Sức sáng tạo của văn chương

09/02/2023

Sức sáng tạo của văn chương

Mai Đình Hân

(Lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022 – 2023)

Đời thừa là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu của Nam Cao về để tài người trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám. Đó là câu chuyện về sự giằng xé đến bị kịch của một nhà văn giàu khát vọng nhưng đồng thời cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật có giá trị. Qua nhân vật Hộ - nhân vật nhà văn trong tác phẩm – Nam Cao đã gới gắm những suy tư và những quan niệm sâu sắc của mình về nghề văn và sứ mạng của người cầm bút chân chính. Ông viết “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa cớ”.

Câu nói ngắn gọn nhưng đã thâu tóm những yêu cầu thật là gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác văn chương. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một kiểu mẫu đưa cho là cách diễn tả hình ảnh, ám chỉ thứ văn chương đẽo gọt, khuôn sáo, hời hợt, một thứ văn chụp ảnh hoặc minh họa đơn giản. Người thợ dù là khéo tay thì cũng chỉ sản xuất ra những thành phẩm hàng loạt theo mẫu mã có sẳn, dù có khéo léo cũng chỉ là một hình thức bắt chước, theo khuôn mẫu. Lao động của nhà văn thì khác hẳn. Đó là quá trình nghiền ngẫm, khám phá, tìm tòi những nội dung mới và hình thức diễn tả mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị của riêng mình, mang bản sắc độc đáo của từng nghệ sĩ. Trong một truyện ngắn: “Những truyện không muốn viết”, Nam Cao cũng đã diễn đạt một cách thật là đặc thù hình ảnh lao động của nghề văn: “Cái nghề văn kị nhất là cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” tức là nó tối kị sự sao chép, bắt chước. Với một yêu cầu thật nghiêm khắc về nghề, nhà văn quan niệm: “Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Đúng vậy. Mọi nghệ sĩ chân chính, có tài năng đều khao khát sáng tạo ra được những tác phẩm chân chính, sâu sắc. Nhưng không bao giờ họ bằng lòng với lối sao chép, rập khuôn hay phản ánh hiện thực cuộc sống trên bề mặt của nó. Nhà văn phải là người có cái nhìn nhạy bén và sâu xa hơn người để phát hiện những vấn đề sâu kín ở bề sâu của đời sống để đem đến cho người đọc những khía cạnh mới, những vấn đề mới đầy bất ngờ, sâu sắc, thú vị, có khả năng đánh thức vào trí tuệ trái tim, làm phong phú tâm hồn, thậm chí có thể làm thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ thông thường. Mỗi sáng tạo của một nhà văn tài năng phải là một tìm tòi mới, khám phá mới.

Về thực chất, đây là một yêu cầu về tính chân thật trong sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là sự đi tìm của lạ một cách làm mè, hình thức. Đó là một sự sáng tạo mang đậm nét bản sắc của chủ thể nghệ sĩ, mang dấu ấn tinh thần của cá nhân nhà văn từ cách nhìn, cách nghĩ đến cách viết. Đó chính là cá tính sáng tạo đã từng được đặt ra như một yêu cầu không thể thiếu của sáng tạo văn chương. Thiếu nó sẽ không có nghệ thuật. Gorki, nhà văn Nga, cũng đã từng nhấn mạnh: “Bạn hãy giữ lấy cái gì là của riêng mình, hãy săn sóc nó phát triển tự do. Lúc một nghệ sĩ không có cái là của riêng mình thì phải thấy người đó không có gì hết”.

Ở đây, cái riêng không phải được hiểu như một phẩm, không chỉ tự nhiên mà có, nó phải được trau dồi, săn sóc, phát triển, tìm tòi, đào sâu không ngừng. Nghệ thuật bắt đầu từ thiên bẩm. Nhưng chỉ thiên bẩm không thôi cũng sẽ không có nghệ thuật. Nhà văn Nga L. Tôn-xtôi cũng đã từng nói: “Một phần mười là thiên bẩm còn chín phần mười là nước mắt, mồ hôi”. Người ta cũng ví nhà văn như người trinh sát, như nhà địa chất với ý nghĩa nhấn mạnh vai trò khám phá, tìm tòi, phát hiện... đầy thử thách, gian khổ, có khi cần đến cả sự hi sinh của người nghệ sĩ.

Khám phá cho được sự thật, đào sâu, tìm tòi, khơi được những nguồn chưa ai khơi đã là khó. Những quan niệm nghệ thuật của Nam Cao không chỉ dừng lại ở đó. Nghệ thuật còn đòi hỏi sáng tạo những gì chưa có nữa. Đây cũng là mối quan niệm rất đúng đắn về bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật. Đó là sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp như Marx đã từng nói, là sự thể hiện cái thế giới ao ước, khát khao của con người. Cách đây khoảng 2400 năm về trước, nhà mĩ học người Hy Lạp Aristote đã từng nói: “Nhiệm vụ của nhà thơ không chỉ nói về cái thực sự đã xảy ra mà cái lẽ ra có thể xảy ra”. Thơ là vậy, văn thực chất cũng vậy.

