Đề thi và Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 2 - môn Ngữ Văn

07/08/2021

Đề thi và Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 2 - môn Ngữ Văn

Phần

Câu/Ý

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu

3.0

1

Mục đích của việc chăm sóc và giữ gìn hành tinh này là  đó là mái nhà thân yêu của bạn, để cho các thế hệ mai sau- bất kể màu da sắc tộc, tôn giáo quốc tịch – có thể phát triển một cách trọn vẹn trong tương lai.

0.5

2

Chỉ ra những điều gần gũi, những việc đơn giản nên làm:

Không hút thuốc, trồng cây xanh, không đối xử thô bạo với động vật...

0.5

3

Nhận định: Thật ra bạn vẫn luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn đang đứng ở bất cứ vị trí nào trên hành tinh này được hiểu là:

  • Nếu chúng ta coi hành tinh này là ngôi nhà chung của mọi người thì khi chúng ta đứng bất cứ nơi đâu trên hành tinh này thì vẫn như đang ở nhà mình.

  • Nếu bạn cảm nhận một cách sâu sắc rằng nhân loại này là gia đình của mình thì ở bất cứ nơi đâu bạn cũng thấy lòng mình ấm áp, bình yên, tự tin và không cô đơn… Và chắc chắn ở đó mọi cũng coi bạn như vậy. Hành tinh này là của chung mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, lãnh thổ.
  • Hành tinh này là mái nhà chung mà ở đó mọi người có quan hệ khắng khít, tương tác, nương tựa lẫn nhau. Bất cứ một vấn đề nào ảnh hưởng đến mọi người cũng đều ảnh hưởng đến bạn và ngược lại. Mình vì mọi người, mọi người vì mình.

1.0

4

Thí sinh có thể đồng tình hoặc có thể không đồng tình ý kiến trên. Chú ý đưa ra dẫn chứng thuyết phục, lập luận chặt chẽ để giải thích làm rõ ý kiến: Thôi nghĩ đến sự khác biệt bề ngoài tức là không nên chú ý về mặt hình thức bên ngoài, hãy nghĩ đến phẩm chất, giá trị bên trong.

  • Đồng tình vì nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy như vậy thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn, không còn chiến tranh, hận thù, không còn phân biệt sắc tộc màu da tiếng nói. Khi đó, mọi người sẽ sống bình yên và hạnh phúc hơn.
  • Khẳng định mối quan hệ cá nhân và cộng đồng. Mỗi người có thể khác nhau màu da, đầu tóc, văn hóa nhưng đều có chung cảm xúc, khát vọng, tình yêu thương, sự cống hiến. Khi bước qua được giới hạn của sự phân biệt, cả loài người sẽ thăng hoa ở một đẳng cấp cao hơn về phẩm chất và giá trị bên trong.
  • Cho nên khi chúng ta nhận thức chung dòng máu đỏ tức là chúng ta nhận thức được vai trò của tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn thử thách từ thiên tai, địch họa, dịch bệnh ....
  • Hãy chung tay vì cộng đồng.

1.0

II

Làm văn

Câu 1

Trình bày suy nghĩ về “Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống”

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn     

- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng hợp – phân tích, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống”. Bài viết có thể triển khai theo hướng sau:

Giới thiệu vấn đề:

+ Có lẽ loài người đã tồn tại hàng triệu năm trên trái đất này. Bên cạnh những đóng góp làm cho xã hội loài người phát triển, thăng hoa và tốt đẹp hơn; con người cũng đã góp phần làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại thiên nhiên một cách tàn bạo nhất. Đôi khi, thiên nhiên đã báo thù bằng những trận đại dịch, bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần… Để đối phó với những hoàn cảnh khách quan khốc liệt, con người cần thiết phải có tinh thần hợp tác trong cuộc sống.

Phần triển khai vấn đề:

- Giải thích vấn đề:

+ Hợp tác là gì? Hợp tác là cùng nhau hành động, đối phó, bảo vệ cuộc sống. Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

- Tại sao phải có tinh thần hợp tác trong cuộc sống?

+ Con nguời là con nguời của xã hội. Nếu tách ly khỏi môi trường xã hội thì con người không thể tồn tại được. Giữa con người và con người luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau. Một con én không làm nên mùa xuân. Tất cả những công trình vĩ đại trên hành tinh này đều là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ của tập thể loài người. Ví dụ như trước đại dịch Covid 19, nếu loài người không biết hợp tác với nhau thì không thể nào đẩy lùi được nguy cơ diệt chủng. Tư duy hiện đại là phải biết sống hòa hợp giữa con người với nhau và với thiên nhiên. Những hiện tượng biến đổi khí hậu gây tác hại đến con người cũng chính do thái độ của con người thiếu thân thiện với thiên nhiên.

