Tản mạn về dạy văn học trung đại – giáo dục ý thức về bản sắc dân tộc

09/11/2019

tan-man-ve-day-van-hoc-trung-dai-giao-duc-y-thuc-ve-ban-sac-dan-toc

Văn học bao giờ cũng là bức tranh sinh động về cuộc sống và con người. Tất cả hiện thực khách quan về bức tranh xã hội ấy được thể hiện qua nhân sinh quan của các văn nghệ sĩ. Các nhà văn, nhà thơ đã gởi gấm những tình cảm, tư tưởng và thái độ của mình trên đầu ngọn bút để từng lời từng câu chữ thể hiện niềm vui nỗi buồn, băn khoan ưu tư. Mộng Liên Đường trong lời tựa cho Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đã nhận xét: "Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy". Thế mới biết quá trình lao động gian khổ của các nhà văn, nhà thơ như thế nào. Đặc biệt đối với văn học trung đại thì văn thơ không phải là thú tiêu dao những lúc "trà dư tửu hậu" mà còn là cả một nỗi lòng, có khi cả "bút máu" trong hồn người viết. Chính vì thế, là giáo viên dạy văn, nhất là văn học trung đại thì việc thấu lý, thấu tình của người xưa đã là việc khó, mà còn khó hơn nữa khi đem những điều hiểu biết ấy mà truyền đạt cho học sinh, để các em hiểu qua ngôn ngữ cổ xưa ấy (thậm chí có phần xa lạ với ngôn ngữ hiện đại) mà có thể khóc được cho Tố Như, mà tự hào về Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, cảm thông được cái cô độc lẻ loi của Bà Huyện Thanh Quan, nỗi lòng man mác sâu kín của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, hay tấm lòng nhân nghĩa hừng hực, khí thế của Nguyễn Đình Chiểu…, làm sao cho các em đọc lại những câu thơ cổ, nghe hồn người xưa vọng về trong niềm kiêu hãnh cuả giống Lạc Hồng, trong trằn trọc ưu tư, nghe nỗi lòng thấm dần để san sẻ, để cảm thông. Đó là cả một nghệ thuật của thầy cô giáo dạy ngữ văn trong nhà trường.

          Giáo dục cho các em được những điều đó để các em yêu quý văn chương, yêu quý sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt, để hiểu hơn về con người đất nước mà biết tự hào, biết yêu thương. Đó là phương thức hữu hiệu nhất để gìn giữ bản sắc dân tộc.

          Trong suốt chặng đường biến thiên lịch sử của dân tộc, từ thuở Vua Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm. Ngót một ngàn năm nội thuộc phương Bắc với chính sách đồng hóa, biến nước Nam ta thành một quận huyện của Trung Quốc. Thế nhưng "nước đi ra biển, mưa lại về nguồn". Một ngàn năm ta vẫn là ta. Trong đêm trường tăm tối ấy, lần lượt những cuộc khởi nghĩa đã diễn ra "quyết cưỡi cơn sóng dữ, đạp cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông, chứ quyết không đem thân làm nô lệ cho người”. Trong những câu chuyện xưa còn truyền tụng lại khi Mã Viện sang xâm lược nước ta (năm 43 SCN), Hai Bà Trưng thất thủ nhảy xuống dòng sông Hát Giang tự tử. Mã Viện đã cho người dựng trụ đồng và khắc ghi "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt". Người Việt ta đã căm tức bằng cách mỗi người đi ngang ném vào đấy viên đá và dần dần nơi ấy thành núi đá lấp luôn trụ đồng. Qua biết bao thăm trầm nước Việt ta luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Từ khi Ngô Quyền đạp sóng Bạch Đằng mở ra kỷ nguyên mới lần lượt đánh tan các thế lực hùng mạnh của Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến thời kỳ Pháp thuộc với nền văn minh Âu Tây, song tâm hồn người Việt vẫn bám chắc lấy cội nguồn, bám chắc vào mảnh hồn làng, vào tinh túy của dân tộc. Đó là bản sắc, là đặc trưng của nền văn hóa in dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt Nam.

