Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941

06/02/2023

Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941 (Hoài Thanh – Hoài Chân)

Nguyễn Thị Thuỳ Trinh

(Lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022-2023)

Văn học xuất hiện không chỉ để làm bạn với loài người, nó sinh ra còn để tiếp sức cho những cuộc đấu tranh của con người trong cuộc sống xã hội. Văn học Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ XX, sau khi những biến động lịch sử, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc… lần lượt bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài. Trong tâm trạng hoang mang của người dân mất nước, tầng lớp trí thức chuyển sang dùng thi ca đẻ đấu tranh, đẩ bày tỏ tâm sự nỗi niềm. Họ dùng mực và giấy trắng làm vũ khí và họ cũng chính là những người mở đầu cho một nền văn học mới của Việt Nam. Xuất hiện cùng một lúc biết bao nhà thơ với những lối viết đặc sắc riêng như Hoài Thanh đã thể hiện sự bất ngờ của mình trong Thi nhân Việt Nam: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên...và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.” (Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam).

Trong muôn hoa đua nở, khoe hương toả sắc, ta có thể thấy được rằng Hoài Thanh đang nhắc đến phong cách riêng, lối hành văn riêng của mỗi người thi sĩ. Phong cách nghệ thuật chính là thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ lặp đi lặp lại xuyên suốt trong quá trình sáng tác. Những hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ:

             “Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền

              Êm như hơi gió thoảng cung tiên

              Cao như thông vút buồn như liễu

              Nước lặng mây ngừng ta đứng yên”

                               (Tiếng Sáo Thiên Thai – Thế Lữ)

Chính tiếng sáo trong thơ Thế Lữ mang đậm chất trữ tình lại dịu êm và lãng mạn. Ta thấy đến nơi cõi thiên thai vẫn không tìm được thỏa mãn dù cảnh có đẹp tuyệt vời và muốn thoát khỏi nơi cõi tiên để đến với nơi trần gian.

Ta cũng có thể đến cùng nhà thơ Chế Lan Viên để chiêm nghiệm những dòng thơ kì dị qua “Nguồn Thơ Của Tôi”:

             “Một chiều kia máu đào dâng lênh láng

              Theo bút cùn huyết thắm nhẹ nhàng tuôn

              Đấy những cảnh u huyền hay xán lạn

              Mà chiều kia người thấy ở ĐIÊU TÀN”

Thơ của Chế Lan Viên luôn là những dòng thơ mang đầy tình cảm cho quê hương đất nước, với phong cách kì dị khó mà có ai viết ra được những dòng thơ như ông.

Hoặc rằng ta đến với Nguyễn Bính để hiểu được sự quê mùa. Quê mùa ở đây không phải là chê bai mà là ông đậm tình với dòng thơ quê hương mang sự chân chất:

             “Nhà em có một giàn giầu

              Nhà anh có một hàng cau liên phòng

              Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

              Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

                                (Tương Tư – Nguyễn Bính)

Hay:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh

      Thầy u mình với chúng mình chân quê

      Hôm qua em đi tỉnh về

     Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

                                (Chân Quê – Nguyễn Bính)

Không chỉ thế ta còn có thể cảm nhận được sự mơ màng của Lưu Trọng Lư qua bài thơ “Một Mùa Đông”:

    “Đây là dải Ngân Hà

     Anh là chim Ô Thước

     Sẽ bắt cầu nguyện ước

      Một đêm một lần qua”

                                (Một Mùa Đông – Lưu Trọng Lư)

Chỉ bốn câu thơ cũng đủ thấy sự mơ màng về không gian, về cái tôi mơ màng muốn trở thành “chim Ô Thước” cũng bắt cầu với sự nguyện ước mơ màng chỉ để gặp người thương. Nhờ cái sự mơ màng ấy đã tạo nên một chất riêng cho Lưu Trọng Lư khó ai mà có thể bắt chước được.

Gây ấn tượng đặc biệt có lẽ là sự ảo não của Huy Cận khi chiêm nghiệm “Tràng Giang”:

     “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

      Con thuyền xuôi mái nước song song

       Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

        Củi một cành khô lạc mấy dòng”

                                (Tràng Giang – Huy Cận)

Huy Cận bị ám ảnh bởi không gian. Sự khắc khoải không gian thể hiện rõ ở những câu thơ trên. Một không gian mênh mông rộng lớn mang đến sự cô đơn và lạc lõng. “Thuyền” hay “củi” cũng là để chỉ sự lạc lối không hướng của con người trong khoảng không gian của cuộc đời bất tận. Vì thế sự ảo não trong thơ của Huy Cận luôn mang lại cho người đọc cảm nhận rõ về nhân thế cuộc đời, hiểu được cái tôi cô đơn của người chấp bút.

