Tản mạn về những vần thơ lục bát

10/02/2020

Tôi khai bút đầu xuân bằng việc đọc lại những bài thơ đạt giải trong cuộc thi thơ lục bát năm 2019 do tập san Áo Trắng tổ chức với sự tài trợ của trường THPT Vĩnh Viễn. Cuộc thi thơ nhỏ nhưng cũng hội tụ nhiều sắc màu của những hồn thơ trên khắp nẻo đường đất nước. Tôi làm một cuộc du xuân qua các bài thơ đạt giải nhất, nhì, ba như cuộc hành trình khám phá nét đẹp tâm hồn vậy.

tan-man-ve-nhung-van-tho-luc-bat

Buổi lễ tổng kết và trao giải trong cuộc thi Thơ Lục Bát năm 2019 do tập san Áo Trắng tổ chức

Bắt đầu là bài thơ Trời mưa nhớ má của Đoàn Thị Diễm Thuyên (Tp.HCM) mang lại sự bất ngờ khi hai câu mở đầu phá vỡ đi tiết tấu quen thuộc của thơ lục bát: 

“Bỗng thèm nghe tiếng ếch ộp
Tiếng mưa rơi rớt lộp độp mái nhà.”

Sao thế, có gì đó trúc trắc, sao có nhiều thanh trắc đến thế? Các từ “ếch ộp, lộp độp” phá vỡ luật bằng trắc trong thơ lục bát vốn êm ái du dương. Tôi phải ngồi thật lâu để lắng lòng mình lại để nghe những thanh âm của quá khứ, của làng quê xưa hiện về. Phải rồi, giữa trời Sài Gòn náo nhiệt này, tìm đâu tiếng ếch ộp, tìm đâu dư âm xưa của làng quê thanh vắng. Trần Tế Xương trong bài thơ Sông Lấp đã hoài niệm:

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

Giật mình để trở lại thực tại mà vẫn còn mơ tưởng tiếng vọng của quá khứ thì Diễm Thuyên thèm nghe tiếng ếch ộp là điều cũng dễ cảm thông. Nét độc đáo là tác giả đã tạo ra sự phá cách, tạo sự chú ý đặc biệt của người đọc để rồi sau đó giai điệu thơ trở lại bình thường, rồi lại có đôi chỗ không tuân thủ niêm luật như đưa người đọc vượt qua thác ghềnh, rồi êm ả xuôi dòng, rồi vào vùng nước xoáy để rồi kết thúc nhè nhẹ sâu lắng trong thoáng bâng khuâng. 

Mở đầu là nỗi nhớ bất chợt, nhớ da diết đến độ “thèm”. Có lẽ có ngoại cảnh nào đó tác động vào tâm cảnh để tạo nên tứ thơ, hay chính những giọt mưa đã chạm miền ký ức cho nỗi nhớ đong đầy. Những âm thanh rất quen thuộc của một thưở nào đã xa trải dài theo nỗi nhớ. Đó là tiếng ếch, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng con thạch sùng xuýt xoa, tiếng con mọt đục vách tre, tiếng con chuột chít, tiếng ông lão say rượu… 

“Tiếng con thạch sùng xuýt xoa
Tiếng con mọt đục kẽo cà vách tre

Tiếng con chuột chít sau hè
Tiếng ông say rượu lè nhè bờ ao

Tiếng em nhỏ đói khóc gào
Tiếng người chị gái ngọt ngào dỗ suông.”

Những âm điệu quen thuộc ấy lại trở nên mơ hồ như tiếng vọng của ký ức, mà nếu như chúng ta lắng lòng lại để cảm nhận cái âm điệu buồn buồn của một thời vách tre mái lá, của một thời tuổi thơ ở làng quê nghèo xa ngái còn đong đầy trong tiềm thức. Rồi hàng chuỗi âm thanh nghe quặn thắt: 

“Tiếng má thở ra buồn buồn
Tiếng anh trách tại mưa tuôn ngập nhà

Tiếng thằng em hỏi tìm ba
Tiếng con chó sủa con gà trốn mưa...”

