Thu Điếu

05/11/2019

Thu điếu (Nguyễn Khuyến) - U uẩn nỗi đau đời

thu-dieu

Đi vào cõi thu của Nguyễn Khuyến là đi vào thế giới tâm linh u uẩn, bàng bạc, man mác nỗi lòng. Nhà thơ đưa cái hồn quê chân chất, mộc mạc trở nên tinh khiết hài hòa mà mỗi cảnh thu, sắc thu, tình thu lại chan chứa biết bao tình. Thu điếu là một ví dụ điển hình.

Không chọn cho mình một dòng sông yên ả xuôi nguồn ra bể lớn, một mặt hồ lung linh sắc biếc của mây trời. Không gian thu của Nguyễn Khuyến là làng quê chiêm trũng với chiếc ao bé nhỏ quen thuộc. Quen thuộc đến mức độ người ta đã quên nó tự lúc nào không hay biết. Chiếc ao bé nhỏ cuả làng quê trong thành ngữ "ao tù nước đọng" chật chội kia bỗng trở nên thanh khiết trong sắc màu thu về của cụ Tam nguyên. Ngữ "ao thu" là sự kết hợp độc đáo không gian và thời gian. Thời gian ở đây không là một khoảng khắc thu, một ngày thu, mà là cả một muà thu lắng đọng trong chiếc ao bình dị. Sự khám phá độc đáo ở chỗ nhà thơ đã mặc chiếc áo thu diệu kì để làn ao trở thành chiếc gương của thiên nhiên thâu cả mảng trời xanh biếc, đám mây trắng hững hờ, và cả bóng dáng co ro của con người trong chiếc thuyền câu. Ý sâu lắng trong hai câu đề ở chỗ hợp nhất được khái niệm" THIÊN – ĐỊA - NHÂN". Tròi thu, mặt ao, con thuyền câu, người câu hài hoà trong bức tranh thơ, song lại man mác sắc màu thu luống u buồn. Mùa thu với làn gió heo may se se lạnh vừa đủ tiễn đưa cái oi ả của mùa hè nhưng sao thi nhân nghe như thấm lạnh cả đất trời, cả hồn người. Làn gió thu muôn đời vô hình kia sao lại "lạnh lẽo" đến tê lòng hay là cái lạnh từ nỗi buồn thương nơi thẳm đáy lòng thi nhân đã lan tỏa, thấm sâu vào ngàn cây ngọn cỏ, vào hơi thở của đất trời, thấm lạnh vào hồn người câu đang co ro trên con thuyền bé "tẻo teo" cô đơn trầm mặc. Ngôn ngữ thật cô đọng, độc đáo vần "eo" trong "lạnh lẽo" ,"trong veo","tẻo teo" nhưng chắt lọc cả không gian mênh mông vào một phạm vi bé nhỏ cô tịch. Người ngồi câu không ngồi trên bờ, mặc dù chiếc ao vốn nhỏ. Bởi lẽ ngồi trên bờ thì dẫu sao cũng còn có bờ đất bụi cỏ làm điểm tựa. Hơn nữa ngồi trên bờ thì tầm nhìn bị hạn chế vì chỉ nhìn về một phía. Nhà thơ đã đặt người ngồi câu trên chiếc thuyền thúng bé nhỏ đẩy ra giữa mặt ao, giữa khoảng không bé nhỏ vắng lặng để mở rộng tầm nhìn về bốn phía, để nguời ngồi câu mới cảm nhận được hương thu, sắc thu, tiếng thu, và cả nỗi cô đơn giữa mùa thu của chính mình.

Có một điều rất thú vị, Tam nguyên Yên Đổ, một nhà thơ của buổi giao thời từ cổ trung đại sang cận hiện đại đã vẻ nên ba bức tranh thu tuyệt tác tạo một dáng đứng rất riêng trong văn học. Song cùng một mùa thu, cùng một chiếc ao nhỏ chốn làng quê lại mang ba sắc màu khác nhau:

"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí" (Thu điếu)

"Nước biếc trong như tầng khói phủ" (Thu vịnh)

"Làn ao lóng lánh bóng trăng loe" (Thu ẩm)

Đó cũng là ba sắc màu thời gian, "Sóng biếc" của một ngày sắp ngã chiều, "nước biếc" có vẻ ngày tàn, hoàng hôn dần buông xuống, "làn ao lóng lánh" của đêm sâu cô tịch. Ba khoảng thời gian ấy luôn đượm nỗi buồn xa xăm vô định. Trong sắc thu, thoảng một làn gió heo may se thắt thổi qua nỗi buồn thi nhân khẽ lay động mặt ao, làm rụng chiếc lá vàng. Thi nhân miêu tả "làn gió" chứ không phải là cơn gió. Như vậy gió phải rất khẽ, rất nhẹ chỉ vừa đủ để mặt nước "hơi gợn tí" rồi lại trở lại tĩnh lặng vốn có. Thế mà cũng đủ khơi gợi đến nao lòng người. Đọc câu thơ Nguyễn khuyến sao không khỏi nhớ đến Vũ Đình Liên:

"Làn gió heo may xa hiu hắt

Lạnh lùng chẳng biết tiễn đưa ai."

