Tư tưởng yêu nước thế kỷ X - XV, dòng chủ lưu trong văn học Việt Nam

28/02/2020

tu-tuong-yeu-nuoc-the-ky-x-xv-dong-chu-luu-trong-van-hoc-viet-nam

“Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”

(Chế Lan Viên)

Con sông Bạch Đằng là nhân chứng lịch sử hùng hồn của bao thời đại, là nơi các vị anh hùng đã làm nên những chiến công oanh liệt góp phần mạ vàng cho trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Và qua bao phong ba bão táp của quá trình dựng nước và giữ nước dân tộc ta vẫn hiên ngang tồn tại và phát triển. Đó chính tinh thần bản lĩnh cao quý được hình thành từ buổi bình minh của lịch sử: lòng yêu nước tha thiết! Tinh thần đó đã được phản ánh vào văn học rất sinh động và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong văn mạch dân tộc.

Xã hội Việt Nam vốn là một xã hội nông nghiệp, người Việt Nam với lối sống định canh, định cư nên tâm tư tình cảm chặt với mảnh đất, với mồ mả cha công, với phong tục tập quán nơi mình sinh sống. Đó là yếu tố để hình thành tình yêu đất nước một cách tự nhiên. Tình yêu Tổ quốc là dòng chảy mãnh liệt trong văn học Việt Nam. Ngay trong văn học dân gian, truyền thuyết về Thánh Gióng – Cậu bé ba tuổi cất tiếng nói đầu tiên đã thể hiện một tinh thần yêu nước sâu sắc. Qua bao biến thiên lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ xâm lược của kẻ thù, tinh thần yêu nước càng được hun đúc và trở thành nét đẹp văn hóa, là nếp sống, là thước đo nhân phẩm tốt đẹp của con người Việt Nam. Trong văn học, dòng chủ lưu xuyên suốt từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đã phản ánh lòng yêu nước nồng nàn qua những áng văn thơ muôn đời bất hủ của dân tộc.

Đọc lịch sử Việt Nam có ai lại không khâm phục Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc đã có nhiều chiến công trong việc phạt Tống, bình Chiêm, chặn đứng các cuộc xâm lăng nước ngoài. Sự nghiệp anh hùng đó tương truyền gắn liền với một bài thơ bất hủ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên mang tính chất trọng đại trong lịch sử Việt Nam:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

(Nam quốc sơn hà)

Tương truyền, trong cuộc kháng chiến vô cùng gian khó mà oanh liệt ấy, một đêm tướng sĩ nghe thấy tiếng bài thơ ấy vang lên từ ngôi đền Trương Hống, Trương Hát – hai vị danh tướng của Triệu Quang Phục. Có lẽ, Lý Thường Kiệt đã tạo ra câu chuyện thần linh để khích lệ tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Bài thơ với giọng điệu khẳng khái hùng hồn đã khẳng định nước Nam ta đã có chủ, vua nước Nam cai quản đất phương Nam. Đó là “sách trời”, là thiên mệnh. Kẻ nào xâm lược sẽ bị thất bại vì chính chúng đã chống lại ý trời. Bài thơ như một sức mạnh vô hình đã giúp nhân dân ta thắng quân Tống xâm lược.

Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc chỉ có một nhưng hình thức biểu hiện tinh thần ấy vô cùng phong phú. Đánh giặc cứu nước là hành động biểu hiện tinh thần yêu nước, làm việc quên mình để đất nước đổi thay, dân tộc hưng thịnh, là biểu hiện của người lao động. Bằng các hình thức nghệ thuật ngôn ngữ để khích lệ binh sĩ là hình thức biểu hiện lòng yêu nước thương dân của người tướng sĩ văn võ song toàn – Trần Quốc Tuấn một trong những người tiêu biểu.

