhìn thấy ở rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh. Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy” (Việt Nam thư quán).

Chiến tranh dưới mắt mình của Nguyễn Ngọc Tư là dấu ấn thời gian, là ánh hồi quang trong nỗi nhớ của Ngọn đèn không tắt vẫn cứ cháy hoài ngọn lửa truyền thống. Tiếp thu văn học truyền thống, nhưng truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không khai thác chất liệu sử thi, những câu chuyện về đề tài chiến tranh diễn ra trong hồi ức của một thời kỳ đã qua như một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn nhè nhẹ mà sâu lắng đi vào nỗi nhớ. Ngọn đèn không tắt là không vẽ lại những trận đánh long trời lở đất trên Cồn, không tái hiện những cảnh bắn giết tàn ác mà chỉ nhè nhẹ nhắc nhở mọi người: “Ông nói cho nó biết sở dĩ bùn xứ nó mặn là vì có rất nhiều xương máu của chú bác cô dì đã đổ xuống, trong đó đương nhiên là có máu của Thầy, của mấy anh em khởi nghĩa” [2, trang 8,9]. Và có lẽ đó là những dòng đậm nhất nói về chiến tranh theo cách sử thi. Chiến tranh trong ký ức của Ông ngoại cũng chỉ là vài dòng kể: “Hồi ngoại ở Trường Sơn, ngoại có cậu lính hát rất hay, bọn ngoại đi săn nai về liên hoan khi về đến, cậu ấy chết trên tay ngoại. bởi cơn sốt rét rừng, lúc ấy cậu ta vừa tròn mười chín” (Việt Nam thư quán). Chiến tranh trong vẻ đẹp hồi ức về Tư Đờ (Nỗi buồn rất lạ), một du kích xã lì lợm, nổi tiếng, luôn được mọi người yêu thương, rồi sau hòa bình trở về làm Giám đốc: “Coi chừng sống trong cuộc sống toàn máy lạnh, làm cho máu người ta lạnh đi” [2,  trang 38]. Nguyễn Ngọc Tư luôn ý thức tự hào dân tộc, trân trọng những thành quả cách mạng mà thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương mình để giành được. Trân trọng quá khứ là nét đẹp truyền thống là văn hóa của dân tộc. Truyện ngắn Người mẹ vườn cau nhẹ nhàng thánh thót nhưng sao cứ chất chứa ưu tư trong lòng độc giả về một số người khi được sống trong đời sống sung túc lại quên đi những nơi đã chắt chiu nuôi dưỡng mình trong chiến tranh gian khổ. Truyện ngắn đầy chất nhân văn, mang hơi thở hoài niệm nhè nhẹ, sâu lắng.

Chiến tranh là nỗi đau mỗi khi nhắc lại chỉ làm vết thương không lành kín miệng. Truyện ngắn Mối tình năm cũ, vì yêu thương vợ, vì không muốn nhìn thấy vợ mình cứ thỉnh thoảng ôm xấp thư cũ của người yêu là liệt sĩ, rồi khóc lặng lẽ. Ông Mười đã đem đốt những lá thư ấy mặc cho biết bao lời trách móc, giận hờn, ngay cả khi đoàn làm phim về liệt sĩ Nguyễn Thọ, ông nhất định không cho vợ tham gia, mặc dù rất nhiều người đề nghị. Cho mãi đến khi đoàn làm phim chuẩn bị quay về, cảm kích trước chân tình của đạo diễn Trần Hưng, Ông Mười đồng ý đưa dì Thắm đi đến chỗ liệt sĩ Nguyễn Thọ hy sinh để quay cảnh cuối của bộ phim về người anh hùng. Tại đây, dì Thắm nghẹn ngào nức nở khi nhìn thấy tấm ảnh tư liệu quý giá được gởi từ bên Mỹ về “Trên những tấm hình trắng đen cũ kỹ hiện lên một hình người nằm cạnh cây súng đã gẫy (nghe nói chính anh ta đã đập sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng). Một vuông ngực vỡ toác. Đôi mắt và đôi tay bị bọn ác ôn băm nát. Cái lồng ngực từng chứa một trái tim đỏ thắm, đôi mắt đã từng nhìn người yêu chan chứa, đôi tay đã từng iu ấp một đôi tay… Dì Thắm run rẩy nhìn những bức hình, hức lên một tiếng rồi rũ xuống như tàu chuối héo” [3, trang 81, 82]. Và rồi chỉ còn là nước mắt khôn nguôi. “Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, “Mấy chú làm ơn dừng lại một chút” rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thắm, dì như trẻ con, lau khô rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bi sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm” [3, trang 82]. Thông điệp của Nguyễn Ngọc Tư chính là đừng mổ lại vết thương chiến tranh. Con người đừng lạnh lùng, đừng xem nhẹ nỗi đau riêng tư của cá nhân. Tập thể với sức mạnh cộng đồng cũng không thể đè nén nỗi niềm riêng tư con người. Xin đừng để những lời tự hào, chúc tụng mà quên những giọt nước mắt đớn đau riêng lẻ.