          Vậy bản sắc dân tộc là gì? Bản sắc dân tộc là đặc trưng không thể nhầm lẫn giữa dân tộc này và dân tộc khác. Nó là chân tướng, là căn nguyên được hình thành trong suốt quá trình biến thiên của dân tộc và thấm nhuần vào trong tim óc của mỗi người từ thế hệ này sang thế hệ khác để trở thành niềm tự hào, thành nét đẹp trong đời sống tâm linh. Văn học học trung đại Việt Nam trong suốt chặng đường một thiên niên kỷ từ thế kỷ X đến hết  thế  kỷ XIX để phản ánh tư tưởng yêu nước, tinh thần nhân bản, yêu chuộng hoà bình, phản ánh tâm hồn dung dị hiền hòa, không màng danh lợi, niềm trân trọng quá khứ. Đó là bản sắc dân tộc.

1. Ý thức yêu nước thương dân

          Văn học là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, gia tài cha ông ta để lại cho hậu thế không đồ sộ lắm. Cũng có thể do lịch sử dân tộc ta với những năm tháng chiến tranh triền miên tàn phá mà còn phải kể thêm cả chúng ta, những người ngày nay đôi khi vô tình với những di sản vô giá ấy. Đã không ít người dạy học quan niệm văn học trung đại, nhất là thơ văn yêu nước thế kỷ X-XV thường khô khan khó dạy. Điều đó cũng có cơ sở khi quan niệm "văn sử bất phân" trong văn học trung đại. Những tác phẩm được xem là thiên cổ hùng văn lại thuộc loại chính luận, thường mang nặng tính lý luận hơn trữ tình. Song nếu không có cái tôi trữ tình vĩ đại thì Trần Quốc Tuấn không thể viết được Hịch Tướng Sĩ. Tấm lòng yêu nước nồng nàn sôi sục trong trái tim người dũng tướng. Từng lời văn là sự kết hợp độc đáo ngọn lửa nồng cháy của trái tim và đanh thép của lý trí. Tấm lòng của Vương như phơi trần bằng tất cả chân tình, không dùng lớp từ hoa mỹ mà từng câu chữ vẫn sôi sục lên lòng căm thù giặc Nguyên Mông xâm lược. Phải đưa học sinh trở về thế kỷ XIII, khi đất nước trước cảnh tồn vong mới thấy hết được hào khí Đông A, mới hiểu được vì sao Trần Quốc Tuấn "chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù", mới hiểu được thái độ nghiêm khắc khi phê phán các tướng sĩ dưới quyền hết sức chân thành "Ta viết ra bài hịch này để các người biết bụng ta". Dạy Hịch Tướng Sĩ phải giáo dục bản sắc dân tộc về lòng yêu nước. Khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm thì phải biết gạt bỏ đi những tình cảm riêng tư để hòa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Đó là truyền thống của dân tộc.

          Nếu Hịch Tướng Sĩ đề cao quan niệm "Trung quân ái quốc" thì Nguyễn Trãi  đưa tư tưởng “Nhân - Nghĩa" của dân tộc đến đỉnh cao thời đại. "Nhân - Nghĩa" đó là "yêu nước - thương dân" là đạo lý sáng ngời. Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ "nhân - nghĩa" ấy làm sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Phải làm sao cho các em học sinh thấy được tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Trãi ở chỗ lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ.

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

                                Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."

          Vì thương dân mà trừng trị kẻ có tội để mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, đó là chính nghĩa. Với tiêu chỉ đó, cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được sức mạnh của tứ phương manh lệ: "Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới / Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào". Phạm trù "yêu nước" gắn liền với "thương dân" là nét đặc trưng của dân tộc. Giảng Bình Ngô Đại Cáo phải cho các em thấy được qua bút pháp sử thi đậm đà chất anh hùng ca. Nguyễn Trãi đã tổng kết quá trình cuộc kháng chiến mười năm đầy đau thương mà vô cùng anh dũng và hào hùng của dân tộc để cho các em cảm nhận hào khí của cha ông xưa, đưa học sinh trở về với buổi đầu khởi nghĩa đầy gian khổ “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần / Khi Khôi Huyện quân không một đội”, gắn kết mọi tầng lớp nhân dân để làm nên những chiến công hiển hách “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật”… để thấy sức mạnh của nhân nghĩa nhân dân, sức mạnh của “gươm mài đá, đá núi cũng mòn / Voi uống nước, nước sông phải cạn ” mà giáo dục các em đặt niềm tin mãnh liệt vào nhân dân với ý thức yêu quý người lao động chân chính. Đó là cách giữ gìn bản sắc dân tộc.

