Mỗi tác phẩm văn chương cũng là một thanh âm “lấp lánh”
Nguyễn Nhân Cát Tường Vi
(Giải Nhất học sinh giỏi thành phố khối 9, năm học 2022-2023)
Có ai rung động trước một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến một vầng thơ khô khan không cảm xúc? Nếu một vườn hoa là thành quả lao động của người vun trồng, nếu hội họa dùng đường nét và màu sắc để phác họa lên bức tranh cuộc sống, âm nhạc dùng ca từ và giai điệu để tạo nên “kiến trúc của âm thanh” thì văn học dùng ngôn từ và hình ảnh để làm chất liệu sáng tác. Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca cũng như văn chương, tiếng ca từ ấy bao giờ cũng tươi vui và rạo rực, giai điệu văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Là nhà văn, ngòi bút của anh phải vào nghiên mực của cuộc đời để tạo lên bức tranh chạm tới tâm hồn người đọc, bức tranh ấy luôn được tạo nên từ nhiều hình khối màu sắc khác nhau và xen lẫn những thanh âm đẹp đẽ pha chút “lấp lánh” của cuộc đời. Vậy, phải chăng mỗi tác phẩm văn chương cũng là một thanh âm “lấp lánh”?
“Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” - Sóng Hồng. Thật vậy, tác phẩm văn học luôn mang đến cho con người một vẻ đẹp của cuộc sống thực tại, một nét đẹp của nhân vật sinh động và cả vẻ đẹp “lấp lánh” của những âm thanh vang vọng chạm đến trái tim chúng ta. Có thể nói, tác phẩm văn chương là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, chúng là những kiệt tác chất chứa đầy tính nhân văn và hướng con người để vẻ đẹp của chân- thiện- mỹ. Mặt khác, tác phẩm văn chương là nơi mà người cầm bút có thể thả hồn vào những con chữ, vẽ lên một bức tranh của hiện thực đời sống và giúp cho độc giả chiêm nghiệm được những điều đẹp đẽ của cuộc đời, những điều mới mẻ của cuộc sống và là nơi chứa đựng những tình cảm cao đẹp, lí tưởng sống và mang những âm thanh “lấp lánh” của cuộc đời. Nói cách khác, “thanh âm lấp lánh” trong tác phẩm văn chương là những âm thanh nhẹ nhàng, ngọt ngào xuất phát từ cuộc sống bình dị và cả những điều nhỏ nhặt giữa hiện thực được nhà văn gửi gắm vào trong bông hồng vàng vô giá của nền nghệ thuật. Hơn thế, những thanh âm ấy được khắc họa dưới nhiều hình thức khác nhau và đều mang đến cho độc giả một âm hưởng ngọt ngào. Như vậy, mỗi tác phẩm văn chương đều mang trên mình bóng dáng của “một âm thanh lấp lánh” và tạo nên một bản nhạc ca đầy ý nghĩa.
“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” - Nam Cao. Thật vậy, một tác phẩm chân chính bao giờ cũng là sự kết tinh của biết bao tâm huyết của người nghệ sĩ. Tác phẩm là phương tiện để nhà văn thể hiện tâm tư, tình cảm, những quan điểm, triết lý nhân sinh. Và như một lẽ dĩ nhiên, để có thể gửi gắm vào trong tác phẩm văn chương những cung bậc cảm xúc, những bài học nhận thức mang đậm tính nhân văn thì người nghệ sĩ phải có những trải nghiệm sâu sắc, những tình cảm thiết tha của người cầm bút. Có thể nói, “những thanh âm lấp lánh” luôn đến từ hiện thực cuộc đời, nó bắt nguồn từ đời sống của con người và những gì nhỏ nhặt xung quanh chúng ta, chính vì thế, người cầm bút phải hòa mình vào nhịp sống của từng nhịp điệu, từng nốt nhạc để rồi từ đó phát họa chúng vào trang văn. Mặt khác, văn học phản ánh hiện thực đời sống theo ý thức chủ quan của nhà văn. Sự phản ảnh hiện thực đời sống của nhà văn thực chất là một quá trình chắt lọc, nhào nặn, trải nghiệm và tổ chức lại những chất liệu đời sống theo trí tưởng tượng phong phú dựa trên một ý đồ nghệ thuật nào đó của người nghệ sĩ. Nói cách khác, mục đích quan trọng bậc nhất của văn học nghệ thuật là phản ảnh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống theo quy luật của