Ký ức chiến tranh còn lại nỗi đau thương mất mác không gì có thể đền bù, trong niềm vui chung vẫn có nỗi đau riêng. Nguyễn Ngọc Tư trân trọng quá khứ hào hùng của một dân tộc đã chiến đấu cho nền độc lập tự do, song tác giả cũng không muốn khơi gợi vết thương riêng tư sâu kín của cá nhân con người. Không thể lấy giọt nước mắt đau khổ của con người để làm giá trị tôn vinh nghệ thuật. Đó là khát vọng nhân văn đẹp đẽ.

Chuyện vui điện ảnh là một vở bi hài kịch. Niềm vui được tham gia đóng một vai trong phim làm chú Sa sướng đến ngây ngất mà hơn nữa là tiền thù lao có thể để giúp đỡ mẹ con chị Thư. Một bộ phim về đề tài chiến tranh. Chú Sa vào vai thằng Cón, một kẻ “cưỡng hiếp vợ một cán bộ đằng mình đang mang thai. Tới chừng biết đứa trẻ kia không phải con mình, hắn xé đôi đứa nhỏ ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng giết chết chị ta. Phim bạo liệt, trần trụi” [4, trang 31]. Và cũng chính vai diễn ấy, bà con xóm Cựa Gà xa lánh chú. Hôm đài truyền hình chiếu bộ phim “Chiến tranh”, cả hẻm nôn nao chờ xem. Nhưng khi xem xong những tình cảm yêu thương dành cho chú đã tiêu tan, những đứa bé đã khóc thét khi gặp chú ngoài đường, ngay cả mẹ con chị Thư vốn có tình cảm riêng tư với chú tìm cách xa lánh chú. Hình ảnh trong bộ phim gợi lại sự tàn khốc của chiến tranh đã hủy hoại nhân cách con người, bộ phim khơi gợi lại nỗi đau đã chìm lắng. Nỗi đau của nhiều người từng là nạn nhân của chiến tranh. Phải chăng Chuyện vui điện ảnh, Nguyễn Ngọc Tư kêu gọi đừng khơi lại vết thương chiến tranh, đừng khơi gợi những cảnh tàn bạo, vì nó làm tổn thương tinh thần các em thơ. Điều ánh lên trong câu chuyện là tâm hồn con người chưa vô cảm với cái ác, một tín hiệu rất đáng trân trọng, đầy ấp tình người.

