Một thời đại thi ca

15/02/2022

Một thời đại thi ca

Phạm Trọng Long Vũ

(Lớp 12 A 2, năm học 2021-2022, trường THPT Vĩnh Viễn)

Thơ mới ra đời vào những năm 1932 – 1942 là một dòng thơ ca thuộc khuynh hướng lãng mạn đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học trước Cách mạng tháng Tám của đất nước. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại cho độc giả một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở và đôi khi bế tắc trước hiện trạng cuộc sống. Ngay lúc bây giờ hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã sớm nhận ra giá trị ấy, kịp thời sưu tầm, giới thiệu các thành tựu của phong trào Thơ mới qua tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” và đã cho xuất bản vào đầu năm 1942. Phong trào Thơ mới đã mở ra “một thời đại trong thi ca”, mở đầu cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại.

“Thi nhân Việt Nam” là tên cuốn sách vừa là hợp tuyển vừa là nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới Việt Nam, do hai anh em nhà văn Hoài Thanh sáng tác, biên soạn. Đây là một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ Thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932 - 1941. Tác phẩm ra đời đáp ứng nhu cầu tìm đọc, cảm nhận và phê bình của người đọc về một giai đoạn thơ rực rỡ của dân tộc. Quyển sách đã nhìn nhận và phê bình tỉ mỉ 46 nhà thơ và 169 bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới - Một phong trào được đánh dấu không phải chỉ bởi con số đông đảo của các nhà thơ, mà còn ở những đỉnh cao sáng tạo với những cái tên sáng giá, đọng lại với thời gian qua hàng loạt bài thơ đặc sắc, nhiều bài có thể nói thuộc loại hay nhất của thơ Việt. Cuốn sách bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhà văn đánh giá rất cao về giọng bình và trình độ cảm nhận của tác giả. Một số nhà thơ và tác phẩm được nhắc đến, đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông của nước ta tiêu biểu như: Tản Đà _Thề non nước, Thế Lữ _ Nhớ rừng, Vũ Đình Liên _Ông đồ, Xuân Diệu _Vội vàng, Đây mùa thu tới, Huy Cận _Tràng giang, Tế Hanh_Quê hương, Hàn Mặc Tử _Mùa xuân chin, Đây thôn Vỹ Dạ, Lưu Trọng Lư_ Tiếng thu… Ở mỗi bài viết, tác giả đều công phu, tỉ mỉ ghi nhận thật sâu sắc giúp người đọc xác định rõ ràng quan điểm và định hướng tiếp cận. Đặc biệt, đối với Hoài Thanh ông chỉ theo một phương châm tự đặt ra cho mình: “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Mà một khi đã hiểu, bằng tấm lòng đồng cảm, thì chỉ có cảm thông cảm mến. Và một khi đã cảm thông, cảm mến thì chỉ muốn tìm ra cái hay, cái đẹp.

Một trào lưu văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của lịch sử xã hội. Bởi nó là tiếng nói, là nhu cầu thẩm mỹ của một giai cấp, tầng lớp người trong xã hội. Thơ mới là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Sự xuất hiện của hai giai cấp này với những tư tưởng tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới, cùng với sự giao lưu văn học Đông Tây là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Thơ mới được thai nghén từ trước 1932 và thi sĩ Tản Đà chính là người dạo bản nhạc đầu tiên trong bản hòa tấu của phong trào Thơ mới. Tản Đà chính là “gạch nối” của hai thời đại thơ ca Việt Nam, được Hoài Thanh và Hoài Chân xếp vào “ghế danh dự” trong số 46 tên tuổi lớn của phong trào Thơ mới. Và đến khi Phan Khôi cho đăng bài thơ “Tình già” trên Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu: “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, thì phát súng lệnh của phong trào Thơ mới chính thức bắt đầu.

Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Hoài Thanh – Hoài Chân).