+ Hình ảnh của đàn kiến hợp sức nhau để tha mồi, của bầy ong xây tổ, của tập thể công nhân trên một công trình xây dựng hay trong một nhà máy sản xuất dây chuyền cho chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của sự hợp tác.

+ Trong lịch sử loài người, có quá nhiều cuộc chiến tranh giữa các dân tộc với nhau. Tuy nhiên khuynh hướng mới là không phân biệt màu da chủng tộc, hợp tác toàn diện, mọi người cùng có lợi.

+ Trước vũ trụ mênh mông, mỗi cá thể chỉ là một giọt nước trong đại dương, một hạt cát trong sa mạc; chỉ có sự hợp tác mới đưa con người thoát khỏi sự hãi hùng của cô đơn và nỗi khiếp sợ trước phận người bé nhỏ.

+ Tuy nhiên vẫn có những hiện tượng lợi dụng sức mạnh của tập thể để tạo nên lợi ích nhóm đi ngược lại quyền lợi của cộng đồng. Hiện tượng phân biệt chủng tộc đã là quá khứ nhưng vẫn còn hiện hữu đâu đó trong cuộc sống cần phải loại bỏ.

+ Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của cộng đồng đó mới là ý thức của thời đại.  

- Bài học rút ra:

+ Chúng ta cần phải biết sống hợp tác từ trong gia đình bạn bè xã hội và hòa nhập với thế giới bởi vì tất cả đều cùng chung dòng máu đỏ, cùng chung tên gọi loài người.

- Kết thúc vấn đề:

+ “Có gì đẹp trên đời hơn thế.

Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Đoàn kết hòa hợp với con người với thiên nhiên là mệnh lệnh của trái tim.

Câu 2

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Hồn thơ của ông phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa - đặc biệt khi viết về người lính Tây Tiến và quê hương xứ Đoài - Sơn Tây của mình.
  • Bài thơ “Tây Tiến” tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng được sáng tác năm 1948 thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập “Mây đầu ô”.
  • Đoạn thơ sau đây gồm tám câu thư trong bài thơ trên bộc lộ nỗi nhớ của tác giả Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến với đêm liên hoan văn nghệ ấm áp vui vầy và về thiên nhiên Tây Bắc tràn đầy ý thơ.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

…………………………………………

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

* Cảm nhận đoạn thơ:

Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ, nỗi nhớ quay quắt về vùng đất, con người mà nhà thơ từng gắn bó. Nếu ở đoạn trước là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, hiểm trở, nhớ về những hình ảnh đoàn quân kiêu hùng trên chặng đường hành quân gian khổ, thì qua đoạn thứ hai, nỗi nhớ ấy là nhớ về những kí ức vui vẻ ấm áp, và một thiên nhiên tràn đầy chất thơ.

  1. Nhớ đêm liên hoan hào hứng, vui vầy: đó là những hồi ức vui vẻ, ấm áp.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

