“Sự rung cảm của những giọt nước mắt – Biểu tượng văn chương”
Nguyễn Hồ Kiều My
Lớp 12A2, năm học 2023-2024, Trường THPT Vĩnh Viễn
Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hay những cánh đồng đã úa tàn không còn sinh khí? Cuộc đời là hành trình đi tìm cái đẹp và luôn vì cái đẹp mà tồn tại. Xuất phát từ đặc trưng của văn học, đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, cũng là đạo đức của văn chương. Văn học không chỉ biểu hiện hạnh phúc, niềm vui mà đôi khi còn là nỗi đau, nước mắt của nhân thế. Bàn về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng nhận định: “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt hay gần giống như thế. Bởi văn học vẫn còn những rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt.”
Có thành ngữ “nước mắt cá sấu” để ám chỉ những giọt nước mắt giả dối. Nhưng với nhà văn Nam Cao dường như là ông không tin vào hình ảnh, ý nghĩa đó. Ông tỏ ra là người rất tin tưởng vào giọt nước mắt hướng thiện, lương thiện của con người. Nhà văn đã có hẳn một truyện ngắn mang tên Nước mắt. Lấy lời của nhà văn, nhà thơ Pháp Francois Coppée (1812-1908) làm đề cho truyện ngắn của mình: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ.” Qua lời đề từ ấy, ta có thể hiểu được cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn hiện thực và nhân đạo. Với “đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”, tức là với cái nhìn hời hợt, nông nổi, hẹp hòi, lạnh lùng, người ta chỉ thấy thế giới này xấu xa, toàn cái đáng buồn, cái làm cho ta buồn. Ngược lại, nếu cảm nhận cuộc sống và con người bằng “nước mắt”, tức là đánh giá, nhìn nhận bằng tình yêu thương và sự trân trọng, bằng trách nhiệm, ta có thể thấy vũ trụ này “biến hình”, nghĩa là ta có thể bắt gặp những vẻ đẹp cao quý, thánh thiện ngay trong những điều tưởng chừng như là “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa...”. Với “đôi mắt” của tình yêu thương, tin cậy, ta có thể đi sâu phát hiện bản chất đích thực của con người và cuộc đời.
Nói cách khác, lời nhà văn Pháp cũng là chân lý nghệ thuật của Nam Cao: vấn đề không phải người ta nhìn thấy cái gì, mà quan trọng hơn là người ta nhìn thấy như thế nào, bằng cách nào; “đôi mắt” đúng đắn nhất – cách nhìn đời, nhìn người đúng đắn nhất – là dựa vào tình yêu thương, dựa trên chủ nghĩa nhân đạo cao quý. “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái hay sự công bằng... Nó làm cho người gần người hơn.” (Đời thừa)
“Giọt nước mắt” đó là những cảm xúc, sự rung động của một tâm hồn nhạy bén trước biến cố của cuộc đời. Văn chương khởi phát từ tấm lòng, từ “giọt nước mắt” chảy trong lồng ngực tác giả. Giọt nước mắt ấy chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là nước mắt đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những vui buồn, những vỡ òa trước phận đời hẩm hiu, trước những hiện thực ngang trái. “Giọt nước mắt” ấy từ đâu ra? Đó có phải là nước mắt mà lão Hạc dằn vặt khi đã bán cậu Vàng – kỉ vật duy nhất của con trai để lại, làm người bầu bạn với lão, để rồi lão quyết định ăn bả chó để mà chết, chết trong sự đau đớn, quằn quại. Là giọt nước mắt của bà Tứ vừa mừng vừa tủi nhưng lại vừa lo lắng trước anh Tràng con trai bà lấy vợ vào giữa những tháng ngày đói khổ. Ta cũng bắt gặp chi tiết nước mắt trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của người đàn bà làng chài, một người mẹ giàu tình thương nhưng lại đau khổ trước cuộc sống nghèo khó hàng ngày phải chịu đựng những trận đánh của người chồng, các con phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.
Diễn viên Charles Spencer Chaplin đã từng biết đến với thông điệp: “Tôi thích đi dưới mưa, để không một ai có thể biết rằng tôi đang khóc”. Một câu nói tuyệt vời, nhưng đối với tôi câu nói này gợi lên nhiều câu hỏi: Có bao giờ bạn không cho phép mình khóc, hay không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả? Những giọt nước mắt được xem như một trong những cơ chế giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Như vậy, ta có thể thấy rằng: Giọt nước mắt không chỉ biểu hiện cảm xúc con người, mà đó còn ẩn chứa bên trong những thông điệp. Giọt nước mắt của sự ân hận, ăn năn, có tác dụng thức tỉnh, giúp ta dũng cảm đối diện với những sai lầm của chính mình để ngày càng hoàn thiện hơn. Giọt nước mắt của Chí Phèo là tiếng khóc của sự thức tỉnh, khao khát hoàn lương là dấu hiệu nhân tính trở về trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo được đánh thức tri giác, cảm giác, cảm xúc. Tiếng khóc của Chí Phèo thay cho những lời ăn năn, hối hận. Còn trong truyện ngắn Đời thừa, nước mắt của Hộ là giọt nước mắt của sự bế tắc. Nó không giúp anh tháo gỡ được tình trạng bi kịch còn khiến anh lấn sâu vào bi kịch thứ hai: vi phạm lẽ sống tình thương. Đó còn là nước mắt của sự hối hận. Trong lúc say, Hộ đã đánh vợ, đuổi vợ ra khỏi nhà. Tỉnh rượu, Hộ đã khóc, nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc...