Truyện ngắn Vết chim trời lại là bi kịch của cuộc chiến trong một gia đình. Hai anh em ở hai bên bờ chiến tuyến. Ký ức chiến tranh tưởng đã lãng quên trong tiềm thức mọi người bỗng trỗi dậy trong lòng người mẹ già sau một giấc ngủ trưa: “Nhưng mà bà nội đã khóc, và buổi trưa kia đã vĩnh viễn bị tiếng khóc đóng đinh vào”, “Cả nhà bị dựng ngược, lăng xăng quay lấy một bà già đang khóc. Trời ơi, sao má khóc vậy? Ủa, nội ơi, nội bị làm sao? Má ơi, má đau chỗ nào? Bà nội lắc đầu, vẫn khóc, nước mắt vừa lau xong nước mắt lại tràn trụa, dỗ hoài không nín, cả nhà bất lực ngó nhau, ngờ vực, ai trong chúng ta đã làm bà nội khóc? Vừa lúc ấy thì bà nội nín, bà nắm lấy tay cha, hụp hửi: - Sao bây bắn thằng Út Hơn của má?” [5, trang 8, 9]. Đó là lời nói đau đớn, nghiệt ngã từ tâm thức dồn nén. Không phải là anh bắn em, mà là hai anh em đứng bên hai bờ cuộc chiến và kẻ còn người mất. Nguyễn Ngọc Tư cũng không tái hiện cuộc chiến mà chỉ khai thác một góc cạnh bi kịch của gia đình sau chiến tranh tạo nên một vết hằn trong suy nghĩ của hai đứa trẻ.

Người năm cũ cũng là một góc phản ánh bi kịch của tình yêu trong chiến tranh. Hai người yêu nhau nhưng quan điểm giai cấp, thành phần gia đình đã không cho phép họ đến với nhau: “Nhưng cháu còn trẻ, cháu có hiểu không? Chiến tranh vốn đầy bắt trắc. Nó để lại cho tôi một niềm đau, lâu quá rồi mà còn đau hoài” [4, trang 147]. Dẫu ra đời sau chiến tranh, Nguyễn Ngọc Tư cũng bộc lộ ưu tư về chiến tranh, về nỗi đau sâu kín về những mất mát tổn thất, song vẫn ánh lên cái nhìn đầy nhăn văn. Trong tản văn Chuyện cục keo của Nguyễn Ngọc Tư là cái nhìn đầy nhân văn xung quanh cái chết của em bé ba tuổi trong cuộc chiến. Em bé theo mẹ và những người phụ nữ đồng đội trong đội biệt động thành đánh Ty cảnh sát thị xã Cà Mau. Và em bé đã chết. Những người hy sinh ấy được phong tặng anh hùng, liệt sĩ, được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhì, chỉ có đứa bé bị quên lãng trong nấm mồ chung mang tên mẹ. “…Con thích ăn kẹo dừa. Bé không thích trách móc oán giận, không kể công, đòi hỏi, không kêu lên lỗi tại ai, như người lớn. Chuyện nhỏ teo như… cục kẹo mà người lớn cứ cải nhau. Thương làm sao những tâm hồn người lớn đã từ lâu tuyệt chủng ngọt ngào” [6, trang 13].

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng người về những đau thương mất mác về một thời bom đạn. Tự hào về mảnh đất anh hùng, về những người con ưu tú của dân tộc nhưng xin đừng khơi lại vết thương chiến tranh vì nó sẽ làm tổn thương tâm hồn con người. Đó chính là bức thông điệp mà Nguyễn Ngọc Tư muốn gởi gắm trên những trang viết về đề tài chiến tranh.

2. Khát vọng về cuộc sống hạnh phúc gia đình

Gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hoá - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên. Gia đình là bước phát triển của xã hội loài người từ tạp hôn chuyển sang hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình là một hình thức cộng đồng, tổ chức đời sống xã hội. Gia đình được hình thành từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Xuất phát nhu cầu bảo tồn và duy trì nòi giống, từ sự cần thiết phải nương tựa vào nhau để sinh tồn, các hình thức quần tụ giữa nam giới và nữ giới, những hình thức cộng đồng tổ chức đời sống gia đình đã xuất hiện. Theo Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, “Nói đến gia đình Việt Nam thì phải nói đến làng xã Việt Nam, họ hàng, thân tộc, việc thờ cúng tổ tiên, chế độ hiếu hỉ. Tất cả làm thành một tổng thể khiến cho gia đình Việt Nam rất khác gia đình của xã hội khác”. Gia đình là tế bào của xã hội, là sự gắn kết tình cảm huyết thống của ông bà, tình cha con, chồng vợ, anh em, là hình thái của văn hóa xã hội. Những mối dây ràng buộc vô hình này đã liên kết các thành viên với nhau trong cuộc sống.