Tấm lòng ưu dân ái quốc luôn canh cánh bên lòng Nguyễn Trãi. Nhận xét về Nguyễn Trãi, Tố Hữu có viết:

                    "Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

                     Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng."

          Đây là một nhận xét cực kỳ tinh tế. Văn thơ Nguyễn Trãi không chỉ phản ánh hào khí dân tộc trong Bình Ngô Đại Cáo mà còn cả nỗi đau đời của một người "quay mặt chẳng quay lòng". Một người suốt đời mang nặng lòng trung hiếu, về với ruộng vườn vẫn canh cánh ước mơ:

                    "Vua Nghiêu Thuấn dân Nghiêu Thuấn,

                      Dường ấy ta đã phỉ sở nguyền."

          Nên trong bài Thuật hứng XXIV tiếng thơ là sự dằn xé trong tâm khảm của Ức Trai, một tình yêu thiên nhiên rộng mở, khoáng đạt để quên và quên hết những nhức nhối thời đại mà sao lòng vẫn không nguôi niềm trung với nước, hiếu với dân. Làm sao cho học sinh thấu hiểu tấm chân tình của Nguyễn Trãi để các em yêu con người, yêu đất nước hơn để căm ghét bất công, căm ghét bọn gian thần rộng quyền và làm sao để từ trong trái tim của các em ý thức được trách nhiệm đối với Tổ quốc.

          Yêu nước thương dân là dòng chủ lưu trong mạch Việt Nam, văn học từ thế kỷ X - XV ca ngợi hào khí dân tộc với những chiến công của Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Khắc họa lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc.

                    "Quốc thù vị phục đầu tiên bạch

                      Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma."

                                                  (Đặng Dung)

          Anh hào quang cuả chế độ phong kiến dần lịm tắt sau thời hoàng kim của vua Lê Thánh Tôn. Các vị hôn quân vô đạo như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực…đẩy chế độ phong kiến vào suy tàn. Tư tưởng yêu nước có phần trầm lắng trong thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Văn thơ phản ánh hiện thực đau thương của cuộc sống nhân dân với niềm cảm thông sâu lắng từ những trái tim nồng nàn yêu nước, thương dân như Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Hữu cảm, Ghét chuột, Nguyễn Du trong Quỷ Môn quan, Phản chiêu hồn…Vào giữa cuối thế kỷ XVIII, triều đình nhà Lê nhu nhược, họ Trịnh tiếm quyền phía Bắc; trong Nam họ Nguyễn thao túng, đất nước bị chia cắt hơn thế kỷ. Cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ quét sạch giặc Thanh ra khỏi đất nước thổi dậy ngọn lửa yêu nước. Rất tiếc triều đại Tây Sơn ngắn ngủi chưa đủ lực để tạo luồng sinh khí mới trong văn học. Song, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái dẫu có hạn chế nhất định về cách nhận định, tuy nhiên cũng rất trang trọng khi ca ngợi người anh hùng Nguyễn Huệ trong chiến công phá tan giặc Thanh. Đó là tấm lòng yêu nước của kẻ sĩ bị trói chặt trong chữ “trung” nghiệt ngã. Khi người Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858, trào lưu yêu nước bừng dậy mãnh liệt thu hút mọi tầng lớp vào cuộc chiến đấu sinh tử với giặc thù:

                    "Bờ cõi xưa đã chia đất khác

                      Nắng sương nay há đội trời chung."

                                                  Nguyễn Đình Chiểu.

          Dòng chảy yêu nước thương dân chảy qua thế kỷ XIX và thành làn sóng dâng trào, chan hòa suốt thế kỷ XX.

2. Tinh thần nhân đạo cao đẹp yêu chuộng hoà bình của dân tộc

          Xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp, con người Việt Nam có thói quen định canh, định cư, tâm hồn con người gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh sống, với lũy tre đầu làng, với giếng nước gốc đa. Nhà thơ hiện đại Nguyễn Đình Thi đã viết:

                    "Đất nghèo nuôi những anh hùng

                       Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên.

                       Đạp quân thù xuống đất đen

                       Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa."

