Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng Lẽ Sapa" - Nguyễn Thành Long

02/03/2020

Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và bút kí. Truyện của ông rất giàu chất thơ hoạ. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai vào mùa hè năm 1970. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có lý tưởng có lối sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước.

Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh với bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một  cách ấn tượng, một kí hoạ chân dung thật đẹp về anh. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng “Trong cái lặng im của SaPa … Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của anh. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết. 

           Trước tiên ta thấy, hoàn cảnh sống và làm việc của anh đặc biệt gian khổ. Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. 

Điều gì đã giúp người thanh niên nhỏ bé 27 tuổi ấy đủ sức mạnh vượt qua được hoàn cảnh khó khăn? Trước hết, đó là do anh có ý thức đúng đắn về công việc, có lòng yêu nghề và thấy được công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Khi một đoàn phi công lên thăm nơi anh ở cho biết nhờ sự phát hiện kịp thời một đám mây khô của anh mà ngày ấy tháng ấy không quân ta đã bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng thì từ đó anh thấy mình thật hạnh phúc. Anh còn có những suy nghĩ rất đúng đắn về ý nghĩa của công việc đối với cuộc sống của con người “khi ta làm việc ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Sống một mình nhưng anh không cô độc buồn chán vì ngoài niềm vui ở công việc anh còn có một niềm vui khác là đọc sách. Sách không chỉ giúp anh cảm thấy cuộc sống không cô đơn buồn tẻ mà sách còn giúp anh cảm thấy hình như lúc nào mình cũng có người bạn để trò chuyện. Anh đã tâm sự với cô kĩ sư “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện nghĩa là sách đấy”. Sống một mình nhưng anh không sống cẩu thả lôi thôi mà thu xếp cuộc sống của mình thật ngăn nắp nề nếp, phong phú và thơ mộng. Ngoài giờ làm việc, đọc sách và tự học, anh còn trồng hoa và nuôi gà. Anh có một vườn hoa lớn với đủ loại: dơn, thược dược… , có đủ trứng gà để ăn và tặng cho người khác. Phong cách sống ấy của anh đã khiến cho ông hoạ sĩ già xúc động và nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”.

Anh thanh niên còn có những nét tính cách và phẩm chất đáng mến khác. Anh là người chân thành cởi mở, biết quý trọng tình cảm của mọi người, biết quan tâm đến mọi người và khao khát được gặp gỡ trò chuyện với mọi người. Anh đã từng lấy khúc gỗ chặn đường cho xe dừng lại để được gặp gỡ trò chuyện với mọi người, vui sướng hạnh phúc khi có khách đến thăm. Nghe nói vợ bác lái xe bị ốm, anh đi tìm đào củ tam thất biếu vợ bác lái xe ngâm rượu uống cho mau lại sức. Anh hái một bó hoa thật to để tặng cho cô kĩ sư và chu đáo chuẩn bị một làn trứng cho mọi người đi ăn đường.

Nét đáng quý nhất của anh thanh niên là đức tính khiêm tốn giản dị. Cuộc sống riêng của anh thu gọn trong gian trái của căn nhà với một chiếc giường con, cái bàn học và chiếc giá sách.  Những đóng góp của anh tuy thầm lặng nhưng rất lớn. Vậy mà anh luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, không có gì là đáng kể. Thấy ông hoạ sĩ vẽ phác họa chân dung của mình, anh tìm cách từ chối và nhiệt tình giới thiệu với ông hoạ sĩ những người mà theo anh là đáng khâm phục hơn. 

           Qua hình ảnh anh thanh niên, ta thấy anh có một vẻ đẹp tâm hồn của một tri thức mới, gắn bó với nghề nghiệp, thiết tha yêu cuộc sống, yêu đất nước. Anh là tấm gương hy sinh quên mình vì lý tưởng phục vụ đất nước. Cũng chính vì thế, chỉ với cuộc gặp gỡ chưa đầy nửa giờ mà anh đã hoàn toàn chinh phục được người đối diện. Chẳng những thế, anh còn tác động sâu sắc đến mọi người. Ông họa sĩ thì từ chỗ xúc động bị cuốn hút đến bối rối, băn khoăn vì anh đã khiến ông nhận ra một suy nghĩ chưa được đúng của mình. Và cũng chính ông đã bắt gặp sự rung động nghệ thuật, khiến ngòi bút ông muốn ký họa vẻ đẹp của con người mới để mọi người được chiêm ngắm một chân dung của cuộc sống mới chứ không phải như những ngôi sao xa xôi. Cô kĩ sư thì tò mò, ngạc nhiên đến một ấn tượng hàm ơn khó tả... Cô nàng tin vào cuộc sống và cảm nhận việc từ bỏ mối tình nhạt nhẽo là một quyết định đúng đắn.

Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau … đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình ảnh anh thanh niên đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Để mỗi lần lần giở trang văn của Nguyễn Thành Long chúng ta cảm thấy rung lên cảm xúc yêu mến, cảm phục, tự hào để sống có ích hơn.

Thạc sĩ Hồ Thị Giáng Thu

(Giáo viên THCS Phan Bội Châu)

  • (Có 1,025 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...