Thơ ca là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay, thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mĩ tới tầm cao của giá trị sống. Khi bàn về thơ, Hoài Thanh khẳng định: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quang đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người cho đến ngày tận thế”. Điều đó đã giúp ta hiểu đúng giá trị của thơ ca, và đánh giá đúng hơn về tư tưởng tình cảm mà thơ biểu hiện. Nhà phê bình Hoài Thanh đã góp tiếng nói độc đáo về giá trị thơ ca. Thơ ca không tìm đâu xa lạ mà nó chính là “cái đẹp của cuộc sống” được tái hiện, được gửi vào tiết tấu của cây đàn thi ca. Thơ đến với con người như dòng sữa mẹ đến với trẻ thơ, như người bộ hành giữa sa mạc tìm thấy dòng nước ngọt mát cao quý. Thơ đã là bạn tâm tình, sẻ chia bao buồn vui với loài người và thơ là “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” đến với mọi tâm hồn.
Trong tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư có câu nói thật hay rằng: “Là trẻ con đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Bởi vì là người lớn thì ai cũng từng là trẻ con và cũng từng lớn lên và ai trong chúng ta cũng sẽ từng mắc sai lầm. Chúng ta có thể giận, có thể buồn, có thể oán trách nhưng hy vọng rằng bản thân hãy “tha thứ” và mở lòng đón nhận, nhìn nhận mọi thứ lạc quan hơn, yêu đời hơn. Tha thứ cho người chính là tha thứ cho chính mình, khi giữ sự thù hận trong lòng, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc đời của bản thân. Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ca ngợi con người? Văn chương thật lớn lao và ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác và suy nghĩ, thiên về chiều sâu của nội tâm. Để ta yêu quý và trân trọng những con người bình dị nhất. Để ta phải giật mình sửng sốt khi nhận ra vẻ đẹp lấp lánh ẩn chứa bên trong những hình hài tưởng như gàn dở, xấu xí.
Giọt nước mắt phải chăng là kết quả tích tụ của những cảm xúc khôn nguôi? Có câu nói cho rằng: “Khi một ngày bạn nhận được tin báo người thân của bạn mất đi, bạn mới hiểu rằng, hóa ra nước mắt dành cho tình cảm nam nữ hay những chuyện vụn vặt, lo sợ, cô đơn đều là thừa thải.” Trong cuộc đời nơi nhân thế, thượng đế ban cho con người rất nhiều điều hay và tốt đẹp. Ngay cả đến khi rơi lệ, cũng có phép tắc nhiệm màu. Giọt nước mắt đầu tiên rơi từ bên phải đó là vì bạn hạnh phúc, giọt nước mắt rơi từ bên trái đó là vì bạn đau buồn. Cả hai cùng rơi thì đó là sự thất vọng... “Giọt nước mắt” mang bao cảm xúc ngổn ngang và chằng có lời hoa mỹ nào đủ để lý giải cho dòng cảm xúc trong văn chương. Tiếng khóc và nước mắt tưởng chừng như thật đơn giản, nhưng lại chứa đựng bao nỗi niềm trắc trở của nhiều số phận. Cùng là giọt nước mắt nhưng lại mang hai nỗi niềm: niềm vui và nỗi buồn. Nó được đưa vào rất nhiều tác phẩm với nhiều cung bậc, cảm xúc, nhưng quy lại thì vẫn là nỗi lòng của nhân vật, tác giả.
“Người ta ngất ngây trước sự hào nhoáng, mê mẫn trước sự bóng bẩy nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tận đáy lòng”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thật tinh tế khi có những nhận định hay đưa đến cho người đọc những cảm xúc, rung cảm lay động nơi con tim. Để tác phẩm nghệ thuật tồn tại vĩnh cữu tất cả chính là nhờ cái tâm tinh tế của nhà văn trước mọi thăng trầm của thời đại. Chẳng ai có thể giấu diếm cảm xúc cùa bản thân dưới những ngòi bút, những trang sách mang đầy xúc động cảm mãnh liệt. Đặc biệt là chi tiết nước mắt.
Nguyễn Hồ Kiều My