Những âm thanh cứ rời rạc như những mảnh vỡ của quá khứ lắp ráp trong một bức tranh không hoàn chỉnh, trong hỗn độn của nỗi nhớ. Thế nhưng tiếng thằng em hỏi về người ba làm người đọc rưng rức. Một hình ảnh quen thuộc trong ca dao hiện về: 

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

(Ca dao)

Khéo léo và tinh tế, chỉ một “tiếng thằng em hỏi” vu vơ cũng đã nói lên thân phận bà mẹ góa và những đứa con côi cút trong ngôi nhà dột của ngày trời đổ mưa như thấm vào lòng người niềm đau thân phận. Diễm Thuyên đã mô tả những âm thanh ngùi ngùi buồn buồn trong tiếng thở ra của má chìm khuất trong tiếng mưa rơi như số phận bé nhỏ mong manh:

“Thèm nghe tiếng của ngày xưa
Thèm nghe tiếng má lâu chưa thì thầm

Trời mưa không ướt chỗ nằm
Cho nên má chẳng về thăm con rồi

Con thương nhớ dáng má ngồi

Về trong mơ nhé, xong rồi má đi...”

Quá khứ nghèo khổ ấy đã xa lắm rồi, những âm thanh ngày xưa ấy bây giờ chỉ là nỗi nhớ. Cuộc sống vật chất đã đủ đầy hơn khi mưa không còn ướt chỗ nằm nữa thì:

“Trời mưa ướt lá từ bi
Nén nhang con thắp lạ chi cháy buồn

Ví dầu còn mẹ thì hơn
Mẹ rời cõi tạm con còn chơi vơi...”

Khói nhang mơ hồ huyền ảo kia bỗng trĩu nặng tình buồn, ngùi ngùi thương nhớ. Đứa con bé bỏng ngày xưa nay đã khôn lớn, thành đạt thì má đã rời cõi tạm để một lần nữa con bơ vơ côi cút giữa trần đời. Trời mưa nhớ má khép lại trong dấu chấm lửng trong nuối tiếc ngậm ngùi của tiếng lòng gọi mãi má ơi!

Bài thơ giúp Đoàn Thị Diễm Thuyên đạt đồng giải ba của cuộc thi.

Còn với Lê Đình Tiến (Hưng Yên), chợt cảm thấy “mồ côi giữa những lời hát ru” khi nhớ về người bà. Bài thơ Bà tôi đã giúp anh đạt đồng giải ba của cuộc thi. Vẫn với âm điệu du dương, dìu dặt trong nhịp thơ lục bát, bài thơ mở đầu bằng hình ảnh đầy xúc động:

“Chiều nay khóc giữa làng quê

Bà đâu chẳng gọi tôi về ăn cơm

Hay bà hoá ngọn khói rơm

Còn cay sống mũi, còn thơm mùi trầu...”

Không gian câu thơ nửa mơ nửa thực cứ đan quyện vào nhau. Người bà đã đi vào thiên cổ đã hóa thân vào khói lam chiều, vào ngọn khói rơm mà hơi ấm của bà còn vương vấn đâu đây, ngay cả thói quen hàng ngày gọi đứa cháu còn mải mê chơi về nhà ăn cơm mỗi buổi chiều tàn. Rồi nỗi nhớ về bà tràn về gần gũi thân tình đầy ắp những kỷ niệm đẹp về tấm lòng yêu thương thiết tha của bà dành cho cháu, cả những hy sinh thầm lặng:

“Nhớ ngày mưa đổ bên cầu

Nhường tôi cái nón đội đầu bà che

Tôi thương bà mắt đỏ hoe

“Mai này cháu lớn cháu che cho bà”

Qua thời củ sắn chia ba

Lớn khôn bà đã đi xa cổng làng...”

Nỗi nhớ như thước phim quay chậm về một thời đã xa mà nhớ lại “còn cay sống mũi”. Tuổi thơ đã đi qua, cái thời gian khổ cũng bị bỏ lại sau lưng, người cháu lớn lên thì “bà đã đi xa cổng làng”, để cho:

“Trăng từ hôm ấy nhỡ nhàng

Hoá thành hạt thóc sang ngang mỗi chiều.”

Câu thơ hay và sâu lắng quá ! Tôi nghĩ rằng đây có lẽ là hai câu thơ hay nhất, giàu hình ảnh nhất của bài thơ. Các từ “nhỡ nhàng”, “sang ngang” đâu riêng chỉ dành cho sự tan vỡ của tình yêu lứa đôi, Lê Đình Tiến đã khéo léo tạo cho ý thơ đầy tính tượng trưng, nửa như ảo mộng, nửa như hiện thực, nửa như cách điệu để nỗi nhớ cứ nhân lên mãi trong cảm xúc nghèn nghẹn đắng cay. 

“Một đêm mơ thấy con diều

Đứt dây rồi biến mất theo bóng người

Chỉ còn tôi ở lại đời

Thấy mồ côi giữa những lời hát ru.”

