Hồ Chí Minh - Sáng mãi một niềm tin

15/01/2020

ho-chi-minh-sang-mai-mot-niem-tin

Nguyễn Thành

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.”

(Bác ơi ! – Tố Hữu)

       Cơn mưa của ngày thu đầu tháng chín ấy sao da diết buồn. Người ta bảo tháng bảy mưa ngâu sầu nẫu ruột. Cái nhịp cầu Ô Thước để Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau mừng mừng tủi tủi cho lệ nhỏ trần gian. Thế nhưng giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt hạnh ngộ còn cảnh “trời tuôn mưa” mà Tố Hữu miêu tả là giọt nước mắt của cả đất trời ngậm ngùi thương tiếc vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một nhân cách lớn đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng. Từng giọt mưa cứ lặng lẽ tuôn như mạch cảm xúc nghẹn đắng tê lòng. Trời đã buồn, người lại buồn hơn. Hàng triệu trái tim của con người Việt Nam cứ se thắt lại và những giọt nước mắt cứ thầm lặng rơi. Chừng như mọi âm thanh dừng lại và người ta chỉ còn nghe tiếng thổn thức của mưa, của nước mắt.

       Xuất hiện trong văn học hiện đại những năm giữa thế kỷ XX, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài, là mạch cảm xúc lớn của thơ ca. Hình ảnh Bác gắn liền với Tổ quốc Việt Nam trong suốt chặng đường dài của văn học hiện đại đã được các nhà thơ phản ánh tinh tế trong nhiều tác phẩm và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về cuộc đời, nhân phẩm cao đẹp của một người con vĩ đại của dân tộc. Chế Lan Viên với Người đi tìm hình của nước đã sử dụng nhiều chất liệu tự sự về quá trình Bác ra đi tìm hình hài dân tộc từ đời bồi tàu lênh đênh sông nước đi qua khắp vùng trời Âu, Á, Mỹ, Phi đến khi tiếp cận chân lý để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Trong suốt ba mươi năm bôn ba nơi đất khách quê người, hình ảnh Tổ quốc cứ luôn hiện hữu trong trái tim:

“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.”

(Người đi tìm hình của nước)

       Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng từ trong tâm hồn mọi con người Việt Nam, đó là nét đẹp văn hoá, là truyền thống. Ngay từ buổi đầu dựng nước, cha ông ta đã thêu dệt qua trang truyền thuyết về Thánh Gióng, cậu bé ba tuổi cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước. Suốt chặng đường dài của dân tộc với bao biến thiên lịch sử, tình yêu Tổ quốc vẫn mãi nồng thắm như từ thưở khai nguyên. Từ Phạm Ngũ Lão, ngồi đan sọt mà lo việc nước, để giáo đâm vào đùi máu chảy lênh láng vẫn không hay biết đến với Đặng Dung “Quốc thù vị phục đầu tiên bạch – Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma” (Thuật hoài). Nỗi đau về tinh thần lớn hơn nhiều so với nỗi đau thể xác. Tình yêu Tổ quốc của Hồ Chí Minh là tinh anh của truyền thống dân tộc kết hợp với chân lý thời đại để tạo thành thứ tình cảm thiêng liêng cao quý, thôi thúc mãnh liệt, là những cơn sóng dồn, là ngọn lửa hồng thắp sáng trong tim. Chính vì thế, trong những năm tháng bôn ba giữa “gió rét thành Ba Lê” hay “sương mù thành Luân Đôn”, cả lúc tỉnh cũng như lúc trong mơ hình ảnh đất nước thân yêu cứ hiện về, canh cánh thành nỗi nhớ. Người luôn tự hỏi:

“Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây

Sông Hồng chảy về đâu ? Và lịch sử ?

Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây ?”

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

       Nét độc đáo trong phong cách thơ trí tuệ của Chế Lan Viên, đầy chất suy tưởng mà vẫn đậm đà hương vị trữ tình, là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ hình tượng để khắc hoạ những trăn trở, dằn vặt ưu tư cùng niềm khát khao mãnh liệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những sông Hồng, dải Trường Sơn, lịch sử bốn nghìn năm văn hiến sẽ quật khởi với ngọn cờ cách mạng. Tiếp cận ánh sáng chân lý, vận dụng tư tưởng Mác – Lênin vào cuộc đấu tranh dân tộc sẽ mang lại sức sống mới trên đất nước hồi sinh. Dân tộc Việt Nam sẽ được tận hưởng không khí của độc lập tự do để làm nên cuộc đổi đời kỳ diệu nhất trong lịch sử. Chế Lan Viên diễn đạt trong mạch cảm xúc dâng trào về hình ảnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau ba mươi năm ly hương, mùa xuân năm 1941 trở về nước qua biên giới Việt – Trung ở Cao Bằng, Người đã cầm một nắm đất lên hôn:

“Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.”

