GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI MINH HOẠ KỲ THI THPT NĂM 2021 Môn thi: NGỮ VĂN

01/04/2021

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI MINH HOẠ KỲ THI THPT NĂM 2021 Môn thi: NGỮ VĂN

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Hai hình ảnh thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung là:

  • Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát (chỉ một vùng đất đầy nắng gắt và cát bao phủ, thể hiện một vùng đất khô cằn và khắc nghiệt)

  • Chỉ có gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người. (Chỉ một hiện tượng thiên nhiên đặc trưng của vùng đất miền Trung: nhiều bão lũ, mưa giông.)

Câu 3: Những dòng thơ trên gợi ta nghĩ đến mảnh đất và con người miền Trung:

  • Câu thơ Eo đất này thắt đáy lưng ong gợi ra một mảnh đất miền Trung bé nhỏ, dài và hẹp, bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ, đất đai cằn cỗi, không màu mỡ. Tất cả các yếu tố đó khiến cho mảnh đất miền Trung trở nên khó sống, khó phát triển.

  • Câu thơ Cho tình người đọng mật dường như tạo nên một sự đối lập với câu trước đó. Có thể thiên nhiên nghiệt ngã nhưng tình người thì không. Cũng như những giọt mật dâng hiến cho đời, con người nơi đây đậm tình đậm nghĩa, giàu yêu thương, giàu nghị lực, ý chí vươn lên, không ngại khó ngại khổ. Con người vẫn gắn bó với nhau với mảnh đất nơi đây bằng tình yêu chân thành, giản dị.

Câu 4: 

  • Đây là câu hỏi mở. HS có thể trả lời tự do theo cảm nhận của mình.

  • Gợi ý: đọc đoạn trích ta có thể cảm nhận rất rõ tình cảm của tác giả đối với mảnh đất miền Trung: 

+ Trước hết, đó là một tình thương mến, một sự đồng cảm dành cho Miền Trung. Những câu thơ như Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt hay Đến câu hát cũng hai lần sàng lại … gợi một nỗi trăn trở, day dứt, một niềm thương cảm sâu sắc đối với mảnh đất khô cằn, thiên nhiên không ưu đãi, luôn gieo bao nỗi tai ương lên cuộc sống vốn đã nhọc nhằn của người dân nơi đây. Đó còn là niềm cảm phục về ý chí, nghị lực của người dân miền Trung.

+ Ta còn cảm nhận được một sự khắc khoải, một khát khao về một lối thoát cho miền Trung qua đoạn thơ cuối… Một sự hi vọng về những người con rồi sẽ trở về gầy dựng quê hương, làm cho quê hương thức dậy những tiềm năng…

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

Gợi ý:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

c. Triển khai vấn đề nghị luận:  Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Bài viết có thể triển khai theo hướng sau:

Giới thiệu vấn đề:

+ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Quả vậy, sẽ thật lạnh lẽo biết bao nếu thế giới này tồn tại mà không có tình thương yêu. Pascal cũng từng nói: “Con người chỉ là một cây sậy mềm yếu” nhưng cây sậy mềm yếu ấy vẫn đứng vững trước bão giông, bởi vì chúng ta có tình người. 

Phần triển khai vấn đề:

- Giải thích vấn đề: 

+ Tình người: chính là lòng nhân giữa con người với con người, là sự quan tâm, giúp đỡ người khác, nhất là trong lúc khốn khó, hoạn nạn; là sự đồng cảm, chia sẻ nỗi đau, nỗi bất hạnh của con người.

+ Tình người sẽ luôn phát huy những sức mạnh mãnh liệt mà chúng ta không bao giờ có thể hình dung được, nhất là trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách.

- Bàn luận vấn đề: 

+ Tình người là những tình cảm tốt đẹp của con người, nó có thể gắn kết những trái tim, xoa dịu những nỗi đau… Đôi khi một lời nói an ủi, một cái nắm tay chia sẻ, một bờ vai để bạn nương tựa lúc gục ngã … cũng đủ để chúng ta ấm lòng, xua tan bao nỗi buồn phiền.

+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có hoa hồng và sâm panh, đời người không phải lúc nào cũng chỉ có nụ cười và hạnh phúc. Có lẽ cuộc sống khắc nghiệt và nhiều thử thách hơn chúng ta tưởng. Hơn nữa chúng ta không thể sống một mình. Những lúc khó khăn, hoạn nạn cần biết bao tình người để giúp chúng ta có thêm ý chí, nghị lực, nguồn động viên vượt qua .