 Trong khi bạn thân của Xuân Diệu là Huy Cận bị ám ảnh bởi không gian thì chính Xuân Diệu là người chịu sự dằn vặt về thời gian trong “Vội Vàng”:

        “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

        Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

        Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng chết”

                                (Vội Vàng – Xuân Diệu)

Ta cũng có thể tinh ý nhận ra được Hoài Thanh đã dành sự ưu ái cho Xuân Diệu với sự nhận xét về thơ của ông rằng sự tha thiết, rạo rực và băn khoăn. Thời gian là thứ tuyến tính một đi không trở lại nhưng nó khiến các vần thơ càng đậm chất cảm xúc. Xuân Diệu hiểu được rõ về cái dòng thời gian tuyến tính ấy nên nhịp sống của ông luôn vội vã về mọi thứ. Bài thơ “Vội Vàng” của ông là lời giục giã hãy sống một cách mãnh liệt với cuộc đời một lần tuổi trẻ duy nhất. Sống một cách nhiệt huyết nhất, trân trọng từng giây từng phút của cuộc đời mình. Sống một cuộc sống đúng nghĩa là sống tốt chứ không phải sống biểu trưng cho sự tồn tại như quy luật tự nhiên của loài người.

Không chỉ đổi mới về hồn thơ, phong cách nghệ thuật mỗi người cầm viết đều mang nét riêng của bản thân không thể nhầm lẫn được. Và phong cách nghệ thuật của mỗi người được thể hiện qua những đặc điểm nào?

Thứ nhất đó là quan niệm về con người và đời sống. Như Phạm Văn Đồng từng nói: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời mình cũng có nhụy”. Như ta biết bản thân một bông hoa, nhụy chính là thứ bộ phận giúp nó tồn tại trên cõi đời cũng như nhà văn phải làm thế nào để cái “nhụy” thơ văn của mình được tồn tại. Cái nhụy thơ văn ấy ở đây quan trọng là gì? Nó phải mang nhân sinh quan. Vì thơ ca hay văn chương đều khắc họa từ hiện thực cuộc sống và con người chính là chủ thể để thơ ca có thể phát triển tiếp tục. Bởi vì đơn giản rằng khi cuộc sống và con người rơi vào tận thế thì sự tồn tại của thi ca cũng không còn. Cũng như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nhận xét: “Văn học và cuộc sống là hai đồng tròn vòng tâm mà tâm điểm là con người”. Câu nói ấy đã khẳng định sứ mệnh quan trọng đặc biệt cao cả mà văn chương của người cầm bút phải thể hiện được hiện thực về cuộc sống và con người.

Điều thứ hai chính là sử dụng những biện pháp tu từ quen thuộc. Nếu bài thơ cứ mãi là những con chữ tiếp nối không có sự so sánh, không sự nhân hóa,…thì liệu người đọc có thể tiếp thu được ý của bài viết? Hoàn toàn không! Bài thơ cần có nhịp điệu, sức sống chân thật,…chính những biện pháp tu từ sẽ dùng chức năng của mình làm việc đó: tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt, đồng thời để lại cho người đọc ấn tượng để người đọc có thể hiểu được tất cả thông điệp mà người viết truyền tải. Nếu người tác giả không dùng đến biện pháp tu từ thì người tác giả đó đã đánh mất dây cảm xúc của một bài viết. Nhưng nếu sử dụng biện pháp tu từ một cách không hiểu biết cũng sẽ không bao giờ tạo ra được một tác phẩm. Vì thế người tác giả không chỉ phải sử dụng biện pháp tu từ mà còn phải dùng biện pháp tu từ quen thuộc để không mắc lỗi về biện pháp tu từ. Ta có thể chiêm ngưỡng cách mà nhà thơ Huy Thông sử dụng biện pháp tu từ trong thơ của mình:

“Có nhiều đêm đen tối như địa phủ,

Sóng dữ dội như ma thiêng kêu rú,

Đương khi trong đám tối chớp bập bùng.”

(Tiếng Sóng – Huy Thông)

Dùng biện pháp tu từ so sánh đem trên biển tối như nơi địa phủ. Địa phủ không phải là nơi mà những người mang tội sau khi mất phải xuống sao? Nó đen tối và nguy hiểm như biển xa ban đêm vậy. So sánh tiếng sóng biển khơi lúc đêm có sự dữ dội như tiếng kêu rùng rợn rú lên của ma thiêng. Cách sử dụng biện pháp tu từ so sánh của Huy Thông cho ta cảm nhận được cái không gian đáng sợ ngoài biển xa ban đêm lại thêm cái tiếng sóng biển dữ dội vang âm ghê rợn. Biện pháp tu từ so sánh mà Huy Thông sử dụng đã phát huy chức năng gợi hình gợi cảm thành công khiến cho ta như thấy được không gian biển đêm ngay trước mắt.