Vẻ lạnh lùng của ngọn gió vô tình khơi gợi nỗi cô đơn hoang trống, còn làn gió "lạnh lẽo" của Nguyễn khuyến cứ quặn thắt lòng người, trăn trở nỗi đau đời quay quắt. Buồn gì thế, ưu tư gì thế hỡi thi nhân ? Để làn gió thoảng qua mặt ao "hơi gợn tí" như một thoáng chau mày, trầm tư của ông lão câu trên con thuyền bất động rồi lại trở về sự tĩnh lặng vốn có. Nhà thơ tả âm thanh mà như vô thanh, tả động vang mà như tĩnh lặng, để người đọc tư chiêm nghiệm lấy giữa cái tĩnh lặng, vô thanh của thinh không, lại cứ động vang sôi sục, cứ quặn thắt trong lòng nhà thơ từng cơn, từng cơn đứt ruột. Cảnh yên bình cuả làng quê không che giấu nổi âm ba của mạch sóng ngầm cuồn cuộn chảy. Một chiếc lá lặng lẽ lìa cành, chao đảo trong gió. Phải yên lặng, yên lặng đến tuyệt đối, nhà thơ mới nghe được tiếng thời gian qua sắc biếc của hồn nước, qua thanh âm lá vàng rơi trong đôi mắt quan sát tinh tường, trong trái tim nhạy cảm. Trần Đăng Khoa cũng có viết:

"Ngoài thềm rơi cái lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng."

Cái “tiếng rơi” của Trần Đăng Khoa là trạng thái rơi nhẹ, đều của chiếc lá tạo nét huyền duyên dáng. Còn với Nguyễn Khuyến, cụm từ "khẽ đưa vèo" diễn tả hai động thái rơi của chiếc lá. "Khẽ" là động tác uốn mình đong đưa trong gió như còn lưu luyến thân cành, "đưa vèo" là cắm vút xuống theo phương thẳng đứng như sự buông mình không còn gì nuối tiếc, như chấp nhận cái qui luật muôn đời. Đúng tiếng thơ hay tiếng lòng của thi nhân, hay chính là hơi thở, là sự rung động từ trong cõi sâu thẳm tâm hồn để những ngôn từ trở nên trăn trở, ưu tư nỗi buồn nhân thế. Nói như Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã viết: "…thơ vẫn mãi là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế…". Trong nghẹn đắng nỗi đau của người dân mất nước, nhà Nho mồ côi vua, áng mây mồ côi bầu trời nên mỗi lời thơ của Nguyễn Khuyến đọc nghe đến xót xa, đến rưng rức lòng người. Từ quan trở về sống thanh bạch giữa chốn làng quê, Nguyễn Khuyến lặng lẽ sống như một ông câu, một lão nông mà sao niềm đau canh cánh mãi. "Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo" tưởng yên ả trên mặt ao lại cứ đọng vang sôi sục. Con thuyền ấy không là "con đò gối bãi suốt ngày ngơi" (Nguyễn Trãi) mà con thuyền ấy giữa trời thu cô tịch cảm nhận nỗi buồn của sóng biếc, của lá vàng bay mà nghe âm vang niềm đau trần thế chảy mãi khôn thôi.

Sắc màu thu trong Thu điếu, một màu xanh tuyệt đối "xanh ngắt" lại không mênh mông vòi vọi như trong Thu vịnh hay Thu ẩm mà giữa cái nền xanh ấy điểm tô vài đám mây trắng rất nhẹ, rất xốp, rất mỏng như kéo bầu trời xuống thấp hơn để trời, mây, nước, người như thu lại trong nỗi buồn ngưng đọng. Từ "lơ lửng" của những đám mây "vô hồn" kia trở nên "có hồn" để đám mây kia trở nên côi cút sắc màu.

Mây nhàn tản nhưng người không nhàn tâm. Cái cõi đi về giữa cuộc đời vô thường của nhà Nho sao buồn đến thế ! Buồn đến độ mây không trôi, đường không bóng người. Tất cả như lặng yên giữa cô tịch để mặc niệm, để khóc tang thương cuộc đời. Một cánh "hạc độc", một đám "mây côi", một tiếng cuốc năm canh khắc khoải, một tiếng ngỗng lạc đàn chấp chới giữa trời Nam. Đúng như Đặng Dung hơn 500 năm trước Nguyễn Khuyến đã nói "Thế sự du du nại lão hà" (Sự việc trôi qua già đến rồi). Chuyện thế sự trôi qua trong tuổi già bất lực như nỗi buồn nhà thơ.

