Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, chỉ có trái tim mới làm nên thi sĩ

25/10/2021

Từ “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, chỉ có trái tim mới làm nên thi sĩ” (André Chénien) đến "Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi" (Raxun Gamzatốp)

 Dương Gia Hân (lớp 12 A2 năm học 2021 – 2022, Trường THPT Vĩnh Viễn)

Thơ ca là một loại hình nghệ thuật, tác động mạnh mẽ đến năng lực thẩm mỹ của con người. Nó không chỉ giúp con người cảm thụ được cái đẹp mà ở đó chính là những cung bậc cảm xúc và giá trị nhân đạo tinh tế góp phần nâng cao tri thức đời sống, mà một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc sẽ được nhào nặn và cho ra đời bởi chính người nghệ sĩ thực thụ. Như Sê - Khốp từng nhận định rằng “Một người nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Đúng vậy, nghệ thuật của thơ ca là những cảm xúc mãnh liệt, chân thành của người nghệ sĩ: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ” (Andre Chenien). Hay trong cuốn Đa-ghe-xtan của tôi, Raxun Gamzatốp viết “Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi”.

Nhà thơ người pháp Andre Chenien đã khẳng định giá trị nghệ thuật và một trái tim lương thiện của người nghệ sĩ chân chính. Nghệ thuật trong thơ ca chính là sự sáng tạo, nó bắt nguồn từ chất liệu trong cuộc sống cũng như cảm xúc của các nhà thơ. Nhà ngôn ngữ học Jakobson từng nói “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh”. Ngôn từ nghệ thuật là sự vận dụng, sáng tạo từ ngôn ngữ chung để tạo ra ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự dụng công, mài dũa, trau chuốt của người nghệ sĩ. Quay lại với lời khẳng định của Andre Chenien, đúng rằng sự sáng tạo trong ngôn ngữ sẽ hình thành nên giá trị trong câu thơ mang lại những nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa. Nhưng nhà ngôn ngữ học Jakobson chỉ khẳng định ngôn ngữ chính là mục đích cuối cùng của thơ ca, đề cao việc dụng công của thi sĩ trong sáng tạo ngôn từ thơ ca thì đối với Andre Chenien thì thơ ca không chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật về mặt ngôn từ trong câu thơ mà ở đó tác giả còn muốn trái tim mình phải hoà chung nhịp đập với những câu thơ. Nhắc đến Nguyễn Du chúng ta không thể nào quên được sự cống hiến mà ông đã dành cho nền văn học nước nhà và tấm lòng nhân ái thấu hiểu của ông trước những mảnh đời cơ cực, những kiếp người lầm than. Nguyễn Du đã thấu hiểu cái ngang trái của cuộc đời từ đó ông đã thể hiện sự đồng cảm sây sắc cho những con người mang số phận bất hạnh. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã viết:

"Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Hình ảnh bể dâu trong câu thơ được nhà thơ lấy ý từ câu chữ Hán: “Thương hải biến vi tang điền” (Bể xanh hóa thành ruộng dâu). Đó chính là hình ảnh của sự thay đổi, sự biến chuyển vật đổi sao dời đẩy đưa thân phận con người trong vòng nghiệt ngã. Hình ảnh ruộng dâu xanh ngắt mới hiện ra trước mắt mà lại biến thành biển nước bao la, cảnh tang thương đoạn trường diễn ra trong cuộc sống mà thân phận con người như một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc mênh mông, đi đâu về đâu giữa bến bờ vô định. Chính vì thể, nhìn những cảnh đời của những người dân cơ cực, Nguyễn Du đã không thể nào cầm lòng nỗi và ngoảnh mặt làm ngơ, những thứ diễn ra trước mắt ông đã khiến ông phải đau đơn chua xót về một xã hội lúc bấy giờ. Nguyễn Du đã lấy chính trái tim mình để xoa dịu nỗi đau, xoa dịu vết thương, những nỗi thống khổ của của người dân trong xã hội loạn lạc, tàn khốc đến nhường nào. Bởi vậy, một người nghệ sĩ thơ ca chân chính là một con người có trái tim ấm áp, có sự chân thành và biết, thông cảm thấu hiểu quặn thắt trước những bất bình, cảnh tượng xảy ra trong cuộc sống.

Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, có những hạnh phúc, sung sướng, nhưng rồi đôi lúc cũng có đầy sóng gió, nhọc nhằn thì thơ ca cũng thế, thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống mà cuộc sống bao giờ cũng là cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn thi sĩ. Một trái tim yêu thương, gần gũi bao giờ cũng là một tâm hồn đẹp, một lí tưởng cao cả làm nên cái hồn cho thơ. Nếu chỉ là những câu chữ khô khan cằn cõi thì đó chỉ mãi là những ngôn ngữ. Còn nghệ thuật ngôn ngữ nó phải xuất phát từ trái tim đó mới là yếu tạo nên dựng nên sự thành công của một tác phẩm. “Nghệ thuật” và “Trái tim” như lời khẳng định của Andre Chenien với tất cả nhân loại rằng đối với thơ ca nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì những tác phẩm sẽ không bao giờ có cái hồn trong thơ, vì giá trị của nghệ thuật và trái tim của người nghệ sĩ chính là cốt lõi làm nên một tác phẩm nghệ thuật. Một người nghệ sĩ thực thụ phải là người có cảm xúc, biết thấu hiểu lẽ đời, yêu thương trân quý những con người và những gì xung quanh trong cuộc sống. Từ đó, thơ không chỉ là nguồn cảm hứng để thi sĩ thả hồn làm thơ, ngâm thơ mà ở đó là sự đấu tranh thiện - ác xảy ra trong xã hội lúc bấy giờ. Bởi lẽ “Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về một hình thức, một khám phá mới về nội dung” (Leonit Leonop). Hoài Thanh từng nhận định rằng “…Thơ vẫn mãi là sức đồng cảm và mãnh liệt. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người cho đến ngày tận thế.” (Thi nhân Việt Nam). Đúng vậy, thơ tồn tại ở trên đời mang một vẻ đẹp thật ý nghĩa và nhân văn nếu không có thơ con người sẽ không thể nào bộc bạch được hết tâm tư tình cảm cũng như đấu tranh vì lí tưởng cao đẹp. Và trong cuốn Đa-ghe-xtan của tôi Raxun Gamzatốp viết “Thơ ca nếu không có người, tôi đã mồ côi”. Nhận định của Hoài Thanh đã đề cao giá trị của thơ ca đối với cuộc sống nói chung và nhân loại nói riêng thì đối với Gamzatốp cũng vậy. Đối với ông thì thơ ca không chỉ là chữ viết vần thơ mà dường như ở đó là một thế giới ấm áp mà ở đó các nhà thơ có thể thõa mãn cái đẹp Chân - Thiện - Mỹ. “Người” mà ông nói đến theo nghĩa đen đó chính là loài người nhưng đối với những người nghệ sĩ hay những người đam mê cái đẹp của thơ ca nghệ thuật thì “Người” được tác giả nói như một người bạn, người tri kỉ, là mạch sống. Bởi chính người bạn này luôn đồng hành lắng nghe suy tư tình cảm mà các nhà thơ muốn thể hiện từ nỗi lòng. Nếu cứ giữ mãi cảm xúc ấy trong thì chắc hẳn con người ta sẽ bức bối và không cam tâm đặc biệt là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Chính vì vậy, thơ ca ra đời từ những cảm xúc, những hiện thực trong xã hội và từ đó nó luôn song hành với con người dù bất kể hàng vạn năm. Nếu không có thơ ca thì con người đã “mồ côi”, cô đơn trong cuộc sống như gã bộ hành giữa hoang mạc. Mồ côi chính là khi bản thân mình bơ vơ lạc lõng, cô đơn dần dần sự cô đơn ấy sẽ dẫn chúng ta vào con đường của sự bế tắc, tuyệt vọng và dường như bóng tối đang bao trùm lấy con người của chính chúng ta.

