Tinh thần yêu nước – dòng chảy bất tận trong văn học Việt Nam thế kỷ X-XV

22/11/2022

Tinh thần yêu nước – dòng chảy bất tận trong văn học Việt Nam thế kỷ X-XV

Lâm Hải Đăng Khoa, 12A2 năm học 2022-2023, Trường THPT Vĩnh Viễn

“Cuối cùng, tình yêu bền vững nhất là tình yêu nước

Con đường đúng đắn nhất vẫn là con đường cách mạng.”

                                                       (Khuyết danh)

Có lẽ câu nói này đã khẳng định được giá trị lòng yêu nước của dân tộc ta là bất hủ với thời gian. Từ những ngày khai thiên lập địa cho đến tận khi cuộc sống của con dân ta ấm no, hạnh phúc. Yêu nước vẫn là dòng chảy xuyên suốt trong máu thịt con người Việt Nam và cả trong nền văn học nước nhà. Là dòng chủ lưu trong văn mạch và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình con người Việt Nam tiếp nhận các tri thức tốt đẹp từ chính các áng văn thơ đậm đà thiết tha tình yêu quê hương đất nước của những đại thi hào. Những áng văn thơ kiệt xuất đã nạm lên những viên ngọc quý trong văn học sử thi về lòng yêu nước, để còn mãi đến tận thời điểm này. Chính những áng văn thơ ấy, đã tiếp nối cho ngọn lửa yêu nước trong mỗi con người Việt Nam ta được bùng cháy mạnh mẽ và rực rỡ:         

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên địa phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

đã khẳng định ranh giới ấy đã được phân định rõ ràng. Khẳng định một điều nước Nam ta đã có chủ, vua nước Nam cai quản đất phương Nam. Chính đó là “thiên thư” không thể chống lại, kẻ cãi lại sách trời sẽ nhận lại được chính kết cục thảm hại và thất bại. Tinh thần yêu nước đã được nung nấu từng ngày trong chính mỗi nhân dân, đồng bào. Vì xã hội Bắc - Nam đã được phân định rõ, nếp sống và hoạt động trái ngược nhau. Đồng bào ta với lối sống định canh định cư, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nên tâm tư tình cảm của họ gắn chặt với mảnh đất quê hương, với từng ngàn cây nội cỏ nơi đây. Đó chính là yếu tố kiến tạo nên tình yêu nước một cách tự nhiên và dung dị nhất. Như chính ông cha ta đã từng lấy Thánh Gióng làm hình tượng văn học về văn học yêu nước. Một đứa trẻ cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước. Đã cho thấy rằng tinh thần yêu nước ta đã nảy mầm từ trong những huyền sử và trong tái tim nhân dân của mọi thời đại. Nổi bật nhất và tuyệt tác nhất là thời đại văn học sử của thế kỉ X đến thế kỉ XV.

          Đã trải qua bao nhiêu ngàn năm bị áp bức bốc lột. Nỗi căm phẫn và ý chí đứng lên chống lại quân giặc tàn ác trong mỗi đồng bào ta luôn tồn tại trong từng ý nghĩ và tế bào. Cũng từ đó mà chính dòng máu Lạc Hồng đã trổi dậy trong chính con dân Việt Nam. Đọc sử thi Việt Nam, đã ghi khắc rất nhiều vị anh hùng, tướng sĩ như Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên chính con sông Bạch Đằng lịch sử. Đã cắm cọc trên sông đâm thủng thuyền của quân thù. Tận dụng trí óc và thiên nhiên, Ngô Quyền đã dẹp tan giặc ngoại xâm một cách tài tình.

Không chỉ Ngô Quyền mà còn Lê Hoàn đánh tan quân Tống xâm lược, Lý Thường Kiệt anh dũng phá tan quân Tống hay Trần Hưng Đạo đã 3 lần đánh cho quân Nguyên Mông kinh hồn bạt vía. Chính những thành tựu rực rỡ ấy đã hình thành nên một xã hội phong kiến từ bấy giờ. Văn học viết chính thức ra đời vào chính thời điểm này (thế kỉ X - thế kỉ XV). Văn học thế kỉ X đến thế kỉ XV phản ánh rõ lên hào khí của dân tộc nước Nam chống giặc ngoại xâm. Hào khí mạnh mẽ như hào khí Đông A:

“Hoành sóc giang san kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

(Phạm Ngũ Lão – Tỏ lòng)

từ đó, văn học yêu nước chính thức được ra đời và phát triển mạnh mẽ. Nền văn học đã xuất hiện rất nhiều áng thiên cổ hùng văn được lưu truyền đến tận thời điểm hiện tại. Như Trần Quốc Tuấn đã cho ra đời: “Hịch tướng sĩ” như đứa con tinh thần tiếp lửa cho tấm lòng yêu nước rực cháy trong trái tim quân và dân ta. “Hịch tướng sĩ” mang lối văn biền ngẫu, nhằm kêu gọi, khích thích ý chí nhân dân rèn luyện, chiến đấu đánh tan kẻ thù tàn ác. Bằng một giọng văn nghị luận sắc bén nhưng tận trong bài hịch vẫn có lối văn tự sự, trữ tình, miêu tả mang đầy chất hùng biện và lôi cuốn mọi người. Đó chính là kim chỉ nam khiến “Hịch tướng sĩ” trở thành áng thiên cổ hùng văn thể hiện tình cảm yêu nước nồng nàn trong chính trái tim người tướng soái. Trần Quốc Tuấn đã nhạy bén khơi dậy lòng yêu nước của các vị tướng sĩ bằng cách nhắc lại những tấm gương của các trung thần nghĩa sĩ được lưu danh đời đời kiếp kiếp, đồng thời xen lẫn trong đó chính là một trái tim hướng về Tổ quốc con người nơi đây: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”. Đấy cũng chính là ý chí và đức hi sinh quên mình vì vận mệnh của Tổ quốc:

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nằm ẩn yên trong đó chính là nỗi căm phẫn sâu sắc quân thù của Trần Quốc Tuấn khi thấy cảnh nhà tan cửa nát, thấy kẻ ác tàn sát trên chính mảnh đất quê hương của mình. Chính đó là tấm gương để khơi dậy tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ đánh tan giặc thù tàn ác. Bài hịch chính là cái tôi yêu nước vĩ đại trong trái tim người dũng tướng.