+ Tình người có thể khơi dậy những tiềm năng vốn có, phát huy điểm mạnh cũng như tạo nên những điều phi thường mà chúng ta không thể ngờ tới. Nếu không có lòng thương con thì làm sao mẹ của Einstein có thể giúp một cậu bé từ một đứa trẻ kém phát triển thành một thiên tài của nhân loại… Hay mảnh đất miền Trung của chúng ta làm sao có thể vực dậy sau mỗi lần lũ lụt, nếu không có tình người của mỗi người dân trên cả nước nhanh tay cứu trợ đồng bào trong cơn lũ… Hay Việt Nam chúng ta có thể vững vàng trước cơn càn quét của virus Covid 19 không phải là nhờ lòng người đoàn kết, tin yêu và sẻ chia sao?...

+ Tình người chính là vũ khí tối ưu nhất của chúng ta trước khó khăn thử thách, và nó cần được phát huy cả khi không có khó khăn, thử thách…

- Kết thúc vấn đề:

+ Như M.Faraday từng nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại.”

+ Hãy sống yêu thương nhau, sống với tấm lòng vị tha, bao dung, với sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc. Rồi bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh mà tình người mang lại.


Câu 2. (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh sông Hương ở ngoại vi kinh thành Huế.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng;

Học sinh có thể  giải quyết vấn đề theo hướng sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích:

- Nhắc tới thể loại kí, bên cạnh một Nguyễn Tuân đầy chất ngông, tài hoa và uyên bác, chúng ta còn có một Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng văn hướng nội, mê đắm và tài hoa không kém.

- Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức về triết học-văn-hóa, lịch sử, địa lý... 

-“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút ký xuất sắc, viết tại Huế năm 1981 in trong tập sách cùng tên. Bài kí gồm có ba phần, văn bản trích ở phần thứ nhất.

- Qua hình ảnh dòng sông Hương hiện lên với vẻ đẹp trẻ trung, nhạy cảm ở chặng hành trình ngoại vi thành phố Huế, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương đất nước: “Phải nhiều thế kỉ… bát ngát tiếng gà…”

* Phân tích hình ảnh sông Hương:

- Khi ra khỏi rừng, xuôi về đồng bằng và chảy vào ngoại vi thành phố Huế, sông Hương toát lên vẻ trẻ trung, khỏe khoắn và tinh tế, nhạy cảm:

+ Dòng sông được ví như một người tình bé nhỏ: “Phải nhiều thế kỷ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Sông Hương giống như cô công chúa ngủ mê ở trong rừng, phải đợi đến khi thành phố Huế - chàng hoàng tử của lòng mình - đến đánh thức thì cô công chúa mới giật mình choàng tỉnh.

+ Do ngủ mê trong rừng qua hàng thế kỷ nên khi tỉnh giấc sông Hương cảm nhận những thay đổi xung quanh mình. Vì thế nó phải tăng tốc, năng động để bắt nhịp với cuộc sống mới. Hình ảnh sông Hương quanh co, uốn khúc, “chuyển dòng liên tục” khi vừa ra khỏi rừng già có thể cho thấy lòng khát khao sự sống của sông Hương. Và nó cũng không ngừng đổi hướng: đoạn “ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc”, đến “vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc” để làm bừng lên sức trẻ và niềm khao khát tuổi thanh xuân của sông Hương.

+ Sông Hương còn mang vẻ đẹp mềm mại, sang trọng đầy quý phái: “sắc nước xanh thẳm” góp phần làm nên vẻ đẹp óng ả, lóng lánh cho dòng sông. So sánh “dòng sông mềm như tấm lụa” để ngợi ca vẻ mượt mà, mướt mát, đài các của nó. Những mảng phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” đã tạo nên nét đẹp độc đáo cho sông Hương. Những sắc màu đó không phải tự nhiên nó có mà do những ngọn đồi xanh rậm đổ bóng quyện chặt xuống lòng sông vào sáng sớm; do mặt trời lên đỉnh rọi ngàn tia nắng nên buổi trưa sông Hương có màu vàng rực rỡ mà ấm áp; buổi chiều sương khói phủ xuống mặt hồ, sông Hương mang màu tím buồn, thâm trầm mà lặng lẽ. Nhờ vẻ đẹp ở mỗi thời khắc như thế mà có người ca tụng đó là “Tam sắc Hương Giang”.