cái đẹp, nhằm thoã mãn cho con người những tình cảm thẩm mĩ vô cùng đa dạng và nhiều sắc màu. Thế nhưng, văn học không vẽ nên bức tranh cuộc sống theo một cách sao chép hời hợt và nông cạn. Nhà văn không tái hiện những điều thực tế trong cuộc sống một cách thụ động và giản đơn. Hơn thế, những gì bước vào văn học đều trải qua biết bao dằn vặt, đau đớn, trăn trở, hi vọng những tình cảm mãnh liệt của tác giả. Mỗi lần cầm bút là mỗi lần nhà văn phải đối diện với lòng mình, phải trút lên trang giấy tất cả “những giọt mật tinh tuý nhất”, biến hạt bụi biển thành “ hạt ngọc tròn trặn ánh ngời”. Có như vậy, tác phẩm văn học mới có thể mang một màu sắc mới mẻ, không lặp lại và nhờ vào khả năng sáng tạo của nhà văn cùng với khả năng liên tưởng của người đọc sẽ tạo nên một tác phẩm văn chương với nhiều hình ảnh độc đáo, mới lạ và cả “những thanh âm lấp lánh” được bước chân vào tác phẩm. Mặt khác, những âm thanh ấy đến từ thiên nhiên, đến từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống được người nghệ sĩ nhìn nhận và thấu hiểu, được ngòi bút khắc hoạ theo nhiều nét khác nhau, theo nhiều phương diện khác nhau và những tiếng ca ấy pha sắc “lấp lánh” ấy là hiện thực cuộc sống, là nơi mà nhà văn thả hồn mình vào để thưởng thức, đúc kết. Có thể nói, đó là quá trình được tác giả sống sâu với cuộc đời. Sống sâu với đời, nhà văn mới có thể chứng kiến hết thảy những bất hạnh, éo le của số phận con người mà đồng cảm, mà rung động. Sống sâu với đời, len lỏi vào từng khía cạnh của của cuộc sống, người cầm bút mới nhận ra tính chất đa dạng phức tạp của cuộc sống và của chính con người. Và sống sâu với đời, người nghệ sĩ mới có thể cảm nhận được hết những âm thanh, tiếng vang của cuộc đời, nó là tiếng thét khổ đau, những lời nói yêu thương hay đơn giản chỉ là những âm thanh ngọt ngào của nhân loại. Nó được khoác lên mình một màu sắc “lấp lánh” được nhà văn chắt lọc và đưa vào trong tác phẩm, trao đến tay bạn đọc thân thương như nhà văn Thạch Lam đã từng nói: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Qua lăng kính độc đáo, sáng tạo của người nghệ sĩ, cuộc đời rộng thêm ra, hiện thực trở nên phong phú hơn, và khi kết hợp cùng với phương thức biểu đạt riêng biệt, người nghệ sĩ mới biến đổi cái đẹp của tự nhiên thành vô vàn nét đẹp, mới hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật có khả năng làm thay đổi lối suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm hay tôi luyện, bồi dưỡng thêm cho người tiếp nhận. Mỗi tác phẩm văn chương là một âm thanh lấp lánh. Thật vậy, trong mỗi tác phẩm đều mang một màu sắc riêng, một vẻ đẹp riêng và toả lên ánh lấp lánh của kiệt tác dưới tay người nghệ sĩ và cả người đọc. “Đứa con tinh thần” ấy bao giờ cũng mang một giá trị cao cả, mang tính nhân văn sâu sắc thì mới có thể chạm đến trái tim độc giả, gieo vào lòng họ một ấn tượng sâu sắc và một bài học ý nghĩa. Ngoài ra, để cảm thụ được tác phẩm văn học, người đọc buộc phải tái tạo lại hình tượng từ những con chữ trong văn bản bằng trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng của mình. Mặt khác, độc giả sẽ là người mang đến cho tác phẩm những thanh âm “lấp lánh” dưới góc nhìn của mình và tạo nên cho tác phẩm một giá trị bền vững. Hơn thế, nếu người nghệ sĩ pha sắc “lấp lánh” cho tác phẩm bằng những nốt nhạc dưới góc cạnh này, hình thức nghệ thuật này thì độc giả có thể “phiêu lưu” và “thưởng thức” bản tình ca dưới cảm xúc và cách nghĩ của riêng mình. Như vậy, dưới ngòi bút độc đáo của người nghệ sĩ đã tạo ra một bản hoà ca mang vẻ đẹp của “những thanh âm lấp lánh” và nó là điểm nhấn, làn nét sáng tạo của tác giả gửi đến tác phẩm.
