Những hiện tượng đời sống đã khơi nguồn của sáng tạo nghệ thuật

17/01/2022

Những hiện tượng đời sống đã khơi nguồn của sáng tạo nghệ thuật 

Phạm Trọng Long Vũ

(HS 12A2 Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2021-2022)

“Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu).

Văn chương muôn đời luôn phải phục vụ con người, hướng con người đến với những giá trị cao cả của cuộc sống. Mỗi một tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ viết lên đều bắt nguồn từ con người, từ những cảm hứng nghệ thuật vô tận, những cảm hứng ấy được tác giả lấy ra từ chính hiện thực cuộc sống của con người. Văn học là một hình thức sáng tác, tái hiện lại các vấn đề, sự vật hiện tượng trong đời sống xã hội - con người. Tuy vậy, nhìn tổng quát thì khái niệm của văn học sẽ có nghĩa rộng hơn rất nhiều so với văn chương.

Văn chương chỉ nhấn mạnh nhiều đến tính thẩm mỹ, sự sáng tạo văn học cũng như phương diện ngôn ngữ và nghệ thuật của ngôn từ. Đặc biệt hơn, văn chương thì dùng ngôn ngữ làm phương tiện chính để xây dựng lên hình tượng của nhân vật, phản ánh cũng như biểu hiện đời sống nhân vật. Còn văn học, ngoài ngôn ngữ thì nó còn có thêm nhiều yếu tố khác, giúp làm nổi bật lên nội dung của tác phẩm. Chính bởi thế, mà mỗi tác phẩm ta đọc, thường sẽ luôn gắn liền với cuộc sống xung quanh, gắn với cuộc đời, số phận của từng số phận, với cảm xúc cá nhân của người viết. Tóm lại, văn chương là khái niệm dùng để chỉ một ngành nghệ thuật - nghệ thuật ngôn từ. Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện cuộc sống. Văn học là nhân học. Khái niệm văn chương và văn học thường bị dùng lẫn lộn.

“Văn học là nơi tái hiện lại cuộc sống con người và khởi nguồn của sáng tạo nghệ thuật”. Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, là cung bậc cảm xúc mà ta phải trải qua. Mỗi tác giả là một phong cách, một quá trình đi tìm cảm hứng cho riêng mình. Nói đến nghệ thuật nói chung hay nói đến văn học nói riêng là nói đến muôn vàn khái niệm mà chưa bất kỳ ai có thể định nghĩa trọn vẹn và hoàn chỉnh. Có những cảm xúc mông lung, mơ hồ và cũng có những quan điểm gần gũi, dễ hiểu. Có những quan điểm tương đồng với nhau, đồng thời cũng có những quan điểm trái ngược nhau nhưng tất thảy đều bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Nếu như với thi hào Charles Dubos thì “văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” thì với nhà văn Thạch Lam văn học là “một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học nói một cách đơn giản là một hình thái xã hội, một loại hình nghệ thuật dùng ngôn từ để thể hiện với chức năng phản ánh và tái tạo cuộc sống trên quan điểm thẩm mỹ qua lăng kính mang tính chủ quan của tác giả. Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu “người nghệ sĩ phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều. Chính vì lẽ đó mà văn học phát sinh và phát triển trên nền tảng cuộc sống xã hội. Và cũng vì thế mà “cuộc đời chính là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học”.

Nói về lịch sử hình thành văn học, thì nó đã có từ rất lâu đời. Theo năm tháng, văn học ngày càng phát triển với văn học dân gian hay còn gọi là văn học truyền miệng, với văn học viết. Trong đó, văn học viết có lịch sử phát triển dựa vào dạng văn xuôi hoặc thơ và đây chính là các nguồn tài liệu - thông tin đưa tới người đọc, người nghe sự sáng tạo, giải trí và sảng khoái.