  • Câu thơ “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” miêu tả không khí vui tươi, nhộn nhịp đang diễn ra tại nơi ở của các chàng trai Tây Tiến. Từ  Cụm tính từ “bừng lên” cho thấy ánh sáng đang rực rỡ, không khí trở nên rộn rã bởi tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng cười nói vui đùa. “Hội đuốc hoa” là đốt đuốc sáng để sinh hoạt, ca hát, nhảy múa, vui chơi. Như có một sức sống kỳ diệu đang thổi vào lều trại của bao chàng trai xa nhà, người lính Tây Tiến tạm gác lại những cuộc hành quân liên miên bất kể ngày đêm để hòa vào những giờ phút nhộn nhịp, sôi nổi bởi âm thanh và ánh sáng. Câu thơ của Quang Dũng làm ta nhớ đến mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài “Việt Bắc”:“Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan, Nhớ sao ngày tháng cơ quan, Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo...”. Dòng hồi ức đều đưa cả hai nhà thơ nhớ về những đêm liên hoan văn nghệ ấm áp vui vầy, lời ca tiếng hát rộn vang núi rừng như thể hiện niềm tin tưởng lạc quan vào kháng chiến của những người cầm súng bảo vệ quê hương.
  • Dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đuốc bập bùng, các anh đã phát hiện vẻ đẹp lung linh đến lạ lùng của các thiếu nữ vùng sơn cước: Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Thán từ “kìa” vừa là lời chào đón, vừa nói lên sự ngạc nhiên, hạnh phúc đến bất ngờ của các chàng trai về vẻ đẹp kỳ lạ, lộng lẫy của các cô gái Tây Bắc. Cảnh trong hoài niệm nhưng qua thán từ “kìa” trở nên sinh động như hiện thực đang diễn ra trước mắt. Cụm từ “xiêm áo tự bao giờ” miêu tả vẻ đẹp rực rỡ, đầy ngạc nhiên và lạ thường về trang phục cũng như trang sức cổ truyền đậm sắc màu dân tộc của các thiếu nữ ấy…
  • Các chàng trai còn phát hiện nét đẹp đằm thắm dịu dàng của phương xa ở vũ điệu huyễn hoặc mê say qua câu thơ: “Khèn lên man điệu nàng e ấp. “Khèn” là nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Bắc còn man điệu” là điệu múa của họ. Khi tiếng khèn vang lên, các thiếu nữ lộng lẫy bởi “xiêm áo”, tình tứ mà đoan trang trong dáng điệu e ấp để rồi say đắm trong vũ khúc chơi vơi. Từ “e ấp càng toát lên vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của các cô gái. Nét đẹp này càng làm các cô quyến rũ, tạo lực hút mạnh mẽ hơn trong mắt các chàng trai. Những người lính Tây Tiến như những vị khách đa tình say mê trong tiếng nhạc réo rắt, trong điệu múa độc đáo và trong nét đẹp duyên dáng của phương xa.
  • Câu thơ “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” với sáu thanh bằng như đưa những chàng trai Tây Tiến mênh mang, da diết trong tiếng “khèn man điệu”, tâm hồn tràn đầy ý thơ. Cụm từ “xây hồn thơ” cho thấy vui trong hiện tại, vui ở quê hương nhưng các anh không quên mơ tưởng đến ngày mai tươi vui - sạch bóng quân thù, độc lập tự do. Tâm hồn của họ đang vượt qua biên giới để đến với anh em nước bạn Lào thân yêu. Câu thơ của Quang Dũng dựng lên chân dung những người chiến sĩ trong thời đại mới: vừa lãng mạn, mộng mơ, ấm áp tình người vừa thể hiện tình cảm quốc tế vô sản rất chân tình và rất đẹp.

Cảnh trong hồi ức nhưng lại sáng rực bởi sắc màu, dịu dàng bởi âm thanh, và rất ấm áp bởi những ngọn lửa hồng. Đó còn là sự ấm áp của tình quân dân “cá nước”, của tình đồng đội một thời gắn bó bên nhau. Không còn vất vả, không còn cực nhọc, các anh chỉ trở về dáng tuổi mười tám hai mươi, dáng tuổi trẻ, dáng những sinh viên - học sinh tinh nghịch, yêu đời. Núi cao, đèo xa không thể làm họ gục ngã, không thể để mất những lạc quan, yêu đời.

  1. Nhớ cảnh sông nước Tây Bắc tràn đầy chất thơ:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

- Thời gian: chiều sương ấy là một khoảng thời gian phiếm chỉ. Không gian trong kí ức: sông nước.

- Hình ảnh: "Sương": nét đặc trưng của núi Tây Bắc: sương neo đậu nhánh cây bãi cỏ, sương giăng khắp lối - sương tạo ra giá lạnh Quang Dũng rất ấn tượng với hình ảnh bóng bảy, mờ ảo này: ngay đoạn một ông đã nhắc đến:"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.. ". Tố Hữu cũng từng khắc khoải "Nhớ từng bản khói cùng sương", cũng “Mênh mông bốn mặt sương mù” hay Chế Lan Viên “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”... Dường như với cả ba nhà thơ, vùng đất Tây Bắc mỗi người vẻ đẹp mờ ảo, huyễn hoặc đã trở thành một kí ức da diết.