Nghĩ cũng lạ, từ “mồ côi” thường để chỉ những người bất hạnh không còn cha mẹ ở đời. Thế mà sự thiếu vắng người bà lại là sự mất mát không gì bù đắp. Người bà đã ra đi, tâm hồn đứa bé như con diều đứt dây biến mất, trở thành côi cút trên cõi đời: 

“Chỉ còn hương thị mùa thu

Còn bông dâm bụt đỏ như bã trầu.

Chiều nay trời đổ mưa ngâu

Nhìn ra giàn bí giàn bầu ngẩn ngơ.”

Lời hát ru ngày nào bà thường ru cháu, những câu chuyện cổ tích quả thị thơm mà cô Tấm hóa thân, sắc đỏ thắm của hoa dâm bụt bên rào bà thường hay phơi áo, cả những giàn bầu, giàn bí, và cả tháng bảy trời đổ mưa ngâu như vẫn còn đâu đây mà bóng hình bà đã xa khuất để tâm hồn đứa trẻ ngày nào trở nên côi cút, bơ vơ:

“Chạnh buồn chợt nhớ tuổi thơ

Bà nằm bãi vắng cỏ mờ bên sông

Tôi đi cầm nón ra đồng

Để che mưa nấm mộ không bóng người.”

Bài thơ khép lại trong hình ảnh đầy cảm xúc, đầy tính nhân văn. Ngày xưa bà nhường chiếc nón che đầu cho cháu mỗi khi trời đổ mưa. Giờ cháu che mưa trên mộ phần vắng lặng của bà. Không hiểu trong cơn mưa ấy chất chứa biết bao giọt nước mắt yêu thương…

Hai bài thơ đạt giải ba đều là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lầm lụi suốt đời tần tảo. Đến với Bùi Huyền Tương (Quảng Ngãi) lại là một hình ảnh khác rất lạ Tắm cho cha. Bài thơ đạt giải nhì của cuộc thi: 

 “Thưa cha, nước đã ấm rồi

Dậy đi cha! Con đang ngồi kề bên

Chẳng cao sang chỉ liếp phên

Vẫn che kín gió. Vẫn thênh thênh tình.”

Bài thơ mở đầu với những thanh âm nhẹ nhàng, lễ phép, đầm ấm. Câu thơ thứ hai với bảy thanh bằng đi liền nhau tạo cảm giác êm ái, thân tình cha con và chừng như lúc nào đứa con cũng bên cạnh người cha để chăm sóc vỗ về. Trong ngôi nhà có phần nghèo nàn ấy vẫn đầy ắp yêu thương, vẫn dạt dào tình cảm. Nét hay của tứ thơ là cách dùng từ láy “thênh thênh” chỉ không gian để thể hiện tình cảm như kéo không gian rộng mở ra. Ngoại cảnh chừng như ngưng đọng trong bóng dáng liêu xiêu của hai cha con trước vạt nắng chiều nghiêng nghiêng héo hon:

“Ngoài trời cơn gió lặng thinh

Nắng nghiêng nghiêng quyện dáng hình cha con

Chiều buông vạt nắng héo hon

Dìu cha đếm bước lối mòn thềm quê.”

Âm điệu câu thơ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như nắng chiều buông tỏa ngoài thềm. Đứa con dìu bước người cha qua lối mòn nhỏ, bất giác ký ức hiện về những ngày xưa, xưa ấy:

“Trong con có đứa trẻ về

Ngày xưa...Xưa... Nhắc thêm thê thiết lòng

Chim kêu con nước lớn ròng

Mẹ đi về phía đường vòng hư vô.”

Bài thơ bỗng chùng xuống trên những dấu chấm lửng. Ký ức hiện về thê thiết như tiếng chim bìm bịp cô đơn bay dọc mé bờ sông:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.

(Ca dao) 

Và người mẹ cả đời tần tảo chèo chống ấy đã ra đi về cõi hư vô. Mà cái con đường mẹ về nơi ấy cũng chông chênh lòng vòng để tiếng chim kêu khắc khoải đầy vơi theo con nước lớn ròng. Thân phận gà trống nuôi con, chắt chiu, ríu rít, cha đã tảo tần thay mẹ: 

“Thân già bao lớp sóng xô

Tảo tần cha bước nhấp nhô đói nghèo

Tắm cho con vạt nắng reo

Giếng khơi cha múc trong veo nỗi tình.”

Hiện tại và quá khứ cứ đan xen nhau trong dòng suy nghĩ vui buồn. Âm điệu câu thơ bỗng trầm lắng trong triết lý nhân sinh:

“Biết rằng trong cõi nhân sinh…

Tắm cha vẫn nghẹn lòng mình hắt hiu

Nỗi chiều chim vịt lại kêu

Chuối vườn lại chín mà riu riu buồn.”