Từng là người đã một tham gia kháng chiến chống Nguyên Mông thuở còn tuổi trẻ, Trần Quốc Tuấn luôn ưu tư, khắc khoải vì thế nước, sức dân trước sức mạnh và mộng bá đồ vương của vua tôi nhà Nguyên. Biết được quân Nguyên đang hầm hè hò vang trên ải Bắc chỉ nay mai là chúng sẽ vượt biên thùy. Muốn thắng thế nguy ấy, quân sĩ phải tinh thông võ nghệ. Với nhìn xa trông rộng của mình, Trần Quốc Tuấn đã viết bài “Hịch tướng sĩ”. Bài hịch thuộc thể loại văn biền ngầu, nhằm kêu gọi mọi người cùng tham gia rèn luyện, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Bằng một giọng văn nghị luận nhưng trong bài hịch vẫn có lối văn tự sự, trữ tình, miêu tả mang tính chất hùng biện, có sức lôi cuốn mọi người. “Hịch tướng sĩ” là áng văn hùng hồn thể hiện tình cảm yêu nước nồng nàn trong trái tim người tướng soái. 

Trần Quốc Tuấn đã khơi dậy lòng yêu nước của các tướng sĩ bằng việc nhắc lại những tấm gương trung thần nghĩa sĩ được đời đời lưu danh sử sách, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn của người chủ soái: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”. Đấy là ý hướng tự nguyện chấp nhận hy sinh của vị tướng soái nghĩ đến vận mệnh đất nước, đời sống quân dân, đó là lòng căm thù giặc sâu sắc với những kẻ có thái độ “nghênh ngang”, “sỉ mắng triều đình”, “bắt nạt tể phụ” và “lòng tham không cùng”. 

Từ ý thức về họa ngoại xâm, Trần Quốc Tuấn phân tích vận mệnh dân tộc trước nguy cơ xâm lược, chỉ rõ tác hại của những thói hư tật xấu, thái độ bàng quan của các tướng sĩ và kêu gọi rèn luyện binh pháp để chiến thắng kẻ thù. Bài hịch thể hiện cái tôi yêu nước vĩ đại trong trái tim người dũng tướng.

Cũng như “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” cũng là một áng thiên cổ hung văn muôn đời bất hủ trong kho tàng văn học nước nhà, là bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng tập trung hào khí của một dân tộc trong cuộc kháng chiến mười năm gian khổ, đau thương mà anh dũng chống quân Minh xâm lược, giành độc lập chủ quyền cho đất nước. Cùng với niềm tự hào dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định một quan điểm “yêu nước thương dân”, vì cuộc sống bình an nhân dân mà trừng trị kẻ có tội:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Ngọn cờ “nhân nghĩa” ấy là động lực làm nên cuộc kháng chiến gian khổ mà oanh liệt để giành độc lập cho dân tộc. 

Mở đầu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã tự hào về đất nước, con người Việt Nam:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.”

Nước Đại Việt ta có nền văn hóa lâu đời, một giang san gấm vóc riêng biệt đã bao đời gây dựng nền độc lập với biết bao chiến thắng lẫy lừng, sánh ngang các triều đại phương Bắc. Nền văn hóa được duy trì trải qua bao thăng trầm của lịch sử với biết bao chiến công oanh liệt mạ vàng trang sử dân tộc: 

“Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.”

Đó là hào khí Đông A, là chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần. Toa Đô và Ô Mã là hai vị tướng giỏi của nhà Nguyên nhưng đứng trước các vị anh hùng dân tộc của ta, chúng chỉ là bại tướng, bị “bắt sống” và “giết tươi”. Càng thấy rõ được sức mạnh to lớn, tinh thần bất khuất của quân và dân ta. Nguyễn Trãi muốn hòa trong niềm tự hào dân tộc nhưng cũng không quên tố cáo những tội ác tày trời của kẻ thù xâm lược: 

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”

Hay: 

“Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”

Một loạt tội ác của giặc tầng tầng lớp lớp, vừa khái quát cũng vừa cụ thể, có lúc tượng trưng có lúc tả thực, sinh động, đã nói lên tội ác chồng chất, vô lượng, vô biên… Chính những tội ác ghê gớm ấy đã tác động mạnh mẽ tới dân, đem đau khổ tai họa nhà tan cửa nát, mất ruộng vườn… Nên trong sâu thẳm tấm lòng họ ẩn chứa một lòng căm thù giặc sâu sắc cộng thêm lòng yêu nước nồng nàn đã trở thành một động lực thúc đẩy các tướng sĩ ra sức diệt giặc làm nên những chiến thắng:

“Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông.”

