Tác phẩm nghệ thuật đích thực

13/12/2022

Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung” (Leonit Leonop)

Lâm Hải Đăng Khoa

(Lớp 12A2, THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022-2023)

“Ai bảo dính vào duyên bút mực

Suốt đời mang lấy số long đong”

(Nguyễn Bính)

Nguyễn Bính đã từng than thở như thế. Trong câu nói của ông, rõ ràng ta thấy được số phận bạc bẽo, và những đòi hỏi rất cao đè nén lên các nhà văn nhà thơ ở thời điểm lúc bấy giờ. Phải chăng do sự đòi hỏi quá cao ấy, mà trong xuyên suốt các thời đại, văn chương vẫn như một món ăn tinh thần mà buộc người đầu bếp ấy phải là một người đầu bếp tài ba. Tạo ra những kiệt tác không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn là một cái nhìn về sự nhân đạo trong chính tác giả. Có lẽ vì vậy mà nhà văn Leonit Leonop đã từng khẳng định:”Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung”. Mỗi tác phẩm, mỗi sáng tác nghệ thuật đều là một phát hiện sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ.

Văn chương chính là ánh sáng và nhà nghệ sĩ chính là tấm gương để phản chiếu, mang từng tia sáng len lõi vào trong những nơi ngõ ngách tăm tối của cuộc sống. Nhưng văn chương không phản ánh đơn điệu, một tác phẩm đích thực bao giờ cũng bộc lộ được những hình ảnh chủ quan trong thế giới khách quan, lưu lại trong trái tim độc giả những giá trị cao đẹp khó quên. Do vậy, những người nghệ sĩ phải có một cái nhìn mới, một cái nhìn độc đáo và thể hiện sự tìm tòi của mình qua sự mới mẻ về nghệ thuật lẫn nội dung. Sự lặp lại tẻ nhạt cũng chính là vũ khí vô hình giết chết nghệ thuật.

Cuộc sống phơi bày ra trước mắt mỗi người biết bao cảnh khổ, biết bao số phận trái ngang. Nhưng song hành với nó là những tấm gương soi chiếu hiện thực của cuộc sống. Tác phẩm chân chính đích thực là những ngọn cây được ươm mầm từ cuộc sống. Nên Nan Cao đã từng nói: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Ông đã thành công khi lồng ghép được “kiếp lầm than” vào Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Nam Cao đã không chối bỏ hiện thực của cuộc sống mà mang đến góc độ mới về cái nhìn nhân đạo trong tác phẩm qua hình ảnh lão Hạc. Tác phẩm đã thể hiện sự cảm thông, thương xót cho số phận của người nông dân nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội thực dân nửa phong kiến:

“…Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút…kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…”. Giọng điệu của Nam Cao nghe sao thật chua chát. Kiếp người như lão thì sung sướng chỗ nào? Lão sống lui thủi một mình trong căn nhà với con chó vàng, chỉ có nó để bầu bạn. Cũng vì cái nghèo không đủ tiền cưới vợ cho con, anh con trai phẫn chí bỏ đi. Rồi bệnh tạt, mất mùa, đói khổ, lão cũng đem cậu vàng mà bán, niềm an ủi mong manh cũng không thể giữ được thì cuộc đời kia của lão có còn nghĩa lí gì không? Rõ ràng tác phẩm chính là một bài cáo trạng tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo, xấu xa đẩy con người vào những khổ đau tận cùng của cuộc đời. Phản ánh xã hội đen tối dưới góc nhìn nhân đạo, nên Lão Hạc vẫn là một trong những kiệt xuất văn học của ông.

Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không chỉ nói lên cái nhìn tăm tối của xã hội mà nó còn hướng con người ta đến những giá trị thiết thực, những giá trị chân thiện mỹ. Trong đó Nam Cao đã thật sự đi vào trong lòng cuộc sống khi tiếp nữa hình tượng Chí Phèo, một gã sâu rượu bê tha kia trong lại là một tấm lòng lương thiện. Nam Cao không làm độc giả có cái nhìn xấu đi về nhân vật Chí. Ông đã chạm đến trái tim người đọc khi biến Chí từ một kẻ rạch mặt ăn vạ trở thành một kẻ si tình, một đứa trẻ vô ưu vô lo mà vốn dĩ nó đã nằm ẩn yên trong anh từ trước, chỉ qua một bát cháo hành của nàng Thị Nở. “Ai cho tao lương thiện?” Chí Phèo như thốt lên, một đứa trẻ mồ côi sinh ra trong cái lò gạch cũ lại phải một mình chống trả lại sự thật phũ phàng của cuộc sống. Thể hiện được rằng dù cho anh Chí có tồn tại ở bất kì bản dạng nào, một tên côn đồ hay một kẻ si tình thì sự lương thiện trong tâm hồn anh vẫn luôn hiện diện. Nam Cao đã đánh thức trái tim của người đọc qua những giá trị nhân đạo sâu sắc và hướng nhân loại đến cái đẹp của thời đại. Qua từng tác phẩm, có thể thấy được sự đòi hỏi về mặt nội dung với một tác phẩm nghệ thuật đích thực là như thế nào? Nó không chỉ là những nội dung dễ trùng lắp, nó mang trong nó một phát minh về hình thức, về tư tưởng. Vì người nghệ sĩ hơn ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với những tác phẩm nhằm để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú tri thức. Bởi lẽ đó, người nghệ sĩ luôn phải có một cái nhìn mới, một dấu ấn chủ quan trong mọi vấn đề. Cuộc sống chính là đề tài muôn thuở và vô tận cho những kiệt tác văn học. Nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn đều có hạn. Buộc họ phải liên tục đi tìm mảnh đất mới đề gieo mầm tư tưởng, để có những mới mê trong những đề tài quen thuộc. Để có một con đường riêng khẽ chạm đến cuộc sống và trái tim bạn đọc. Văn học không chỉ xoay quanh những nội dung thuần tuý, một tác phẩm đích thực cần được khai mở một cái nhìn đa chiều về mặt nội dung. Như trong “Đây Thôn Vĩ Dạ” của nhà thi nhân Hàn Mạc Tử, tác giả đã vận dụng ngòi bút tài hoa của mình để cách điệu sự chia ly tan tác, lạc loài cùng nỗi nhớ nhung đối với người con gái ở thôn Vĩ bằng hình ảnh thiên nhiên:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Với giọng điệu mới mẻ cùng nhịp thơ 4/3 đã thể hiện sự chia cách. Hình ảnh gió mây không miêu tả một cách đơn thuần, sự sáng tạo trong giọng thơ làm bạn đọc như gợi lên hình ảnh gió mây ngược lối trước mắt. Nâng tầm giá trị của tác phẩm, tạo cho nó màu sắc riêng biệt không bị trùng lắp. Tương tự là tác phẩm “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Nếu trong Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước trở nên hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn, và tràn đầy sức sống:

“Mùa thu nay đã khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre bay phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

thì Nguyễn Khoa Điềm lại đem Đất Nước với hình ảnh giàu có về văn hoá, là sức mạnh của chân lý:

“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.”

Cùng với một đề tài về Đất Nước nhưng ở mỗi nhà thơ đều mang một nét rất riêng, một cách nhìn, một cách hiểu khác nhau. Từ đó tạo nên sự đa dạng và phong phú để dung nạp vào nền văn học nước nhà những áng văn thơ bất hủ sống mãi với thời gian.

Cuối cùng tác phẩm nghệ thuật đích thực có nghĩa là tác giả đang khám phá nội dung ở góc nhìn hiện thực và nhân đạo. Thật là như vậy, Mộng Liên Đường Chủ Nhân đã từng có một nhận định đúng đắn khi nói về Tố Như: “Phải có con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời mới có cái bút lực ấy”. Với cái tâm hồn thấm đầy tình trào trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, của Đoạn Trường Tân Thanh nhuốm lệ. Từ một tác phẩm không tiếng tăm, có thể nói là xếp dô hàng loại xoàng xĩnh, thì Nguyễn Du đã biến Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trở thành tác phẩm văn học kiệt xuất thời đại. Tác phẩm không chỉ phản ánh cuộc sống đầy bất công mà còn mang lại giá trị nhân đạo, điển hình như Thuý Kiều, một cô gái tài sắc:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đửt Hồ cầm một trương.”

(Truyện Kiều)

Thật đẹp! Khi Tố Như đã kết tinh trong lòng bàn tay Thuý Kiều bao nhiêu tài hoa, từ ánh mắt đến bờ môi, từ lời văn đến tư dáng, sự hội tụ của thiên nhiên, trí tuệ con người. Nhưng Kiều đẹp là thế nhưng cái thuyết “Tài mệnh tương đối” vẫn đè nặng lên tư tưởng Tố Như:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Tài ấy, sắc kia nhưng nàng Kiều vẫn mang trong một số phận truân chuyên chua xót, đầy những bất công oan trái. Tác phẩm đã không xoáy sâu vào vẻ đẹp ấy, mà đi sâu vào số kiếp con người, số phận của người phụ nữ xã hội phong kiến. Một hiện tượng đáng lên án, khi chính đồng tiền đã tước đi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Một xã hội kim tiền được xây lên bởi những viên gạch đầu tiên, nên Tố Như đã căm tức mà thốt lên rằng: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.

Có thể thấy được sự ngậm ngùi, cay đắng trong câu nói của Tố Như, khi đồng tiền lên ngôi, sức mạnh đồng tiền trở nên vạn năng:

“Tính bài lót đó luồn đây

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”

hay là:

“Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Nguyễn Du đã phơi bày tất cả ra ánh sáng, những hiện thực phũ phàng của bọn quan lại tham lam, bỉ ổi. Hiện lên một xã hội thối nát, bất công. Ở đó không tồn tại pháp luật hay sự công bằng. Nó dễ dàng bị mua chuộc, đổi trắng thay đen. Bọn tàn ác đã tước đi cuộc sống đáng lẽ đã là của nàng Kiều:

“Một là cứ phép gia hình

Một là lại cứ lầu xanh phó về”

Gần như làm rõ nên số phận người phụ nữ xưa đã được định đoạt. Họ không có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Một sự đắng cay mà Nguyễn Du đã khắc lên qua từng con chữ. Nhưng tác giả đã mở tầm nhìn rộng hơn để bạn đọc thấy được giá trị nhân đạo trong tác phẩm. “Truyện Kiều” chính là tiếng nói, là ước  mơ về một tình yêu tự do, khát vọng công lí cho thân phận người phụ nữ xưa. Tố cáo sự tàn ác, tham lam của bọn Mã Giám Sinh, Tú bà trong xã hội cũ.

Mỗi một nghệ sĩ, khi lặng nhìn cuộc sống, đều nỗ lực tìm ra một cách khám phá mới lạ. Cùng viết về nông dân, nhưng Nam Cao vẫn có một nhân sinh quan khác với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Chính vì thế, người nghệ sĩ không thể xem sáng tác như một thứ nghề để chơi, mà cần phải có sự khổ luyện tìm tòi. Nên nhà phê bình văn học Ai-ma-tốp đã từng nói: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối”. Những tác phẩm đích thực sẽ nằm ngoài sự băng hoại của thời gian và sống mãi trong lòng người đọc.

Tháng 12/2022

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...