Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có

21/02/2023

"Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có" (Nam Cao)

Lâm Hải Đăng Khoa

(Lớp 12 A2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022 - 2023)

Văn chương ngàn đời nay đã hiện hữu và có mặt tự bao giờ. Sự xuất hiện của nó đã thay đổi không ít nhiều đến thế sự, tư duy và đời sống của bạn đọc. Văn chương là thế, nó phản ánh lại cuộc sống, là tấm gương ngàn đời để con người soi chiếu nhau mà học hỏi, sửa đổi, hướng nhân loại đến cái đẹp. Nhà phê bình văn học người Nga Séc-nư-xếp-ki đã từng nói: "Văn học chính là cuộc sống". Nghĩa là nó phải được bắt nguồn từ cuộc sống, từ số kiếp con người. Văn học không chỉ hướng đến cái đẹp, sự hào nhoáng bóng bẩy mà còn đem lại những giá trị nhân đạo, hiện thực cốt lõi mà nhà văn muốn gửi gắm. Và Nam Cao với một ngòi bút đầy những rung cảm, nhà văn thực thụ đã đem biết bao cảnh khổ lồng vào trang viết của mình với tư tưởng: "Văn học vị nhân sinh" đã đúc kết ra quan niệm sâu sắc về sự sáng tạo trong văn chương: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có". Quan niệm đúng đắn xuyên suốt ngàn đời và cuộc đời nghệ thuật của Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí trong tác phẩm "Chí Phèo" với nhiều nét độc đáo và mới mẻ.        

Nhà thơ, nhà văn là con ong mãi đi tìm mật ngọt như Chế Lan Viên từng nói. Nhưng mấy ai hiểu được cái ý nghĩa cốt lõi trong đó. Nhưng Nam Cao đã khéo léo đưa nó vào trong nhận định của mình: "Văn chương không cần tay và làm theo những kiểu mẫu đưa cho". Một người thợ giỏi, một người thợ tài ba khéo tay trong lao động họ luôn là những người thành thạo mọi thứ theo mẫu, theo công thức, khuôn khổ nhất định. Vai trò và vị trí của họ là rất cần thiết trong một đời sống hối hả như hiện nay. Nhưng nhà văn không thể như vậy, họ không thể lúc nào cũng rập khuôn, tuôn theo khuôn mẫu hay công thức nào đó. Mà nhà văn phải biết "Phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới", khai phá cuộc sống và dùng những kinh nghiệm sự hiểu biết của mình mà khắc họa nó qua từng con chữ. Như vậy tác giả và tác phẩm văn chương mới không bị gò bó nhạt nhẽo, trở thành cái thứ gọi là "Văn chương công thức" ấy. Và người đọc với tâm thế đi tìm và học hỏi thêm những kiến thức để bồi đắp cho tâm hồn vẫn sẽ không thể chấp nhận thể loại văn chương này. Nên Nam Cao mới thật sự nói: "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu biết tìm tòi và khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có". Ý thức và trách nhiệm của nhà văn đối với văn chương vô cùng quan trọng. Nó không phải một thứ nghề để chơi, mà là sự tìm tòi và khai phá những gì chưa có. Sự sáng tạo trong văn học là một điều vô cùng cần thiết mà mỗi nhà văn đều nên có và phải có. Quan niệm sáng tạo trong văn học ấy đã là tâm niệm cho cả đời của kẻ say chữ - Nam Cao. Với một trái tim đầy những xúc cảm xót xa trước biết bao cảnh khổ, Nam Cao đã như bước vào cuộc sống của những người nông dân trong xã hội cũ đầy bất công oan trái qua nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên.       