          Yêu nước và nhân đạo là tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam. Khi đất nước có giặc họ lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng như Nguyễn Đình Chiểu đã viết “chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Rồi khi hết giặc họ trở về đời sống dân dã. Tinh thần nhân đạo của dân tộc ta rộng mở bao dung, không chỉ yêu thương con người mà còn là thái độ khoan dung độ lượng với cả kẻ thù. Tình cảm đó rất Việt Nam. Nhìn lại trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, tòa án Rumember đã xử treo cổ những tội phạm chiến tranh hay trong thời trung cổ, các hàng tướng, tù binh có thể bị giết chết hoặc đi đày thì trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã thể hiện tinh thần nhân đạo của dân tộc khi những:

"Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc.

Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run".

Đó là nét đẹp văn hóa, là truyền thống dân tộc.

Tinh thần nhân đạo còn thể hiện trong ước mơ của Nguyễn Dữ khi sáng tạo một thế giới thủy cung đầy ân nghĩa trong "Chuyện người con gái Nam Xương". Một nàng Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp trong cuộc sống trần đời đầy đau khổ, đầy bất công oan trái. Suốt bao năm tháng mòn mỏi chờ chồng, nàng âm thầm nuôi dưỡng mẹ chồng, chăm sóc con thơ. Thế nhưng ngày người chồng trở về lại là bi kịch của đời nàng. Bế tắc không còn lối thoát, nàng đã chôn chặt mối oan khiên kia xuống chốn tuyền đài. Trái tim nhân đạo của Nguyễn Dữ đã phơi trần một hiện thực đen tối của xã hội, để ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay yếu tố ước lệ trong văn học trung đại khi xây dựng đoạn kết có hậu cũng là chữ "nhân" của dân tộc. Dạy Truyện Kiều - Nguyễn Du phải làm cho các em thấy được "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Giữa xã hội đen tối kia, Nguyễn Du đã phân trần nỗi đau thân phận con người. Hiểu được "tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời", "con mắt trông thấu cả sáu cõi" (Mộng Liên Đường Chủ nhân) mới thấy cái tình đời, tình người bao dung trong trái tim Nguyễn Du là kết tinh của hồn dân tộc. Trong "cõi người ta" vô thường ấy, biết bao bất công oan trái mà con người phải trầm luân. Một Thúy Kiều mười năm nằm trong "địa ngục ở miền nhân gian", một Từ Hải ước mơ bị tàn lụi trước hiện thực cuộc đời. Cái khát vọng công lý kia đã chôn chân chết đứng giữa trời. Như tiếng thét đau thương từ trong cõi sâu thẳm của tâm hồn nhà thơ. Hiện thực đen tối đó đã chà đạp mọi ước mơ của con người. Xã hội đầy bọn sai nha, quan lại tàn ác đã đẩy đưa thân phận những con người chân chính vào chốn bùn nhơ. Một Thúy Kiều trong đêm trường tăm tối:

"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

 Giật mình mình lại thương mình xót xa."

Con người bị trói chặt trong vòng lẩn quẫn, không lối thoát "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Thì Từ Hải hiện ra như một thiên thần vung lưỡi gươm công lý để tiêu diệt bất công "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha".

          Cái nghệ thuật của người dạy ở chỗ làm sao cho học sinh thấy cảnh Kiều gặp Từ Hải như hoàng tử giải thoát nàng công chúa trong một xen gây cấn của phim ảnh, để các em yêu hơn cái "nhân", ghét bất công xã hội. Giảng “Mã Giám Sinh mua Kiều”phải cho học sinh cảm thụ được cái “tâm” của Nguyễn Du trong lời lẽ tưởng lạnh lùng kia qua cuộc “cò kè bớt một thêm hai” lại đau đáu nỗi đau đời để từ trong cõi sâu thẳm tâm hồn nhà thơ thốt lên “tiền lưng đã sn việc gì chẳng xong”. Dạy Truyện Kiều của Nguyễn Du là đem ngọn lửa nhân đạo ấy mà sưởi ấm tâm hồn các em, để các em biết yêu thương, biết trân trọng người phụ nữ Việt Nam về tự hào về những phẩm chất cao đẹp đồng thời giáo dục ý thức công dân của đất nước độc lập, tự do.