Thả tầm nhìn mặt nước cũng buồn, trời cũng buồn, con đường làng lại hun hút buồn thêm. Vẫn cứ ngõ trúc quanh co quen thuộc không một bóng người qua lại:

"Niệm thiên địa chi du du

Độc thuơng nhiên nhi thế hạ."

                      Trần Tử Ngang

(Ngẫm trời đất vô cùng - một mình tuôn giọt lệ)

Bài thơ tả thu cận cảnh có, viễn cảnh cũng có, các cặp câu thực và luận đối tương hỗ tạo nét hài hòa cân đối nhịp nhàng. Nguyễn Khuyến thật độc đáo khi đưa vào thơ Đường những từ ngữ gần gũi dân gian. Không cầu kỳ hoa mỹ, không tô vẽ, trau chuốt những lời thơ cứ bật lên tự nhiên như tiếng lòng tác giả nói cùng nhân thế. Bút pháp "thi trung hữu họa" tạo bài thơ đẹp như một bức tranh. Phía trên cao và chiếm phần lớn không gian bài thơ là màu “xanh ngắt" của bầu trời. Dưới nền bức tranh là mặt ao xanh biếc. Một chút mây trắng rất nhẹ, rất loãng nằm giữa bức tranh như liên kết sắc xanh trời, xanh nước, xanh cây cỏ. Ở một góc xa của bức tranh là con đường quê yên vắng heo hút đến đẫm buồn. Giữa khoảng không, một chấm vàng rất nhỏ đang lay động trong gió. Màu vàng của sự tàn úa và sắp chìm vào mặt nước trong veo. Giữa những chiếc ao ấy, một chiếc thuyền câu bé nhỏ với người ngồi câu im lặng thả hồn vào cõi xa xăm mơ hồ và phía dưới chân bèo, một chú cá quẫy đuôi đớp động thả bọt nước mong manh vỡ tan chìm khuất.

Tiêu đề bài thơ là Câu cá mùa thu thế mà cả sáu câu đầu, người đọc chỉ mới cảm nhận vẻ đẹp u buồn của mùa thu, thả hồn vào nỗi buồn thẵm mà quên người ngồi câu đã xuất hiện lâu lắm rồi. Cái dáng co ro bất động trên con thuyền trong tư thế "tựa gối ôm cần" chừng như không phải để ngồi câu cá mà để trầm ngâm, suy tư một điều gì đó mơ hồ chưa rõ với tư thế ngồi cô đơn bất lực. “Ý tại ngôn ngoại” của câu thơ ở chỗ nói ít mà gợi nhiều để người đọc phải tự suy nghĩ lấy. Pháp xâm lược Việt Nam nhà thơ cảm thấy mình bất lực không làm điều gì để xoay chuyển tình thế, ông từ quan lui về sống cuộc đời đạm bạc với tủi nhục của thân phận người dân mất nước để rồi chỉ còn biết đem tâm sự chất chứa trên từng trang thơ. Người ngồi câu chỉ là cái xác vô hồn còn mảnh hồn kia thì như vất vưỡng trong nỗi u hoài, trong cõi xa thẳm mông lung. Đó là bi kịch của đời người. Mùa thu đã xa lắm rồi, hồn thu đã lạc nẻo quay về chỉ còn lại đây xác thu khô héo rỗng tuếch. Vâng người ngồi câu đang trầm mặc cho nỗi đau mất nước. Trần Tế Xương căm phẫn sự đời cất lên tiếng chửi còn Nguyễn Khuyến chỉ biết:

"Bút nghiên trầm tư ưng hữu lệ

Sơn hà cử mục bất thăng sầu."

            (Tiễn môn đệ)

Nước mất nhà tan, giọt lệ kẻ sĩ đã thấm lên từng trang giấy, thấm vào hồn thơ và còn thấm mãi đến ngàn sau một tấm lòng yêu nước sâu kín.

Giữa cảnh tĩnh lặng của ao thu, một chú cá quẩy đuôi đớp động tạo thoáng xao động. Ba phụ âm "đ" đi liền nhau "đâu đớp động" tạo cung bậc nhè nhẹ mơ hồ lan tỏa chừng như có cũng như không. Phải chăng cái quẫy đuôi ấy như một thoáng suy nghĩ trượt qua tiềm thức của nhà thơ rồi cũng tan biến chìm khuất vào hư vô như chú cá lặn khuất dưới ao bèo ngại cả nỗi cắn câu.

Một cánh “hạc độc” bay qua bầu trời côi cút của nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đau buồn lặng lẽ rồi đi vài hư vô để sắc trời thu cứ u uẩn mãi nỗi niềm. Một thế kỷ đã đi qua, biết bao lớp học sinh học những bài thơ thu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, có mấy ai hiểu thấu nỗi lòng này chăng?

Ngàn năm mây trắng vẫn bay ngang trời...”

Nguyễn Văn Thành

(Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 4 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...