Dòng nước mắt trong văn chương

17/09/2023

Dòng nước mắt trong văn chương

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12A1, năm học 2023-2024, Trường THPT Vĩnh Viễn

Theo như Tagore, nếu con người chưa từng bật ra những thanh âm thống thiết tận cùng thì làm sao biết nức nở bồi hồi và trăn trở về hạnh phúc. Nếu con người chưa từng trải qua những khoảnh khắc uất nghẹn nước mắt của đớn đau, đày ải thì làm sao có thể trân quý những thời khắc đẹp đẽ của cuộc đời. Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. Và đó vốn dĩ là cũng là bản chất, là cốt cách ngàn đời của văn học. Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng chiêm nghiệm rằng: “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh giọt nước mắt hay gần giống như thế. Bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố cả cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có sự rung cảm như những giọt nước mắt.”

Viết văn, nói như nhà thơ Nekrasov: “Nếu những đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay sôi sục dâng lên trong lòng thì tôi viết”. Chỉ khi ngôn từ không còn đủ mạnh để miêu tả nỗi bi thương, uất phẫn, nỗi xót xa day dứt hay nỗi hạnh phúc tột cùng thì chỉ còn lại những giọt nước mắt bất lực hay những giọt nước mắt tự hào để thỏa mãn cảm xúc thăng hoa đó. Nhà văn “là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Họ phải vui cái vui của bao người, phải đau khổ trước nỗi bi thương của bao số phận, sung sướng trước sự thăng hoa của cái đẹp, giận dữ trước bất công oan trái. Thi nhân phải sáng tác vì con người. Giọt nước mắt là biểu tượng cho năng lực cảm xúc, là khả năng thấu hiểu cảm xúc, là tâm hồn tinh tế, nhạy cảm để thấu cảm được những rung động trước những thân phận hẩm hiu, trước hiện thực xã hội khắc nghiệt. Khi dùng biểu tượng giọt nước mắt để nói về nghề viết, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nhấn mạnh bản chất giàu cảm xúc, sự nhạy bén, năng lực thấu cảm, tâm hồn tinh tế và giàu lòng yêu thương con người đối với người nghệ sĩ cầm bút.

“Giọt nước mắt” đó là những rung cảm tinh tế của một tâm hồn nhạy bén trước những hỉ nộ ái ố trong cuộc đời, đó là sự khúc xạ hiện thực trong lăng kính văn nhân. Văn chương được ví như loài cây cổ thụ đâm chồi từ mảnh đất màu mỡ, to lớn tỏa bóng mát xoa dịu lòng người đọc. Để cái cây ấy được lớn lên, ra hoa kết trái thì buộc người thợ phải chăm sóc bằng thứ nước đặc biệt – đó là nước mắt. Mảnh đất nuôi dưỡng con người đầy rẫy những khổ đau, đầy những oan trái bất công, liệu rằng một nhà văn chân chính có thể nhắm mắt làm ngơ trước những số phận khốn cùng? Tấm lòng của nhà văn phải luôn đồng vọng, âm vang với cuộc đời để nắm bắt được những khoảng khắc vốn quý trong đời. Đó có thể là những niềm vui nhưng cũng có thể nỗi buồn hay sự thất vọng tràn trề. Nhà văn phải sống trọn vẹn giữa cuộc đời đầy biến chuyển vô thường. Thiên chức nhà văn chính là lượm nhặt cảm xúc của mình nơi cuộc sống, để rồi anh ta đau, anh ta thấu, dằn vặt khôn nguôi đến khi cảm xúc dâng trào, đó là khi anh ta “khóc”- nước mắt không trào ra bên ngoài thì cũng chảy đầy trong tim và rồi anh ta viết.  Như “Andecxen dã lượm lặt những hạt trơ trên luống đất của những người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những đóa hoa thơ đẹp, chúng an ủi trái tim của những người cùng khổ” (Pautopxki)