          Trong cái tình đời, tình người bao la, văn học đã thể hiện bản sắc dân tộc, tấm lòng rộng mở bao dung của người Việt Nam. Tấm lòng nhân hậu ấy vượt biên giới quốc gia, vượt qua ý thức hận thù dân tộc để đến với tình nhân loại. Nguyễn Du đã xót xa cho bà mẹ trong Sở Kiến Hành, đã khóc cho nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh Ký:

                    "Bất tri tam bách dư niên hậu

                      Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như."

          Đâu phải ai cũng "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa". Nhưng việc yêu thương được, giận hờn được, nhạy cảm được với nỗi đau đời là đặc trưng của người Việt Nam, của nền văn hóa mang màu sắc phương Đông, sâu nặng về tình cảm. Khơi dậy ý thức tiềm ẩn trong tâm hồn các em thơ để hướng đến lòng nhân ái là nghiệp vụ mà người giáo viên phải thực hiện.

Tinh thần nhân đạo, bản chất yêu chuộng hoà bình căm ghét chiến tranh là bản sắc dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được khẳng định qua bốn ngàn năm lịch sử, từ thưở vua Hùng mở cõi đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Người giáo viên trong quá trình truyền thụ tri thức cho học sinh cần phải dạy bằng cái tâm yêu ghét phân minh để các em hiểu thêm về nét đẹp văn hoá dân tộc.

3. Tâm hồn hiền hoà, nhân hậu, dung dị yêu thiên nhiên, không màng danh lợi, yêu ghét phân minh của người Việt Nam

          Dân tộc Việt Nam vốn sống thiên về tình cảm, không ưa triết lý dông dài, thương nói thương, ghét nói ghét, đó là chất bộc trực, thương ghét rạch ròi, đen trắng phân minh. Những tính cách đó dễ dàng nhận thấy trong tính cách anh hùng hào hiệp của Từ Hải, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha" hay của một Hơn Minh, Vương Tử Trực, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

          Tâm hồn dung dị hiền hòa thực hiện ở tình yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu cuộc sống. Một Mãn Giác thiền sư dù đã nguội lòng trần nhưng vẫn rộng mở với thiên nhiên, với sức sống sinh sôi nảy nở:

                    "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

                      Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."

                                                  (Cáo tật thị chúng).

          Một nhà vua Trần Nhân Tông trước cảnh chiều xuân đầy sinh sắc, tâm hồn rộng mở của nhà vua, đã bị trái tim thi nhân choáng ngợp. Trong giai điệu rộn rã và hạnh phúc của đất trời, tâm hồn nhà thơ như hòa nhập, như hóa thân để quên và quên hết vướng bận trần đời:

                    "Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân sự.

                      Chỉ tựa bao lơn đứng ngắm trời."

                                                  (Cảnh mùa xuân).

          Thiên nhiên trong văn học Việt Nam thường không hoành tráng, kỳ vĩ như văn học Trung Quốc mà là rất gần gũi thân tình. Một “con đò gối bãi suốt ngày ngơi” trong đường đồng thưa vắng khách hay “Ao cạn vớt bèo cấy muống - Đià thanh phát cỏ ương sen” của Nguyễn Trãi. Thiên nhiên đó có thể là chiếc ao bé nhỏ của vùng nông thôn miền chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ mà cụ Tam nguyên Yên Đổ đã gói gọn tâm linh mình vào bằng niềm cảm xúc vô bờ, môt tâm sự yêu nước thầm kín. Không phô diễn, đó là đặc trưng của dân tộc, đó là tâm hồn dung dị của người Việt Nam.

Tình yêu thiên nhiên ấy thể hiện bản chất hiền hòa, nhân hậu của người Việt Nam. Trong vô bờ của nhịp điệu cuộc sống hiện nay, tốc độ đô thị hóa theo vũ điệu quay cuồng thì ngay trong lòng thành phố, đô thị chúng ta những hòn non bộ được ẩn dấu trong góc phòng, trong góc sân vườn, một thế giới thiên nhiên thu nhỏ trong tâm linh con người Việt Nam, một nét đẹp hiền hòa dung dị, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tâm hồn nhân hậu hiền hòa ấy lại là một trái tim son sắt thủy chung "Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (Nguyễn Trãi). Một nàng Vũ Nương biết giữ gìn khuôn phép kia, một mực yêu thương chồng con. Những ngày chồng đi chinh chiến, trong thổn thức cùng chiếc bóng để gọi đó là chồng mình (cha của Đản). Một mối quan hệ khắng khít như hình với bóng mà cuộc chiến tranh không thể chia cắt. Đẹp biết bao tâm hồn những người vợ ôm con hóa đá vọng phu, người mẹ mong con ra cầu Ai Tử :

                    "Mẹ mong con ra cầu Ái Tử

                     Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu."

