Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng

06/10/2023

“Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng” (Aimatov)

Châu Huệ Trân

(Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024)

"Nỗi chìm kiếp sống lênh đênh

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều."

(Tố Hữu - Bài ca xuân 61)

Những trang sách đầu tiên là nơi đánh dấu sự khởi đầu của một tác phẩm. Bởi lẽ trái tim người nghệ sĩ không ngừng thổn thức, rung động trước những cái đẹp đẽ của vũ trụ, của con người. Con tim khát vọng ấy không ngừng đập lên liên hồi vì tình yêu rạo rực với văn chương và chỉ dừng lại khi người nghệ sĩ ấy chẳng còn được sống để viết tiếp. Mỗi tác phẩm văn học được ra đời như ẩn chứa một phần linh hồn của người nghệ sĩ. Mọi sự kiện mang tính biểu tượng hay đánh dấu những cột mốc quan trọng trong những cuộc giao thoa thời đại đều được ghi chép tỉ mỉ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có lẽ vì vậy mà nhiều tác phẩm vẫn cứ cứ mãi trường tồn theo thời gian mà chẳng thể phai nhòa. Mặc cho dòng đời biến động, xã hội không ngừng đổi mới khiến những mảnh vỡ quá khứ bị vùi lấp thì sự trỗi dậy đầy ngạo nghễ của văn chương là vĩnh cửu như nhà văn Aimatov từng khẳng định: “Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng”. Vì khi trang sách cuối cùng khép lại thì tác phẩm ấy mới thực sự sống. Sống tiếp với thời gian và còn cả những khát khao, trăn trở và tình cảm thầm kín của người đọc.

Vậy trước hết ta cần phải hiểu khái niệm của “tác phẩm văn học chân chính” là gì cũng như những ẩn ý sâu sắc về sự “kết thúc” của tác phẩm ấy mang ý nghĩa to lớn ra sao. Một tác phẩm văn học được xem là chân chính là khi nó mang giá trị to lớn, đích thực với thời đại. Bản thân của chính phẩm phải đề cao và thể hiện được sứ mệnh của văn chương đối với cuộc đời. Vì văn chương nói riêng và văn học nói chung là bộ môn nghệ thuật nhằm phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống, xã hội và con người nên mọi mạch cảm xúc đều dồi dào và phong phú, đồng thời hướng con người ta đến với gía trị chân - thiện - mỹ. Cũng chính từ những bức tranh hiện thực sinh động, các nhà văn, nhà thơ đều gởi gắm biết bao tâm tư, tình cảm của chính mình trước hiện thực cuộc sống. Người ta thường nghĩ kết thúc chỉ đơn thuần là một dấu chấm hết cho một quá trình ghi nhận bao nỗ lực không ngừng của con người trước nghịch cảnh. Đôi lúc sự bất lực và bị dồn nén đến bước đường cùng sẽ đẩy con người ta tới ranh giới giữa sự sống và cái chết. Những định kiến cổ hủ sẽ giết chết con người ta bởi cái ách thống trị tàn bạo, khiến bao mảnh đời phải buông xuôi, lựa chọn cái chết để được giải thoát. Tuy vậy vẫn có những cuộc đấu tranh trong tư tưởng nhân vật nổ ra, khiến nội tâm họ trở nên phong phú và đặc sắc, gây ấn tượng mạnh tới độc giả vì họ đã lựa chọn đứng lên chống trả mặc cho họ biết rằng kết cục chẳng thể nào tốt đẹp hơn. Có trốn chạy được trong màn đêm như Chị Dậu thi tương lai vẫn là một bóng đen mịt mờ. Tác phẩm có thể khép lại nhưng bằng cái kết mở, ta vẫn có thể ánh lên một tia hy vọng cho mai sau. Đó là thông điệp của văn học nghệ thuật.

Nhà văn hiện thực Maxim Gorky đã từng giãi bày: “ Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”. Tác phẩm nghệ thuật đều sinh ra từ chính trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ. Ẩn sâu trong từng áng thơ, lời văn đều chất chứa biết bao nỗi niềm sầu lắng qua những bầu tâm trạng hay khoảng vắng lặng không lời. Đối với Nguyễn Minh Châu: “Thiên chức của nhà văn là đi tìm những hạt ngọc ẩn trong bề sâu tâm hồn con người”. Chính vì vậy mà các  nhà văn phải biết nắm bắt những mạch cảm xúc của còn người qua chính đôi mắt họ và còn phải thấu hiểu nỗi hồng trần, những hiện thực cuộc sống để có thể truyền tải những nội dung ấy thêm phần sâu sắc hơn qua thơ văn. Từ đó mới tiếp cận được tới những thế hệ độc giả, đưa họ cùng cảm nhận những giá trị nhân đạo, giá trị thẩm mỹ trong từng trang giấy. Chỉ khi nhà văn làm được những điều tuyệt vời ấy, dù cho những trang sách cuối cùng có khép lại với những số phận không lối thoát giữa thời thế loạn lạc ấy sẽ mãi khắc sâu vào tâm trí những người cảm thụ thơ văn. Văn chương không chỉ đơn giản là chứa đựng những dòng chữ khô khốc mà còn chứa đựng những giai điệu cuộc sống và cả những mảnh linh hồn. Nếu như ta nhìn thấy ở những tác phẩm của Nam Cao đều có kết thúc đầy chua xót bằng cái chết của những người nông dân bần cùng, không thể tìm được lối thoát để giải phóng cho thể xác lẫn tinh thần họ thì ở nhà văn Kim Lân với tác phẩm “Vợ Nhặt” đã cho ta thấy chút nỗi niềm lạc quan cùng những khát vọng cao đẹp ngay trong chính những năm tháng tăm tối nhất.