Giáo sư Lê Đình Kỵ đã cho rằng: “Thơ mới là thơ của cái tôi”. Điều này hoàn toàn đúng. Trong thơ ca trung dại, cái bản ngã luôn không được đề cao, cái “tôi” phải nhường chỗ cho cái “ta” chung. Một số nhà thơ cũ đã vùng vẫy thể hiện cái “tôi” như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ nhưng vẫn chưa bộc lộ rõ ràng. Giai đoạn 1932 - 1935 là chặng đường đầu phát triển phong trào Thơ mới, đây cũng là giai đoạn diễn ra cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ. Sau bài khởi xướng của Phan Khôi, một loạt các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Đình Liên liên tiếp công kích thơ Đường Luật, hô hào bỏ niêm, luật, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ… Trong bài “Một cuộc cải cách về thơ ca”, Lưu Trọng Lư kêu gọi các nhà thơ mau chóng “đem những ý tưởng mới, những tình cảm mới thay cho vào những ý tưởng cũ, những tình cảm cũ”. Cuộc đấu tranh diễn ra khá gay gắt bởi phía đại diện cho “thơ cũ” cũng tỏ ra không thua kém. Các nhà thơ Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Duy Từ, Nguyễn Văn Hanh phản đối chống lại thơ mới một cách quyết liệt. Cho đến cuối năm 1935, cuộc đấu tranh này tạm lắng và sự thắng thế nghiêng về phía thơ mới.

Thơ mới khác với thơ xưa trước hết chính là cách nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ xanh non, một bức tranh thiên nhiên đẹp của thơ xưa phải bắt buộc theo những quy ước chặt chẽ mang tính chất khuôn mẫu. Nhưng Thơ mới lại hoàn toàn khác, bức tranh thiên nhiên đẹp còn lại phụ thuộc vào cái nhìn, cái cảm của người nghệ sĩ. Đến với Xuân Diệu ta thường bắt gặp bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn trề sức sống của cây cỏ, hoa lá, thần, vật dược cảm nhận tất cả qua các giác quan. Bài thơ “Vội vàng” minh chứng rõ ràng cho điều đó:

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến oanh này đây khúc tình si.

Một bức tranh thiên nhiên của mùa xuân như một thiên đường trên mặt đất, đó là bức tranh hiện diện của cành tơ vẫy chào mùa xuân, còn là khúc tình si đắm say của chim yến reo vang. Cái hồn thơ mới còn được Xuân Diệu bộc lộ một cách trực tiếp, táo bạo. Nhà thơ đã lấy vẻ đẹp của con người làm thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên, để đánh giá và một lộ tình cảm của mình:

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hàng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Mùa xuân đến đem theo thứ anh nắng ấm áp, dịu nhẹ như hàng mi của người con gái đương xuân. Tất cả khiến nhà thơ có cảm giác như ngày nào cũng được chào mời đẹp như cặp môi gần của người thiếu nữ đôi mươi. Với cách nghĩ, cách so sánh độc đáo của Xuân Diệu quả thực thật mới mẻ, tươi trẻ, rạo rực sức sống. Nhà thơ bộc lộ những cảm xúc sáng tạo độc đáo:  

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

 Xuân Diệu muốn “tắt nắng” cho sắc màu trần thế không bị phai mờ, muốn “buộc gió” cho hương hoa, hương cỏ không biến mất. Ước muốn táo bạo, lạ lùng có phần ngông cuồng đó lại bộc lộ rất rõ cái “tôi” của Xuân Diệu, một cái “tôi” thắm thiết, yêu đời, yêu cuộc sống, một cá tính mới mẻ và độc đáo. Quả đúng như Hoài Thanh - Hoài chân nhận định: “thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.