Nhà văn Heinrich Boll từng khẳng định rằng: “Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh trong sạch phát hiện cái dơ bẩn quanh mình, để rồi lên tiếng mắng chửi cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta”. Chỉ khi người nghệ sĩ hòa mình vào hiện thực với những tình cảm chân thành như thế, tác phẩm của anh mới thực sự chạm đến trái tim độc giả. Rung cảm trước những kiếp người lầm than chính là phẩm chất quan trọng làm nên cái tài của người nghệ sĩ. Mọi xúc cảm đối với người cầm bút viết nên trang đều khác lạ so với người bình thường. Bất kể là yêu, ghét, buồn, vui, hận thù hay thương cảm đều đến độ mãnh liệt. Bất kể viết về cái gì, nhà văn cũng thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, với một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là một vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Cho nên khi một tấm lòng nhà văn đã thờ ơ, nguội lạnh, tâm hồn khép kín trước cuộc sống thì khi ấy tài năng nghệ thuật cũng biến mất. Nghệ thuật sinh ra để vì con người, nghệ thuật vị nhân sinh, vậy nên, tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của con người. Bởi nói như Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”. Chỉ khi tình cảm trong tác phẩm đủ lớn, đủ sâu thì trái tim của cả nhà văn lẫn bạn đọc mới “hòa chung một nhịp”, để người đọc có thể tin rằng, dù cuộc đời khốn khó đến đâu, văn chương cũng không bỏ rơi con người. Thử hỏi nếu đại thi hào Nguyễn Du, không đau đớn, không trào “nước mắt” trước phận đàn bà trong xã hội phong kiến bất công thì làm sao lại có những trang Truyện Kiều đặc sắc? Tất cả là vì “văn chương ấy được viết nên từ huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường)

Sáng tạo văn chương là hành trình nghiệt ngã của nhà văn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc là quá trình phản ánh và tái tạo hiện thực đồng thời là quá trình tự biểu hiện, là quá trình giãi bày, chia sẻ, là sự hiện diện của nhà văn giữa cuộc đời. Khi nhà văn thờ ơ, nguội lạnh, khép kín giữa cuộc đời thì tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên). Nhà văn phải là những người “phu chữ” thực sự, đãi ngôn từ và chắt lọc tư tưởng để dâng cho đời những tác phẩm có giá trị. Nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng của nhà văn chỉ là những giáo điều ép khô trên trang giấy, không đủ sức tác động đến tâm hồn một ai. Tình cảm là nhịp cầu nối đưa tư tưởng vào hình tượng nghệ thuật, tạo nên linh hồn cho tác phẩm.

Hình ảnh những giọt nước mắt gợi nhắc cho ta đến niềm vui hay nỗi buồn? Giọt nước mắt phải chăng là kết quả tích tụ của những dòng cảm xúc khôn nguôi? Cũng là nước mắt nhưng nước mắt trong văn chương mang theo bao dòng cảm xúc ngổn ngang và chẳng có một lời hoa mỹ nào đủ để lý giải cho dòng cảm xúc neo đậu trong văn chương. Chính “giọt ngọc” của cảm xúc ấy là dòng ám ảnh mãi trong tâm trí đọc giả. Hòa trong những thấu hiểu, hòa trong những cảm xúc khôn cùng, tác giả Nam Cao đã viết lên tác phẩm “Chí Phèo”- dòng viết của tâm tưởng. Hình  tượng Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên là hiện thân cho giọt nước mắt, cũng là biểu tượng của nghề viết văn mà nhà văn Nam Cao theo đuổi. Nhìn thấy giọt nước mắt nơi Chí Phèo, Nam Cao coi trọng giọt nước mắt của con người, coi đó là “hạt châu của loài người”, hiện thân của tính người. Sau những ngày tháng triền miên trong hơi men, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh táo để nhận ra trong căn lều của mình chỉ là màn đêm u ám. Ở bên ngoài là âm thanh rộn ràng của cuộc sống với tiếng chim ca ríu rít, tiếng những người phụ nữ đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ cá. Chí dần thức tỉnh từ các giác quan cho đến nhận thức và cuối cùng là khao khát mãnh liệt trở thành con người lương thiện. Nhưng con đường ấy đã mãi mãi đóng lại khi Thị Nở thốt ra lời từ chối phũ phàng. Trong khoảng khắc ấy, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. “Hắn ôm mặt khóc rung rức”. Hắn khóc như một đứa trẻ. Đó là giọt nước mắt tượng trưng cho sự đau đớn đến tột cùng của bi kịch tước đoạt quyền làm người. Sống trong cái xã hội khô héo và xói mòn tính người, giọt nước mắt trong Chí tưởng đã khô cạn tiêu tan. Hóa ra không hẳn nó chỉ bị vùi lấp, trong sâu thẳm Chí, nó vẫn len lỏi, âm thầm và trong suốt… hiện rõ nhất của tính “người” sống dậy trong Chí Phèo, đây là giọt nước mắt của sự thức tỉnh.