Nguyễn Ngọc Tư không thuyết giảng đạo đức, không triết lý về khái niệm gia đình. Bằng những hình tượng nhân vật, nhà văn đã cảnh báo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là nguyên nhân bất hạnh của những đứa trẻ. Không một mái ấm gia đình, đứa trẻ trở nên bơ vơ, lạc lõng. Ấu thơ tươi đẹp là tấn bi hài kịch, khi những người lớn cứ mãi chăm lo hạnh phúc của riêng tư thì tâm hồn những đứa trẻ bị thương tổn là điều tất yếu. Những tâm hồn non nớt thơ dại bị mất điểm tựa để hình thành nhân cách, nó trở nên hoang dã, hằn học. Nhân vật Nhiên, nhân vật thằng Sói là những nạn nhân của cuộc ly hôn, của hạnh phúc gia đình tan nát đã để lại vết hằn trong lòng trẻ thơ: Thằng nhỏ Sói này giống hệt em, hồi trước. Dù nhà của cha em không có chó, nhưng mỗi lần về là thêm một người phụ nữ bước lại vuốt tóc em, hỏi, “Nhiên phải hôn nè? Nhiên năm nay bao nhiêu tuổi? Nhiên thích ăn gì cô chở đi”. Em nhìn chằm chằm vào cái miệng nũng nịu âu yếm của cô ta, tỉnh bơ, “muốn ăn thịt cô quá hà”. Cô nào xấu số nói thêm “con thích gì cô cũng chiều” sẽ nhận được một câu trả lời không chờ đợi, “cô uống thuốc chuột chết đi, con thích vậy”. Người phụ nữ khựng lại, lùi hai ba bước, gượng gạo cười, kêu cha em “anh ơi anh, bé Nhiên nói chuyện dễ thương ghê”. Sau đó, cô bỏ giọng thẻ thọt, ra vẻ lo lắng, “coi bộ bên đó không quan tâm con gái lắm, anh à”. Cha em cười, chuyện của bên đó, mình xen vô làm gì.” [5, trang 65].

Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, “Hai đứa trẻ lạc lõng chính trong gia đình - chúng chỉ như những cái bóng lập loè, dường như không dùng "tiếng người" để giao tiếp. Rồi ông bố - sống lầm lũi và hoang dại với những thù hằn. Ngay cả đến những người đàn bà đĩ điếm hay khao khát sự đụng chạm thể xác với người đàn ông hoang dại cũng trôi nổi vô định như những kiếp bèo bọt” (Nguyễn Thu Thủy). Một người mẹ lạc lòng, một người chồng căm hận, trả thù đàn bà. Hai đứa trẻ phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Một thằng con trai tự huỷ hoại bản năng đàn ông của mình, một cô con gái bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi. Đó là kết thúc của một bi kịch gia đình tan vỡ.

Truyện ngắn Núi lở là một cảnh phim về đề tài gia đình, khi sức mạnh đồng tiền làm thay đổi giá trị huyết thống đã gây tổn thương tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ. Yến Nhi nhận định: “Một cảnh núi lở làm tan hoang một vùng dân cư và bao nhiêu ngang trái, thô kệch ngẫu nhiên phơi ra. Cuộc sống lang chạ ê chề một cách tự nhiên hiện lên bất khả kháng trong đổ nát, hỗn độn làm ngơ ngác cả những tâm hồn bé dại.”.

Và phải đền với Gió lẻ, hình ảnh một cô bé ngây thơ trong sáng bị bi kịch gia đình đẩy vào đời: “Hồi sáu tuổi có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa cho con chó Lu Lu, không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em, hỏi mẹ, từng từ khít như máu rỉ qua kẻ răng, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?”. Mẹ em không trả lời, lặng lẽ vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em treo mình dung đưa trên sàn nhà. Lưỡi trả lại cho cuộc đời, bởi người không chấp nhận sự vô dụng của nó, nói mà chẳng người nghe” [5, trang 138, 139]. Rồi em bé từ giã tiếng nói của loài người, rồi trôi dạt, rồi bị lừa lọc hãm hại. “Thông điệp mà thiên truyện gửi đi : Xin đừng đẩy những con người bé nhỏ vào nơi vô định. Hãy xót thương và tin tưởng cái tốt có ở khắp mọi nơi dù le lói hay bừng sáng” (Yến Nhi).