Lật lại những trang văn trước của Nam Cao ở tác phẩm Lão Hạc đã mang đến cho độc giả những cảm xúc bâng khuâng khó tả về số phận người nông dân nghèo trong xã hội cũ, sự bần cùng đầy bi ai, xót xa. Không chỉ vậy ở tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố hay "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan đã để lại rất nhiều ấn tượng, điển hình về nỗi đau khổ dai dẳng tột cùng của người nông dân qua hình ảnh chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang giấy vàng nâu của Nam Cao, bạn đọc như lặng đi, chua chát, đau khổ tột cùng. Đây mới thực sự là nỗi khổ lớn nhất, bi kịch đớn đau nhất của nông dân Việt Nam. Nhân vật Chí qua lăng kính của Nam Cao đã hiện lên trong một mình hài kẻ sâu rượu, say xỉn triền miên. Nhưng chỉ một bát cháo hành của nàng Thị Nở, hắn mới ý thức được làm người. Hắn với bộ dạng bê tha gằn giọng chửi người, chửi đời nửa khóc lóc nửa giận dữ với khuôn mặt đầy những vết sẹo dọc ngang sau bao lần rạch mặt ăn vạ. Hình ảnh người nông dân Việt Nam và nỗi khổ chung được kết tụ thành nhân vật Chí Phèo. Đó là hình ảnh người nông dân vốn dĩ lương thiện mà bị ép đến mức tha hoá, bần cùng hoá. Tuy nhiên nhân vật Chí Phèo lại được Nam Cao tô lên một gam màu rất riêng nhưng rất thân quen nhưng cũng rất mới lạ độc đáo. Các màu sắc riêng biệt mà Chí Phèo được Nam Cao tô điểm lên không hề giống chị Dậu của Ngô Tất Tố hay anh Pha của Nguyễn Công Hoan. Một ý niệm sâu sắc đầy sáng tạo của Nam Cao là đã đưa độc giả đến một khía cạnh một góc khuất to lớn của đồng bào nông dân Việt Nam ta thuở trước. Với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố hình ảnh người nông dân đói nghèo về vật chất, cơm gạo thì ở Chí Phèo đã mở rộng nhân sinh quan của bạn đọc một cách bao quát và sâu sắc hơn khi đã mượn hình ảnh Chí để nói lên nỗi đau khổ lớn hơn của người nông dân mà bấy lâu nay họ phải gánh chịu, đó là bị tước đi quyền sống, quyền làm người. Vấn đề về vật chất bây giờ không còn to tát, việc cứu lấy nhân phẩm và nhân cách của một con người ở nhân vật Chí mới là một nỗi đau đớn dày xéo tâm hồn hơn nhiều. Đó là tấm gương điển hình soi chiếu lại cuộc sống của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Họ bị tước đi quyền làm người đến mức bần cùng tha hoá, từ một người dân lương thiện lao dốc xuống thành một kẻ rạch mặt ăn vạ. Nam Cao đã rất xuất sắc khi khắc họa lên Chí Phèo một cơn gió mới để nói lên hết những nỗi lòng u uất của những người nông dân còn bị xem thường và thấp bé trong xã hội. Những khám phá mới mẻ về nỗi đau con người được phản ánh chân thực đầy xúc động dưới ngòi bút của Nam Cao.     

Hay Tô Hoài đã đem đến cho người đọc về một hình ảnh người con gái xứ núi Tây Bắc là nhân vật Mị. Vì chữ hiếu, mình đã biến mình làm con dâu gán nợ cho nhà Thống Lí với mong muốn trả được số nợ của cha mình. Số kiếp người nông dân trong "Vợ chồng A Phủ" qua nhân vật Mị và A Phủ đã là một bài cáo trạng tố cáo bộ mặt tàn ác của bọn quan tham chức quyền khi trước. Lên án một chế độ cường quyền và thần quyền đã trói buộc cuộc sống của Mị vào nơi xó bếp củi, làm con ở cho gia đình tên quan tham lam tàn ác Thống Lí. Người nông dân khi ấy qua nhân vật Mị được thể hiện rằng, chúng xem còn thua một con trâu con ngựa, mạng người không bằng mạng con vật. Trói buộc kiếp con người vào trong bóng ma thần quyền, cường quyền của nhà Thống Lí, khiến cho cuộc sống của người nông dân khi ấy sống không bằng chết, đó chính là sự sáng tạo. Với một đề tài về người nông dân Việt Nam nhưng ở Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao hay Tô Hoài, đều mang một màu sắc rất riêng biệt. Họ luôn liên tục tìm tòi và học hỏi những nét mới lạ trong từng nhân vật, để mang đến cho người đọc những giá trị thật sự.           

Và những tác phẩm những nhà văn luôn đi theo những lối mòn cũ sẽ dần bị lãng quên. Thế nên chỉ có những giá trị thật sự mới còn đọng mãi trong lòng người đọc và sống mãi với thời gian. Vậy nên bây giờ người ta mới nhắc tới một kẻ sâu rượu như Chí Phèo, hay một cô nàng Mị dù cùng cực nhưng vẫn mang trong mình một ngọn lửa của sự sống. Giá trị nhân đạo và hiện thực mà các nhà văn trên kia mang lại đều sẽ là một viên ngọc quý toả sáng ngàn đời cho nền văn học nước nhà. Và nhận định đúng đắn trên của Nam Cao đã khẳng định được những nhà văn, nhưng tác phẩm mang đầy những sáng tạo, được vun đắp đủ đầy sẽ nằm ngoài sự băng hoại của thời gian và sống mãi ngàn đời cho đến hậu thế về sau.

Lâm Hải Đăng Khoa

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...