Tự luyện tập viết văn nghị luận xã hội

03/12/2019

Đi vào thế giới của văn nghị luận xã hội đòi hỏi phương pháp lập luận phải chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, phù hợp, đầy sức thuyết phục. Chính vì thế, nó đòi hỏi khả năng suy luận cao, vốn kiến thức xã hội phong phú để có thể lý giải những vấn đề cần nghị luận. Điều đó yêu cầu các em học sinh phải không ngừng tự rèn luyện vốn kiến thức qua bài giảng của thầy cô, qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, truyền hình… Song có một thực tế là các em rất ít đọc báo, ít theo dõi thời sự, thiếu quan tâm đến chính trị xã hội. Đây là một thiếu sót lớn. Những kiến thức đầy sinh động của hiện thực cuộc sống không chỉ mang tính thuyết phục mà còn làm phong phú cho bài văn. Vì thế, người giáo viên bên cạnh việc hướng dẫn kĩ năng làm văn, cần phải cập nhật thông tin cho các em qua các tiết văn nghị luận đồng thời khuyến khích các em quan tâm đến các vấn đề chính trị – xã hội, văn hoá tư tưởng.

Việc thực hiện bài viết cần đảm bảo theo yêu cầu của đề bài, dung lượng là đoạn văn hay văn bản cũng như giới hạn số lượng từ, trang mà sử dụng hợp lý những kiến thức cơ bản của văn nghị luận.

tu-luyen-tap-viet-van-nghi-luan-xa-hoi

MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

I. GIỚI THIỆU

1. Khái niệm:

Văn bản nghị luận xã hội là văn bản bày tỏ ý kiến, thái độ đánh giá vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị - tư tưởng, đời sống xã hội. Bài làm văn nghị luận là sự tiếp tục phát triển những kiến thức, kỹ năng bài làm văn chứng minh, giải thích với yêu cầu cao hơn, học sinh sử dụng nhiều vốn kiến thức và lý luận, đưa ra những ý kiến, đánh giá, cách giải quyết riêng của mình phù hợp với thực tế cuộc sống.

2. Nội dung cần nghị luận:

Giải thích các khái niệm: nghĩa đen, nghĩa bóng; nghĩa gần, nghĩa khái quát, tượng trưng… để xác định rõ vấn đề cần nghị luận.

Bình: nhận xét, đánh giá, khẳng định vấn đề là đúng – sai, tích cực – hạn chế… như thế nào; vì sao như thế ?

Luận: bàn bạc, mở rộng, khơi sâu, bổ sung… vấn đề để đề ra những nhận thức, hành động đúng đắn cần phải có; cần phê phán những quan niệm nào còn lệch lạc, có sai trái; ý nghĩa và tác dụng của vấn đề như thế nào.

II. CÁC BƯỚC LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

1. Tìm hiểu đề và tìm ý

1.1. Tìm hiểu đề: Đọc kỹ đề bài rồi gạch chân những từ ngữ quan trọng để xác định:

-     Nội dung vấn đề cần nghị luận.

-     Thể loại và yêu cầu của đề bài.

-     Giới hạn của đề bài (nếu có).

Ví dụ ta có đề bài: Nhân dân ta thường nhắc nhở nhau: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Em có ý kiến gì về câu tục ngữ ấy ?

Trong thực tế cuộc sống hiện nay, em thấy nhân dân ta đã thực hiện lời khuyên tốt đẹp trên như thế nào ?

Tìm hiểu đề: gạch chân – rồi xác định:

Vấn đề cần nghị luận: thuộc lĩnh vực tư tưởng: lòng biết ơn: cha mẹ, ông Bà, những người đã đổ mồ hôi, công sức, máu xương để tạo ra thành quả lao động cho chúng ta được hưởng.

Thể loại: nghị luận (Biểu hiện ở: " có ý kiến gì …")

Yêu cầu:

-     Nghị luận câu tục ngữ;

-     Nêu những việc làm cụ thể của nhân dân ta trong thực tế cuộc sống nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, các bậc tiền nhân, những người đã tạo nên thành quả lao động trong cuộc sống hiện nay.

1.2 Tìm ý: Học sinh tự đặt câu hỏi và trả lời để có ý làm bài. Các câu hỏi có thể hình thành theo trình tự:

-     Vấn đề nghị luận là gì ? Vấn đề ấy được thể hiện ở từ, ngữ, câu nào ? (Bước giải thích).

Vấn đề nghị luận đúng – sai, hợp lý, chính xác… như thế nào ? Vì sao vậy? (Bước bình).

