PHƯƠNG PHÁP VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 TỪ

10/08/2020
Như chúng ta đã biết từ năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cấu trúc và nội dung môn thi Ngữ văn. Về mặt hình thức, không còn viết một bài văn hoàn chỉnh mà chỉ cần viết một đoạn văn khoảng 200 chữ. Về mặt nội dung, cũng không còn trình bày suy nghĩ về một vấn đề độc lập mà là một vấn đề có liên quan đến nội dung đoạn Đọc – hiểu.

Dù viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ chiếm hai điểm nhưng để đạt hai điểm trọn vẹn không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta thường cảm thấy viết một bài văn sẽ dễ hơn viết một đoạn văn, chúng ta sẽ lúng túng trong việc chọn luận điểm, luận cứ, dẫn chứng.

Vì vậy bài viết sẽ chia sẻ kinh nghiệm, giúp các em có kĩ năng, phương pháp viết đoạn nghị luận xã hội tốt nhất để giúp các em vượt qua kì thi THPT quốc gia thành công.

  1. Thế nào là một đoạn văn nghị luận xã hội đạt yêu cầu?

Một đoạn văn nghị luận xã hội đạt yêu cầu phải đảm bảo hai khía cạnh:

  • Về hình thức: cần nhớ rõ đoạn văn nghị luận xã hội chứ không phải là một bài văn nghị luận xã hội thu nhỏ. Chúng ta cần đảm bảo đúng cấu trúc của một đoạn văn, nghĩa là không được xuống dòng, không được tách thành hai, ba đoạn văn nhỏ. Đoạn văn cũng phải đảm bảo đủ ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Với yêu cầu đoạn văn khoảng 200 từ thì chúng ta chỉ cần viết tầm 2/3 trang giấy thi là được, không nên viết dài quá, vừa mất thời gian vừa bị trừ điểm.

  • Về nội dung: xác định đúng vấn đề cần nghị luận, tập trung bàn vào vấn đề đó, không cần khai thác quá nhiều luận điểm bài sẽ lan man, chung chung.

  • Kết cấu: chúng ta có thể viết theo bố cục: tổng – phân – hợp hoặc diễn dịch hay quy nạp.

Lưu ý chung: Để làm tốt nghị luận xã hội, điều đầu tiên chúng ta cần chính là kiến thức xã hội sâu, rộng, có một sự hiểu biết nhất định về những vấn đề đạo đức, lối sống hay những sự kiện, hiện tượng đang “nóng”, đang diễn ra hàng ngày quanh ta… Có những hiểu biết đó chúng ta mới bày tỏ quan điểm, thái độ, nhận định cũng như có đủ lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người khác.

  1. Kĩ năng viết đoạn nghị luận xã hội:

  1. Xác định yêu cầu đề:

  • Đọc kĩ đề: gạch chân những từ ngữ quan trọng, tìm mối liên hệ với nội dung đoạn đọc hiểu để hiểu rõ nội dung cần nghị luận.

  • Xác định: dạng đề (nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay hiện tượng xã hội), đối tượng và nội dung nghị luận, các thao tác nghị luận sẽ sử dụng…

Ví dụ: Cho đoạn văn sau:

…(1) Một viên sỏi nhỏ cũng có thể làm xáo động cả một vùng nước. Nhỏ thôi, nhưng khi ta biết gieo một điều tốt, sự lan tỏa của nó là gần như không thể giới hạn. Nhỏ thôi, nhưng khi ta làm một điều xấu, tiếng của nó lan xa chẳng gì có thể ngăn được. Người xưa nói; Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm. Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Khi ta biết tránh làm điều ác, biết gieo mầm thiện, cho dù nhỏ thôi, thì ta cũng có cơ hội để thành người tử tế qua mỗi ngày lớn lên. Như những vòng tròn đồng tâm lan rộng, ta startup cuộc đời mình theo cách nhẹ nhàng và lãng mạn, tỏa lan năng lượng tích cực, tạo nên những con sóng dù nhỏ nhưng có thể đánh động cả tự nhiên để tất cả biết rằng ta đang thực sự sống. 

(2) Cuộc sống cũng nhắc ta không ngừng hành động. Ta khởi sự một việc dù nhỏ thì cũng có thể tạo những làn sóng tỏa lan, những vòng tròn đồng tâm nối nhau sống động. Đôi khi ta ném xuống mặt bến sông tĩnh lặng là tâm hồn ta một viên sỏi nhỏ để nhắc mình sống, nhắc những điều tốt cần được thể hiện, nhắc dám đối đầu với những kẻ ác và những hành động không tử tế. Khi còn trẻ là khi ta cần lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh, cho bạn bè, cho ánh sáng đẩy lùi bóng tối… (Trích Bay xuyên những tầng mây – Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.191, 192)

Với đoạn đọc – hiểu như trên thì câu NLXH là: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh. 