Theo tác giả Phan Ngọc, “gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Một thứ văn hóa kỳ quặc chỉ thâu tóm trong hai nguyên lý là xác thịt và đồng tiền đang đầu độc tâm hồn”. Một gia đình ly tán sẽ làm tổn thương tâm hồn những đứa trẻ. Và những tâm hồn thương tổn ấy liệu có trở thành những con người hoàn thiện trong cuộc đời?  

3 Khát vọng trong tình yêu đầy cao thượng

Trong xu thế chung của văn học hậu hiện đại, vấn đề tình yêu luôn đi liền với tình dục đã là một thị hiếu chung của các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ. Đề tài tình yêu không bao giờ cũ với văn học. Những mối tình thơ trong sáng như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu… của những nhà văn lớp trước dường như đã là quá khứ, là dĩ vãng. Các nhà văn đương đại và nhất là nhà văn trẻ khái niệm tình yêu gắn liền với tình dục. Nguyễn Thế Hùng trong truyện ngắn Ngược sáng (Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số 16-2010, trang 32): “Tôi muốn tôn thờ một tình yêu thánh thiện. Tôi sợ lắm phút nhập thần cũng là tình yêu tắt thở… Nhưng tôi đã sai lầm, chí ít là trong tình cảm đối với Thi. Để đến khi em ra đi tôi mới biết em nghi ngờ khả năng đàn ông trong tôi”. Trong Vũ điệu của cái bô, Nguyễn Quang Thân viết về người đàn bà, sống trong tình dục để những khái niệm đẹp về tình yêu chỉ là thứ xa xỉ: “Chị phô bày cái bản năng dữ dội nhưng bao giờ cũng hồn nhiên của một người đàn bà. Nhưng anh không thèm chị. Giá chị để cho anh bình tĩnh anh sẽ an ủi chị như một người anh. Nhưng chị đã quýnh lên và cáu: “Trí thức chỉ là thế này thôi à? Trong sách người ta không dạy các anh ư?” Chị hạ mình trước anh, làm cả những điều chị chưa hề làm với người khác. Nhưng anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau hàn sĩ. Chị trần truồng đi ra cửa để về phòng mình, ném đại mảnh vải Thái lan nhỏ xíu vào mặt anh rồi rít lên trong cơn giông bão đàn bà” “Lại một con sứa nữa! Tôi còn căm ghét anh hơn cả ba thằng kia!”.

Nhiều câu chuyện tình yêu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là những mối tình chung thủy, yêu ai yêu đến trọn đời, yêu nhau là phải hy sinh cho nhau. Kiểu yêu của những người nông dân chân chất, trong sáng. Tình yêu trong truyện Nguyễn Ngọc Tư đậm chất truyền thống, yêu trong tâm hồn, trong thủy chung, yêu nhau là giữ gìn cho nhau. Chính vì thế, tình yêu không pha lẫn màu tình dục nên tạo vẻ đẹp thánh thiện, trong suốt. Phi trong Lý con sáo sang sông hết lòng yêu thương Út Thà nhưng anh nghèo quá không thể mang hạnh phúc cho người mình yêu. Và chính anh: “Nói cho kỹ, chuyến này là anh Phi gả em. Anh nói bên chồng em khá giả lại đàng hoàng, xứ đó ai cũng biết chịu khó làm ăn” [2, trang 79]. Một bức tranh đẹp về tình yêu nhưng nhuốm buồn. Một nỗi buồn cho thân phận con người trong kiếp nghèo, không thể tìm được hạnh phúc cho chính mình.