Nhắc đến nỗi buồn trong Thơ mới, ta không thể không nhắc đến Huy Cận, những vần thơ của ông thao thao như chất chứa nỗi niềm. Đó cũng là một gương mặt, một biểu hiện cho cái tinh thần Thơ mới. Bài thơ “Tràng giang” bộc lộ rõ nỗi buồn của thi nhân, của kiếp người nhỏ bé trước vũ trụ bao la, điều đó bộc lộ rõ qua từng lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Và dần dần hiện ra qua các khổ thơ:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Hình ảnh từng đợt sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước mênh mông “điệp điệp, trùng trùng”, gợi một cái gì đó bâng khuâng, rồi là hình ảnh con thuyền xuôi mái song song trên dòng nước rất đẹp. Nhưng gợi lại sự cô đơn lẻ loi. Cũng như bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, Huy Cận cũng thấy được sự chia ly giữa thuyền và nước, đó còn là sự đối nghịch lác đác trên sông, là những cành củi khô trôi lửng lơ, lạc loài. Cảnh vật rất đẹp nhưng cũng rất buồn, một nỗi buồn bâng khuâng, xao xuyến. Quả thật “ảo não như Huy Cận”.

Trong số những nhà thơ nổi tiếng, Hoài Thanh đã chọn một Nguyễn Bính để nhận xét “quê mùa như Nguyễn Bính. Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Bính mang vẻ đẹp ngàn đời của nông thôn Việt Nam, gần gũi với mọi tâm hồn, mọi thời đại. Không gian làng quê ấy mang đậm phong vị ca dao, được xây dựng từ những chất liệu quen thuộc, dân dã của chốn thôn quê. Những chất liệu đơn sơ, mộc mạc này đã góp phần tạo nên bức tranh thơ với nét vẽ trong sáng, chân thực:

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư - Nguyễn Bính)

Cái tôi của Nguyễn Bính là cái tôi nội cảm, cái tôi đồng vọng của bao thời đại, bao cảnh ngộ, bao lớp người. Nguyễn Bính đã lột tả “hồn quê, tình quê” một cách hết sức thiết tha, cảm động.

Nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc, trong tác phẩm “Tùy viên thi thoại”, Viên Mai có viết: “Là người thì không nên có cái tôi… Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Yêu cầu về “làm thơ” của Viên Mai đã vượt qua sự trói buộc, ràng buộc nghiệt ngã của hệ tư tưởng phong kiến, trở thành một quan điểm ý nghĩa, xác đáng đối với thơ ca, nói rộng ra là văn chương nghệ thuật. Ý kiến ấy đã được thể hiện sâu sắc trong thực tế sáng tác của các nhà thơ Trung Quốc cũng như đối với thơ ca Việt Nam, đặc biệt là với phong trào Thơ mới lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945. Đây được coi là thời đại của cái “tôi” - Một thời đại chưa từng có trong lịch sử thơ Việt Nam. Thơ mới lãng mạn được coi là một dàn hợp xướng của “cái tôi”. Mãi mãi hôm nay và mai sau, người yêu thơ sẽ còn nhớ đến một Xuân Diệu “thiết tha, rạo rực”, một Huy Cận “ảo não”, một Nguyễn Bính “quê mùa”, một Chế Lan Viên“kì dị”,  một Lưu Trọng Lư “mơ màng”, một Huy Thông “hùng tráng” và một Nguyễn Nhược Pháp “trong sáng”...  Bởi các nhà thơ ấy đã nói lên tiếng nói của cái “tôi” cá nhân, đã nhìn cuộc đời và con người bằng con mắt của bản thân và diễn đạt cách cảm nhận riêng ấy bằng chính những ngôn ngữ, hình ảnh in đậm dấu ấn cá nhân nên tiếng thơ của họ mãi với cuộc đời, sống mãi trong lòng người.

Theo Hoài Thanh, tinh thần Thơ mới là ở chữ “tôi”: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ “tôi”. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận” (Thi nhân Việt Nam). Và chính bi kịch cái “tôi” cô đơn, bơ vơ gửi vào tiếng Việt để tạo nên phong trào Thơ mới đặc sắc nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam. 

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...