Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường

06/08/2020

Đề tuyển sinh 10 môn Văn 2017, TP.HCM                           

Đi cho biết đó biết đây là khát vọng muôn đời của con người. Khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, người ta có thể ngao du khắp nơi trên thế giới bằng đủ mọi phương tiện tàu xe, máy bay, thậm chí tàu ngầm, phi thuyền. Ít ai để ý rằng, người ta có thể đến với mọi miền bao la vô tận của thiên nhiên, vũ trụ, của mọi dân tộc trên thế giới thông qua tác phẩm văn học: Đọc một tác phẩm- Đi muôn dặm đường.  

Bằng cách nói đầy sức liên tưởng, tựa đề bài văn như một câu đố thú vị. Thật ra, một tác phẩm đọc có thể là bất cứ cuốn sách nào, từ sách giáo khoa đến sách khoa học - công nghệ, sách văn học… (nên hiểu tác phẩm là tác phẩm văn học) ta như ngao du trên muôn dặm đường, ta sẽ được tận mắt thấy nhiều điều thú vị, học hỏi được nhiều điều mới lạ. Vậy, khi ta đọc một tác phẩm thì muôn dặm đường chính là những kiến thức, những khám phá, rung cảm chúng ta được trải nghiệm khi thưởng thức tác phẩm văn học. Vậy, tại sao một tác phẩm có thể đưa ta đi đến muôn dặm đường

  Văn học được xây dựng bằng những chất liệu lấy từ cuộc sống. Hiện thực cuộc sống được đưa vào tác phẩm qua thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Vì thế, trong mỗi tác phẩm văn học, qua ngòi bút của tác giả, ta có thể nhìn  thấy thế giới hiện thực hiển hiện sinh động trước mắt ta.      

Chẳng phải khi đọc tác phẩm văn chương, những sự kiện xảy ra cách đây hàng mấy nghìn năm, mấy trăm năm, tưởng chừng bị thời gian xóa nhòa, vùi lấp lại hiển hiện sinh động trước mắt ta? Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ hay Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác là ta đã ngược thời gian, thấy được đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê -Trịnh? Đọc Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia Văn phái), ta được sống lại quá khứ hào hùng của dân tộc với chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi nhà Lê từ mấy trăm năm trước.    

Chẳng phải đọc tác phẩm văn học, có thể thấy những phận đời, những con người khác nhau ở mọi thời, mọi nơi trên thế giới? Ai mà không chút thương cho số phận đầy khổ đau, oan trái của Vũ Nương, của nàng Kiều trong xã hội phong kiến đầy bất công (Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ, Truyện Kiều - Nguyễn Du). Đọc những tác phẩm Đồng chí (Chính Hữu), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Lặng lẽ SaPa (Nguyễn Thành Long) để thêm tự hào với truyền thống của cha ông, để biết ơn những con người đã sống, chiến đấu và cống hiến hết mình cho đất nước. Các tác phẩm của những văn hào nổi tiếng khắp thế giới có thể đưa ta vượt núi đồi, vượt trùng dương đến những xứ sở kì lạ, hấp dẫn (Truyện cổ tích An-đéc- xen). Nó giúp ta hình dung ra đời sống tinh thần phong phú và bản sắc văn hóa của từng dân tộc, chắp cánh cho trí tưởng tượng của ta bay cao, bay xa, học hỏi những điều hay ở bạn bè khắp thế giới. Qua Cố hương của Lỗ Tấn, chúng ta không chỉ thấy được những hủ tục, mê tín dị đoan đã ru ngủ, đày đọa người nông dân trở nên ngu muội và hèn nhát trên đất nước Trung Hoa mà còn thấy được nỗi trăn trở dằn xé trong tâm hồn nhà văn. Với Tiếng gọi nơi hoang dã của Giắc Lân- đơn, ta không chỉ thán phục nghệ thuật tinh tế của tác giả khi đi sâu vào “tâm hồn” của con chó Bấc mà còn cảm nhận được tình cảm yêu thương đến mức đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc đối với loài vật. Có thể nói, nếu gom hết những tác phẩm văn học, ta có thể xuyên qua thời gian, không gian, nhìn thấy cả thế giới. 

