CHINH PHỤC MÔN ĐỊA LÝ TRONG KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2020

20/02/2020

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2020 đang cận kề, như các em đều biết để đạt kết quả cao trong kỳ thi rất quan trọng này thì quyết định nằm ở 2 khâu đó là ôn tập và làm bài thi. Môn Địa Lý ngày càng được nhiều bạn học sinh lựa chọn trong kỳ thi THPT Quốc Gia, sau đây là chia sẽ của Thầy nhằm giúp các bạn chinh phục điểm cao với môn học này.

1. Những vấn đề cần lưu ý để ôn tập môn Địa Lý đạt hiệu quả cao.

Một là quá trình ôn tập cần phải bám sát cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019

 Khác với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2020 này Bộ Giáo Dục và Đào Tạo sẽ không công bố đề thi tham khảo. Vì vậy, các em cần phân tích cấu trúc đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT Quốc Gia 2019 để làm cơ sở ôn tập. Việc phân tích ma trận đề thi sẽ giúp các em biết được mức độ, phạm vi kiến thức, những yêu cầu về kỹ năng cần có từ đó đưa ra chiến lược ôn tập phù hợp. Ma trận đề thi môn Địa Lý trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được phác họa như sau:

Nội dung

Cấp độ nhận thức

Tổng

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

1. Địa lý Khu vực và Quốc gia 

0

2

0

0

2

2. Địa lý tự nhiên

3

2

0

0

5

3. Địa lý dân cư

1

1

0

0

2

4. Địa lý các ngành kinh tế

1

1

3

1

6

5. Địa lý các vùng kinh tế

0

1

5

4

10

6. Thực hành kĩ năng địa lý

8

3

2

2

15

7. Tổng số

13

10

10

7

40

Theo cấu trúc này đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Địa Lý sẽ gồm 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình Địa lý lớp 12 (36 câu chiếm 90%), lớp 11 (4 câu gồm cả lý thuyết và thực hành chiếm 10%). Trong đề thi câu hỏi về kiến thức lý thuyết là 25 câu (6,25 điểm), phần thực hành kỹ năng 15 câu (3,75 điểm) gồm kỹ năng về sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, kỹ năng nhận xét, phân tích bảng số liệu và biểu đồ.

Hai là phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản, ôn tập theo chủ đề, tránh “học tủ, học vẹt”

Phân tích từ đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2019 cho thấy khoảng 70% các câu hỏi trong mỗi đề thi thuộc nội dung kiến thức cơ bản, khoảng 30% các câu hỏi dùng để đảm bảo độ phân biệt và tính phân loại của đề thi. Các em nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12. 

Mục đích của việc ôn tập là để hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng nên các em cần ôn tập theo chủ đề: chương trình Địa lý 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế), chương trình Địa lý 11 gồm 2 chủ đề (khái quát nền kinh tế – xã hội thế giới, địa lí khu vực và quốc gia). Các em nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. 

Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận, vì thế học “tủ” là điều cấm kỵ. Ở mỗi vấn đề quan trọng các em chỉ cần nắm “từ khóa” nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng như trước. Ngoài những nội dung mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã giảm tải thì các em không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa địa lý lớp 12, từ kênh chữ đến kênh hình, kể cả các bài đọc thêm, các bài thực hành.

Ba là hãy chú trọng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để ôn tập kiến thức 

Trong đề thi tham khảo và đề thi chính thức kỳ thi THPT Quốc Gia 2019, số lượng câu hỏi cho phần kỹ năng sử dụng Atlat Địa Lý Việt Nam là 11 câu (2,75 điểm), điều này cho thấy rằng atlat có vai trò hết sức quan trọng đến điểm số của bài thi THPT Quốc Gia. Mỗi trang bản đồ trong Atlat ứng với từng bài học, từng chủ đề trong SGK Địa Lý 12, do đó các em nên sử dụng Atlat Địa Lý Việt Nam thường xuyên trong quá trình ôn tập. Việc sử dụng Atlat sẽ giúp các em dễ dàng hiểu nội dung bài học, nhớ kiến thức lâu hơn, giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc. Để sử dụng hiệu quả Atlat Địa Lý Việt Nam trong quá trình ôn tập và làm bài thi, các em cần xem kĩ trang kí hiệu chung (trang 3) vì hầu hết các đối tượng địa lí biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở trang này, bên cạnh đó cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang mục lục (trang 31). Các em cần kết hợp kĩ năng tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các số liệu và biểu đồ có trong Atlat. Nói tóm lại Atlat Địa lí Việt Nam là “cuốn sách giáo khoa thứ hai” của môn địa lí lớp 12 nên các em cần tập trung khai thác một cách tốt nhất để ôn tập hiệu quả nhằm chinh phục điểm số cao trong kỳ thi.