-     Cần đề ra những nhận thức và hành động như thế nào để thực hiện vấn đề cho đúng đắn ? Vấn đề nghị luận có cần bổ sung hoặc hiểu, đánh giá theo hướng nào cho đúng đắn, phù hợp ? Nên phê phán những quan niệm, việc làm nào có tính chất hiểu lệch lạc, sai lầm vấn đề nghị luận ? Vấn đề nghị luận có ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng… ra sao ?… (Bước luận).

2. Làm dàn ý:

Sắp xếp mạch lạc, trình tự, hợp lý các lý lẽ vừa tìm được để hình thành một hệ thống lý luận chặt chẽ, thuyết phục. Có thể nói dàn ý là bản thiết kế và khi viết bài văn là giai đoạn thi công trên cơ sở bản thiết kế đó. Dàn ý càng chi tiết, cụ thể, việc viết bài văn càng thuận lợi, dễ dàng.

3. Viết bài văn bình luận

Cầm bút viết bài văn bình luận, học sinh cần chú ý mấy điều này:

3.1 Viết phần mở bài (phần đặt vấn đề)

Nên viết giản dị, ngắn gọn mà có tính gợi cảm. Cần tránh viết dài dòng, nói quanh co, cầu kỳ, lan man. Mở bài cần giới thiệu rõ vấn đề cần nghị luận để người đọc nắm bắt được dễ dàng vấn đề mà ta sẽ bàn bạc, giải quyết tiếp đó.

3.2 Viết phần thân bài (phần giải quyết vấn đề)

Dựng đoạn rõ ràng, liền mạch, hợp lý. Có thể dựng theo mô hình:

+   Phần giải thích thành một đoạn.

+   Phần bình thành một đoạn.

+   Phần luận thành một đoạn.

Có thể tách các luận cứ trong phần bình, phần luận thành nhiều đoạn theo kiểu cứ mỗi luận cứ (một ý) viết thành một đoạn.

Giữa các đoạn văn cần có yếu tố liên kết đoạn. Đừng viết những đoạn văn rời rạc, khô khan, nhàm chán. Giữa các đoạn văn có thể có mối quan hệ trình tự (thứ nhất, thứ hai; trước hết, tiếp theo…); quan hệ nhân - quả (vì thế, cho nên, do đó mà…); quan hệ ý chính – ý phụ (khái quát – cụ thể; diễn giải… tổng kết),…

          Lời bình cần khiêm tốn, trang nhã thể hiện tình cảm, tư tưởng tôn trọng, đề cao; tránh nói hồ đồ, khinh bạc. Vì các vấn đề nghị luận thường là các vấn đề về đạo đức, quan niệm, kinh nghiệm ứng xử của cha ông thể hiện trong ca dao, tục ngữ; cũng có thể là những lời hay ý đẹp trong các câu danh ngôn; hoặc là những vấn đề văn học được đặt ra từ các tác phẩm văn học có giá trị…

          Khi bàn luận vấn đề, cần viết cụ thể, thiết thực, chân thành; tránh viết chung chung, sáo rỗng. Bàn luận, mở rộng vấn đề cần xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ những hiểu biết, áp dụng trong cuộc sống để vấn đề nghị luận có tính thiết thực, thuyết phục người đọc, người nghe.

3.3 Viết phần kết bài (kết thúc vần đề)

Cần thâu tóm, khẳng định lại vấn đề vừa nghị luận một cách chắc gọn; liên hệ thực tế đối với bản thân, lứa tuổi, thế hệ một cách nhẹ nhàng, gợi cảm, thuyết phục (tránh khuôn sáo nhàm chán) hoặc có thể mở ra một vấn đề mới có liên quan có tính hấp dẫn, lôi cuốn.

4. Luôn luôn chú ý:

-     Hình thức trình bày bài viết: sạch sẽ, khoa học;

-     Chữ viết: rõ nét, dễ đọc.

-     Tránh lỗi: chính tả, diễn đạt (viết khó hiểu, viết vô nghĩa…), ngữ pháp (câu, thành phần câu, dấu câu…).

Trong suốt quá trình viết bài văn nghị luận, sửa chữa kịp thời để bài viết đạt hiệu quả cao.

-     Viết xong, cần đọc lại bài viết một lần để điều chỉnh những chỗ còn sai sót.

Ví dụ: tập tìm ý cho đề tài Đã từ lâu, nhân dân ta rút ra kết luận:

"Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần tới cho."

