Viếng lăng Bác – Lời tưởng niệm chân thành đến với vị cha già dân tộc

19/12/2019

vieng-lang-bac-loi-tuong-niem-chan-thanh-den-voi-vi-cha-gia-dan-toc

       Bác đã ra đi. Nhưng hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc cùng với tất cả những gì Người đã dành trọn cho quê hương, đất nước vẫn muôn đời bất hủ. Mỗi người dân Việt Nam đều dành những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất với Bác. Hòa vào dòng cảm xúc vô bờ bến, Viễn Phương đã thay mặt những người con miền Nam ra thăm lăng Bác. Trong niềm xúc động thiêng liêng ấy, Viễn Phương đã cho ra đời bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ mở đầu bằng lời bộc bạch giới thiệu đầy cảm xúc thiết tha “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác…” và kết thúc bằng những ước vọng tiếp bước theo lý tưởng của Bác “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Cả bài thơ là lời tưởng niệm chân thành đến với vị cha già dân tộc.

       Trong cuộc chiến tranh gian khổ, Bác như một vì sao sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam. Hình ảnh Bác trong tâm trí mọi người, nhất là đối với đồng bào miền Nam vô cùng thiêng liêng, cao quý:

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.”

(Tố Hữu)

       Thế mà trong niềm vui lớn của cả đất nước, đại thắng mùa xuân 1975, mọi người chợt nhận ra rằng có một điều thiếu vắng không thể bù đắp được: Bác đã không còn, không thể nhìn tận mắt cái ngày mà Bác đã mong ước, đã dõi theo hơn nửa cuộc đời mình. Ai cũng có thể cảm nhận được trên khoảng trời không bao la kia có ánh mắt hiền từ, vui sướng của vị cha già dân tộc, Bác đang cười… nụ cười thật mãn nguyện giữa bầu trời rợp sắc đỏ sao vàng. Trong dòng người đến viếng lăng Bác, Viễn Phương đã bộc bạch:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương, hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

       Lời thơ bình dị thiết tha cũng như những tình cảm mà người dân miền Nam gửi đến Bác. Cụm từ “con ở miền Nam” vừa thể hiện một niềm tự hào vừa thể hiện một niềm đau khôn tả. Con đã từ miền Nam – từ một nơi vừa thoát khỏi xiềng xích nô lệ, từ một nơi gian khổ mà anh hung, vừa đấu tranh thoát khỏi bọn xâm lược để đoàn tụ với đại gia đình Việt Nam. Qua cách xưng hô “Bác – con” đã thể hiện sự thành kính đối với Bác. Trong làn sương sớm của một ngày thu Hà Nội, đến nơi Bác đang yên nghỉ như đang đến với một làng quê thanh bình bên những hàng tre xanh, bát ngát. Từ xa nhà thơ hướng tầm mắt về phía lăng Bác và chợt bắt gặp được một màu xanh quen thuộc – màu xanh của những hàng tre thân thương. Hàng tre từ ngàn đời đã gắn chặt với tâm hồn con người Việt Nam. Từ “ôi!” đã bộc lộ cảm xúc chân thành xúc động của nhà thơ. Nghệ thuật ẩn dụ “hàng tre xanh xanh” đã nói lên dân tộc Việt Nam gian khổ nhưng kiên cường anh dũng. Hàng tre đã phủ màu xanh lên bao thế hệ của dân tộc. Màu xanh là màu của sự sống, màu của mùa xuân bất tử, màu của niềm tin yêu hi vọng. Qua bao phong ba sóng gió, hàng tre vẫn vững vàng cùng dân tộc. Từ khi Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc cứu nước cho đến nay, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua bao biến đổi, bao lần chiến đấu để bảo vệ từng mảnh đất cha ông thật kiên cường, bền bỉ. Tre tượng trưng cho những phẩm chất của con người Việt Nam: đoàn kết, bất khuất, hiên ngang, bền bỉ. Nguyễn Duy cũng đã từng viết trong bài thơ “Tre Việt Nam”:

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!

       Viếng lăng Bác, Viễn Phương đã làm cuộc hành trình trở về với cội nguồn dân tộc, của những gì gần gũi, thiết tha, quen thuộc. Nhà thơ như cố nén cảm xúc khi dùng từ “thăm” chứ không là “viếng”, và chừng như trong tâm thức nhà thơ, Bác vẫn như đang còn đây, đang dang tay ôm người con miền Nam thân yêu trong tình thương vô bờ. Từ xa, nhà thơ đã cảm nhận những hàng tre “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” như đoàn vệ binh trang nghiêm canh giữ giấc ngủ của Bác. Trước lăng Bác – một vị lãnh tụ tài ba của dân tộc, không phải là những gì tráng lệ, rực rỡ mà là những hàng tre thân thương, giản dị, quen thuộc. Cũng như chính con người Bác, sự giản dị, đơn sơ ấy đã làm cho mọi người xúc động, xúc động đến rơi nước mắt. Mọi người dần dần bước vào trong lăng bằng sự trang nghiêm. Bầu trời lồng lộng, mặt trời soi sáng:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

