Tản mạn về con người và giáo dục

14/12/2021

TẢN MẠN VỀ CON NGƯỜI VÀ GIÁO DỤC

Nguyễn Văn Thành

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc Tôi ơi, đừng tuyệt vọng đã có những ca từ mang đầy chất triết lý để tự hỏi về khái niệm con người: “Tôi là ai mà còn trần gian thế, tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này…”. Những câu hỏi “Tôi là ai” sâu xoáy trong lòng người về sự hiện hữu của con người trong cõi trần đời này. Đi tìm khái niệm về con người đã từ lâu luôn là sự khắc khoải của biết bao thế hệ, từ Dercartes với “Tôi tư duy là tôi tồn tại” đến William Shakerspeare “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại) hay với Xuân Diệu “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhứt” cũng là lời minh triết để khám phá con người. Vậy con người là gì?

Tự bao giờ khái niệm “con người” vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong định nghĩa. Mỗi bộ môn khoa học có cách hiểu riêng về khái niệm con người. Đối với triết học, con người là một thực thể sinh vật – xã hội. Chỉ với khái niệm cô đọng, ngắn gọn đó đã mở ra biết bao vấn đề cần nghiên cứu.

Trong câu chuyện khá ý vị khi Darwin, cha đẻ thuyết tiến hóa đã xác định con người thoát thai từ loài vượn người, qua quá trình lao động để tiến hóa thành người hiện đại, điều đó đã tạo nên làn sóng phản đối của giới quý tộc đương thời. Vì theo họ con người là sự hoàn thiện của hóa công, là sản phẩm tuyệt vời của thượng đế thì không thể có cội nguồn từ loài vượn nào đó. Chính vì thế trong câu chuyện một bà quý tộc người Anh mở tiệc rượu để chiêu đãi các thượng khách và có mời cả nhà bác học Darwin đến dự. Trong lúc nâng ly khai mạc, bà đã đến bên cạnh Darwin với lối chào đầy kiểu cách và lên tiếng: “Thưa ngài, hình như ngài vừa phát minh con người từ loài vượn mà ra”, kèm theo đó là tiếng cười nhạo báng của các thượng khách vang lên. Đúng là chỉ có phiêu lưu trong tình huống ấy mới dám nghĩ những con người đẹp đẽ quyền quý thế kia lại từ loài khỉ mà ra. Nhà bác học Darwin hết sức điềm đạm nở nụ cười tươi tắn, bao ánh mắt đổ dồn về nhà bác học. Ông trả lời: “Thưa bà đúng vậy, con người vốn từ loài vượn người tiến hóa mà thành. Riêng bà vốn thuộc loài vượn đẹp”. Một câu trả lời rất độc đáo. Tất nhiên là một thực thể sinh vật con người chưa có nhu cầu về cái đẹp mà chỉ có những nhu cầu bản năng. Chỉ khi đạt đến sự phát triển ý thức và đặt trong mối quan hệ với cộng đồng loài người thì sự cảm nhận về cái đẹp mới hình thành và mỹ học ra đời theo nhu cầu xã hội.

Khai phá bản chất con người, những nhà triết học phương Đông đã đưa ra vấn đề thiện – ác. Theo Khổng Tử: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Bản chất con người vốn là thiện. Còn Cáo Tử (Khoảng thế kỷ 4 trước CN) lại cho rằng: “Tính người ta như nước chảy quanh vậy, khơi sang đông thì chảy sang đông, khơi sang tây thì chảy sang tây; tính người không phân biệt thiện với bất thiện, cũng như nước không phân biệt phương đông với phương tây vậy”. Ngược lại Mạnh Tử (372-289 trước CN) lập luận: “Nước đành là không phân biệt phương đông, phương tây, nhưng lại phân biệt chỗ cao chỗ thấp đấy ư? Tính người ta vốn thiện cũng như nước vốn chảy chỗ thấp; tính người ta không có người nào là chẳng thiện, nước không có nước nào chẳng chảy chỗ thấp. Nay nước kia đập mà cho bắn lên, có thể khiến vọt qua trán, ngăn lại mà cho đi ngược, có thể khiến tràn đến núi; ấy phải cái nguyên tính của nước thế đâu, vì cái thế đập bị ngăn thì nó mới như vậy; người ta mà khá khiến làm điều bất thiện, vì cái tính nó bị vật dục che lấp cũng như nước bị người ta đập hay ngăn đi vậy” (Mạnh Tử - Thiên Cáo tử thượng, chương 11).