Em hãy nghị luận câu tục ngữ trên. Trong xã hội của chúng ta ngày nay, câu tục ngữ đó có còn ý nghĩa gì nữa không ?

Để tìm ý, lần lượt đặt ra các câu hỏi, rồi trả lời:

-     Vấn đề cần bình luận: Có làm mới có ăn, không làm thì không có gì để hưởng. Đó là nguyên tắc phân phối thành quả lao động trong xã hội.

-     Vấn đề bình luận đúng – sai thế nào ? Vì sao ?

+   Nguyên tắc phân phối trên là đúng, công bằng, hợp lý.

+   Bởi vì: Thành quả lao động không tự nhiên sẵn có. Không lao động sẽ không có cái ăn, vật để dùng… cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, xã hội không thể tồn tại. Có lao động mới có cái phục vụ đời sống con người, mới làm giàu bản thân, gia đình, quê hương, Tổ quốc.

-     Cần xây dựng những nhận thức và hành động đúng đắn như thế nào ?

+   Cần tôn trọng nguyên tắc phân phối thành quả lao động trên để thực hiện sự công bằng xã hội.

+   Cần tích cực, tự giác lao động để ngày càng tạo thêm nhiều thành quả lao động tốt đẹp.

-     Cần phê phán những quan niệm sai trái nào ?

+   Không chịu lao động lại đòi hưởng thụ.

+   Tư tưởng, thái độ bám víu, dựa dẫm, bóc lột, không nỗ lực lao động…

-     Vấn đề có ý nghĩa, tác dụng như thế nào ?

+   Xây dựng cuộc sống công bằng, hợp lý, xóa bỏ bất công, bóc lột.

+   Xã hội cũ còn giai cấp: người bóc lột và người bị bóc lột. Câu tục ngữ chưa có điều kiện thực hiện triệt để.

-     Câu tục ngữ có còn có ý nghĩa cuộc sống xã hội ngày nay hay không?

Nguyên tắc phân phối thành quả lao động ngày nay: Làm nhiều, hưởng nhiều; làm ít, hưởng ít; không làm, không được hưởng. Câu tục ngữ vẫn còn phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc đảm bảo phúc lợi xã hội cho những người kém may mắn, những người mất sức lao động, những mảnh đời già yếu neo đơn không nơi nương tựa…

III. CÁC VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN THƯỜNG GẶP

1. Vấn đề tư tưởng đạo đức

Vấn đề tư tưởng đạo đức trong bài văn nghị luận thường đặt ra hoặc tương đối rõ ví dụ như nghị luận câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn mà cũng có thể ẩn trong một câu chuyện, bài thơ… Như vậy, cần đọc thật kỹ đề bài để xác định nội dung cần nghị luận. Các dạng đề về đạo lý thường thể hiện ở các dạng sau:

-     Lòng biết ơn: Biết ơn những người đi trước tạo dựng cuộc sống, biết ơn cha mẹ, thầy cô giáo…     

-     Lòng nhân ái; tinh thần đoàn kết: Tình thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, đoàn kết với nhau giữa người và người trong một cộng đồng.

2. Ý chí, lòng quyết tâm; sự kiên trì, nhẫn nại; lập trường tư tưởng vững chắc; để chiến thắng gian nan, thử thách; tinh thần học tập để tiến bộ không ngừng.

3. Các mối quan hệ trong cuộc sống lao động, học tập… (Lý thuyết và thực hành, nội dung và hình thức, lao động và hưởng thụ).

4. Môi trường sống và việc hình thành nhân cách.

5. Các hiện tượng xã hội: nạn bạo lực học đường, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hiện tượng vô cảm…

Một ví dụ tiêu biểu: Nghị luận vấn đề: Công ơn cha mẹ

Bài làm của một em học sinh Phạm Ngọc Minh để minh họa

Ngọt ngào tiếng mẹ bên tai,

Vỗ về giấc ngủ đêm dài lạnh sương.

Chao ôi! Hai tiếng yêu thương,

Lời ru như gió đại dương thổi vào.

(Bàng Bá Lân)

          Êm đềm và thiết tha quá ! tình mẹ vẫn luôn là một thứ tình cảm mãnh liệt nhất và dịu dàng nhất. Công ơn sinh thành thật to lớn biết bao, người luôn luôn ở bên ta, dạy cho ta từng bước trên cuộc đời, ôm ta vào lòng mỗi khi vấp ngã hay mỉm cười thầm lặng khi ta đạt được vinh quang, đó chính là ba mẹ. Hai đấng sinh thành mà ta cần phải một lòng thờ kính cũng như câu ca dao xưa kia ông bà ta đã nói:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

          Vượt bao thời gian, bài ca dao vẫn tồn tại mãi trong lòng mọi người Việt Nam, đó là nét đẹp văn hoá, là đạo lý của dân tộc.