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

       Đó là những giây phút sâu lắng đầy cảm xúc như người con sau bao năm xa cách trở về trong vòng tay mẹ thân yêu để nghe nhịp đập của trái tim hòa nguồn vào nhịp thở của dân tộc, nghe tình yêu Tổ quốc mãnh liệt thôi thúc trong hồn. Đất nước là đây sau bao năm xa cách, sau bao nhiêu năm lặn lội đi tìm hình hài của đất nước, của dân tộc để vượt qua đêm trường tăm tối, đến với ánh sáng độc lập tự do. Ngọn lửa hồng ấm áp nhen nhúm trong lòng. Tố Hữu cũng đã viết:

“Ôi ! Sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…”

( Theo chân Bác – Tố Hữu )

       Hình ảnh Bác lặng yên xúc động giữa núi rừng Tổ quốc, hoa mơ nở, chim hót ngân vang chào đón mùa xuân. Dấu chấm lửng trong câu thơ là sự im lặng không lời, là niềm xúc động thiêng liêng đến đỉnh điểm mà mọi ngôn từ không thể diễn đạt hết được ý nghĩa. Những câu chữ như những nốt nhạc tươi sáng, nhẹ nhàng, thánh thót hòa cất lên trong cảnh sắc mây trời, núi rừng rộn ràng sắc xuân và tâm hồn con người tràn ngập hương hoa, chất ngất niềm vui say hạnh phúc để rồi chỉ im lặng và phải im lặng mới tận hưởng hết được âm sắc của mùa xuân, thiên nhiên, đất nước.

       Có lẽ Tố Hữu là nhà thơ thành công nhất khi viết về Bác. Mỗi vần thơ của Tố Hữu tạo nên một sắc thái riêng trong phong cách của Người. Trong bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, tập thơ Việt Bắc đã tập trung miêu tả hình ảnh Bác Hồ tiêu biểu cho mọi phẩm chất cao đẹp của dân tộc:

“Ở đâu u ám quân thù,

Nhìn lên Việt Bắc: cụ Hồ sáng soi.”

       Thơ Tố Hữu là sự hài hòa tuyệt đẹp hương sắc tình cảm của tác giả và của con người Việt Nam dành cho vị lãnh tụ dân tộc. Tình cảm ấy là những tình cảm thiêng liêng mà gần gũi đậm đà tính cách phương Đông. Trong suy nghĩ của con người Việt Nam Bác như một vị tiên hiền cứu vớt những mảng đời tăm tối bị bóc lột và mang ánh sáng mầu nhiệm để giải thoát những kiếp đời nô lệ tối tăm. Bác là nhà hiền triết gieo những hạt mầm hạnh phúc đến với cuộc đời. Nét đặc sắc về hình ảnh Bác trong tập thơ Việt Bắc là phong thái ung dung tự tại của Người, dẫu cuộc chiến tranh có khốc liệt nhưng tâm thế của vị lãnh tụ vẫn đĩnh đạt sáng suốt để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi:

“Nhớ ông cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường !

Nhớ Người những sáng tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.”

(Việt Bắc)

       Đúng là cốt cách một nhà hiền triết, một vị tiên hiền.

       Đến với bài thơ Sáng tháng năm, vẻ đẹp dung dị và thanh khiết của Bác hiện ra như đó hoa sen ngát hương:

“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên Người, Người toả sáng trong ta

Ta bỗng lớn bên Người một chút. “

(Sáng tháng năm – Tố Hữu)

       Vẫn chiếc áo nâu quen thuộc hiền hoà như những người nông dân chân chất suốt đời lam lũ, màu áo nâu của Bác mặc mang đậm nét đẹp truyền thống quê hương kiên cường bền bĩ. Chính vẻ đẹp thuần khiết ấy tạo sự gần gũi chân thành, ấm áp một niềm tin, lan tỏa đến tâm hồn chúng ta một ngọn lửa hồng, một nguồn sáng chân lý để chúng ta tự hóa thân trong nguồn sáng ấy mà trưởng thành. Câu thơ vừa nhẹ nhàng mà ý nhị, sâu sắc như một câu triết lý. Người là vầng hào quang tỏa sáng vào những ngăn ngõ tăm tối trong tâm hồn ta để ta tự chiêm nghiệm giá trị của chân lý:

“Dù ai rào giậu ngăn sân

Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ !”

(Ta đi tới – Tố Hữu)

       “Dân cụ Hồ” là giá trị của lương tri thời đại. Câu thơ phảng phất âm hưởng ca dao “Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Đó là tấm lòng son sắt thuỷ chung, dẫu bão táp mưa sa, dẫu ngăn sông cách núi, dẫu cho bạo lực cường quyền cũng không ngăn trở lòng hướng vọng, niềm tin mãnh liệt của nhân dân dành cho Bác.