Vấn đề thiện - ác của con người sẽ còn nhiều tranh luận, Trang Tử (cùng thời Mạnh Tử) có nói: “Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi”, song một điều mà nhiều nhà giáo dục công nhận rằng con người vốn như tờ giấy trắng và chính cuộc đời đã vẽ những nét phác họa đầu tiên để hình thành nhân cách. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lành dữ phải đâu là tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Từ những vấn đề trên ta có thể nhận thấy rằng, mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường xã hội là một tất yếu, đặc biệt vai trò giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách con người.

Trong quan niệm biện chứng, những nhà lý luận Macxist đã định nghĩa về bản chất con người như sau: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Từ ý nghĩa thực tiễn, con người là con người xã hội, con người tồn tại và phát triển trong môi trường xã hội nhất định. Sẽ không có con người chung chung mà là con người cụ thể của thời đại cụ thể. Những gì tiềm ẩn trong con người đều có trong xã hội và ngược lại những gì có trong xã hội sẽ có trong cá thể con người. Đó là mối quan hệ tương tác biện chứng.

Các nhà sư phạm thời trung đại của Việt Nam là từng lớp trí thức, hấp thu nền Nho học và tư tưởng Phật học, Lão học. Mục đích của việc học chữ Nho ngày xưa không chỉ là để thông hiểu văn tự, mà trước tiên là học cương thường đạo nghĩa “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chính mục đích chú trọng về luân lý ấy, nên trong sách giáo khoa từ những bài dễ đến khó đều là bài học luân lý, dạy một chữ, một câu là dạy một điều đạo nghĩa cương thường. Những bộ sách như Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi … đến Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh đều nói về tính người, về sự giáo huấn, nghi lễ, hiếu đễ, bổn phận làm người.

Để hoàn chỉnh con người, Nho giáo đã giáo dục đạo ngũ thường: nhân - lễ - nghĩa - trí – tín. Đó là 5 đức tính của con người trong xã hội phong kiến. Thời Khổng Tử chỉ đưa ra nhân, trí, dũng. Theo Khổng Tử, bậc quân tử phải đạt được 3 cái đức này. Trí là để hiểu rõ các sự lý, nhân là hiểu biết điều lành mà làm, dũng là để có cái khí cường kiện mà làm theo điều thiện đến cùng. Thời Mạnh Tử đã thay chữ dũng thành lễ nghĩa, đến cuối đời Chiến quốc, nhà Tần bị tiêu diệt, nhà Hán trị vì thiên hạ, các bậc Hán Nho đã thêm vào chữ tín và trở thành ngũ thường đến ngày nay.

- Nhân: là đức tính quan trọng nhất của con người, là cách đối xử với người khác cho hợp đạo lý thánh hiền. Khổng tử từng dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Trong Tứ thư nêu rõ tôn chỉ của người quân tử là: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” (sách Đại học) nghĩa là: Cái đạo của người theo bậc đại học là cốt làm cho cái đức sáng, cải hóa người dân, cốt dừng lại ở cõi chí thiện. Người quân tử phải sửa sang cái đức tính của mình rồi cảm hóa người khác, hướng đến cái thiện đó cũng là điều nhân “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Cách nhìn ấy mang đầy tính nhân văn sâu sắc.

- Nghĩa: là đức tính đối với chính mình, là nghĩa vụ, trách nhiệm mà con người phải thực hiện đối với bản thân xã hội. Khổng tử từng dạy con người thành nhân phải biết tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong sách Đại học có câu: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ ông vua cho đến kẻ thường dân, ai nấy đều lấy việc sửa mình làm gốc). Muốn thực hiện chữ nghĩa trước hết cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm (thấu hiểu nguyên lý sự vật, tinh thông mọi lẽ, sự vật, thành thực, lòng ngay thẳng) đó là cái đạo của người quân tử. Về cơ bản chữ nghĩa thể hiện ở 4 điều: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, ân tình bất năng vưu” (giàu có không dâm dật, nghèo khổ không trộm cắp, không bị khuất phục trước kẻ mạnh, sống có ân tình).