Bốn là khi ôn tập cần chú ý rèn luyện kĩ năng nhận xét, phân tích bảng số liệu và biểu đồ

Theo cấu trúc đề thi tham khảo và đề thi chính thức môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2019 số lượng câu hỏi cho phần trắc nghiệm biểu đồ và bảng số liệu có 4 câu (1,0 điểm). Vì vậy cùng với việc ôn tập lý thuyết, kỹ năng sử dụng atlat thì các em phải làm các bài tập về nhận xét và phân tích biểu đồ, bảng số liệu. Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp đó là biểu đồ thể hiện nội dung nào, lựa chọn nhận xét “đúng” hoặc “không đúng” dựa vào biểu đồ đã cho. Do vậy, để không mất điểm ở những câu hỏi này các em phải nắm vững kiến thức về đặc tính thể hiện của từng loại biểu đồ: thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng biểu đồ đường biểu diễn hay đồ thị, thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau). Các dạng câu hỏi về bảng số liệu thường gặp là lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất với bảng số liệu và yêu cầu đã cho, chọn nhận xét “đúng” hay “không đúng”. Để dành điểm tối đa với loại câu hỏi này ngoài việc nắm vững kiến thức để nhận diện loại biểu đồ như đã trình bày ở trên, thì các em phải quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất, tuyệt đối không nên lựa chọn đáp án theo chủ quan, cảm tính.

Ngoài ra, trong quá trình ôn tập các em cần kết hợp với việc giải đề thi thử. Việc tăng cường giải các đề thi thử theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2019 sẽ giúp các em cũng cố thêm kiến thức, nhuần nhuyễn về kỹ năng và có thể coi đây là các bước kiểm duyệt trước khi thi chính thức. Các em có thể tiếp cận dạng đề thi này thông qua giáo viên bộ môn, sách hướng dẫn ôn tập hoặc đề thi của các trường khác thông qua mạng internet.

2. Bí quyết làm bài thi trắc nghiệm Địa lí đạt điểm cao

Quá trình ôn tập mới là bước chuẩn bị, làm bài thi thế nào cho tốt sẽ có ý nghĩa quyết định đến kết quả thi của các em. Để đạt kết quả cao trong bài thi trắc nghiệm môn Địa lí kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2020 thí sinh cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chuẩn bị đầy đủ công cụ trước khi vào phòng thi: Với môn Địa lí các em cần mang theo Atlat Địa lí Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ năm 2009 đến nay (lưu ý trong Atlat không được ghi chép bất cứ thông tin nào), máy tính cầm tay (nằm trong danh mục cho phép của Bộ GD – ĐT), viết chì, tẩy…

Thứ hai, tạo tâm lý thoải mái tự tin khi vào phòng thi, không gây áp lực cho bản thân: Khi làm bài các em nên làm tuần tự từ trên xuống dưới của đề thi, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn. Đồng thời các em cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để tránh áp lực thi cử làm giảm chất lượng bài thi.

Thứ ba, phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: Bài thi trắc nghiệm môn Địa lí có 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Như vậy, thí sinh có khoảng 1phút 15 giây để trả lời một câu hỏi. Do vậy, khi làm bài các em nên phân bố thời gian hợp lý nếu để sa đà vào những câu hỏi khó sẽ dễ rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát về thời gian làm bài thi. Trong quá trình làm bài cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để sau khi làm xong các câu hỏi khác dễ dàng quay lại làm tiếp những câu này. Các em nên dành thời gian để kiểm tra lại phiếu trả lời trắc nghiệm để tránh việc bỏ sót và nhầm lẫn đáng tiếc đáp án của các câu hỏi với nhau trong quá trình tô, không nên bỏ trống phương án trả lời.

Thứ tư, phải đọc kỹ câu dẫn và đáp án của các câu hỏi: Đây là một việc làm rất cần thiết mà các thí sinh ít để ý trong khi làm bài thi. Các em luôn nhớ rằng trong 4 lựa chọn, chỉ có 1 phương án duy nhất đúng, còn lại là các phương án nhiễu. Các phương án nhiễu được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn của câu hỏi nên có thể làm cho thí sinh nhầm lẫn nếu không tỉnh táo, đọc kỹ câu hỏi mà chọn bừa. Các em phải đọc kỹ lời dẫn trong các câu hỏi, gạch chân các từ khóa của lời dẫn để xác định rõ yêu cầu. Đặc biệt, thí sinh phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định như không đúng, không phải...với dạng câu hỏi này các em nên nghiên cứu kỹ yêu cầu để tính toán, lập luận, phân tích, so sánh 4 lựa chọn để tìm ra phương án đúng. 

Thứ năm, sử dụng kỹ năng phỏng đoán - loại trừ:  Phỏng đoán chưa bao giờ là một cách hay, tuy nhiên khi có những câu hỏi các em không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp nhằm tìm ra câu trả lời.

                                                                      Chúc các em thành công!

                                                                                  Nguyễn Đình Tình

                                     (Giáo viên Địa lý – THPT Vĩnh Viễn Tp. Hồ Chí Minh)

  • (Có 1 bình chọn)

Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT và gợi ý giải
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MH ĐỀ THI TN THPT 2021 - MÔN ĐỊA
GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI MÔN ĐỊA LÝ THPT 2020 - MÃ ĐỀ 323
Địa Lý lớp 12 - ĐỊA LÝ DÂN CƯ
Địa lý lớp 12 - VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÁC NGÀNH DỊCH VỤ
Ôn Tập Online Lớp 12 | Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