          Công lao to lớn của cha ví như ngọn núi Thái Sơn sừng sững ngất trời kia, không gì có thể che lấp được, như một chân lý sáng ngời. Mượn hình tượng núi cao để thể hiện rõ hơn về công ơn người cha vĩ đại. Song với công đức ấy là người mẹ, một tình cảm, một nghĩa mẹ cao cả như nước trong nguồn không bao giờ tắt, không ngừng dạt dào vỗ về yêu thương con cái. Đối với chúng ta, để đền đáp lại công ơn đó thì phải luôn hiếu thảo một lòng đối với cha mẹ. Phải luôn làm tròn đạo hạnh của một người con ngoan, làm tròn chữ hiếu mới là đạo con.

          Tục ngữ xưa đã nói: “Con có cha như nhà có nóc”, sự hiện diện của cha là diễm phúc lớn đối với con, là một mái che vững chãi đồ sộ đối với cuộc đời của con. Cha như một mái ấm che chở, bao bọc lấy con. Công ơn cha thật to lớn. Ngọn núi Thái Sơn kia cao quá ! Công ơn cha cũng vậy, cũng vĩ đại, cũng đồ sộ biết bao. Không êm đềm dịu dàng như tình thương của mẹ, nhưng tình thương yêu của cha lại là chỗ dựa vững chãi, là nơi ta có thể quay lại để lấy thăng bằng khi sa chân lỡ bước. Tình cảm của cha mang đậm nét suy tư, trầm lắng, một tình thương vô hạn nhưng luôn cứng rắn. Có những phút nhìn lại nhìn rõ hơn, ta sẽ thấy những nếp nhăn trên trán cha cứ xô nhau hiện lên nhiều hơn. Cũng như những giọt mồ hôi thấm ướt trên lưng sau mỗi ngày làm việc cực nhọc để đem về cho ta cuộc sống ấm no. Tất cả vất vả của cha chỉ là để cho gia đình, cho ta được lớn lên trong hạnh phúc, trong sung sướng.

          Gần gũi với ta hơn, những cái vuốt đầu trìu mến hay đôi bàn tay êm ái khéo léo đan cho ta từng chiếc áo của mẹ cũng thật thiết tha quá ! Lòng mẹ luôn dạt dào cổ vũ cho ta trong cuộc đời, vẫn luôn trầm lặng dõi theo ta trên mỗi bước đi. Macxim Goocki đã viết: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan vĩ đại nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Trái tim mẹ với những đêm thổn thức, những nỗi lòng suy tư, với bao vất vả đã là một động lực giúp ta vững tin hơn, quyết chí hơn trong mọi việc làm. Những việc làm ấy thật nồng nàn, êm ái, những đêm thức trắng bên giường canh cho giấc ngủ của ta khi ta đau ốm. Những chén canh ngọt ngào mà mẹ bỏ công làm để dành riêng cho ta tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là tình yêu thương sâu đậm mà mẹ dành cho ta.

          Song song với những tình cảm và công sức của cha mẹ là tấm lòng hiếu thảo của ta. Từ xưa kia thì truyền thống hiếu thảo vốn sẵn có, biết bao tấm gương hiếu thảo trong cuộc sống xưa và nay. Từ những nhân vật văn học như Thuý Kiều của Nguyễn Du, Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu đến những tấm gương hiếu thảo trong cuộc sống đời thường. Đó là những giá trị truyền thống về chữ hiếu, về đạo làm con. Câu ca dao thật cô đọng, hàm súc trong âm điệu nhẹ nhàng êm ái của thể thơ lục bát. Như mọi người chúng ta đã biết, vạn vật không thể tự dưng mà có. Không có người chăm sóc làm sao ra quả ngọt, không có cha mẹ không thể có ta trong cuộc đời. Công ơn sinh thành dưỡng dục không sao kể xiết:

Non xanh bao tuổi mà già,

Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.”

Chính vì thế, chữ hiếu là truyền thống, là nét đẹp văn hoá của dân tộc là nền tảng đạo ly, là thước đo nhân phẩm của con người việt Nam:

Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,

Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên.”