“Nghệ thuật là sự mô phỏng của tự nhiên” (Ruskin). Văn học là sự sáng tạo - sáng tạo trên những chất liệu vốn có góp nhặt được từ cuộc sống. Sáng tạo là quy luật đặc thù của văn học, là điều kiện tiên quyết của văn học. Theo Tề Bạch Thạch “nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời”. Nghệ thuật thường vừa hư vừa thật, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Mỗi tác phẩm văn học, mỗi nhân vật, mỗi câu chữ trong tác phẩm phải tạo được sự bất ngờ, lý thú đối với người đọc. Hình ảnh Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, hắn hiện lên là một con quỷ dữ làng Vũ Đại với dáng vẻ say khướt, tay cầm chai rượu ngất ngưỡng cất vang tiếng chửi đã trở thành một hình tượng độc đáo của văn học Việt Nam. Người đọc bao đời vẫn dâng lên cảm xúc đau đớn, xót xa trước sự quằn quại, quẫy đạp của con người trước Cách mạng tháng Tám khi ước mơ muốn được trở lại thành người lương thiện, khát khao có được một mái ấm gia đình tuy giản đơn nhưng đã trở thành một điều xa xỉ khó có thể vươn tới đối với họ trước những rào cản xã hội thời bấy giờ. Từ một hình tượng người nông dân quen thuộc trong xã hội cũ, nhà văn Nam Cao đã rất tài tình và tinh tế trong việc sáng tạo nên số phận vô cùng bi đát của nhân vật Chí Phèo để qua đó bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình đối với xã hội cùng với sự đồng cảm, thương xót đối với những con người bất hạnh, khổ đau. Đó cũng chính là quan niệm sáng tác của ông “sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”.

Cùng với tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo đã trở thành tư tưởng cốt lõi, nổi bật và xuyên suốt nền văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Qua nhân vật Chí Phèo, cái chết của hắn thật đáng sợ cũng thật đáng thương, hắn đã chết giữa ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện để giữ lấy nhân cách của bản than. Đọc “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, người đọc lại cảm thương trước cuộc sống mỏi mòn, leo lét của hai đứa trẻ. Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, độc giả chợt nhận ra “cái đẹp cứu vãn thế giới”, cái đẹp về nhân cách và tài năng của Huấn Cao đã “cảm được tấm lòng trong thiên hạ” của Quản ngục. Nguyễn Du vì thương xót cho số phận và tài năng của Tiểu Thanh đã viết tác phẩm “Độc Tiểu Thanh Kí”, hay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sẽ chia, cảm thông trước nỗi đau bị phá hủy đi tác phẩm tuyệt vời của Vũ Như Tô trong  tác phẩm “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” hay tiếng đàn của Lorca đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho bài thơ “Đàn Guitar của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo. Tất cả các sáng tác trên đã tạo nên những khám phá riêng đầy giá trị trên nền hiện thực xã hội. Song các nhà văn ấy đã chứng minh cho quy luật: Nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại của người khác, cũng như lập lại chính bản thân mình, không chấp nhận sự sao chép đời sống bởi “chân lý nghệ thuật chỉ thống nhất chứ không đồng nhất với chân lý đời sống”.

Quá trình Sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình”. Đúng vậy! Sáng tạo nghệ thuật không phải là ngày một ngày hai, mà nó còn là cả một quá trình đi tìm khởi nguồn cho tác phẩm của mình. Một nhà văn nếu như chỉ ngồi yên một chỗ thì chẳng thế nào tạo nên một tuyệt tác, ghi dấu trong lòng người đọc, một nhà thơ nó chỉ nghĩ gì viết nấy mà không có cảm xúc, không có cảm hứng thì tác phẩm trở nên thật nhạt nhẽo. Văn học không giống các môn khoa học khô khan, trong khuôn khổ, văn học là môn nghệ thuật, có chức năng nhận thức, khám phá cuộc sống, con người của hiện thực, của cảm xúc, của những định hướng về tương lai. Tác phẩm văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực cuộc sống nhưng phải qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo do đó yêu cầu văn chương phải luôn vận động thay đổi mình trở nên mới mẻ từ thời đại này sang thời đại khác. “Thế giới” chính là những sáng tạo của tác giả dựa trên nền tảng hiện thực và thể hiện tư tưởng thẩm mỹ, cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn. Chính vì vậy, hiện thực trong tác phẩm còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của thời đại mà cả sức sống, tư tưởng và tâm hồn người viết.

