Văn chương – tiếng lòng người cầm bút

21/10/2023

Văn chương – tiếng lòng người cầm bút

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024

Từ đâu mà con người tìm kiếm văn chương? Từ đâu văn chương đi vào cuộc sống con người? Một cốt truyện ly kì hấp dẫn? Một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Văn học được bật ra từ những cơn mê tỉnh của người nghệ sĩ, từ cõi lòng tinh tế nhạy cảm đến mong manh, từ những “ giọt nước mắt cảm xúc”. Đó như là “đứa con tinh thần” của người cầm bút, là nỗi niềm của người nghệ sĩ đối với văn chương, để từ đó anh cất lên những vần thơ, những câu chữ làm say đắm lòng người. Nói như Puski cũng đã từng quan niệm rằng: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút.”

Văn chương là một loại hình nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm như một lớp phù sa để lại trong ta những ký ức đẹp, những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên con người. “Đó là thứ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm” (Thạch Lam). Văn chương khởi phát từ tấm lòng của người cầm bút, từ “giọt nước mắt” chảy trong lồng ngực của tác giả. Giọt nước mắt ấy chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là những giọt nước mắt đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những niềm vui, nỗi buồn, những vỡ òa trước phận dời hẩm hiu, trước những hiện thực nghiệt ngã, ngang trái. Nó giúp ta khơi dậy những tình cảm, cảm xúc mà trước nay ta chưa từng có, đó là thứ tình cảm mà ta cảm nhận được thông qua cảm xúc của nhân vật, bởi lẽ ta chưa từng trải qua cũng như biết đến và đối với những tình cảm nhân bản mà ta có sẵn, văn chương sẽ làm đầy đặn nó thêm, tôi luyện nó trở nên sâu sắc, vững bền và đẹp hơn bao giờ hết, làm cho xúc cảm trong cuộc đời của ta trở nên muôn màu, muôn vẻ.

Mỗi một tác phẩm sẽ mang theo trong mình những linh hồn khác nhau, những nỗi niềm, khát khao và những thông điệp riêng mà tác giả muốn truyền đạt tới. Những sáng tác của nhà văn như những công trình nghệ thuật và người nghệ sĩ cũng chính là kỹ sư khắc họa và hoàn thành công trình ấy. Để tạo nên một tác phẩm thành công và trường tồn theo thời gian thì các tác phẩm phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về chân – thiện – mỹ cũng như sự sáng tạo và nghệ thuật của nhà văn. Văn học như là muối của biển, nó phải được gặn lọc từ hiện thực xô bồ của đời sống xã hội với biết bao hiện thực đan cài, chồng chéo nhau giữa bao cái có nghĩa và vô nghĩa, tất yếu và ngẫu nhiên, bản chất và hiện tượng. Nhà văn phải biết chọn lấy những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất cái thần của sự vật, mang tính khái quát cao độ để từ đó rút ra những bài học về đạo đức và nhân sinh. Mỗi tác phẩm sinh ra như chứa đựng trên mình những triết lý, ý nghĩa về cuộc sống hay về một thực trạng nào đó, sẽ có vô vàn các tác phẩm được sinh ra trong cùng một thời đại nhưng sẽ có được bao nhiêu tác phẩm vẫn mãi luôn đọng lại và in sâu trong lòn độc giả? Tại sao khi nhắc đến văn học trung đại ta lại nghĩ ngay đến Truyện Kiều – Nguyễn Du? Tại sao khi nhắc đến thơ ca trữ tình chính trị ta lại nghĩ ngay đến Tố Hữu? Và tại sao khi nói đến ông hoàng thơ tình ta lại nghĩ ngay đến nhà thơ Xuân Diệu? Phải chăng những vần thơ trên là những tuyệt tác tác tiêu biểu nhất? Hay do đó đều được xuất phát từ tiếng lòng của nhà văn, từ những dòng cảm xúc chân thật đến không ngờ, từ những trái tim đầy nhiệt huyết của người nghệ sĩ cầm bút.

Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy được cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật còn vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cữu sống mãi với thời gian…

Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều là hình hài sắc vóc, còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa. Ta yêu Truyện Kiều đâu phải vì “Đoạn trường tân thanh” xé ruột cất lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của cánh hoa Thúy Kiều, người Việt Nam yêu Truyện Kiều còn vì những “ngôn từ gấm hoa” bởi sức biểu cảm vì âm hưởng ca dao dịu dàng man mác trong thơ ca lục bát của dân tộc và cả vì giá trị đạo đức, vì lòng yêu thương con người xuất phát từ cõi lòng của đại thi hào Nguyễn Du:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Hình ảnh bể dâu trong câu thơ trên được nhà thơ lấy ý từ câu chữ Hán: “Thương hải biến vi tang điền” (Bể xanh hoá thành ruộng dâu). Đó chính là hình ảnh của sự thay đổi, sự biến chuyển nhanh chóng ngay trước mắt ta. Hình ảnh ruộng dâu xanh ngắt mới hiện ra trước mắt mà lại biến thành biển nước bao la. Phải chẳng đây là ảo giác? Cuộc bể dâu mà Nguyễn Du trải qua đây không phải là ảo giác mà là sự thực rành rành trước mắt. Đó là hình ảnh của xã hội với sự thay đổi nhanh chóng không ngờ mà Nguyễn Du đã chứng kiến. Chính vì thế, những điều trông thấy đã làm cho nhà thơ phải đau đớn lòng. Tâm can tác giả quặn thắt, đau xót vô cùng trước những hình ảnh diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nhà thơ chua xót và đồng cảm với những kiếp người cơ cực trong xã hội bấy giờ, tiếc thương cho số phẩn hẩm hiu, bi đát của con người trong xã hội phong kiến ngày xưa.

Hay tác giả Nam Cao dã từng viết trong Giăng sáng như sau: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nhận định ấy đã cho ta những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Cuộc sống giống như một nghiên mực mà nhà văn phải chấm bút vào đấy, tức là nhà văn phải xuất phát từ hiện thực, nếu văn chương không xuất phát từ hiện thực thì chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi. Nhận định trên đã gợi nhắc ta đến ngay với nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Lão Hạc là một người nông dân nghèo sống cô độc một mình, lão có một cậu con trai nhưng do nghèo không có tiền cưới vợ nên phải đi làm đồn điền cao su biệt tăm ròng rã hơn năm năm trời. Bên cạnh lão chỉ có một người bạn duy nhất do con trai tặng để bầu bạn và được lão âu yếm gọi tên là Cậu Vàng. Đó cũng là kĩ vật của người con trai để lại với lão. Sự túng quẫn ngày càng đe dọa lão, sau khi trải qua trận ốm kéo dài, lão yếu người đi ghê lắm, đồng tiền bấy lâu dành dụm nay cũng dần vơi cạn đi, ông không có việc làm rồi còn bị bão phá hoại sạch sành sanh hoa màu trong vườn. Cái nghèo đè nặng lên vai, ông phải để dành tiền, để lại mảnh vườn cho con trai, lão lại chọn cái chết đau đớn nhất, dằng vặt nhất để hóa kiếp. Thông qua tác phẩm Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã lên án cái xã hội đầy bất công, oan trái. Bên cạnh đó, nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên cũng chính là nạn nhân của lò nhuộm xã hội đã lưu manh hóa một con người vốn lương thiện. Đó là một tấn bi kịch của một thời đại tối đen của con người đi tìm sự lương thiện mà cuộc đời đánh mất. Hay đến với nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân đã cho chúng ta thấy ngọn lửa bừng lên của hi vọng về một tương lai tươi sáng. Nếu số phận của Chí là bóng tối của người nông dân những năm 1930 – 1945 thì ở Tràng ta mới cảm nhận được ánh sáng của cách mạng. Qua đó ta thấy được văn chương luôn phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp thông qua tiếng lòng và ngòi bút của tác giả.

Phiên chợ “cuộc đời” phồn tạp bày bán đủ mặt hàng hỉ nộ ái ố nhưng lại không có sự cảm thông. Chính vì nhà văn bất mãn trước những nghịch cảnh trên đôi mắt của mình nên anh đã trao ban những ngọt ngào vốn của riêng dành tặng cho nhân thế. Nhà văn giữ vững bản thân, thu mình lại và viết. Bởi khi anh chấm ngòi bút vào nghiên mực rồi, hồn của riêng anh nhưng chữ của trái tim. Nhuần nhị trong những trăn trở về sáng tác của đời thi sĩ, A. De Musset trong “những bậc thầy văn chương” viết rằng: “Những lời tuyệt vọng nhất là những lời ca hay nhất. Ta biết có những lời bất hủ song chẳng qua là những nức nở mà thôi”.

Văn chương là tâm hồn và là cuộc sống. Hai thứ ấy như hòa quyện vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và phải là sản phẩm của những con người biết thương yêu, phải xuất phát từ cõi lòng, từ cảm xúc, từ giọt ngọc của người nghệ sĩ.

Trần Thị Như Quỳnh

  • (Có 269 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...