       Mặt trời là nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ nhất, vĩnh viễn của thế gian này, mặt trời mang đến sự sống cho con người, cho muôn loài. Nhà thơ Viễn Phương đã thật khéo léo khi xây dựng hình ảnh ánh mặt trời thật đang soi sáng trên lăng Bác. Bằng nghệ thuật nhân hóa tạo hình ảnh sinh động. Mặt trời vũ trụ đang nhìn mặt trời chân lý đó là Bác. Nhà thơ Viễn Phương đã liên tưởng Bác chính là mặt trời chân lý sáng ngời. Cả không gian bài thơ bỗng rực rỡ “màu đỏ”. Câu thơ tràn đầy sức sống, chứa chan lòng thành kính vô vàn của nhà thơ đối với Bác. Trong những năm tháng dân tộc ta còn đang sống trong xiềng xích ngục tù, Bác chính là ánh sáng, niềm tin đã soi đường dẫn lối cho dân tộc. Đất nước ta đã chịu bao nhiêu gian khổ, đã chìm trong biển đói nghèo, vất vả:

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ

Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi.

(Chế Lan Viên)

       Bác xuất hiện như con tàu đưa đất nước vượt qua bao phong ba, bão táp, vượt qua đêm trường tăm tối để đến bến bờ độc lập, tự do. Mái tranh nghèo xơ xác ngày xưa giờ đã bắt đầu thay bằng những mái nhà sắc ngói như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

Mái rạ nghìn năm hồn thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che.

       Vầng sáng của mặt trời thiên nhiên có lắm lúc bị mây che mờ nhưng vầng sáng của mặt trời Bác là nguồn sáng mãi mãi, nguồn sáng soi đường cho con người Việt Nam, cho các thế hệ Việt Nam. Đất nước Việt Nam có hai mặt trời: một trên lăng, một trong lăng, một soi sáng sự sống hàng ngày, một soi sáng tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

Giọng thơ bỗng chuyển sang trầm lắng suy tư:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

       Nếu như quy luật vận hành của tự nhiên, ngày ngày mặt trời vẫn cứ mọc, vẫn cứ đi qua lăng Bác, thì mọi người đến viếng lăng Bác trong niềm thành kính, thương nhớ như một quy luật vận hành của tình cảm. Điệp từ “ngày ngày” nhấn mạnh một chân lý không bao giờ thay đổi: Bác vẫn sống trong lòng mỗi chúng ta. Dòng người đang đi là đi trong cuộc hành trình ngợi ca vinh quang Bác. Và tràng hoa vinh quang này không phải được kết bằng những bông hoa bình thường như mọi tràng hoa khác, mà đây là một tràng hoa bất tận, tràng hoa không bao giờ tàn, tràng hoa thật sự của đời: hoa – con người. Nhà thơ đã liên tưởng hình ảnh dòng người kết thành những tràng hoa vô tận để dâng lên Bác. Hình ảnh “tràng hoa” còn có ý nghĩa tượng trưng: cuộc đời như nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Nghệ thuật hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” đã thể hiện lòng thành kính của nhà thơ cũng như mọi người đối với Bác. Bác chính là mùa xuân cho đất nước, cho con người.

       Từ từ bước chân vào nơi Bác nằm, không ai nói ai, mọi người cùng im lặng bước thật nhẹ chân, trong lòng dâng lên một niềm xúc động thiêng liêng như Hải Như đã viết:

Chúng ta hãy bước nhẹ chân nhẹ nữa

Trăng trăng ơi hãy yên lặng cúi đầu

Cả cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ chúng ta canh giấc ngủ.

       Nhà thơ hòa vào dòng người đi vào lăng Bác – nơi Bác đang nằm yên nghỉ bên vầng trăng dìu dịu hiền hòa:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

       Bác nằm đây giữa một vùng ánh sáng nhè nhẹ hiền hòa. Ánh sáng ấy được nhà thơ miêu tả như một vầng trăng gần gũi nên thơ. Điều đó tạo không gian bài thơ vừa mơ vừa thực. Chừng như Bác không hề mất đi giữa cuộc đời này mà chừng như Bác vẫn đang nằm đó trong giấc ngủ bình yên sau một chặng đời chưa được nghỉ ngơi. Cả một cuộc đời Người hi sinh vì dân tộc đã phải trải qua biết bao phong ba sóng gió. Và ngày hôm nay Bác đang lặng yên mãn nguyện với cuộc sống thanh bình của mọi người dân. Chung quanh soi sáng giấc ngủ Bác là hai nguồn sáng vô tận của vũ trụ: mặt trời trên lăng và mặt trăng trong lăng. Hai nguồn sáng ấy như hội tụ về đây để canh giữ giấc ngủ vĩnh hằng cho Người. Nói đến trăng, ta lại nhớ đến vầng trăng trong những vầng thơ hiền hòa của Bác. Trăng như người bạn tri kỉ của Bác trong suốt đoạn đường đời. Trăng đã từng đến với Bác trong chốn tù đày:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

(Hồ Chí Minh)

       Cảnh đẹp đêm trăng khó hững hờ đến với Bác giữa “Cảnh khuya” của núi rừng Việt Bắc:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lòng hoa.