Để hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về sức mạnh kỳ diệu của văn học, hãy cùng tôi đến với một tác phẩm cụ thể, để cùng trải nghiệm. Tôi chọn tác phẩm Lặng lẽ SaPa của Nguyễn Thành Long. 

 Lặng lẽ SaPa của Nguyễn Thành Long sẽ đưa chúng ta qua những dặm đường nào? 

    Bối cảnh truyện đưa ta trở về với những năm 1960, không khí xã hội miền Bắc thấm đẫm hương vị ngọt ngào của cuộc sống mới. Cho nên ta bắt gặp ở đây một bác lái xe già vui tính, một bác họa sĩ về hưu vẫn ham đi thực tế để sáng tác, một cô sinh viên trẻ mới ra trường sẵn sàng đi lên Tây Bắc nhận công tác. Họ gặp nhau trên một chuyến xe. Cuộc trò chuyện giữa họ cho ta thấy thế nào là nét đẹp của cuộc sống mới. Người họa sĩ già trong những năm cuối đời vẫn không mệt mỏi ghi vào tác phẩm những vẻ đẹp của cuộc sống, cô sinh viên mới ra trường biết bao hăm hở và lo âu trước ngưỡng cửa cuộc đời. Thì đây, nhân vật chính, người sẽ truyền cảm hứng cho họ: Anh thanh niên làm việc một mình trên đỉnh dốc mù sương. 

Nhân vật chính trong truyện quả là một chàng trai độc đáo. Được giới thiệu là một trong những người cô độc nhất thế gian. Cô độc vì anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét giữa bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Thế mà chàng trai ấy mới có 27 tuổi, độ tuổi hào hứng sôi nổi nhất vẫn luôn lạc quan yêu đời giữa trập trùng núi rừng Sapa heo hút. Có cảm tưởng cái vắng lặng, khắc nghiệt của SaPa có thể bào mòn cái nhiệt tình, trẻ trung, yêu đời trong anh, sự cô độc ấy dễ khiến người ta trở nên buông thả và bất cần. Nhưng anh thanh niên này là một người sống có trách nhiệm, có ý thức với bản thân và với xã hội..  

  Làm việc một mình nhưng anh ý thức trách nhiệm rõ dù lúc giữa ngày hay lúc nửa đêm, dù gió lớn hay tuyết rơi, hay bốn bề lặng im. Anh ý thức rất rõ việc anh làm là một mắt xích trong chuỗi công việc chung của mọi người. Cái đúng, cái sai của anh dẫu nhỏ nhưng cũng quyết định cái sai cái đúng, thành công hay thất bại của những điều lớn lao. Chẳng hạn khi dự báo chính xác một đám mây xuất hiện bất ngờ, anh cảm thấy hạnh phúc đã góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc chiến hạ máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Đối với anh, “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”. Anh nói “Công việc của cháu gian khổ thật đấy nhưng cất nó đi cháu buồn đến chết mất”

 Anh say mê gắn bó với công việc đến nỗi tác phong làm việc khoa học ngấm vào cả lối sống của anh qua cuộc tiếp khách: chính xác đến từng phút! Điều đáng quý nhất ở anh là khát khao được cống hiến nhiều hơn nữa. Anh cho rằng làm việc ở độ cao 3142 mét như bạn anh ở đỉnh Fansipan mới thật là tuyệt! Nghị lực nào giúp chàng trai ấy có thể bền bỉ với công việc như vậy? Phải có một tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, phải có một lý tưởng, một quan niệm sống cống hiến cao cả, anh mới nói, mới làm, mới suy nghĩ về công việc của mình một cách say mê, nồng nhiệt như thế! Anh xác định rõ: “Mình sinh ra là gì, mình ở đâu, mình vì ai mà phục vụ”. Quả thật, nếu không có tình yêu mãnh liệt ấy, Sapa không thể giữ chân anh đã bốn năm ròng. 