Và chúng ta đã từng xúc động với bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ đình Liên. Ông đã tái hiện lại bức tranh tuyệt đẹp nhưng cũng đầy xót thương về hình ảnh “Ông đồ” đã dần dần bị lãng quên theo năm tháng. Vũ Đình Liên đã khắc hoạ nên một ông đồ tài hoa giữa chợ thật rộn ràng, nô nức nhưng rồi niềm vui, nụ cười ấy đã tắt đi khi nỗi buồn và cô đơn vây quanh, là cái bóng dáng tiều tụy bị đời quên lãng. Hai câu thơ cuối, khép lại một thời kì huy hoàng oanh liệt của ông đồ;

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?”

 Vào thời đại chữ quốc ngữ phát triển soán ngôi nền văn học chữ Nho con người đã dần quên đi những thứ bình dị của trước đây mà cụ thể nhất là hình ảnh “Ông đồ” đã không còn được mọi người quan tâm trong xã hội đương thời lúc bấy giờ. Bởi vậy, Vũ Đình Liên đã cảm thông cho số phận một lớp người đi vào quả khú lãng quên của người đời, từ đó làm nổi bật nên giá trị nhân đạo cao cả của Vũ Đình Liên đồng thời là một trái tim bao dung, bình dị đó mới chính là tấm lòng nhân ái của một thi sĩ. Vì vậy, nhận định của Raxun Gazatốp đã khẳng định chắc nịch về tầm quan trọng của thơ ca đối với con người nếu thiếu vắng thơ ca trong cuộc đời thì cuộc đời đã mất đi những tâm hồn đẹp và sự sáng tạo nghệ thuật. Như Xê Tê Khốp từng nói “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp, và cái nhân đạo của lòng người”. Thơ ca là như thế, nó giúp người thi sĩ thõa mãn cái đam mê và đem lại cho đời những ý nghĩa, lẽ đời tinh tế. Chính điều đó thơ ca như một thước đó chuẩn mực về những cái đẹp những lí tưởng sống cũng như giá trị nhân đạo. Thơ ca chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, là nơi chữa lành những vết thương trong cuộc sống, là nơi mà ở đó luôn có tình người và tình cảm nỗi niềm của mỗi tác phẩm. Nếu không có thơ ca con người sẽ mồ côi về tình cảm, sự sẻ chia thấu tình đạt lí, con người sẽ bị đời đẩy vào con đường cùng không lối thoát từ những cách sống những người cô đơn lạc lõng thì con người sẽ ngày càng bứt rứt và khô cằn. Chúng ta có một trái tim nhưng nó không chỉ để duy trì sự sống mà hãy học cách “tôi hãy tôn trọng một trái tim một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ” (Dostoevski). Đó mới chính là một trái tim yêu thương và đầy lòng trắc ẩn.

Qua hai nhận định của hai nhà thơ Andre Chenien và Gamzatốp ông đã khẳng định suy nghĩ và khát vọng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Mỗi tác giả đều có phong cách và lời khẳng định riêng cho mình. Nhưng cái chính mà hai nhà thơ muốn hướng đến đó là sự cống hiện cho nền tảng thơ ca và đề cao tầm quan trọng của thơ đối với con người như một người bạn đồng hành, thơ xuất hiện để cùng chúng ta san sẻ nỗi buồn niềm vui, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi chúng ta bế tắc hay chỉ đơn giản chúng ta đam mê ngâm thơ. Ngoài ra Andre Chenien và Gamzatốp muốn khẳng định “Chất” nghệ thuật trong thơ không đơn thuần là câu chữ mà đó chính là một trái tim nhân ái của một người nghệ sĩ chân chính Như vậy, dù là thi sĩ hay thơ ca đều đóng vai trò vô cùng to lớn cho sự phát triển tâm hồn đối với các độc giả. Quá trình sáng tác và cho ra đời tác phẩm đã thêm phần nào tô vẽ cho cuộc sống đầy màu sắc. Trái tim mà các thi sĩ dành cho thơ ca là bất tận và mãi mãi. Bởi ở đó chứa đựng tính nhân văn cao đẹp. Thơ vẫn mãi là sức sống của những tâm hồn.

Dương Gia Hân

  • (Có 31 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...