Tuy nhiên cái độc đáo của Nam Cao bộc lộ chủ yếu ở cách thức nhà văn đi sâu, tìm tòi, khám phá và diễn tả cái bề sâu của đời sống hiện thực. Cũng như các nhà văn hiện thực khác, ngòi bút của ông chủ yếu cũng hướng tới những con người bần cùng, khốn khổ, ông không hề làm ngơ, hờ hững trước chuyện sách áo, đói cơm vốn là một hiện thực phổ biến thời bấy giờ. Nhiều truyện ông viết về miếng cơm manh áo thật cảm động, xót xa có thể làm rơi nước mắt... Nhưng trung tâm cảm hứng của ngồi bút Nam Cao chủ yếu hướng về nỗi khổ, đau vất vả về đời sống tinh thần, những nỗi đau xót âm thầm mà dữ dội, những bi kịch nội tâm, những xung đột giằng xé trong từng con người, từng số phận, giữa cái xấu và cái tốt, cái cao thượng và cái thấp hèn; cái nhân hậu vị tha và cái ích kỷ độc ác...

Ít có ngòi bút nào lách sâu đến chỗ tận cùng của xung đột âm thầm mà dữ dội ấy nhưng ngòi bút của Nam Cao. Ông ít miêu tả trực tiếp những xung đột và đấu tranh với giai cấp trên bề mặt của đời sống, ông thiên về diễn tả những bi kịch nội tâm với biết bao giằng xé, cắn rứt, tủi nhục, ân hận trong từng con người. Đừng nghĩ rằng chỉ những tri thức tiểu tư sản như Thứ (Sống mòn), như Điền (Trăng sáng), như Hộ (Đời thừa),... mới có bi kịch nội tâm, mới có những vật lộn, ray rứt, ân hận... Ngay cả Chí Phèo, một con người đã mất gần hết nhân nhân tính, nhưng qua bát cháo hành của Thị Nở thì Chí mới nhận ra giá trị cuộc sống, lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó vàng cũng là cả một sự giằng xé âm thầm, dai dẳng... và khi đã bán rồi thì lão khóc vì khổ đau, ân hận. Lão không chỉ tiếc thương con chó, lão còn ân hận cắn rứt không thôi vì đã nỡ đánh lừa một con chó. 

Biệt tài của Nam Cao là khả năng khai thác, diễn tả thật cảm động xung quanh những chi tiết tầm thường, vặt vãnh, chẳng hạn: để mua cho con mấy tấm mía tốn một xu rưỡi, người mẹ khốn khổ kia đã phải trải qua bao nhiêu tính toán, biện bạch, xót xa, ân hận (Trẻ con không được ăn thịt chó) và ai biết trên đường đến nhà mụ phó Thụ để chăm cháu – thực chất là để kiếm miếng ăn – người bà đói khát kia đã suy nghĩ những gì? Ấn tượng của người đọc không phải là nổi đói khát mà là nỗi xót xa bà cụ đành cam chịu chuốc lấy để đổi lấy miếng ăn nhục nhã. Trong dòng văn học hiện thực phê phán hiếm có cây bút nào diễn tả cái tầm thường một cách xót xa và cảm động như thế. Viết về người nông dân hay người tiểu tư sản trí thức, ngòi bút của Nam Cao vẫn trước sau nhất quán. Đó là thái độ trân trọng, tin yêu đề cao nhân cách và phẩm giá con người. Một mặt nó tố cáo, lên án xã hội làm biến chất, tha hóa con người, mặt khác nó đánh thức tình yêu thương con người. Tác phẩm của Nam Cao không chỉ lên tiếng đòi cơm áo, nó còn dõng dạc đòi quyền làm người lương thiện, quyền được ước mơ, quyền được sống xứng đáng với cuộc sống con người...

Chủ nghĩa nhân văn của Nam Cao rõ ràng sâu sắc hơn các nhà văn cùng thời với ông. Các nhà văn khác thiên về phản ánh nỗi đói khát bần cùng, Nam Cao đi sâu hơn vào vấn đề tha hóa, biến chất bởi đói khát, bần cùng, tàn bạo. Không phải Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức... mới tha hóa. Bao nhiêu kẻ phàm ăn tục uống, đối xử thô bạo, tàn nhẫn với vợ con cũng là những dấu hiệu biến chất tha hóa. Những kẻ thâu đêm chầu bên canh bạc nhưng những kẻ khát nước để cầu vận may để rồi rơi vào cảnh tan cửa nát nhà cũng đang tuột trên cái dốc của sự tha hóa. Cả những người tri thức có mộng văn chương đẹp như Hộ mà cũng phải cho in nhiều cuốn sách viết vội vàng để rồi người ta đọc và quên ngay sau khi đọc. Đó là một kiểu tha hóa.

Chỉ ra qui luật của bần cùng, tha hóa vì đói rách nghèo hèn, tác phẩm của Nam Cao hầu hết đều thấm nhuần một tinh thần nhân văn, nhân đạo. Tác phẩm của ông như một tiếng chuông cảnh tỉnh góp phần thức tỉnh lương tri. Sáng tạo ra nhân vật Thị Nở, một nhân vật thô kệch xấu xí ma chê quỷ hờn, nhưng chỉ một chút quan tâm, săn sóc chủ yếu của con người ấy, vẫn có thể đánh thức một bản tính người nơi Chí Phèo sống dậy. Điều ấy cho thấy tình thương của một sức mạnh cảm hóa to lớn như thế nào. Thị Nở xấu xí, nhưng ngoài nhân vật xấu xí này Nam Cao lại gửi gắm một khát vọng và một niềm tin mãnh liệt, đẹp đẽ: tình thương có thể cứu vãn con người. Không phải chỉ mình Nam Cao nghĩ như thế, nhưng sáng tạo ra một nhân vật như Thị Nở để gửi gắm lí tưởng thẩm mĩ ước mơ thì quá là một sáng tạo độc đáo, độc nhất vô nhị. 

Văn học luôn là sự khám phá, tìm tòi, lao động sáng tạo của nhà nghệ sĩ chân chính.

Mai Đình Hân – 12A2

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...