Không chỉ có trách nhiệm trong công việc, với mọi người, mà anh còn sống có trách nhiệm với cả chính mình. Thông thường, trong hoàn cảnh sống như anh, người ta rất dễ buông thả trong sinh hoạt nhưng anh vẫn tạo cho mình cuộc sống ngăn nắp, đàng hoàng. Anh làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, trồng hoa, đọc sách báo… như đang sống và làm việc giữa mọi người chứ không phải chỉ riêng có một mình anh. Có người sẽ hỏi: anh ta trồng hoa làm gì kia chứ, ở một nơi heo hút như thế? Cũng dễ hiểu thôi, đó là một thái độ tự trọng, là lối sống đẹp, sống có văn hóa, lối sống của một tâm hồn đẹp. Một lối sống hòa mình với thiên nhiên, với cộng đồng.    

Thái độ quan tâm đến mọi người của anh không vì niềm vui của chính mình mà còn vì lòng chân thành yêu mến và quý trọng con người. Anh chu đáo đi tìm, đào và biếu người ốm củ tam thất. Khách đến thăm nơi ở và làm việc của anh được anh đón tiếp nồng nhiệt, vui vẻ, cởi mở và hiếu khách: mời uống chè, tặng hoa, khi về còn được tặng cả một giỏ trứng gà tươi. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn chứa đựng điều gì tốt đẹp nhất của cuộc đời, của tâm hồn anh, mà anh hào phóng tặng nó cho mọi người. 

Giản dị và tốt bụng là thế, vậy mà anh chẳng tự biết rõ điều ấy. Anh nói về mình rất ít, 5 phút trong tổng số 30 phút, mà cách nói cũng nhẹ nhàng, chân chất. Tưởng như những điều anh làm, cái khắc nghiệt của cuộc sống cô đơn mà anh sống, không có nghĩa lý gì so với bao nhiêu người khác. Khi nhận ra người họa sĩ đang vừa trò chuyện vừa ghi những nét ký họa về anh, anh bỗng bối rối. Anh giới thiệu những người đáng vẽ hơn anh như ông kỹ sư vườn rau, người cán bộ nghiên cứu sét, những con người thầm lặng cống hiến cho Tổ quốc. Có thể thấy đó là những ý nghĩ chân thành của anh, anh tin họ, yêu quý và trân trọng họ. 

Vẻ đẹp tâm hồn anh đã thắp sáng ngọn lửa trong trái tim của những người xung quanh. Người họa sĩ già đi tìm và đã gặp vẻ đẹp của cuộc sống. Cô sinh viên còn ngơ ngác vào đời, nhưng mai đây, dù có vấp phải khó khăn, đắng cay hay thất bại, cô vẫn tin rằng cuộc đời rất đẹp! 

Quả thật, cuộc sống là một dòng chảy mãnh liệt. Con người có tâm hồn đẹp, lối sống đẹp vẫn đầy sức hấp dẫn. Với truyện ngắn Lặng lẽ SaPa của Nguyễn Thành Long, người đọc như vừa được đến thăm Tây Bắc vào những thập niên 60 của thế kỷ trước. Được thưởng ngoạn vẻ đẹp âm thầm, hùng vĩ nơi đỉnh núi Sapa lặng lẽ, có những chàng trai cô gái đang cũng âm thầm, lặng lẽ ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

Tác phẩm khiến chúng ta liên tưởng đến những con người lao động bình dị, vô danh trên mọi miền đất nước. Nơi vùng sâu vùng xa, thiếu âm thanh, ánh sáng của chốn phồn hoa sôi động, họ vẫn sống và làm việc bằng những tình cảm thật cao quý, chân thành. 

Vâng, Đọc một tác phẩm- Đi muôn dặm đường! Là một nhận định tinh tế và sâu sắc. Đó cũng chính là vẻ đẹp và sức mạnh vĩnh cửu của văn chương. Vậy còn chờ gì nữa, hãy tìm đọc những tác phẩm hay để được rung động, khám phá những vùng trời, những con người trên khắp đất nước và trên hành tinh tươi đẹp chúng ta, bạn nhé. 

Đoàn Ngọc Phương

  • (Có 1,300 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...