Như một ô cửa / mở tới tình yêu

24/07/2020

(Đề tuyển sinh 10 năm 2019, tphcm)             

Bàn về nguồn gốc của văn chương, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đưa ra kết luận cho câu chuyện về một thi sĩ Ấn Độ khóc thương một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình, như sau: Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca! (Ý nghĩa văn chương).               

Câu chuyện có thật hoặc không có thật, nhưng kỳ lạ thay, người ta vẫn có thể cảm nhận quả tim của chàng thi sĩ mãi mãi hòa cùng một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết, để tiếng thơ cứ gieo vào lòng người đọc những hạt mầm, hoa trái của cảm xúc. Có lẽ ai cũng từng có những trải nghiệm thú vị đó khi đến với thơ ca. Quả thật, mỗi bài thơ hay sẽ Như một ô cửa / mở tới tình yêu! Một trong những tác phẩm xứng đáng là thi ca có thể đem lại cho ta những rung động sâu xa, đó là bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.                    

Vâng, thế nào là Như một ô cửa / mở tới tình yêu? Bạn muốn bước vào trong một ngôi nhà, một tòa lâu đài, một cung điện ư? Hãy đến bên, gõ cửa và chờ đợi, nếu cánh cửa mở ra, bạn đã được chào đón. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã viết: Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn... Mỗi bài thơ cũng như một ngôi nhà, tòa lâu đài, cung điện có những ô cửa để người đọc chờ đợi, tìm hiểu, khám phá, phiêu du. Nếu mở được cánh cửa đó, bạn sẽ cảm nhận được không gian bí ẩn bên trong ô cửa. Những gì bạn vừa nhìn thấy, đó chính là tình yêu! Tình yêu ở đây là những tình cảm, cảm xúc sâu kín trong tâm hồn mỗi người. Là tất cả những gì mà bài thơ khơi gợi lên trong ta. Đó có thể là sự đồng cảm với nỗi nhớ nhung của người cháu ở chân trời xa gửi về người bà thân thương chốn quê nhà (Bếp lửa - Bằng Việt). Đó có thể là cảm xúc chân thành của người nông dân tạm rời xa mảnh ruộng, gian nhà…lên đường theo tiếng gọi non sông (Đồng chí - Chính Hữu). Đó có thể là tình cảm yêu thương biết mấy tiếng cười trẻ trung sôi nổi của các chàng trai lái xe không kính băng qua lửa đạn (Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật). Đó có thể là sự đồng điệu cùng tác giả trước mùa xuân long lanh, biêng biếc trên cành hoa tím (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)…. 

           Vậy, mỗi bài thơ hay là một ô cửa đưa ta đến với tình yêu. Còn ô cửa tình yêu trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên có gì đặc sắc? Bằng sức mạnh của liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, đậm chất suy tưởng và triết lý sâu sắc, nhà thơ đã khai thác và phát triển hình ảnh con cò trong ca dao, trong lời ru của mẹ. Từ đó gieo vào lòng ta tình mẹ bao la và ý nghĩa thiêng liêng và ý nghĩa ngọt ngào của những lời ru. 

            Mở đầu bài thơ, lời thơ cất lên êm ái, nhịp nhàng như cánh cò bay:

Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay

            Lời ru ấy cứ thấm dần vào tâm hồn con, ngọt ngào, âu yếm, trở thành bầu sữa tinh thần thanh khiết. Con đón nhận những giai điệu đó bằng bản năng, bằng vô thức. Con chưa hiểu và chưa cần hiểu những tuổi thơ của con không thể thiếu lời ru với những cánh cò ấy.

            Những cánh cò gần gũi, thân thương, quen thuộc lắm. Những câu thơ bắt nguồn từ ca dao được vận dụng một cách sáng tạo, làm cho nó trở nên tươi mới: Con cò bay la, con cò bay lả, con cò xa tổ, con cò ăn đêm, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng… gợi không gian xa xưa từ khung cảnh làng quê êm đềm, thanh bình đến chốn tất bật mưu sinh nơi kẻ chợ. Hình ảnh con cò tượng trưng cho những người lao động chân lấm tay bùn. Ở đây là người phụ nữ chịu thương chịu khó, vất vả nuôi con. Cuộc đời mẹ có thể có lắm truân chuyên, bất trắc, buồn tủi, nhưng con sẽ luôn được bình yên, che chở trong vòng tay của mẹ. 

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

          Những dấu chấm cảm đong đầy tình thương yêu, trìu mến. Nghe tiếng ru ấm êm, quen thuộc của mẹ, em bé nào chẳng cảm thấy được ấp ủ, vỗ về: 

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ

Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.

            Những câu thơ như có hương thơm ngọt ngào của dòng sữa mẹ, rót vào tâm hồn bé, cho bé giấc ngủ trong sáng, nhẹ nhõm, bình yên. Lời ru không chỉ là tình yêu của mẹ mà còn là làn điệu dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn của bé.