+ Đoạn chảy qua những rừng thông u tịch”, “những lăng tẩm đồ sộ”, sông Hương mang vẻ đẹp “trầm mặc” “như triết lí, như cổ thi”. Tác giả cảm nhận sông Hương khi vào vùng ngoại ô Huế mang nét thâm trầm, kín đáo đáng yêu như một bài thơ cổ kính.

Đoạn văn bộc lộ nét lịch lãm và tài hoa của tác giả: sáng tạo hàng loạt những hình ảnh so sánh, nhân hóa độc đáo, năng lực tưởng tượng, quan sát tinh tế, vận dụng sự hiểu biết về địa lí, văn học, lịch sử... để làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế, gợi cảm của Sông Hương khi chuẩn bị vào lòng thành phố Huế


* Nhận xét tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường: 

- Thể loại:

+ "Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nó vừa thể hiện những nét đẹp độc đáo của sông Hương, vừa phô diễn một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa.

- Chất trữ tình thể hiện ở nhiều khía cạnh:

+ Với tư cách là nhà địa lý: Tác giả hiểu rất rõ dòng sông về nguồn gốc, dòng chảy và sự đổi hướng cũng như những chi lưu ... của nó.

+ Với tư cách là nhà văn hoá: Hoàng Phủ Ngọc Tường hiểu Hương Giang chứa đựng trong lòng nó cả một bề dày văn hoá của xứ kinh kỳ.

+ Với tư cách là nhà văn, ông đã thể hiện cái tôi tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của cảnh và con người xứ Huế.

- Bằng sức liên tưởng kỳ diệu, tác giả đã thể hiện những nét đẹp độc đáo của sông Hương. Từ một dòng sông hoang dại, bí ẩn, sông Hương đã trở thành một người con gái dịu dàng, trẻ trung, tài hoa, rất mực kiên cường, rất mực hy sinh... 

+ Ngoài so sánh, trí tưởng tượng, tác giả còn sử dụng nhiều phép nhân hoá và ẩn dụ và lối thuyết minh có cảm xúc như một kiểu đòn bẩy nghệ thuật giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.

- Chất trữ tình còn thể hiện ở tình yêu say đắm, niềm tự hào tha thiết với quê hương xứ sở, với đối tượng miêu tả khiến dòng sông hiện lên lung linh huyền ảo, đa dạng như đời sống như tâm hồn của con người.

Bút ký này là sự kết hợp giữa một tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm xúc và một trí tuệ minh mẫn, uyên thâm. Lối viết ẩy tạo cho người đọc cảm giác như đang được nghe ai đó thủ thỉ kể về dòng sông huyền thoại này.

Đoạn trích bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn văn là những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa. Đoạn trích miêu tả vẻ đẹp của sông Hương, của thiên nhiên và con người xứ Huế. Qua đó, bộc lộ niềm tự hào về vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của vùng đất xứ kinh kỳ. Đấy cũng chính là tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của nhà văn.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nguyễn Huyền Nga 

THPT Vĩnh Viễn

  • (Có 1 bình chọn)

Nhiều huy chương vàng, bạc, đồng các môn thể thao cấp quận, tốt nghiệp THPT 100/100. Trong đó có em Nguyễn Thị Ngọc Lan đạt 27 điểm khối D, em Tôn Thất Quốc đạt điểm 10 môn GDCD. Cánh cửa đại học đang rộng mở chào đón các em. Xin chúc mừng thầy cô và các em học sinh...
Trường THPT Vĩnh Viễn long trọng tổ chức Lễ tổng kết năm học 2022-2023
Kính thưa quý Cha mẹ học sinh, quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến! Năm Tân Sửu 2021 là một năm đầy biến động trên toàn thế giới, nhân loại phải vất vả trong phòng chống dịch bệnh COVID 19 và đặc biệt tại TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch trên mọi mặt của đời sống xã hội...
Sáng 7/12/2021, trong khuôn khổ chuyên đề nghị luận: Phép màu trong cuộc sống, tiết học môn Ngữ Văn lớp 10A2 - Trường THPT Vĩnh Viễn được đón mời Th.s Tâm lý Đặng Hoàng An. Thầy An là một nhân chứng sống về những nỗi đau tuột cùng, về nghị lực khôn cùng và về phép màu trong cuộc sống...
Theo tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, Trưởng phòng Trung học, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng trong phiên họp trực tuyến ngày 1/12/2021; Ban Giám hiệu trường THPT thông tin đến CMHS, GVCN việc chuẩn bị dạy học trực tiếp như sau...
Hướng dẫn TIẾNG ANH LỚP 9 - UNIT 3 ( A TRIP TO THE COUNTRYSIDE )