          Tâm hồn dung dị của một xã hội nông nghiệp với nền văn minh lúa nước đã tạo cho người Việt Nam không ưa đề cao cái "tôi" cá nhân. Từ truyền thuyết về Thánh Gióng đã phản ánh chất mộc mạc, dung dị không màng danh lợi của người Việt cổ. Khi có giặc đến xâm lược, họ đứng lên đánh giặc. Hết giặc lui về sống cuộc sống thanh bần chốn quê nhà. Công hầu khanh tướng chỉ làm vướng bận mà thôi. Gạt bỏ đi lớp vỏ yếm thế "thanh tịnh vô vi" của Lão giáo thì bản chất không ưa manh động không màng danh lợi đã in dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn. Thế nhưng bản chất hiền hòa đó không phải là nhu nhược. Khi cần thiết, vì quyền lợi của Tổ quốc họ sẵn sàng "mến nghĩa làm quân chiêu mộ" (Nguyễn Đình Chiểu). Bản chất hiền hòa đó lại đầy nghĩa khí, căm ghét bất công, yêu chuộng hòa bình sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghĩa lớn.

          Dạy Lục Vân Tiên cần làm rõ nhân - nghĩa của nhân dân. Cái nghĩa khí của những con người dám đương đầu với bất công xã hội. Những con người giúp người không vụ lợi và đặc biệt là những nhân vật như ông Quán, ông Ngư, ông Tiều vượt qua vòng cương tỏa của lợi danh "Nước trong rửa ruột sạch trơn”, “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn". Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào Lục Vân Tiên một đội quân nhân nghĩa hừng hực khí thế. Phải thấy được niềm tin vào chính nghĩa của nhân dân mà cụ Đồ Chiểu đã gửi gắm trong những tâm hồn dung dị ấy, làm cho học sinh biết quý trọng người lao động, biết sẵn sàng làm việc nghĩa.

          Trở lại với Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần thế mà khi từ quan trở về cuộc sống dân dã, lao động như bao nhiêu người khác, cũng "Ao cạn vớt bèo cấy muống - Đìa thanh phát cỏ ương sen". Hay Nguyễn Bỉnh Khiêm "một mai, một cuốc, một cần câu", Nguyễn Khuyến với "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo", người giáo viên phải làm cho các em yêu được vẻ đẹp dung dị, mộc mạc trong tâm hồn người Việt Nam. Giữ gìn bản sắc dân tộc cũng chính là gìn giữ nét đẹp cao quý trong tâm hồn con người Việt Nam, nét đẹp đó hình thành theo suốt chiều dài lịch sử.

4. Lòng hoài niệm hay thái độ trân trọng quá khứ, một bản sắc dân tộc.

                    "Từ độ mang gươm đi mở cõi

                      Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long."

                                                            Huỳnh Văn Nghệ.

          Tấm chân tình ấy đi theo tướng Huỳnh Văn Nghệ qua hai cuộc trường chinh chống Pháp, Mỹ. Hoài niệm là đặc trưng của dân tộc Việt Nam thể hiện một ý thức trân trọng quá khứ. Ông cha ta đã từng dạy "ôn cố tri tân". Zammatốp đã nói: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". Bằng bản chất hiền hòa dân tộc ta rất trân trọng quá khứ nhất là quá khứ hào hùng của dân tộc. Đừng thắc mắc vì sao Trần Nhân Tông viết:

                    "Bạch đầu quân sĩ tại

                    Vãng vãng thuyết Nguyên Phong."

                    (Người lính già đầu bạc / Kể mãi chuyện Nguyên Phong).

