LỜI NHẮN GỬI CHÂN THÀNH QUA BÀI THƠ NÓI VỚI CON – Y PHƯƠNG

23/02/2020

Với đề tài tình cha con sâu nặng, Y Phương một nhà thơ người dân tộc Tày đã chạm khắc nên những vần thơ tuyệt diệu vừa mộc mạc hồn nhiên, vừa hàm súc, vừa thủ thỉ tâm tình, vừa triết lý sâu xa của tư duy đôn hậu người miền núi qua bài thơ Nói với con.  

loi-nhan-gui-ch-n-thanh-qua-bai-tho-noi-voi-con-y-phuong

 Mở đầu bài thơ, mượn những lời nói tâm tình với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Gia đình và quê hương là cái nôi êm để từ đó con người lớn lên, trưởng thành. 

Chân phải bước tới cha 

Chân trái bước tới mẹ 

Một bước chạm tiếng nói 

Hai bước tới tiếng cười 

Bốn câu đầu của bài thơ gợi lên một bức tranh gia đình thường gặp trong đời sống hàng ngày: con đang tập đi, cha mẹ vây quanh mừng vui, hân hoan. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, mừng vui đón nhận. Đằng sau bức tranh này, tác giả muốn khái quát một điều là con lớn lên bằng tình yêu thương, sự nâng đón, vỗ về mong chờ của mẹ cha. Những hình ảnh cụ thể “chân phải bước tới cha”, “chân trái bước tới mẹ”, cùng với những âm thanh “tiếng nói”, “tiếng cười” sống động vui tươi gợi lên một không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt, tràn đầy hạnh phúc. Như vậy tình yêu của cha mẹ dành cho con và không khí gia đình đầm ấm hạnh phúc là yếu tố đầu tiên hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp cho tâm hồn con. Một điều cần lưu ý Y Phương viết bài thơ năm 1980, khi nhà thơ còn khoác áo lính nên tác phong quân đội thâm nhập trong hồn thơ. Các từ “”phải”, “trái”, một”, “hai” như nhịp bước quân hành vừa tạo âm điệu nhịp nhàng tươi vui cho bài thơ đồng thời cũng là ân tình nhắn nhủ sâu sắc cho những bước vững chắc của con khi bước vào cuộc đời.

Có thể nói, tình cảm gia đình là một trong những đề tài quen thuộc của thơ văn. Đã có rất nhiều tác giả khai thác thành công mảng đề tài này. nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh lý giả thật dung dị mà chân thành, sâu sắc: 

                                          Muốn cho trẻ hiểu biết

                                Thế là bố sinh ra

                                          Bố bảo cho biết ngoan

                                Bố dạy cho biết nghĩ

                                        (Chuyện cổ tích về loài người)

Bên cạnh tình cảm gia đình thắm thiết, cuộc sống lao động và quê hương cũng là yếu tố giúp con trưởng thành và bồi đắp cho con những phẩm chất tốt đẹp. Để thể hiện điều đó, ở khổ thơ tiếp theo, Y Phương đã sử dụng những hình ảnh, cách nói của người dân miền núi:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa 

Vách nhà ken câu hát 

Âm điệu câu thơ trìu mến thân thương. “Người đồng mình” có nghĩa là người vùng mình, người miền mình. Nói về cuộc sống lao động của “người đồng mình”, tác giả đã chọn và miêu tả công việc “đan lờ” và ken “vách nhà”. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ca ngợi ông lái đò có “bàn tay lái ra hoa” và trong bài thơ này của Y Phương, dưới bàn tay lao động của người Tày, những nan tre, nan nứa dùng để đan lờ thành những “nan hoa”. Vách nhà của người Tày không chỉ ken bằng ván gỗ mà còn được ken bằng cả câu hát vui tươi. Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả cụ thể công việc lao động vừa thể hiện tình cảm gắn bó, khăng khít của con người. Hình ảnh “vách nhà ken câu hát” còn ẩn chứa một nét văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc. “Vách nhà” là nhân chứng cho tình yêu lứa đôi. Những đêm sáng trăng, người con trai ngồi ngoài vách, người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe những giai điệu tuổi trẻ, những giai điệu yêu thương. Họ hát tàn đêm đến sáng. Và cũng từ những câu hát ấy đã kết tinh thành tình yêu, tình vợ chồng mãi mãi bền chặt, để niềm vui chào đón đứa con ra đời. 

Sự tài hoa, tinh thần lao động cần cù và cuộc sống tươi vui, tình yêu, nét đẹp văn hóa của người “đồng mình” chính là nguồn cội để nuôi dưỡng tâm hồn người con. 

 Chúng ta ai cũng có một quê hương để thương, để nhớ với những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân tình. Nhà thơ Tế Hanh nhớ về dòng sông quê xanh biếc "nước gương trong soi tóc những hàng tre", nhà thơ Đỗ Trung Quân nhớ về con đường đi học "Rợp bướm vàng bay"... còn Y Phương khi viết về quê hương mình thì lại viết về núi rừng và những con đường tình nghĩa:

Rừng cho hoa 

Con đường cho những tấm lòng

Quê hương của Y Phương là tỉnh Cao Bằng, một tỉnh miền núi, nên rừng là hình ảnh thiên nhiên đặc trưng nhất. Rừng che chở, cung cấp nguồn sống cho con người. “Hoa” là kết tinh, là nét đẹp của cuộc sống. Những cánh hoa rừng làm đẹp cho cuộc đời và dạy cho con người biết yêu quý thiên nhiên. Chính thiên nhiên thơ mộng và con đường mà mọi người đến với nhau với những tấm lòng đầy tình nghĩa của quê hương đã bồi dưỡng nên tâm hồn cao đẹp cho con, dạy cho con biết yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người chân thành sâu sắc. 