(Hồ Chí Minh)

       Và bây giờ khi Bác đã nằm yên nơi đây, trăng vẫn theo canh chừng giấc ngủ cho Người. Giọng thơ bỗng chuyển đổi đột ngột từ nhẹ nhàng êm ái sang dằn xé day dứt:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

       Vẫn biết quy luật tất yếu của cuộc đời: quy luật nghiệt ngã của sinh tử. Thế mà sao nhà thơ vẫn không giấu được niềm xúc động. Bác đã ra đi nhưng sự nghiệp, hình ảnh của Người vẫn còn sống mãi trong tâm hồn mọi người. Bác đã hòa nhập vào hồn thiêng sông núi, bất tử với thời gian. Bác như trời xanh, Bác là mãi mãi. Từ tận cùng sâu thẳm của tâm hồn bỗng “nhói” lên một niềm đau khôn tả. Lời thơ như tiếng nấc nghẹn ngào, thể hiện một cảm xúc chân thành, đau xót. Bác mất đi là một tổn thất lớn lao của dân tộc. Cụm từ “vẫn biết… mà sao” đã thể hiện sự giằng xé day dứt trong lòng nhà thơ.

Nhưng rồi cuộc sum họp nào rồi cũng chia lìa, đứng trước lăng Bác trong niềm cảm xúc vô bờ, chạnh nghĩ đến việc trở về miền Nam nhà thơ đã không kìm được nỗi niềm thương nhớ.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

       Thương, thương đến trào nước mắt, đó chính là tình thương của nhân dân Việt Nam, của miền Nam ruột thịt dành cho Bác trong giây phút này, giây phút lặng người trước sự hi sinh to lớn của Bác… tất cả như im lặng… lặng im… Những cảm xúc bị dồn nén bổng trào dâng “thương trào” thật tự nhiên, thật chân thành. Và trong phút chốc ấy, nhà thơ như muốn hóa thân:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

       Âm hưởng bài thơ được nhấn mạnh lên qua điệp ngữ “muốn làm”. Hình như có một sức mạnh vô hình nhưng mãnh liệt níu kéo lòng ta ở lại. Phải chi ta có thể biến thành những gì thân yêu quanh nơi Bác yên nghỉ, để có thể hằng ngày nhìn thấy Bác, nhìn thấy cả tấm lòng của người lãnh tụ vĩ đại, bao dung. Ước gì ta có thể làm một con chim nho nhỏ góp tiếng hát của mình vào những buổi bình minh nơi lăng Bác. Hay ước chi ta được làm một bông hoa dân tộc nở quanh lăng của Người. Và phải chi một ngày nào đó ta sẽ trở thành một cây tre bên những hàng tre xanh tỏa bóng mát dịu dàng nơi lăng Bác. Ước chi… ước chi… điều ước duy nhất là tiếp bước con đường, đi theo lý tưởng của Bác trong công cuộc xây dựng đất nước. Câu thơ kết thúc trầm lắng nhưng sao tâm hồn nhà thơ lại vút lên cao. Nỗi thương nhớ, sự tự nguyện giờ phải biến thành những gì có thật hơn, những gì mà có thể cống hiến cho quê hương, Tổ quốc, để muôn đời xứng đáng với những gì Bác đã làm cho dân tộc.

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

(Tố Hữu)

       Có người đã từng nói: “Văn chương là chữ nghĩa, nhưng trước hết nó lại là một tấm lòng “. Bài thơ “Viếng lăng Bác” làm rung động lòng người bởi tấm lòng bình dị nhưng cao quý mà những người con miền Nam dành cho Bác. Bài thơ là một niềm xúc động vô bờ bến, niềm tôn kính thiêng liêng, cao quý của người con miềm Nam dâng cho Bác. Với giọng điệu thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, câu thơ vừa thiết tha, vừa thành kính, trang trọng đã thể hiện được tấm lòng của nhà thơ.

Bài thơ là một cung bậc về tình yêu thương tôn kính của người dân Việt Nam dành cho Bác. Cung bậc này sẽ mãi ngân lên… ngân mãi vào lòng mỗi người dân về Bác – vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người tôi sẽ chết cho quê hương.

                      (Tự nguyện – Trương Quốc Khánh)

Nguyễn Thảo Nguyên

(Cựu học sinh THCS Hoàng Hoa Thám)

  • (Có 455 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...