Xưa! Cha tắm cho con thuở bé có vạt nắng reo vui tươi, thanh thót, có nguồn nước giếng trong veo của tình cha con, có tiếng cười hớn hở ngây thơ vô tư của đứa trẻ thơ ngày xưa ấy. Giờ con tắm cho cha sao “nghèn nghẹn”, sao “hắt hiu”, sao “riu ríu buồn”. Những hình ảnh, những âm thanh, ngoại cảnh, tâm cảnh đan quyện vào nhau mang nỗi buồn rưng rức trong lòng người. 

Quy luật sinh ly tử biệt vốn vẫn vô tình. Cái hữu hạn đời người và cái vô tận của dòng chảy thời gian sao nghiệt ngã. Con người như cố níu kéo để giữ gìn những khoảnh khắc yêu thương:

“Hoàng hôn ơi, chớ vội buông

Tôi còn chút ấm trong buồng tắm cha.”

Ai níu nổi dòng chảy thời gian, thôi thì cũng cầu mong thời gian chầm chậm qua đi để con còn được chăm sóc cho cha nhiều hơn nữa. Đó là hơi ấm, là đạo nghĩa làm người.

Cứ mãi miên man trong cảm xúc, dẫu rằng những bài thơ đạt giải không phải toàn bích, đôi khi có chút sai sót trong luật bằng trắc, nhưng tôi vẫn tìm thấy một tấm chân tình với gia đình, với đời bằng những niềm yêu thương sâu lắng. Khang Quốc Ngọc (TPHCM) với bài thơ Hớt tóc cho học trò đạt giải nhất cuộc thi. Bài thơ này được anh Lê Minh Quốc đọc và phân tích rất kỹ trong buổi sáng phát giải ngày 16/1/2020 tại Nhà xuất bản Trẻ. Riêng tôi khi đọc lại bài thơ này sau nghe nhiều cung bậc cảm xúc, hình như có ngọn gió mồ côi nào thôi cay xè đôi mắt, có sợi nắng ấm nào len lỏi vào hồn rồi lan tỏa tình yêu thương của trái tim người thầy. Vâng lâu rồi, lâu lắm rồi tôi mới được bắt gặp những cung bậc cảm xúc dạt dào đến thế. 

Bài thơ mở đầu là lời kêu gọi mời thân mật của người thầy chăm chút cho học trò:

“Các con, nào hãy ra đây

Ngồi yên lên ghế để thầy hớt cho…”

Không mỹ từ, không cao giọng, cách xưng hô thân mật như người cha chăm chút đàn con. Thường thì người thầy đến với học trò là chữ nghĩa, là kiến thức, là những lời rao giảng đạo đức, thế mà vượt qua mối quan hệ thông thường ấy, nhân vật người thầy của Khang Quốc Ngọc đã trở thành người cha tự bao giờ. Vậy là đứa bé đầu tiên ngồi lên chiếc ghế, có lẽ đó là chiếc ghế đẩu bắt ở một góc phía sau của sân trường. Bây giờ người thầy mới có dịp quan sát kỹ hơn về người học trò:

“Tóc sao vàng cháy vậy trò?

Thưa, con dãi nắng chăn bò, thầy ơi!”

Lời đối thoại tự nhiên, cách trả lời cũng rất lễ phép, ngoan ngoãn “Thưa, …, thầy ơi!”. Câu thơ phản ánh hiện thực về những đứa trẻ nghèo ở ngôi trường vùng nông thôn, những đứa trẻ sau buổi học phải tất tả phụ giúp cha mẹ ngoài đồng. Dãi nắng chăn bò thì tóc cháy nắng vậy thôi, mà đó cũng là may mắn lắm rồi, còn bao đứa học trò khác hoàn cảnh lại éo le hơn nhiều:

“Tóc con dài quá nữa rồi”

“Dạ, bạn lủi thủi mồ côi… đó thầy!”

Tác giả bài thơ thật khéo léo khi diễn tả tâm trạng chuyển biến của người thầy qua từng câu hỏi, qua từng đứa học trò, Không còn là sự thắc mắc mà đã là sự quan tâm hơn. Danh xưng cũng đã thay đổi, từ “trò” thông thường ấy đã dịu dàng sang từ “con” nghe thiết tha hơn. Không còn từ “sao” mà là “nữa rồi”. Câu thoại rất thâm tình của thầy lại vô tình chạm nỗi đau đứa học trò. Hình như đứa bé có vẻ ngại ngùng. Có một quãng lặng không lời trong ý thơ. Và như sợ mất lòng thầy, một bạn khác đã ngập ngừng trả lời hộ bạn bằng tất cả sự cảm thông chia sẻ. Câu thơ phá vỡ cấu trúc bằng trắc của thơ lục bát khi tiếng thứ hai là thanh trắc “bạn” tạo nên cách ngắt nhịp 1/1/2/2/2 ngân dài ra cho nỗi buồn thêm chấp chới. Lại một thân phận mồ côi, lại một tuổi thơ lầm lũi. Từ ngữ hội thoại cứ sâu xoáy tâm hồn thầy:

“Tóc trò dựng đứng thơ ngây

Thầy nghe gió rít trơ gầy mùa đông.”