           Từ trong lời ru của mẹ, cánh cò sẽ đi vào tiềm thức tuổi thơ, trở thành dấu ấn thiêng liêng kỳ diệu trong tâm hồn và sẽ theo con trong suốt cuộc đời, trên mỗi chặng đường đời. Bằng phép nhân hóa, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, cánh cò như bay ra từ trong ca dao, quấn quýt bên vành nôi của bé:

Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.

                Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với điệp ngữ ngủ yên, ngủ yên… tạo âm hưởng nhịp nhàng êm ái như nhịp đưa nôi và giọng điệu vỗ về của mẹ. Mẹ trở thành người bạn đáng yêu của bé, trò chuyện cùng bé, tưởng tượng cùng bé. Chiếc nôi xinh cũng là tổ ấm của cò, là thế giới riêng, dễ thương, ngộ nghĩnh của đôi bạn nhỏ. Có thể tưởng tượng mẹ và bé như đôi cò trắng thân mật gối đầu bên nhau. Cò xoải cánh hay đó chính là đôi cánh tay của mẹ ôm ấp làm chăn cho hai đứa đắp chung đôi? Ấm áp làm sao, trong vòng tay mẹ, bé nghe mẹ hát, rồi thiu thiu ngủ và mỉm cười trong mơ.  

               Rồi mai sau cánh cò lại cùng bé lớn lên đi học:

Mai con lớn, con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

               Bé lớn lên thành cậu học trò nhỏ. Mẹ vẫn là cánh cò trắng, đưa con đi học. Cánh cò nâng bổng, quạt mát ước mơ của con: 

Lớn lên, lớn lên, lớn lên

Con làm gì ?

Con làm thi sĩ !

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn…

               Dấu chấm lửng làm âm hưởng câu thơ như ngân vang, bay xa, diễn tả những liên tưởng, ước mơ đang trôi chảy trong tâm hồn. Chỉ là ước mơ thôi nhưng con rất tự tin và dứt khoát: Con làm thi sĩ! Chao ôi, ước mơ đẹp! Đủ thấy những làn điệu trầm bổng, êm ái của lời hát ru kỳ diệu biết bao! Nó trở thành máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn con, chảy mãi trong tâm thức, là hành trang cho con vào đời. Trang thơ văn của con chắc chắn dạt dào hơi mát trong trẻo, tươi tắn, chứa chan tình người, tình đời bởi mang âm hưởng tha thiết của lời mẹ ru. 

              Vâng, cò là bạn cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng chơi đùa, cùng con ước mơ, trưởng thành. Và bây giờ cò là bà mẹ ngong ngóng dõi theo con :

Dù ở gần con

Dù ở xa con

Cò mãi yêu con

              Những cặp từ gần - xa , lên - xuống diễn tả khoảng cách và hai chiều không gian trái ngược, gợi lên những khó khăn, trắc trở của cuộc đời. Nhưng không thể ngăn cản được lòng mẹ yêu con. Những điệp từ láy đi láy lại, khẳng định dù con ở nơi đâu lòng mẹ vẫn luôn, vẫn sẽ, mãi bên con. Lời thơ dịu dàng như lời mẹ dặn dò, nhắn nhủ. Con sẽ tự tin, vững bước trên đường đời, dù thành công hay thất bại con vẫn yên lòng, vì con biết cuộc đời con luôn có mẹ:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

                 Tình yêu ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, thời gian và trở thành quy luật: Mẹ là thiêng liêng! Mẹ là duy nhất! Không gì thay thế được:

À ơi!.

Ngủ đi! Ngủ đi!

Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi

Ngủ đi! Ngủ đi!

                 Những dấu chấm than truyền cảm, cách hiệp vần ơi, ôi thiết tha, trìu mến. Những câu thơ ngắn, nhưng nhịp thơ chậm lại, du dương, du dương, nhỏ dần, nhỏ dần, lặn sâu vào tâm hồn con. Tưởng như đây là dòng cảm xúc của người con trưởng thành, lúc này con đang chìm trong suy tưởng, nhắm mắt lại, tiếng mẹ ru ngày xưa lại bay lên: à ơi, ngủ đi, ngủ đi… Thật êm dịu, tuyệt vời! 

                  Bằng ngọn bút tài hoa, bài thơ Con cò của Chế Lan Viên đã dựng lên biểu tượng về người mẹ qua hình ảnh con cò rất đỗi quen thuộc mà vẫn mới mẻ, cuốn hút. Bài thơ như một ô cửa / mở tới tình yêu. Lời thơ không chỉ mở ra tiếng ru ngọt ngào, tình mẹ ngọt ngào mà còn khơi dậy những suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời, về lòng mẹ, về ý nghĩa và ảnh hưởng của những lời ru đến đời sống tinh thần của con người, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới đấng sinh thành.  

Đoàn Ngọc Phương

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...