- Có thấy, có nhớ: lời tự chất vấn bản thân, lời hỏi những người lính Tây Tiến. Lau là loài cây hoang dại được nhân hóa trở thánh có linh hồn: chập chờn, lay động, mong manh, phảng phất neo đậu bến bờ, neo đậu lòng người. Một cảm giác vấn vương lưu luyến, hắt hiu… Độc mộc gắn liền với dáng người: đó là những cô gái, những người dân Tây Bắc trên sông nước hay cũng chính là các anh cũng để lại ấn tượng vô cùng lưu luyến. Dường như: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” (Chế Lan Viên) Câu thơ chạm khắc một dáng người đầy chất kiêu bạt và thơ mộng giữa thiên nhiên dữ dội…

- Ấn tượng khép lại: cảnh hoa trôi trên dòng nước lũ. Câu thơ mang đậm chất tài hoa của Quang Dũng. Hình ảnh thơ có cái dữ dội của dòng nước lũ nhưng có cái mềm mại tình tứ của những cánh hoa đong đưa - cánh hoa mỏng manh tình tứ, cảm xúc bên dòng nước lũ mạnh mẽ. Trong cái dữ dội lại có cái êm ả mềm mại đậm chất lãng mạn, hào hoa. Con người hiện lên đầy chất bi hùng, mang hơi hướng của những người li khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm …

=> Đoạn thơ thể hiện chất riêng của Quang Dũng. Thiên nhiên dường như cũng là một nhân vật tràn đầy nghị lực, thấm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế nhạy cảm từ từ một làn sương chiều mỏng manh, từ một dáng hoa lau phất phơ, đơn sơ cho đến một bông hoa đang động đưa để thổi hồn mình vào đó, để lại trong ta một nỗi niềm vương vấn ...

* Nghệ thuật:

- Đoạn thơ mang đậm chất tài hoa lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng: phối hợp hài hoà giữa chất hiện thực và chất lãng mạn.

- Âm hưởng thơ biến chuyển linh hoạt: Hai khổ thơ với hai sắc thái riêng biệt, vui đó rồi lại buồn đó, say sưa đó rồi lại trầm mặc mang hơi hướng của thời kì Thơ Mới.

- Đoạn thơ dùng nhiều hình ảnh gây ấn tượng mạnh như: chiều sương, hồn lau, dòng nước lũ... để khắc hoạ nét đẹp như một bức tranh của phương xa.

* Nhận xét cảm hứng lãng mạn :

- Sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: trên hai phương diện: nội dung cảm hứng và nghệ thuật thể hiện.

+ Vẻ đẹp của thiên nhiên: đó là một thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn nhưng cũng toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình với tất cả vẻ quyến rũ, làm say lòng người.

+ Vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến: những khó khăn, thử thách không ngăn được bước chân người lính vốn là những chàng trai Hà Thành hào hoa, tinh tế; những nét bi thương "không mọc tóc,", "mồ viễn xứ" không ngăn nổi tâm hồn thăng hoa, lạc quan, yêu đời…

+ Bút pháp tương phản trong việc thể hiện hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống và chất thơ từ chính cuộc sống đó, tính chất bi tráng của hình tượng người lính, nhịp điệu trữ tình và bi tráng của tác phẩm,....

* Kết luận:

Đoạn thơ không chỉ là nỗi nhớ về vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Tây Bắc gắn với bước chân kiêu hùng của binh đoàn Tây Tiến mà còn hướng vào vẻ đẹp nội tâm của cả một thế hệ thanh niên anh hùng, hào hoa, lãng mạn mang trong mình vận mệnh non sông.. Nói về bài thơ “Tây Tiến”, nhà thơ Giang Nam đã viết:

“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy, con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông.”

Nửa thế kỷ trôi qua, nhiều sự việc phôi pha cùng năm tháng, nhưng bài thơ “Tây Tiến” vẫn còn đó, sừng sững như một tượng đài bất tử về người chiến sĩ vô danh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

ThS. Nguyễn Huyền Nga – Nguyễn Văn Thành – Nguyễn Văn Khuyến

Trường THPT Vĩnh Viễn

  • (Có 1 bình chọn)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT - MÔN TOÁN - LẦN 2 - Kỳ thi ngày 06 tháng 8 năm 2021 - Mã đề 120
Hướng dẫn chi tiết cách giải đề thi tốt nghiệp THPT 2020 môn vật lý
Hướng dẫn GIẢI ĐỀ THI TN THPT NĂM 2017 - MÔN LÝ
Hướng dẫn giải đề minh họa kỳ thi TNTHPT bộ môn Hóa học năm 2021 của Bộ GDĐT
HƯỚNG DẪN GIẢN ĐỀ MH ĐỀ THI TN THPT 2021 - MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MH ĐỀ THI TN THPT 2021 - MÔN SỬ