Điều thứ ba là đề tài. Đó là thứ quan trọng cần xác định trước khi đặt bút viết nên chữ. Đề tài trong các bộ môn nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, đề tài là phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Đề tài là những thứ không đâu xa xôi, nó đều bắt nguồn từ đời sống. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều mang thế mạnh riêng và đề tài chính là một trong số nét nổi bật riêng của họ. Đề tài phải là thứ gì đó mang lại cho người cầm bút một cảm hứng to lớn từ đó chữ mới thành văn thơ. Ta có thể thấy được với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Ông chuyên khắc họa những nhân vật tích xưa:

“Hay đâu thần tiên đi lấy vợ

Sơn Tinh, Thủy Tinh lòng tơ vương,

Không quản rừng cao, sông cách trở,

Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.”

(Sơn Tinh, Thủy Tinh – Nguyễn Nhược Pháp)

Hay:

“Bơ vơ ngày xưa cũ tưởng càng đau,

Tìm trông phương nào hỡi Mỵ Châu?

Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ

Chàng đi man mác buồn, đêm thâu.”

(Mỵ Châu – Nguyễn Nhược Pháp)

Và cuối cùng chốt lại là giộng điệu riêng. Giọng điệu riêng là phong cách, cách nhìn nhận, khám phá riêng của từng tác giả từ đề tài, nội dung tư tưởng, cảm xúc của tác giả, hình thức nghệ thuật,…Giọng điệu kiêu hãnh, tự tin xuất hiện ở giai đoạn đầu của thơ Mới khi cái “tôi” phát hiện ra thế giới kỳ diệu, một thiên đường trên mặt đất bị giam hãm quá lâu trong cõi tù đày thời trung đại, khi cái tôi sống trong mối quan hệ hòa hợp với thiên nhiên và các mối quan hệ. Sự xuất hiện của “cái tôi trữ tình” như một tia sáng chói lóa trong thế giới nghệ thuật thơ. Như Xuân Diệu là kẻ mê đời, khát sống, ham yêu nên giọng điệu thơ Xuân Diệu mang sự nồng nàn, thiết tha. Hay với Huy Cận người mang danh kẻ buồn nhất thời đại thơ Mới, thơ ông đậm sự ảo não và ngậm ngùi. Cũng có thể đến cùng Nguyễn Bính cũng thuộc giọng thơ buồn mang sự não nề và bi phẫn.

Sau tất cả ta thấy được nhận định trên của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam hoàn toàn đúng về các nhà thơ Mới mở ra một thời đại thi ca huy hoàng cho nền văn học dân tộc Việt Nam. Họ là những người đi đầu cho dòng văn chương mang cái tôi bộc lộ cảm xúc người viết một cách tự do, nói về tình yêu một cách thoải mái. Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp,…những người tác giả mang cái tôi trữ tình đến văn học một cách xuất sắc và nền văn học ấy vẫn sẽ phát triển mãi mãi ở hiện tại và đi tới tương lai.

Nguyễn Thị Thuỳ Trinh

  • (Có 1 bình chọn)

Người làm nghệ thuật không hẳn phải là người đặc biệt, việc chủ yếu ở đây chính là cách diễn giải như thế nào để làm nổi bật nên cái giá trị cốt lõi thì mới công nhận là người nghệ sĩ thực thụ...
Con người chúng ta sinh ra đã khác nhau về ngoại hình, khuôn mặt, hoàn cảnh sống,… vì thế ai cũng chọn cho mình một cách sống riêng biệt để đích đến cuối cùng là sự thành công và hạnh phúc
Nguyễn Văn Thực từng viết: “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên sách”. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn, niềm vui luôn ẩn hiện đâu đó nỗi buồn, cái tốt hiện diện xen kẽ cái xấu, ánh sáng tồn tại bên cạnh bóng tối, niềm hạnh phúc đi đôi với sự bất hạnh...
Ẩn sâu trong mỗi con người là sự tồn tại của đa dạng cảm xúc, là sự xuất hiện của niềm vui, nỗi buồn, sự lạc quan hay những suy nghĩ tiêu cực, đó đều là những trạng thái được hình thành từ những tác nhân bên ngoài gây nên...
Văn chương ngàn đời nay đã hiện hữu và có mặt tự bao giờ. Sự xuất hiện của nó đã thay đổi không ít nhiều đến thế sự, tư duy và đời sống của bạn đọc. Văn chương là thế, nó phản ánh lại cuộc sống, là tấm gương ngàn đời để con người soi chiếu nhau mà học hỏi, sửa đổi, hướng nhân loại đến cái đẹp...
Thơ ca là quá trình con người chuyển biến những tâm tư tình cảm của mình vào trong từng nét chữ. Khi thơ ca chính là hiện thực, mà cũng từ hiện thực đời sống con người ta mới có những rung cảm trước trăm ngàn thế sự của cuộc đời...