Truyện ngắn Lương (hay còn có tên khác là Bến đò xóm Miễu) , một anh chàng lái đò, yêu chân thật, tha thiết cô gái tên Bông. Mặc dù cô có lúc sa ngã, bán bia ôm, rồi làm gái bao… nhưng tình yêu chân thành của anh lái đò vẫn không thay đổi như nước không đổi dòng. Một mối tình là niềm thủy chung của Trọng luôn mong chờ ngày người đàn bà hồi tâm trở về mái ấm gia đình với chồng với con, mặc dù cô em vợ vẫn thiết tha yêu anh từ khi còn là những đứa trẻ mới lớn: “Nhưng từ lúc chị Ái tôi bỏ đi, cứ mỗi lần tôi qua nhà, Trọng lánh đi chỗ khác, tôi buồn, trách, thằng Bầu mới sáu tuổi nhưng đã trở thành xướng ngôn viên cho ba nó, nó biểu, dì Út đừng có giận, ba con nói dì giống má con quá, nhìn dì ba con chịu hổng nổi. Tôi nổi khùng trong bụng, nhìn tôi thì thương tôi chớ mắc mớ gì mà nhớ về người khác.” [4, trang 119]. Cái câu ca dao: “Trồng tre trở gốc lên trời, Con chị qua đời rồi tới con em.” xem ra không đúng trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Chiều vắng là một nỗi buồn mang mang về bi kịch gia đình. Câu chuyện hai mươi năm trước, đôi trai gái yêu nhau, vượt qua sự ngăn cản của gia đình. Và khi cả hai chờ tiếng khóc chào đời của kết quả tình yêu thì bi kịch đổ ập đến. Và rồi đứa bé không ra đời, người vợ bị gả đi xa xứ, chỉ nỗi uất nghẹn trong lòng người chồng. Mặc dù cô em vợ hết lòng yêu thương, quan tâm đến cậu Tư Nhớ: “Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó cho Tư Nhớ để trả cho cậu cái món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng khái “Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy”. Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi xuân đã đi qua” [7, trang 50]. Đó là bi kịch của ba người, ba mảng đời dang dở trong mối tình chung thủy.

Truyện Hiu hiu gió bc là một tấm lòng nhân nghĩa của hai tâm hồn yêu nhau tha thiết nhưng ngặt nỗi, chàng trai mồ côi quá nghèo không cục đất chọi chim và cũng vì món nợ ân nghĩa: “Hồi đó tía anh rầy dữ lắm. Anh thưa, với con nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Con đã nợ má em Hoài, tía à” [3, trang 32]. "Hôm đám anh Hết còn tnh bơ ngi ngoài b, dưới gc còng, hào hng bày cra chơi vi my đứa nh. Đám bn gái ai cũng xì xm, chc thng Hết không thương thit con Hoài nên mi dng dưng vy. ChHoài nghe mà khóc không thôi, bo vi chHo, có cái tiếng bc tình nh cũng gánh cho em ri." [3, trang 32,33]. Đúng là một nhân cách, một tâm hồn cao đẹp.

Trên đời này chỉ có một việc đáng nói. Đó là tình yêu, vì đó là nguyên nhân của mọi sự sung sướng và là mầm mống của mọi sự đau khổ” (danh ngôn Pháp). Tình yêu là tinh hoa của cuộc sống và tình yêu chỉ thăng hoa trong những tâm hồn cao thượng, biết sống hết lòng cho nhau.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành

[1]. Huỳnh Như Phương tuyển chọn (1986), Mùa xuân chim én bay về, Nxb Cửu Long.

[2]. Nguyễn Ngọc Tư (2000), Ngọn đèn không tắt, Nxb Trẻ.

[3]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, những truyện hay và mới nhất, Nxb Trẻ.

[4]. Nguyễn Ngọc Tư (2003), Giao thừa, Nxb Trẻ.

[5]. Nguyễn Ngọc Tư (2008), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ

[6]. Nguyễn Ngọc Tư (2009), Yêu người ngóng núi, tản văn, Nxb Trẻ.

[7]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Văn hóa Sài Gòn.

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...