       Hình ảnh Bác hiện ra trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ với những nét gần gũi, thân tình, sâu lắng của người cha chăm chút cho con từng giấc ngủ. Đó là tấm lòng quãng đại bao dung. Giữa chiến trường Việt Bắc, trong một đêm mưa, Bác đi vén chăn nhẹ nhàng từng người một để người chiến sĩ ngủ tròn giấc, lại nghĩ đến người dân công giữa rừng lạnh lẽo thiếu chiếu chăn, khuôn mặt trầm tư ấy thao thức vì dân tộc:

“Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.”

(Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)

       Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khép lại chặng đường chín năm kháng chiến đầy gian khổ mà anh dũng dưới sự chỉ huy của thiên tài Hồ Chí Minh làm chấn động toàn cầu. Tổ quốc lộng lẫy cờ hoa. Trong khúc khải hoàn ca, những cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Thủ đô, hình ảnh Bác hiện ra trong phấp phới cờ đỏ sao vàng:

“Trên đường ta về lại thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ !”

(Ta đi tới – Tố Hữu)

       Suốt chặng đường dài đấu tranh của dân tộc, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với từng thăng trầm biến thiên của lịch sử dân tộc. Trên từng bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đến cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, trái tim vĩ đại đã hòa theo nhịp thở thời đại, hiện hữu trong tâm hồn mọi con người Việt Nam, từ người nông dân ở miềm Bắc hậu phương thi đua sản xuất đến tiền tuyến miền Nam, những người chiến sĩ ngày đêm chiến đấu theo lời Bác gọi:

“Thiêng liêng thay, tiếng gọi của Bác Hồ:

Vì độc lập tự do, toàn dân ta quyết thắng !”

(Chào xuân 1967 – Tố Hữu)

       Cả dân tộc chiến đấu “vì độc lập, vì tự do” để “Bắc Nam sum họp” theo ước nguyện của Người. Trường Sơn ơi ! Điểm hẹn của tuổi trẻ. Những chàng trai, cô gái lên đường phơi phới bước chân, mặc mưa bom bão đạn, vì trong từng bước quân hành đều có hình ảnh Bác làm niềm tin, sức mạnh để chiến thắng.

       Có một quy luật nghiệt ngã của cuộc đời, quy luật sinh ly tử biệt mà mọi con người trong vòm trời này đều không tránh khỏi. Một ngày trái tim của con người vĩ đại của dân tộc ngừng đập, đất trời ngậm ngùi thương tiếc. Phải nói bài thơ Bác ơi của Tố Hữu làm xúc động lòng người về tình cảm chân thành thắm thiết của Tố Hữu cũng như của mấy mươi triệu trái tim người Việt Nam cùng chung niềm xúc cảm thiêng liêng, cùng ngậm ngùi đưa tiễn trong cơn mưa sụt sùi của những ngày tháng chín.

“Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu !

Ra đi, Bác dặn còn non nước …

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.”

(Bác ơi ! – Tố Hữu)

       Không dám khóc nhiều mà sao nước mắt vẫn cứ âm thầm rơi. Ôi trước những giờ phút cuối cuộc đời, Bác vẫn nặng lòng nước non. Bài thơ Bác ơi ! là một điếu văn được viết theo phong cách hiện đại với sự thổn thức nỗi lòng mà vẫn đầy ắp vẻ trang nghiêm tôn kính.

       Như dòng sông miệt mài chảy mãi khôn thôi, suốt cả cuộc đời Người hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, nay Người đang yên ngủ giữa vầng trăng hiền hoà giữa bốn mùa xanh mãi mây trời, giữa lòng tôn kính của mọi người Việt Nam:

“Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa

Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cuối đầu

Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ ! “

(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi … - Hải Như)

       Đó là lời kêu gọi thiết tha của trái tim và là mệnh lệnh của ý thức. Vâng ! Cả cuộc đời Bác vì dân vì nước, người bôn ba khắp phương trời để tìm con đường giải phóng dân tộc nay Bác đã yên nghỉ, thế hệ cháu con phải tiếp bước con đường cách mạng để làm nên ngày vui đại thắng mùa xuân 1975. Trong ánh sao vàng rạng rỡ tung bay, núi sông Việt Nam liền một dải thỏa lòng Bác mong ước. Và trong giây phút niềm vui dâng trào ấy, mọi người bỗng chạnh lòng khi nghĩ về Bác, Viễn Phương đã thay mặt cho đồng bào miền Nam dâng lên Bác trọn niềm tôn kính:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

       Vạn vật nở hoa dưới ánh sáng mặt trời, tâm hồn con người thăng hoa dưới ánh sáng chân lý mà Bác đã mang đến cho dân tộc để thoát khỏi đêm trường tăm tối của kiếp đời nô lệ, để được làm người tự do. Giá trị đó cao quý lắm mà không một ai được phép lãng quên.

       Năm tháng rồi sẽ qua đi, song hình ảnh Bác vẫn sáng mãi những vần thơ.

Tháng 5/2005

  • (Có 28 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...