Thực chất nhân - nghĩa của Nho giáo chính là đề cao quan niệm trung quân, xây dựng một nền nếp xã hội theo trật tự phong kiến, là sự phục tùng ý chí và mệnh lệnh của vua.

- Lễ: Là hệ thống những yêu cầu, đòi hỏi đối với cuộc sống con người, là những nghi thức, cung cách của bậc quân tử, là cách sống của kẻ thứ dân. Trong toàn bộ hệ thống triết học cũng như giáo dục của Nho giáo gói trọn trong 2 bộ Tứ thưNgũ kinh (nguyên thời Khổng Tử có lục kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. Nhưng do chính sách đốt sách của Tần Thủy Hoàng nên bộ kinh Nhạc bị mất đi và chỉ còn 1 thiên, sau đem vào sách Lễ ký đặt thành thiên Nhạc ký). Trong Ngũ kinh có một kinh rất quan trọng đó là Lễ Ký (Kinh Lễ) dùng để ghi chép về các lễ nghi trong gia đình, hương đảng và triều đình do Khổng tử san định. Chữ lễ đi vào đời sống xã hội Việt Nam thành một chuẩn mực đạo đức khắt khe. Nó quy định những hành vi con người từ nhỏ nhất đến những việc to lớn trong đời sống con người, xã hội. Từ cách ăn mặc đi đứng (ăn trông nồi, ngồi trông hướng) đến cách cư xử ở đời (học ăn, học nói, học gói học mở), các mối quan hệ trong gia đình như cha con, chồng vợ, anh em, phụng sự tổ tiên, ma chay, lễ bái… đến quan hệ xã hội trong cộng đồng làng xã, triều đình (hội kỳ yên, sự tế tự, chùa chiền…), cách cai trị của các bậc vua chúa, đại phu… Lễ nghi Nho giáo chia ra làm ngũ lễ: Cát lễ (nghi lễ vui chơi, hội hè), hung lễ (nghi lễ đau buồn), quân lễ (nghi lễ của quân đội), gia lễ (nghi lễ gia đình), tân lễ (nghi lễ tiếp khách).

Trong xã hội phong kiến việc giáo dục chữ lễ hết sức được chú trọng. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trở thành điều tâm tiệm của những người cầm bút. Đây là nét tích cực, tiến bộ của xã hội phong kiến. Mặc dầu còn nhiều điều cầu kỳ, rườm rà, nặng phần nghi thức nhưng không thể xem thường cách giáo dục chữ lễ của Nho giáo. Chính cách giáo huấn ấy đã hướng con người từ cách ăn, mặc, ở (Ở sao cho vừa lòng người - Ở rộng người cười ở hẹp người chê), hoàn thiện nhân cách, đề cao phẩm chất đạo đức, đồng thời cũng thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Câu chuyện dã sử được truyện tụng đến ngày nay về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của người anh hùng Lê Lợi năm xưa. Giữa cảnh đau khổ lầm than của nhân dân trong cảnh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn – Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi), giữa mịt mùng thời thế, biết bao anh hùng hào kiệt đi tìm minh chủ để tôn thờ hầu thực hiện ước mơ đánh đuổi giặc Minh, giành tự chủ dân tộc. Lần đầu, Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn đến Lam Sơn và gặp hào phú Lê Lợi đang ngồi thái thịt, thỉnh thoảng Lê Lợi bốc miếng thịt bỏ vào miệng nhai. Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn quay về vì trong quan niệm xưa, người quân tử thì không làm những việc nhỏ nhặt như vậy, hơn thế nữa cách ăn uống ấy chưa thể hiện phong thái của đấng chí tôn. Mãi đến một thời gian sau, khí hào khí Lam Sơn tạo được thanh thế, Nguyễn Trãi mới tìm đến Lam Sơn lần nữa và dâng Bình Ngô sách. Hay một ví dụ khác do đặc trưng về mặt địa lý sông ngòi chằng chịt phù hợp với nền văn minh lúa nước, kết hợp với bãi biển dọc suốt chiều dài đất nước nên nhu cầu trị thủy rất lớn. Chính vì thế cũng đã tác động đến cách ăn uống sinh hoạt, tạo thành nét văn hóa riêng biệt. Một ví dụ nhỏ như cách ăn cá món cá, người ta bắt đầu ăn từ phần bụng cá rồi dần đến đuôi cá và sau đó là sống lưng (vì sống lưng là phần ngon nhất). Khi ăn hết một nửa của con cá cắt theo chiều dọc, người ta dùng đũa tách lớp xương cá ra và tiếp tục ăn nửa phần còn lại, tuyệt đối không lật úp một nửa phần cá xuống mặt đĩa. Đó là điều kiêng kỵ của người dân sông biển vì hình ảnh lật úp con cá gợi cho người dân lo sợ về điềm gỡ lật thuyền. Thế mới biết những nghi thức, sinh hoạt của Nho giáo xưa kỹ càng biết dường nào. Ngay cả trong tang lễ, khi làm lễ bái quan xong, đưa quan tài ra khỏi cửa, những người đạo tỳ cho quan tài vái vào nhà 3 vái để chào vĩnh biệt nơi mình sinh sống, rồi khi ra đến đầu ngõ, lại tiếp tục cho quan tài vái tiếp 3 vái để chào vĩnh biệt bà con lối xóm. Đây là một nghi lễ đậm đà tính nhăn văn mà chúng ta cũng cần gìn giữ. Trong Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính đã ghi lại khá phong phú về tập tục đồng thời kèm theo những lời bình đầy giá trị.