“Lắng tai nghe
Khúc nhạc mùa xuân đang mời gọi
Dõi mắt nhìn
Sắc xuân lung linh tràn ngập cả đất trời”
Mùa xuân là khoảnh khắc đánh thức ngàn cây cỏ hoa tươi đâm chồi nảy lộc. Hơn thế, mùa xuân còn đánh thức nguồn cảm hứng vô tận cảu biết bao người nghệ sĩ. Có lẽ, tình xuân ấy đang hoà quyện trong vũ điệu giao mùa, đang dạt dào trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Từ khát vọng của ông, nhà thơ đã thể hiện hết mình lòng tin yêu cuộc sống và lòng khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, cho đời. Đến với bài thơ, ta lắng nghe được “âm thanh lấp lánh” được xuất phát từ tiếng lòng thiết tha của ông là lời thơ nhỏ nhẹ, tha thiết và ước muốn chân thành:
“ Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời”.
Đến với khổ thơ, Thanh Hải cho ta thấy “mùa xuân nho nhỏ” là một phát minh mới mẻ và đầy sáng tạo. Không chỉ là “con chim hót”, không chỉ là “một cành hoa” tô đẹp cho bức tranh thiên nhiên, cũng không chỉ là “một nốt trầm xao xuyến” để thể hiện cái đẹp của lòng người. Đến đây, Thanh Hải muốn hóa thân trọn vẹn vào mùa xuân to lớn của dân tộc. Có lẽ, nhà thơ nguyện lòng mình làm một mùa xuân nhỏ nhỏ, nghĩa là sống đẹp, sống có ích cho đời, sống hết mình với tuổi trẻ những lại rất khiêm nhường làm một mùa xuân nho nhỏ góp phần vào mùa xuân tươi đẹp của đất nước. Như Peter Marlot đã từng nói: “Thước đo của con người không phải là thời gian mà là sự cống hiến”. Thật vậy, âm thanh vang vọng của sự cống hiến kêu lên thật hùng tráng và kiêu hãnh xiết bao! Nó mang một vẻ “lấp lánh” tự hào của sự khát khao dâng hiến và cả âm thanh thanh thót của thiên nhiên cây cỏ được Thanh Hải miêu tả thật đặc sắc. Hơn thế, từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” kết hợp với động từ “dâng” thể hiện ước nguyện cống hiến âm thầm và chân thành của mình. Lặng lẽ thôi sao mà đẹp biết bao, dạt dạo như sóng triều dâng. Có lẽ, những âm thanh ấy tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng lại khoác lên mình một ánh “lấp lánh” hào nhoáng của sự cống hiến cao cả, âm thanh vang lên với cái đẹp của lòng người. Dường như, “một mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước, nó thể hiện sự trân trọng của nhà thơ muốn góp những tinh hoa của cuộc đời cho dân tộc. Đó là “âm thanh lấp lánh” của một lẽ sống hết mình, sống thuỷ chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ cho quê hương. Qua hai câu thơ, ta thưởng thức được những thanh âm lấp lánh của sự cống hiến cao cả cùng với âm thanh sống động của thiên nhiên tươi đẹp, tất cả hoà quyện tạo nên một bức tranh đầy ý nghĩa. Hơn thế, nhà thơ đã thật tài tình khi khắc hoạ lên “ những âm thanh lấp lánh” qua hàng loạt phép nghệ thuật cùng với những ngôn tình bình dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, trao gửi đến tay người đọc những âm thanh sự lòng thuỷ chung, lòng hi sinh cao cả. Ngoài ra, vẻ đẹp cống hiến ấy con được gợi lên trong bản tình ca:
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Điệp ngữ “ dù là” đã thể hiện một chân lý, là lời khẳng định để tự dặn lòng phải sống đẹp, sống có ích, sống hiến trọn đời mình dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” đối lập với “tóc bạc” nhằm khẳng định rằng dù ở bất kì độ tuổi nào, con người cũng phải sống hết mình, sống cống hiến. “Dù là tuổi hai mươi” khi còn là thanh niên tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cho đến khi “tóc bạc”, có lẽ, dù nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cống hiến hết mình cho đất nước. Bởi lẽ, “ sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình” - Tố Hữu. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng trọng những gì đẹp đẽ nhất của mình cho đất nước. Đây là lời tâm niệm cuối cùng của nhà thơ từng trải qua hai cuộc kháng chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn và cuộc đời của mình cho Cách Mạng. Chỉ qua hai câu thơ cuối, ta được dịp chiêm nghiệm và lắng nghe những thanh âm cống hiến hi sinh của nhà thơ Thanh Hải với những lời khuyên chân thành đến độc giả. Bằng những hình ảnh và nghệ thuật độc đáo, người đọc đã được thưởng thức những thanh âm “lấp lánh” của vẻ đẹp cao cả qua nỗi khao khát được cống hiến của nhà thơ, có lẽ, ông đã sống trọn cuộc đời, đã xem cuộc đời mình như một ân huệ mà cõi sống ban tặng. Qua khổ thơ trên, ta thấy được “ những âm thanh” pha sắc “lấp lánh” được tác giả khắc họa qua tiếng vang của sự cống hiến, hi sinh và cả những vẻ đẹp lòng yêu nước, thuỷ chung với dân tộc. Thật vậy, tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” là một “thanh âm lấp lánh” cho vẻ đẹp nhân cách cao cả của con người.