          Ngay cả nhà phê bình ngươì Nga - Belinsky khi đang cầm ngòi viết sáng tạo nghệ thuật cũng đã thốt lên rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu con người, một ước mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng bình đẳng bác ái luôn thôi thúc nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ và hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Quả thật, một tác phẩm nghệ thuật thực sự sẽ đưa ta đến những chân lý mới mẻ, bồi đắp những khoảng trống tâm hồn ta bằng những mảnh tâm tình vào chỗ còn thiếu sót. Sáng tạo nghệ thuật là cả một cuộc hành trình gian nan của người nghệ sĩ vì thế ta mới hiểu được các nhà văn, nhà thơ phải tinh tế, khéo léo thế nào mới có thể nắm bắt hiện thực cuộc sống và gửi gắm những mảnh ghép đầy tâm huyết vào “những đứa con tinh thần” của họ. Có lẽ cũng chính vì thế mà sau mỗi tác phẩm, nhà văn lại dồn hết những thứ tình cảm thiêng liêng cùng cái tâm của mình qua từng dòng văn hội tụ đủ những nét tinh hoa và cũng nhờ đó mà khắc sâu vào lòng người và tồn tại mãi với thời gian. Truyện Kiều – Nguyễn Du là một bằng chứng sinh động của “…nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy…” (Mộng Liên đường chủ nhân) và để cho thế hệ sau:

Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên.”

(Chế Lan Viên – Đọc Kiều)

      Thiên chức của nhà văn một phần cũng là truyền tải rõ nét cảm xúc cá nhân thông qua nhân vật trữ tình để ghi lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người đọc sau khi trang cuối cùng của tác phẩm khép lại. Bởi “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Chekhov). Nguyễn Tuân cùng truyện ngắn “Chữ người tử tù” đã thực sự quá đỗi độc đáo khi đã khắc hoạ nên một hình tượng người tử tù Huấn Cao tài hoa, ngạo nghễ, ẩn chứa một tâm hồn,  cùng vẻ đẹp thiên lương sâu sắc. Cuộc gặp gỡ trái ngang giữa Huấn Cao và viên quản ngục là một tình tiết mang tính biểu tượng độc đáo. Hai con người cùng chung một niềm đam mê nhưng giờ đây lại đứng ở hai tầng trời khác nhau. Nếu nhưng Huấn Cao là một người tài đức vô lượng cùng tấm lòng cao cả luôn hướng tới cái thiện với nét chữ thanh tao, đẹp đẽ thì viên quản ngục lại là một con người quý trọng, nâng niu và thưởng thức cái đẹp bởi cái thú vui chơi chữ đầy tao nhã cùng mong muốn xin được chữ của Huấn Cao, nhưng chính ông cũng chẳng thể ngờ cơ duyên đưa đẩy lại để ông gặp được con người có tài hoa này tại nơi nhà tù tăm tối. Và rồi kết thúc câu chuyện bằng một cảnh tượng xưa nay chưa từng có - người tử tù thanh thản nắn nót cho chữ một viên quản ngục khúm núm khan phục. Sự kiện này đáng lẽ phải diễn ra ở thư phòng khang trang, sáng sủa nhưng giờ đây quanh họ chỉ là một phòng ngục ẩm ướt, tối tăm, chỉ có ánh đèn mờ soi sáng người cho chữ. Tuy vậy Huấn Cao lại rất điềm tĩnh, mặc cho cổ đeo gông, chân bị xiềng xích, ông vẫn ung dung tô từng nét chữ to tròn trên mảnh lụa trắng muốt. Giữa nơi tăm tối, dơ bẩn ấy, hình tượng Huấn Cao hiện lên như ngòn đèn soi sáng cả một khoảng không gian ngục tù. Giây phút cho chữ ấy thật thiêng liêng làm sao, nó không chỉ đơn thuần là viên quản ngục được chứng kiến một thần tượng mà ông hằng mong ước, mà thông qua cảnh cho chữ mà người đàn ông quanh năm làm việc ở nơi tận cùng của tội lõi này như tìm lại được chính mình. Chính khoảnh khắc cao đẹp này, viên quản ngục như được mở ra một lối thoát và được Huấn Cao tiếp thêm ngọn lửa chân lý trong cuộc đời. Người anh hùng dù giây phút sinh tử gần kề nhưng chẳng hề lo sợ trước cái chết, bởi lẽ nhờ viên quản ngục mà con tim ông như đánh lên một nhịp sống hoàn toàn mới. Ông thả lòng mình vào từng nét chữ, thỏa sức với niềm đam mê bởi lẽ ngay chính tại thời khắc này, Huấn Cao đã cảm nhận được những điều đẹp đẽ nhất. Mới ngày nào còn đề phòng, cảnh giác và ghê tởm những tên cai ngục vậy mà giờ đây cả ông và viên quản ngục kia như trở thành tri kỉ của nhau. Và sau khi con người chọc trời khoáy nước ấy vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời thì những lời giáo huấn của người tử tù sẽ đọng mãi trong tâm hồn viên cai ngục về hai chữ “thiên lương” giữa cõi tăm tối, ô nhục. Hình ảnh cho chữ độc đáo vẫn sẽ mãi trường tồn trong lòng người đọc, và tác phẩm sống mãi với thời gian về một thời vang bóng. Qua tác phẩm, không chỉ dừng lại ở cảm nhận cá nhân mà dường như bất kì độc giả nào cũng có thể thấy cả hai tâm hồn kia đều đẹp đẽ với những phẩm đáng trân quý. Ta rút ra được một bài học đắt giá thông qua truyện ngắn rằng, cái đẹp có thể sinh ra từ nơi xấu xa và tăm tối nhất và cái thanh cao cũng có thể được sinh ra từ những cái thấp hèn. Chữ người tử tù sẽ có những giá trị lâu dài và chạm đến trái tim người đọc, khiến cho họ có cảm giác như đang sống cùng nhận vật trong tác phẩm, cùng cảm nhận, thấu hiểu. Không chỉ gieo vào lòng người đọc những nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, niềm tin, khát vọng mà còn thúc đẩy, mở ra một lối thoát cho họ hướng về chân lý. Chính vì vậy, tác phẩm phải có cái kết thúc ấn tượng sâu sắc, là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức nghệ thuật độc đáo, tạo cảm hứng cho người đọc. Giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ phải cùng nhau kết tinh để tạo nên một sự sống cho người đọc sau khi tác phẩm kết thúc.