 Ở khổ thơ tiếp theo, Y phương tiếp tục viết về con người đồng mình bằng cách ca ngợi những đức tính cao đẹp của người dân quê mình. "Người đồng mình" trong bài thơ không chỉ khéo léo tài hoa, yêu đời mà người đồng mình còn có nhiều đức tính phẩm chất cao đẹp đáng tự hào khác:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn 

Xa nuôi chí lớn 

 Tứ thơ được lặp lại thiết tha trìu mến “người đồng mình yêu lắm (thương lắm) con ơi” như một lời tâm niệm của người cha truyền lại cho con, cho con thêm sức mạnh, thêm ngọn lửa của lòng yêu quê hương mà vững bước trong cuộc đời. Nói về phẩm chất của “người đồng mình”, nhà thơ đã có một cách nói khác lạ nhưng rất hay “Cao đo nỗi buồn - xa nuôi chí lớn”. Hai câu thơ bốn chữ đăng đối như tục ngữ lấy sự từng trải (buồn) để đo chiều cao, lấy chí lớn để đánh giá độ xa nhằm thể hiện chí khí, bản lĩnh sống kiên cường của đồng bào dân tộc Tày nơi chốn núi rừng. Hình ảnh thơ như rộng mở cả ba chiều không gian, chiều cao, chiều xa và cả ý chí con người.

Từ việc ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, nhà thơ muốn khuyên con:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn 

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh 

Sống trong thung không chê thung nghèo đói 

Sống như sông như suối 

Lên thác xuống ghềnh 

Không lo cực nhọc 

Lời khuyên của người cha với con trong những câu thơ trên thực chất là một lời khuyên về đạo lí làm người. Sau bao năm dài chiến tranh, quê hương ta còn nhiều gian khó, nhất là vùng rừng núi phía Bắc, nhưng con không được phụ bạc “không chê ... không chê ... không lo” con phải sống có nghĩa tình chung thủy với quê hương. Nghệ thuật so sánh “sống như sông như suối” và thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” được sử dụng tài tình trong bài thơ đã thể hiện được ước mong con biết chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn thử của người cha. Điệp từ “sống” lặp ba lần ở đầu các câu thơ đã làm nổi bật lên mong muốn con cần phải có tâm thế, bản lĩnh trong cuộc sống của người cha. Câu thơ cô đọng, âm điệu câu thơ vững chải để nhấn mạnh lời khuyên người con phải biết vượt qua những cám dỗ của cuộc sống vật chất xa hoa mà xa rời cội nguồn dân tộc.

Lời thơ Y Phương tuy mộc mạc nhưng luôn đầy hình tượng, gợi người đọc nhiều suy nghĩ:

Người đồng mình thô sơ da thịt 

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con 

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương 

Còn quê hương thì làm phong tục.

Nói về bản chất mộc mạc, giản dị của người dân quê “chân lấm tay bùn”, người Kinh chúng ta thường dùng lối nói “ăn chắc mặc bền”, “chân đất lưng trần”, “niêu cơm quả cà” để diễn tả. Và Y phương cũng dùng cách nói hình ảnh, cụ thể của người Tày như: “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé”, “tự đục đá kê cao quê hương”... để ca ngợi sự giản dị chất phác thật thà, sức sống mạnh mẽ khoáng đạt, sự gắn bó bền bỉ với quê hương và tinh thần lao động cần cù nhẫn nại, ý chí khát vọng xây dựng quê hương bằng chính sức mình của người dân “đồng mình”. Với những đức tính tốt đẹp đó, người dân đồng mình đã xây dựng lên quê hương yêu dấu với bao truyền thống,  phong tục tốt đẹp.

Kết thúc bài thơ là những lời thiết tha xúc động:

Con ơi tuy thô sơ da thịt 

Lên đường 

Không bao giờ được nhỏ bé 

Nghe con.

Âm điệu khổ thơ chuyển đổi câu dài, câu ngắn bằng giọng thơ thủ thỉ thiết tha chân tình nhưng cũng mạnh mẽ để khắc ghi vào tâm trí lời chỉ bảo của một người cha, tác giả mong muốn con hãy biết tự hào về quê hương, biết kế thừa phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình và tự tin vững bước trên đường đời không bao giờ được sống nhỏ bé tầm thường, phải sống mạnh mẽ khoáng đạt, biết giữ lấy cốt cách của người dân “đồng mình”. Bài thơ khép lại trong tiếng lòng sâu lắng “nghe con” mà âm ba cứ đọng lại trong lòng người niềm rung cảm về tình cha con về quan niệm sống trong cõi đời.

Nói với con của Y Phương với các hình ảnh thơ vừa cụ thể, giàu tính tạo hình vừa khái quát, mộc mạc trong cách dẫn dắt tự nhiên, đã góp thêm vào thi ca Việt Nam một nét mới, một cung bậc cảm xúc lạ để chúng ta hiểu hơn về tình cha con, về tâm tình của đồng bào dân tộc. Đồng thời bài thơ cũng là bức thông điệp, một quan niệm sống cao đẹp:

Không bao giờ được nhỏ bé 

Nghe con.”

Thạc sĩ Hồ Thị Giáng Thu 

(giáo viên THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú)

 
  • (Có 4 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...