Đến với dòng văn học Việt Nam, chủ đề chiến tranh luôn là nguồn cảm hứng đầy cảm xúc của các nhà văn, nhà thơ. Dòng chảy ấy luôn dạt dào trong tim nhà văn Nguyễn Quang Sáng được ông khắc hoạ qua tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Kiệt tác đã cho bạn đọc cảm nhận được âm thanh của tình phụ tử đầy cao cả, bao la và cả ánh “lấp lánh” của lòng yêu đất nước. Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến khi đứa con gái chưa tròn một tuổi. Và nỗi nhớ thương con da diết luôn thao thức trong tim ông trong tám năm ròng khiên ông cuống quýt, nóng vội ngay từ những giây phút đầu tiên được gặp con. Với nỗi xúc động của một người cha thì đứa con gái lại chối từ ông, lại sợ hãi trước những tình cảm ông dành cho bé Thu và khiến trái tim ông quặn thắt. Một dòng cảm xúc đau buồn cứ đau đáu trong lòng ông, ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi, ông Sáu chỉ dành tất cả thời gian để tìm mọi cách bày tỏ lòng yêu thương con, mong ngóng con gọi tiếng “ba”. Đối với chúng ta, nó là một tiếng gọi thân thương quen thuộc những đối với ông, đó là nỗi khao khát, là nỗi ước mong xuất phát từ tình yêu thương con da diết. Có lẽ, chiến tranh đã vô tình để lại chiến tích trên gương mặt ông, nó vô tình chia cắt tình phụ tử đầy thiêng liêng và khiến đứa con gái chẳng thể nhận cha. Trước tình cảnh ấy, ông Sáu càng muốn bày tỏ tình yêu thương con nhưng bé Thu lại chối bỏ, không nhận người cha sau bao năm xa cách khiến cho vết thương trong lòng ông ngày càng sâu, nó khứa vào sâu trong tận tâm gan ông. Ấy vậy mà những giây phút trước khi lên đường đi kháng chiến, tiếng “ba” ấy vang lên trong sự vỡ oà của mọi người. Ngay khoảnh khắc ấy, ta đã cảm nhận được tiếng “ba” đầy cao cả và ngọt ngào pha lẫn sự hối lỗi của người con và sự hạnh phúc của người cha. Có lẽ, tiếng “ba” ấy là” thanh âm lấp lánh” trong tác phẩm, nó mang một màu sắc “ lấp lánh” của sự mong chờ, của sự thiêng liêng và cả sự nuối tiếc, có lỗi của hai cha con. Ngoài ra, chúng ta còn có thể cảm nhận được âm thanh “lấp lánh” ấy được khắc hoạ qua lòng yêu nước, sự hi sinh cho dân tộc và cả tình phụ tử đầy đẹp đẽ biết bao. Hơn thế, nhà văn thật tinh thế khi mang đến cho độc giả những âm thanh đầy tuyệt vời, tiếng “ba” đầy thiêng liêng, lòng thuỷ chung yêu nước và cả tình yêu gia đình cao cả hơn bất cứ điều gì. Những thanh âm “lấp lánh” ấy đã làm rõ nét hơn tình cảm của ông Sáu dành cho vợ, cho bé Thu và trên hết là trách nhiệm với đất nước. Qua tác phẩm “Chiếc lược ngà”, độc giả có thể lắng nghe được bản nhạc “lấp lánh” được Nguyễn Quang Sáng khắc hoạ đầy xúc cảm. Hơn thế, tác phẩm đã mang đến cho chúng ta một bài học ý nghĩa, giáo dục con người phải biết trân trọng những gì ta đang có, trân trọng tình cảm gia đình và tình yêu đất nước, dân tộc.