Chúng ta tiến hành bước Xác định yêu cầu đề như sau:

  • Đọc kĩ đề: đoạn văn trên truyền tải thông điệp làm điều thiện hay điều ác dù nhỏ thôi nhưng nó cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Qua đó tác giả cũng khẳng định mỗi việc chúng ta làm, dù nhỏ hay lớn đều có tác động rất lớn đến xung quanh. Bởi vậy làm bất cứ điều gì cũng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt nhấn mạnh chúng ta cần lan truyền những điều tốt đẹp đến mọi người xung quanh. Vì thế chúng ta cần gạch chân những từ ngữ quan trọng, tìm mối liên hệ với nội dung đoạn đọc hiểu để hiểu rõ nội dung cần nghị luận: với đề trên chúng ta cần chú ý các từ ngữ quan trọng là: trình bày suy nghĩ, ý nghĩa bản thân, lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực. 

  • Xác định: dạng đề là nghị luận về một tư tưởng đạo lí, đối tượng và nội dung nghị luận là ý nghĩa của việc lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, các thao tác nghị luận sẽ sử dụng có thể là giải thích, phân tích, bác bỏ…

Làm tốt bước này sẽ giúp các em hiểu rõ vấn đề cần nghị luận, tránh lạc đề, sai đề.

  1. Dẫn dắt vấn đề:

Tức là dẫn dắt người đọc đến vấn đề mà em cần nghị luận. Nếu dẫn dắt tốt sẽ truyền cảm hứng giúp các em đi vào bàn luận tốt hơn, hơn nữa ngay phần dẫn dắt sẽ phần nào cho biết các em có đi đúng hướng hay lạc đề hay không. Nhưng vì chỉ viết một đoạn văn 200 từ nên phần dẫn dắt không cần quá dài, chỉ nên một đến hai câu là đủ, và nhất định phải giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ: Với đề trên ta có thể dẫn dắt như sau: Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thử thách; vì thế chúng ta cần luôn có thái độ lạc quan, yêu đời để có thể vững bước. Nhưng chỉ mình chúng ta chưa đủ, đôi lúc chúng ta cũng cần phải lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh.Vì việc đó thật sự có ý nghĩa.

  1. Bàn luận vấn đề:

Dàn ý chung:

  • Giải thích: giải thích khái niệm, hình ảnh, câu nói từ đó suy ra nội dung, ý nghĩa vấn đề mà đề yêu cầu. Với đề trên chúng ta cần giải thích :  Năng lượng sống tích cực: có thể hiểu là những suy nghĩ, hành động, thái độ sống tích cực, lạc quan của mỗi cá nhân đối với các vấn đề trong cuộc sống. Tạo ra năng lượng sống tích cực, để lan tỏa đến những người xung quanh là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết.

  • Phân tích – chứng minh: tìm cách đặt câu hỏi vì sao? Lí giải biểu hiện? Nguyên nhân?... để từ đó giảng giải, làm rõ bản chất vấn đề. 

Với đề trên, chúng ta cần tập trung phân tích - Ý nghĩa khi lan tỏa năng lượng sống tích cực. Muốn làm rõ điều đó chúng ta cần chỉ rõ việc lan tỏa lan tỏa năng lượng sống tích cực đối với bản thân sẽ giúp ta luôn cảm thấy lạc quan, yêu đời, dễ dàng vượt qua được mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đối với người xung quanh: Khi lan tỏa năng lượng sống tích cực đến những người xung quanh sẽ giúp họ có niềm tin vào cuộc sống và vượt qua thử thách; Không chỉ vậy, năng lượng tích cực khi được lan tỏa sẽ khiến cho cộng đồng sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn; Năng lượng tích cực sẽ tạo nên một xã hội vững mạnh, văn minh và nhân ái. 

  • Dẫn chứng: với yêu cầu của một đoạn văn 200 chữ các em không cần phải dẫn quá nhiều dẫn chứng hoặc kể lể dài dòng… Dẫn chứng không nên quá cũ cũng không nên quá mơ hồ, càng gần thời đại càng tốt. Với đề trên tốt nhất là các em nên lấy dẫn chứng từ những con người, việc làm xung quanh chúng ta, nhỏ bé, bình dị nhưng đủ sức lan tỏa (những bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid, ước mơ của Thúy…) thì bài sẽ sâu sắc và đủ sức thuyết phục.

  • Bàn bạc mở rộng vấn đề: ở phần này chúng ta cần đánh giá vấn đề cần nghị luận tức là chỉ rõ vấn đề đúng hay sai, đồng tình hay không đồng tình, đưa ra giải pháp… từ đó chúng ta có thể đưa ra phản đề (phê phán, bác bỏ những vấn đề ngược lại), để cuối cùng chúng ta rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Với đề trên, chúng ta cần đồng tình việc lan tỏa những năng lượng tích cực là vô cùng cần thiết. Nhưng không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng ép mình phải vui vẻ, giả tạo hay che đậy cảm xúc thật của bản thân… Và dù thế nào hãy luôn nhớ giữ thái độ sống lạc quan, yêu đời; Luôn ghi nhận và khen ngợi trước những thành tích người khác đạt được; Luôn mỉm cười, sống thân thiện, chan hòa. …


Tóm lại, nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Đoạn nghị luận xã hội chú trọng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nên chúng ta rất khuyến khích các em sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ cá tính…  Nhưng cần nhớ sự sáng tạo, khác biệt vẫn phải dựa trên lí lẽ, căn cứ xác đáng với một thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và các mối quan hệ xã hội, giúp chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế khi làm bài các em nên chú ý lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp.

Chúc các em thành công.

Thạc sĩ Nguyễn Huyền Nga

  • (Có 250 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...