          Cũng như dòng sông Bạch Đằng vẫn mãi là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, ca ngợi tự hào về dân tộc là lòng yêu nước, là tấm lòng thành kính đối với tiền nhân. Cùng với Trương Hán Siêu, Trần Lâu, Nguyễn Trãi trong cảm xúc dâng trào đến với dòng sông Bạch Đằng làm cuộc hành trình về nguồn ấy để thắp nén hương tưởng niệm các anh lính dân tộc :

          "Vạn sự hồi đu ta dĩ hỉ

Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng.”

(Việc trước quay đầu, ôi đã vắng / Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.)

                                                            Nguyễn Trãi

          Thời gian vùn vụt trôi, ngoảnh mặt lại đời người ngắn ngủi quá. Những chiến công xưa đi vào quá khứ mà tâm hồn nhà thơ vẫn chất nặng ưu tư. Từ "ôi" xé câu thơ thành ba dòng như nỗi đau tan tác trong tâm hồn. Cái hữu hạn đời người và cái vĩnh hằng của núi sông sao nghiệt ngã quá? Theo dòng tìm bóng, những anh hùng ngày xưa nay đâu hỡi hồn thiêng sông núi? Niềm hoài cổ đó cũng là đặc trưng dân tộc. Giáo dục cho các em có ý thức về quá khứ không phải đi ngược dòng tiến hóa mà chính là giáo dục cho các em biết nhìn lại chính mình, biết trân trọng, yêu quý di sản dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước. Hiểu được tâm trạng người xưa, khai thác những ngăn ngõ sâu thẳm trong tâm hồn để mới hiểu cái hay cái đẹp trong từng lời, từng ý thơ. Đừng trách tại sao thơ Bà Huyện Thanh Quan buồn. Cái buồn đó mang dấu ấn thời thế. Những cảnh bể dâu cuộc đời, những đổi thay của thời thế đã in lại dấu ấn trong thơ bà thành nỗi buồn sâu kín. Thăng Long xưa, chốn phồn hoa đô hội, giờ chỉ còn là dấu xưa hoang trống điêu tàn thì tiếng kêu con chim quốc quốc, con đa đa sao khỏi khắc khoải giữa trời chiều cô tịch?

                    "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                     Nền cũ lâu đài bóng tịch dương."

                                        (Thăng Long thành hoài cổ)

          Con sông Vị Hoàng chảy trong quá khứ, chảy qua miền ký ức của Trần Tế Xương để bài thơ "Sông lấp" ra đời mang theo nỗi hoài nhớ mênh mông xa vắng.

                    "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

                      Giật mình những tưởng tiếng ai gọi đò."

                                                  (Sông lấp)

          Từ trong cõi sâu thẳm của tâm hồn, tiếng vọng quá khứ hiện về để mà thương mà nhớ, một cảm giác bàng hoàng trong nỗi buồn không tên cứ thấm sâu dần. Ngày hôm nay bắt đầu từ hôm qua, ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Đó là thái độ trân trọng quá khứ. Bản thân niềm hoài cổ cũng là tấm chân tình đối với cuộc sống. Song phải biết hoài niệm về quá khứ để hướng tới tương lai là điều người thầy cần lưu ý cho các em học sinh. Trong thực tế cuộc sống nét đẹp văn hóa trong tâm hồn con người Việt Nam thể hiện ở thái độ "kính lão đắc thọ" trân trọng ý kiến của các bậc cao niên, tôn kính ông bà tổ tiên, trân trọng thời thơ ấu của chính mình. Đó phải chăng là dấu ấn của quan niệm hoài cổ. Giáo dục ý thức hoài cổ là bản sắc dân tộc cũng chính là giáo dục cho các em biết nhìn lại chính mình.

Thời gian sẽ qua đi theo quy luật nghiệt ngã để đưa những gì của hôm nay trôi vào quá khứ. Chính vì thế, trân trọng gìn giữ di sản văn hóa cha ông là trách nhiệm chung của mọi người. Đặc biệt đối với những thầy cô giáo, những người trực tiếp trang bị tri thức cho học sinh thì hơn bao giờ hết cần phải ý thức về bản sắc dân tộc. Giáo dục cho các em hiểu được và yêu quý những áng văn chương, biết yêu “hồn thu thảo”, tiếp thu tinh hoa, bản sắc dân tộc, với lòng yêu người, yêu quý và trân trọng quá khứ để tiến bước tương lai. Đó là thành công của người dạy học.

                                                            TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2000

Nguyễn Văn Thành

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...