Văn chương khởi phát từ tấm lòng, từ “giọt nước mắt” chảy trong lòng ngực của tác giả. Đó là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là nước mắt đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những vui buồn, những vỡ òa trước phận đời hẩm hiu, trước những hiện thực ngang trái. “Giọt nước mắt” ấy từ đâu ra?  Đó có phải là nước mắt mà lão Hạc dằn vặt khi đã bán cậu Vàng – kỉ vật duy nhất của con trai để lại, là người bạn bầu bạn với lão, để rồi lão quyết định ăn bả chó mà chết, chết trong sự đau đớn quằn quại. Hay là giọt nước mắt của bà Tứ vừa mừng vừa tủi nhưng lại vừa lo lắng trước anh Tràng – con trai bà lấy vợ vào giữa nhừng ngày tháng đói khổ vào những năm 1945. Hay ta cũng bắt gặp chi tiết nước mắt trong truyện ngắn “ Chiếc thuyền ngoài xa” của người đàn bà hàng chài, một người mẹ giàu tình thương nhưng lại đau khổ trước cuộc sống nghèo khó hằng ngày phải chịu những trận đánh của người chồng, các con luôn phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Và cũng vì lẽ thiêng liêng ấy mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi chọn cho mình một biểu tượng của nghề viết đã chọn “giọt nước mắt”. Nhà văn, cần có ở trên đời để phát hiện ra những “giọt nước mắt” sâu thẳm trong tâm hồn con người. Đó là chất người “đậm đặc” nhất trong con người, còn có thể rơi nước mắt nghĩa là còn cảm xúc: yêu thương, đau ghét,… và vẫn còn “tính người” mãnh liệt. Bất kể là giọt nước mắt nào, thì nhà văn ấy cũng đã đi sâu vào lòng hiện thực, sống cùng nhân vật, yêu thương, bênh vực lẽ phải ở đời để tìm ra những giọt châu nơi tâm hồn người. Để bảo vệ và cất lên tiếng nói công bằng cho quyền người của con người.

Để có được tình cảm mãnh liệt, nhà văn phải liên tục trau dồi tình cảm, tư tưởng và nhân cách. Tác phẩm không chỉ cần cảm xúc làm linh hồn, mà cũng cần có những tư tưởng tiến bộ để trở thành khung sườn vững chắc. Mỗi nhà văn khi sáng tạo phải giúp nâng đỡ người đọc vượt lên những điều đố kị, nhỏ nhen để sống một cuộc đời tốt đẹp và trọn vẹn hơn. Như Phạm Văn Đồng từng quan niệm: “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội.” Tác phẩm nghệ thuật là thách thức với chính người viết nên họ luôn cần sự bồi dưỡng vốn sống, nâng cao trình độ văn hóa và nghệ thuật viết. Để có được sự yêu mến và kì vọng của độc giả, nhà văn không thể thỏa mãn với những gì mình đã làm được. Người viết phải luôn đặt ra những thử thách để bản thân không ngừng tiến bộ cả trong cảm xúc và tư tưởng. Mỗi nhà văn là một nhà văn hóa lớn, sự tiến bộ của họ góp phần thúc đẩy cộng đồng.

Hiện thực trong văn học phải là muối của biển. Nó phải được gặn lọc từ hiện thực xô bồ của đời sống xã hội với biết bao hiện thực đan cài, chồng chéo nhau giữa bao cái có nghĩa và vô nghĩa, tất yếu và ngẫu nhiên, bản chất và hiện tượng. Nhà văn phải biết chọn lấy những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất cái thần của sự vật, mang tính khái quát cao độ để từ đó rút ra những bài học về triết lý đạo đức và nhân sinh. Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ngợi ca con người? Văn chương thật lớn lao và đầy ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác và suy nghĩ, thiên về chiều sâu của nội tâm. Để ta yêu quý và trân trọng những con người bình dị nhất.

Trần Như Quỳnh

  • (Có 1 bình chọn)

Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hay những cánh đồng đã úa tàn không còn sinh khí...
Giữa vũ trụ bao la rộng lớn với muôn vàn những tinh tú lung linh huyền ảo, mỗi chúng ta là một ngôi sao nhỏ bé trong bầu trời đẹp đẽ ấy. Để sự toả sáng của bản thân không bị che khuất bởi ánh sáng của các vì sao khác...
Có ai rung động trước một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến một vầng thơ khô khan không cảm xúc? Nếu một vườn hoa là thành quả lao động của người vun trồng...
Chúng ta hãy nhìn thử xem, xung quanh muôn loài, chúng ta là loài khác biệt nhất, con người chúng ta có nhận thức riêng, có suy nghĩ riêng, và đặc biệt chính là ta có sự độc lập về thế giới quan...
Người làm nghệ thuật không hẳn phải là người đặc biệt, việc chủ yếu ở đây chính là cách diễn giải như thế nào để làm nổi bật nên cái giá trị cốt lõi thì mới công nhận là người nghệ sĩ thực thụ...
Con người chúng ta sinh ra đã khác nhau về ngoại hình, khuôn mặt, hoàn cảnh sống,… vì thế ai cũng chọn cho mình một cách sống riêng biệt để đích đến cuối cùng là sự thành công và hạnh phúc