        Cũng như “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô Đại Cáo” cũng là một áng thiên cổ hùng văn muôn đời bất hủ trong bầu trời văn học nước nhà, và là bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng tập trung đầy hào khí của một dân tộc trong mười năm gian khổ, đau thương mà anh dũng chống quân Minh, giành chủ quyền cho đất nước. Với niềm tự hào sâu sắc ấy, Nguyễn Trãi đại thi hào với hai câu thơ bất hủ, lần đầu tiên đề cao quan điểm: “Yêu nước thương dân”, đưa nhân dân là chính nghĩa, là đối tượng phục vụ, vì cuộc sống bình an của nhân dân mà trừng trị kẻ độc ác có tội:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

đã thể hiện rõ tư tưởng của Nguyễn Trãi rằng: “Lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ”. Cuộc sống nhân dân ấm no hạnh phúc chính làm lẽ sống để một mực chiến đấu vì những người dân thân yêu mà chính trong đó là cả gia đình của các tướng sĩ ra trận. Chính vì lẽ đó, lấy nhân dân ấm no làm mục tiêu là sự tiến bộ về tư tưởng của thời đại, sẽ ngày ăn sâu trong tâm thức của chính con người Việt Nam đến mãi về sau này. Lời khẳng định oai hùng, đanh thép:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.”

Nước Nam ta đã được phân chia ranh giới rõ ràng. Nền văn hoá lâu đời, một giang san gấm vóc riêng biệt đã bao đời gây dựng nền độc lập cùng mạ vàng lên sử sách biết bao thắng lợi vẻ vang, lẫy lừng, sánh ngang với triều đại phương Bắc. Những chiến công đã làm rực rỡ trang sử dân tộc:

“Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”

Đây chính là hào khí Đông A và là chiến công lừng lẫy của thời nhà Trần. Khi hai vị tướng khét tiếng danh bất hư truyền của nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và Toa Đô khi đối mặt với các anh hùng nước Đại Việt cũng đều trở thành bại tướng, bị “bắt sống” và “giết tươi”. Đã tô điểm lên cho sức mạnh to lớn và bất khuất của các tướng sĩ và quân dân nước Nam. Trong bài cáo cũng đã không quên tố cáo tội ác tày trời của quân giặc:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ.”

hay là:

“Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”

Tội ác của quân giặc được Nguyễn Trãi phơi bày qua từng con chữ. Như được đưa ra ánh sáng, sự tàn ác vô biên, vô lượng của chúng nhiều đến độ mà trúc Nam Sơn không kể hết tội, biển Đông Hải cũng không rửa nổi sự thối tha và máu lạnh của quân thù. Ẩn trong đó là sự căm phẫn đến tột cùng của nhân dân cả nước, cùng với lòng yêu quê hương đất nước sẵn có vốn đã nằm ẩn yên trong trái tim con người Việt Nam đã tạo nên một phong trào và sự quyết tâm chiến đấu vì những người “dân đen”, “con đỏ” vô tội đã bị tan nhà nát cửa, mất ruộng đất, những tướng sĩ đã phải ngã xuống trước tay giặc tàn ác. Và cả cho chính gia đình, vợ con của chính họ. Tinh thần chiến đấu đã đạt đến đỉnh cao qua:

“Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông.”

Đã khẳng định được tư tưởng yêu nước và tinh thần bất khuất của quân dân ta trong suốt mười năm bôn ba chịu áp bức và chiến công đã khắc lên trang sử để bài cáo trở thành một kiệt tác của Nguyễn Trãi đến tận thời nay.

“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi đã khép lại và làm rõ nên chủ nghĩa yêu nước trong xuyên suốt những năm từ thế kỉ X đến thế kỉ XV. Nguyễn Trãi đã chính là tấm gương sáng cho nét đẹp của thời đại không bị sự ăn mòn của thời gian. Một nét đẹp: “Ưu dân ái quốc” và một trái tim luôn mãi nồng ấm yêu nước dù cho tướng sĩ có nằm sâu dưới ngàn tấc đất, bị gói trong da ngựa. Một phẩm chất cao đẹp của Nguyễn Trãi đã bất hủ với thời gian và hiện nay rất phù hợp với quan niệm:

“Trung với Đảng, trung với nước

“Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân.”

Khép lại, thời kì thế kỉ X đến XV đã là tấm gương soi chiếu tư tưởng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc ta. Ca thán cho những chiến công oanh liệt càng làm rõ hơn truyền thống giữ và dựng nước của dân tộc ta một cách vẻ vang. Nghìn năm văn hiến, dòng chảy yêu nước vẫn luôn sẽ là nguồn cảm hứng bất tận sâu sắc và là dòng văn mạch trong chính nền văn học Việt Nam. Nên nhà thơ Chế Lan Viên đã khẳng định:

“Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng.”

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

Vâng! Đó là hào khí của tinh thần yêu nước, thương dân, là dòng chảy xuyên suốt trong văn mạch dân tộc.

Tháng 11/2022

      

  • (Có 129 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...