          Đề tài hiện thực cuộc sống, lòng yêu nước cùng hình cảnh người nông dân chân chất gắn liền với miền quê Việt Nam luôn là một đề tài lớn và phổ biến trong văn học nước ta. Và mãi mãi những áng thiên cổ hùng văn tồn tại trong tâm hồn những hào khí dân tộc:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo.”

(Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo)

Hay chính nhờ những cây bút hiện thực xuất sắc như Nam cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam đã khai thác sâu hơn vào những mặt tối ưu uất của xã hội nửa thực dân phong kiến để độc giả ngày nay mới có thể có cái nhìn bao quát nhất, cụ thể nhất về chuỗi ngày tăm tối, tàn khốc để vun đắp tình người trong cuộc sống. Đó là những thành tựu đáng trân quý trong kho tàng văn học nước nhà.

 “Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện” quả đúng như nhà văn Aimatov đã từng nói. Tác phẩm đã vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và có sức sống bất diệt. Những người nghệ sĩ kiến tạo nên vẻ đẹp văn chương đã vắt cạn trái tim và tâm trí mình để viết lên những dòng thơ văn sâu sắc tới vậy. Không chỉ dừng lại ở việc phản ảnh đời sống xã hội mà còn ca ngợi vẻ đẹp thanh cao cùng những phẩm chất quý giá của con người. Từ đó càng khiến người đọc thêm yêu quý văn học nhiều hơn và yêu cả chính bản thân mình, yêu thêm cuộc sống xung quanh mình.

« Mai sau, dù có bao giờ...
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay! »

(Tố Hữu – Kính gởi cụ Nguyễn Du)

  • (Có 1 bình chọn)

Có ai yêu một loài hoa không sắc, không hương? Có ai lại quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn...
Maxim Gorky từng nhận định rằng: “Văn học là nhân học”. Tìm đến văn chương con người được tiếp cận với cái đẹp sâu sắc nhất của ngôn từ dưới nét mực đen trên trang giấy trắng...
Từ đâu mà con người tìm đến văn chương? Từ đâu văn chương đi vào cuộc sống con người? Văn chương kì diệu lắm. Văn chương là nghệ thuật nhưng lại chân thực vô cùng...
Trí tuệ nhân tạo hay là AI là gì? AI là một ngành khoa học máy tính nghiên cứu và phát triển các hệ thống máy móc có thể thực hiện các nhiệm vụ thông minh mà trước đây chỉ con người mới làm được
Văn học đôi khi chính là bức tranh phản ánh hiện thực toàn cảnh xã hội nhưng một điều quan trọng ta cần nhớ rằng đây chẳng phải là một bức ảnh sao chép hời hợt và nông cạn...
Tác phẩm văn học bao giờ cũng là kết quả của quá trình nhà văn khám phá lý giải hiện thực đời sống rồi chuyển hóa những hiểu biết đó vào nội dung của tác phẩm nhằm đáp ứng như cầu nhận thức của con người...