Cuộc đời chính là chất liệu để tạo nên tác phẩm nghệ thuật chân chính. Qua hai tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” và “Chiếc lược ngà”, chúng ta đã cảm nhận được những thanh âm “lấp lánh” được tác giả vẽ nên theo nhiều cách khác nhau, nhiều phương diện khác nhau nhưng luôn mang đến cho con người một bài học trông nhìn và thưởng thức. Bên cạnh đó, liệu những thanh âm “ lấp lánh” ấy bao giờ cũng đến từ những điều đẹp đẽ trong cuộc sống hay đôi khi, nó đến từ những tiếng nói tiêu cực, những tiếng thét khổ đau hay những mặt xấu của hiện thực được tác giả khắc hoạ lên trong tác phẩm? Có lẽ, phải chăng, mỗi tác phẩm văn chương luôn đến từ những thanh âm “lấp lánh”, phải chăng những ánh “lấp lánh” ấy luôn mang một vẻ đẹp hoàn hảo? Thật vậy, những âm thanh ấy luôn đến từ nhiều phía khác nhau và nó đều đến từ nhiều mặt tích cực và tiêu cực, nhưng suy cho cùng, nó đều mang đến cho độc giả một bài học đắt giá. Như vậy, tác phẩm văn học sẽ mãi là pho tượng đá cứng đơ nếu không có dòng máu hiện thực chảy trong huyết quản. Chính vì thế, bên cạnh cái tâm với cái nghiệp cầm bút, cái tình sâu sắc với đời, nhà văn còn phải có cái tài trong nghệ thuật ngôn ngữ, anh ta phải thấu hiểu được mọi góc cạnh của cuộc đời, phiêu du cùng cảm xúc của người đọc thì mới có thể viết lên những trang sách đi vào lòng người. Nhà văn muốn có chỗ đứng cao phải mang chất riêng, tài năng và sự sáng tạo của mình vào tác phẩm, làm sao thu hút người đọc ngay từ những con chữ đầu tiên và giúp cho tác phẩm trường tồn với thời gian. Tuy vậy, muốn giữ được giá trị lâu bền, tác phẩm phải được sự đón nhận từ người đọc. Đồng thời, bản thân người đọc khi tiếp nhận tác phẩm văn chương, cũng là ta đã hấp thụ những tinh hoa, vốn sống mà người viết mất cả đời để tìm tòi. khám phá. Vì vậy, người đọc cần phải đọc sâu, hiểu thấu những ý đồ mà nhà văn gửi gắm trong hình tượng nghệ thuật, qua đó khái quát lên được phong cách đặc trưng của nhà văn cũng như trau dồi thêm vốn sống cho mình. Có như vậy, mối liên kết giữa tác phẩm và bạn đọc sẽ càng gắn kết hơn.
“Một bài thơ hôm nay tôi trao vào tay bạn đọc thân mến là nảy sinh cùng với mầm mống trên cái cây xao động của cuộc đời đang nở hoa” - Lorcal. Văn chương, luôn mang trong mình một trọng trách cao cả là làm đẹp và thay đổi cuộc đời. Nó giúp cho tâm hồn ta thêm đẹp hơn, nhiệm màu hơn. Người nghệ sĩ, ngụp lặn trong bể đời để tìm kiếm vẻ đẹp đích thực, cũng vì khát vọng thay đổi cuộc đời mà trao mong muốn ấy vào trang văn. Hơn thế, người cầm bút đã gửi gắm vào trong tác phẩm văn chương những thanh âm lấp lánh tô điểm cho tác phẩm thêm ý nghĩa. Mặt khác, mỗi tác phẩm văn chương tượng trưng cho một thanh âm lấp lánh, nó mang một màu sắc riêng biệt, khác lạ. Và tác phẩm giúp nâng cao nhận thức của con người, nâng cao giác quan thẩm mỹ và làm cho “người gần người” hơn. Như Tố Hữu đã từng nói: “Cuộc đời là điểm khởi đầu và cũng là điểm đi tới của văn chương”.
Nguyễn Nhân Cát Tường Vi