- Trí: là sự hiểu biết về nguyên lý về thiên đạo (đạo trời), nhân đạo (đạo làm người) để trên không oán trời, dưới không trách người. Phải học cho rộng, suy xét cho sâu, phân biệt trái phải, dốc lòng làm điều thiện. Chữ trí trong quan niệm xưa là biết được rõ cái đức tính của trời thì biết được rõ cái tính của người, biết được rõ cái tính của người, thì biết được rõ tính của vạn vật; biết được rõ tính của vạn vật thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của trời đất và được xem như bậc chí thánh vậy.

- Tín: là đức tin của con người biết trọng lời hứa và biết tin nhau. Xã hội Nho giáo vốn mang nặng tính đẳng cấp nên chữ tín càng được tôn trọng. Trong 5 đức tính của người quân tử mặc dù chữ tín xuất hiện muộn nhất nhưng là một nét đẹp, nét văn hóa của con người. Đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế thị trường ngày nay, chữ tín càng được đề cao giá trị, chữ tín trong thương trường, chữ tín trong quan hệ quốc nội, quốc tế.

Đất nước Việt Nam là vùng đất bồi trên các tầng lớp phù sa cổ và tích tụ về phương Nam. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt chảy ra biển thích hợp với nền văn minh tiểu nông lúa nước và đặc biệt là vị trí địa lý Việt Nam là nơi giao thoa của nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc đồng thời cũng là cửa ngỏ để tiếp nhận, giao dịch hàng hóa giữa các nước Đông Á và Nam Á trên một hành lang biển rộng lớn, đặc biệt hơn nữa là lịch sử tồn tại và phát triển dân tộc luôn đi liền với nhu cầu đấu tranh chống ngoại xâm đã góp phần hình thành suy nghĩ, tình cảm và tính cách của người Việt Nam.

Khái niệm “nhân - nghĩa” cảu Nho giáo cốt đề cao tư tưởng “trung quân - ái quốc”, đến với xã hội Việt Nam được chuyển hóa thành “yêu nước - thương dân" là đạo lý sáng ngời của dân tộc, là nét đẹp văn hóa truyền thống, là cội nguồn, căn nguyên, là thước đo phẩm chất đạo đức con người Việt Nam. Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ "nhân - nghĩa" làm sức mạnh cho cuộc kháng chiến, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

Vì thương dân mà trừng trị kẻ có tội để mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, đó là chính nghĩa. Với tiêu chỉ đó, cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được sức mạnh của "tứ phương manh lệ" để làm nên sự nghiệp Bình Ngô phục quốc vĩ đại.

Ngày nay, theo tiêu chí của UNESCO: “học để biết, học để làm việc, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình”. Chữ trí, chữ lễ, chữ tín nhìn chung vẫn là việc tiếp thu tri thức và vận dụng tri thức trong cuộc sống, là thái độ hành xử, là việc ứng dụng trong cuộc sống cộng đồng, là mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và tập thể.

Để giữ vững những giá trị truyền thống, đồng thời xây dựng hình ảnh con người năng động, sáng tạo đưa đất nước phát triển, và “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn cần tồn tại như một tiêu chí giáo dục vậy.

Nguyễn Văn Thành

(Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...