Không có ngọn gió lạnh mùa đông, không có thanh âm của tiếng rít qua sân, chỉ có tiếng lòng của người thầy day dứt, cảm thương, xót xa cho đứa học trò ngây thơ đã sớm gặp bất hạnh. Nét độc đáo của câu thơ là miêu tả hữu thanh mà như vô thanh, tĩnh mà lại động vang sôi sục như âm ba con sóng trong lòng.

Lại đến đứa học trò thứ ba, chừng như người thầy lại sợ những ưu tư của mình mang nỗi buồn đến cho các em nên giọng điệu của thầy có phần vui tươi hơn:

“Sao mà cháy khét vậy ông?

Tóc bạn mượn gió gội không đó thầy

Lại thêm hốc hác mặt mày

Còn nhỏ mà đã tay đầy vết chai !”

Một câu trả lời ví von tinh nghịch “tóc bạn mượn gió gội không đó thầy” đã khiến người thầy càng quan sát kỹ hơn đứa học trò “hốc hác mặt mày”, “tay đầy vết chai”. Có một nhân vật đứa học trò thứ tư luôn bên cạnh để giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn của thầy. Nhân vật ấy như người dẫn truyện để người đọc hiểu hơn từng số phận của những đứa trẻ khác trong bài thơ. Những đứa trẻ nghèo, lam lũ, cơ cực nhưng lại rất mê học, lại rất ngoan ngoãn ngồi yên cho thầy hớt tóc trong một không gian đầy ắp nghĩa tình. Rồi từ những đứa bé biết vượt lên số phận, biết vượt qua nghịch cảnh ấy lại là những học sinh:

“Thảo nào làm toán chẳng sai

Một tuần đi trễ những hai ba lần…”

Và người thầy đã nghiệm ra được giá trị:

“Nghe như mặt đất gập ghềnh

Thầy lặng nén cái giật mình phía sau!”

Mặt đất vốn gập ghềnh từ thuở tạo thiên lập địa, nhưng có điều tình cảnh gập ghềnh gian truân của những đứa học trò nhỏ mãi đến bây giờ thầy mới thấu hiểu tường tận. Hình như trong thời gian qua thầy vẫn còn có cái gì đó hời hợt, có gì đó xa cách nên những lần đi trễ, thầy đã trách mắng đã chưa cảm thông cho các em. Trên đôi vai bé nhỏ của các em còn cả gánh nặng chén cơm manh áo. Bao nhiêu mảnh đời, biết bao số phận còn gian khó chung quanh nên trái tim quảng đại của người thầy là phải đi tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Câu thơ khép lại bài thơ thật độc đáo, một cách nhìn đầy tính nhân văn, là thông điệp sống. Và có lẽ trong thời kỳ mà hình ảnh người thầy có phần nhạt nhòa thì bài thơ lại mang đến một hình ảnh đầy lạc quan, yêu thương, trân trọng. 

Hình như cái nghèo, cái bi làm nên nét đẹp của thi ca. Cả bốn bài thơ đạt giải của cuộc thi đều mang âm hưởng của cái nghèo. Nghèo nhưng nghĩa tình.  Trong cả bốn bài thơ ấy đều lấy bối cảnh của một vùng quê, đều là tình cảm của mẹ, bà, cha, thầy trò. Không đề cao cái “tôi” cá nhân chủ nghĩa. Tất cả hướng đến tha nhân. Cám ơn chị Lê Thị Kim, các anh Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Trần Hữu Nhân, những giám khảo công tâm của cuộc thi đã khéo léo, sáng suốt để chọn các tác phẩm đạt giải. Cám ơn những cảm xúc, rung động của các hồn thơ để những bài thơ lục bát ra đời tham dự cuộc thi. Cám ơn trường THPT Vĩnh Viễn đã tài trợ cho cuộc thi đạt kết quả mỹ mãn. Với 786 bài dự thi của 215 tác giả ở mọi miền đất nước, điều đó chứng tỏ thơ vẫn mãi là “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.” (Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam).

Những ngày đầu xuân Canh Tý – 2020

ThS. Nguyễn Văn Thành

  • (Có 10 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...