          Đằng sau những mặt tốt đó thì trong xã hội cũng có biết bao ngang trái. Đau đớn biết bao khi đứa con mình yêu thương, chăm sóc lại như một người xa lạ. Công ơn cha mẹ vô biên ấy, thế mà trong cuộc sống có những người con khi khôn lớn trưởng thành như chim đủ lông đủ cánh, họ bay xa để mặc cha mẹ mòn mỏi khóc thầm trong đêm. Đó là một sự vô ơn đáng trách. Những hình ảnh bất hiếu đáng lên án vẫn đang còn hiện diện bên cạnh những cái tốt, như một vết ố trong nền tảng đạo lý xưa và nay. Và trong hiện thực cuộc sống ngày nay, cũng không phải không có những người làm cha mẹ tán tận lương tâm, vì đồng tiền đưa con cái vào nghịch cảnh như trường hợp người mẹ của nữ sinh giao gà ở Điện Biên để kết thúc cuộc đời cô gái xinh xắn kia trong cái chết oan nghiệt. Chúng ta cần phải phê phán những hình ảnh xấu xa đó, hướng con người đến với ý thức, nhân phẩm tốt đẹp.

          Câu ca dao như nhấn mạnh thêm về truyền thống về nét đẹp trong tâm hồn con người, đó là phải có hiếu với cha mẹ. Hướng chúng ta đi đến xây dựng một gia đình văn hoá, hạnh phúc, một xã hội văn minh tốt đẹp.

          Cùng với những nhận thức trên, chúng ta cũng cần phải có những hành động thiết thực để làm vui lòng, phụng dưỡng cha mẹ. Hãy tiếp bước truyền thống đạo lý của dân tộc từ xưa và nay

Cây khô không dễ mọc chồi

Bác mẹ không dễ ở đời với ta.”

          Những ngày tháng còn được bên bố mẹ, còn được sống trong tình yêu thương che chở thì chúng ta phải biết quý trọng, phải biết báo đền công ơn. Thường những lúc còn được sống trong tình thương, ta hay quên đi cái quý giá bên cạnh mình, quên đi rằng mỗi ngày ta lớn lên là một ngày cha mẹ đặt vào ta niềm hy vọng lớn hơn. Từng bước ta thành đạt là cả một niềm vui to lớn của bố mẹ, xua tan đi nỗi vất vả. Dừng để bất giác một ngày nào đó, cánh hồng trắng cài trên ngực áo, ta lại chợt thấy xót xa, nuối tiếc những tháng năm qua.

          Ngày xưa, quan niệm về chữ hiếu có phần nghiệt ngã “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển trong tình yêu thương, trong mối quan hệ gia đình, con cái có thể đề đạt nguyện vọng lên chính đáng lên cho cha mẹ đẻ được giải quyết một cách thoả đáng. Bên cạnh đó, chữ hiếu không chỉ đơn thuần là với cha mẹ mình mà nó còn được hiểu rộng lớn hơn. Đối với những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã hy sinh cả con mình, cả cuộc đời mình cho Tổ Quốc, cho tự do của dân tộc, hãy đến với những người mẹ còn đang khóc thầm trong tuổi già đơn độc, hãy xoa dịu đi nỗi đau thương vời vợi trong đôi mắt sâu thẳm kia. Hãy là một đứa con hiếu thảo với tấm lòng chân thành đem đến cho mẹ những niềm vui, niềm hạnh phúc.

          Hơn thế nữa chúng ta cũng cần phải đặt ý thức trung hiếu với đất nước, cả dân tộc, phải trở thành người có ích để phục vụ cho đất nước, cho mọi người. Hiện tại, mỗi chúng ta hãy học tập chăm chỉ và phấn đấu hơn nữa để vun đắp cho tương lai sau này đem công sức mình xây dựng một đất nước giàu mạnh.

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

(Đỗ Trung Quân)

          Ngọn núi Thái Sơn kia cao lớn thật, nguồn nước kia cũng vô tận biết bao. Song núi cũng chỉ tới đỉnh, chỉ có tình thương yêu của cha mẹ là lớn lao bất tận. Đó chính là một tình cảm thiêng liêng cao quí không gì có thể đo đạc được mà mỗi chúng ta đều phải trân trọng. Hơn thế nữa, trong bất kỳ thời đại nào thì chữ hiếu vẫn luôn được coi trọng. Đó là một truyền thống, một nét đẹp trong tâm hồn con người . Nó đồng thời cũng chính là cơ sở của hạnh phúc gia đình, là nền tảng của một xã hội văn minh tốt đẹp.

Biên soạn: Vũ Thị Hoàng Oanh

  • (Có 3 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...