Hiện thực đời sống không phải phải chỉ là những hiện tượng, những sự kiện nằm thẳng đó trên trang giấy mà phải hòa tan vào trong câu chữ trở thành máu thịt của tác phẩm. Chất hiện thực làm nên sức sống cho tác phẩm và chính tài năng người nghệ sĩ đã bất tử hóa sức sống ấy.

Con người là nhân tố quan trọng của cuộc sống. Đối tượng chính của văn học là con người - con người trong học tập, trong lao động, chiến đấu, con người trong tình yêu và trong những mối quan hệ xã hội khác. Con người trong không gian, thời gian với thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn… Văn học gắn bó mật thiết với hành trình của đời người và đến với cuộc sống của con người bằng sự đồng điệu của tâm hồn. Từ bé thơ, văn học đã đi sâu vào tâm hồn của ta bằng những câu ca dạt dào bao triết lý tình thương qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ: “À ơi, con ơi con ngủ cho ngoan / để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về”. Ta cũng đã lớn lên từng ngày qua những lời răng dạy làm người của ông cha bao đời:”Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Văn học chú trọng phản ánh tâm tư, tình cảm của con người thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, sâu sắc. Chẳng hạn như cùng viết về số phận, cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nhưng Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, Nam Cao đều có những cách nhìn cách khám phá khác nhau. Ngô Tất Tố đi sâu vào phản ánh nỗi thống khổ của những người nông dân nghèo trước nạn sưu thuế. Nguyễn Công Hoan khai thác nạn cướp ruộng đất. Vũ Trọng Phụng nhìn thấy nỗi khổ của người dân bởi nạn vỡ đê. Kim Lân đau đớn trước thảm cảnh nạn đói 1945 - hậu quả của chế độ thực dân phát xít. Nam Cao sâu sắc và lạnh lùng khi khám phá ra con đường tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân. Tác phẩm của Nam Cao là tiếng chuông “hãy cứu lấy con người”, ông là nhà văn có cái nhìn sắc bén về hiện thực xã hội. Quả thật “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên” (Andecxen). Qua sự tái hiện tài tình của văn học, ta như đang trải nghiệm chính cuộc sống của những con người bất hạnh ấy. Ta đồng cảm trước những nỗi đau, trước những nỗi khốn khổ của họ, “Văn học là tiếng hát của con tim, là nơi dừng chân của tâm hồn” (Khuyết danh). Điều cốt lõi của văn chương chính là lòng nhân ái. Vô hình chung, văn học đã trở thành nhịp cầu đưa những con tim đồng cảm xích lại gần nhau hơn để cùng chia sớt những vui buồn, những ước mơ, khát vọng tuy bé nhỏ nhưng rất đỗi thân thương và ý nghĩa. Văn học không chỉ khơi lên trong ta những cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái mà còn dạy ta biết xót thương, căm phẫn, lên án trước những cái xấu xa, cái ác trong cuộc sống. Bởi “cuộc đời chính là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu).

Văn học thật diệu kì! Văn học giúp thanh lọc tâm hồn, thắp lên trong ta bao yêu thương, khát vọng, chắp thêm cho ta đôi cánh để luôn vững vàng trước những giông tố cuộc đời. Trong sáng tạo văn học, nhà văn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi văn học không chỉ phản ánh đời sống mà còn biểu hiện thế giới quan của nhà văn:”Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Tất cả những gì hiện diện trong sáng tác của nhà văn dường như đều được lọc qua lăng kính chủ quan của họ. Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải gắn với cuộc đời, phải hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng. Mãi mãi với muôn đời sau cuộc đời vẫn luôn là nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn học. 

Phạm Trọng Long Vũ

Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2021-2022

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...