“Bình Ngô đại cáo” là bản tổng kết cuộc chiến đấu mười năm đầy đau thương mà oanh liệt mạ vàng trang sử dân tộc, một tác phẩm kiệt xuất mà Nguyễn Trãi để lại cho đời sau.

Cảm hứng về lịch sử vẫn là mạch cảm xúc của thi ca. Nguyễn Trãi, trong một lần thưởng ngoạn cảnh sông Bạch Đằng đã hồi tưởng về quá khứ, những chiến công lẫy lừng của biết bao vị tướng soái. Bạch Đằng giang, dòng sông lịch sử của đất nước niềm tự hào của mỗi con người đã trở thành một nguồn cảm hứng vô bờ, một đề tài lịch sử để Nguyễn Trãi sáng tác ra bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng”. Trong lúc đang lướt “chiếc buồm thơ” trên sông để ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kì vĩ ấy bất giác ấy Nguyễn Trãi lại quay trở về với cội nguồn dân tộc. Non sông hùng vĩ, hiểm trở là đây với những dãy núi non lởm chởm nhấp nhô, như cá kình, cá ngạc bị “băm vằm” ra nhiều khúc. Bãi sông trải dài với dấu tích vô vàn binh khí đáo gươm của giặc bỏ lại chốn này. Nhà thơ đã tôn thêm cho khung cảnh đó một màu sắc kì vĩ, hùng tráng còn in dấu vết chiến trường. Cảnh trí thiên nhiên nơi đây như mang thêm màu sắc thiêng liêng, vẻ uy linh lẫm liệt, gợi lên những trận thủy chiến từng diễn ra nơi đây với niềm tự hào dân tộc. Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng xông pha nơi trận mạc, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Minh hẳn đã trở về với những kỉ niệm nóng bỏng của mình để liên tưởng đến những chiến công của Ngô Quyền đã nhấn chìm quân Nam Hán và mở ra một kỉ nguyên mới của độc lập dân tộc, một Lê Hoàn lập nên chiến công phá tan giặc Tống. Rồi đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vùi thây quân Nguyên Mông trên sóng nước Bạch Đằng:

“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.”

(Nguyễn Trãi – Cửa biển Bạch Đằng)

Dòng sông Bạch Đằng đã ghi lại những chiến tích oai hùng. “Giáo gươm chìm gãy” một giọng thơ mang đầy chất tự hào khẳng khái làm cho hào khí của dân tộc bừng lên trong từng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu tạo nên nét độc đáo trong dòng văn học thế kỷ XV. Nguyễn Trãi mãi mãi là tấm lòng “ưu dân ái quốc” dù trong bất kỳ trường hợp nào: 

“Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.”

(Nguyễn Trãi – Thuật hứng)

Cho dù có mài, có nhuộm thì tấm lòng trung hiếu của Nguyễn Trãi chẳng bao giờ mòn chẳng bao giờ phai. Giọng điệu câu thơ thật khẳng khái thể hiện một nhân cách cao đẹp, một tấm lòng yêu nước, yêu nhân dân và quan niệm ấy của Nguyễn Trãi rất phù hợp với quan niệm ngày nay: “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”.

Tóm lại văn học từ thế kỉ X đến XV đã phản ánh sâu sắc tư tưởng chủ đạo là tư tưởng yêu nước cùng với niềm tự hào dân tộc, ca ngợi chiến công oanh liệt càng chứng tỏ dân tộc ta có truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang. Những Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi… cùng với những tác phẩm văn học kiệt xuất đã hòa vào dòng chảy của văn học dân tộc. Yêu nước trở thành dòng chữ lưu văn học Việt Nam. 

BÙI MINH TÂM

(cựu học sinh THCS Hoàng Hoa Thám, Tân Bình)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...