“Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình”. (Tiến sĩ Lê Quang Hưng)
Trần Thị Như Quỳnh – Lớp 12A1,
Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024
Giữa muôn vàn mảnh đất phồn hoa đô hội, ta chỉ chọn một nơi để trở về, để nương tựa và tìm chút bình yên, thanh thản cho tâm hồn. Giữa ngàn vạn đóa hoa rạng rỡ đua nhau khoe hương tỏa sắc, ta cũng chỉ yêu một loài hoa đẹp nhất mà thôi. Bạn thấy đó, cuộc sống luôn luôn thôi thúc con người phải chọn đích đến cuối cùng, cũng như văn chương luôn cần chắt lọc, góp nhặt những điều tươi đẹp nhất trong cái đen tối nhất để hướng con người tới cái đích duy nhất, là hướng con người đến vẻ dẹp của chân - thiện- mỹ, hướng họ đến những chân lý, những quan niệm sống cao đẹp, mở ra trước mắt độc giả nhiều gam màu, nhiều cách nghĩ khác nhau trong cuộc sống để họ có cái nhìn phong phú hơn, toàn diện hơn. Thấu hiểu được điều đó, tiến sĩ Lê Quang Hưng đã chia sẻ rằng: “Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình. Vỡ lẽ trước các nhận thức, các tín điều ngỡ đã thành chân lý; giật mình khi ngộ ra một điều gì đó trước cuộc đời đang tuần tự trôi xuôi, khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình”.
Văn chương là thứ ánh sáng tươi đẹp có thể soi rọi trong tâm hồn con người, thắp lên cho họ những tình cảm cao quý, những suy nghĩ mới mẻ, đa chiều mà chính họ cũng không thể nhận ra. Chúng là một loại hình nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn từ. Mỗi một tác phẩm như một lớp phù sa để lại trong ta những ký ức đẹp, những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên con người. “Đó là thứ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm” (Thạch Lam). Văn chương khởi phát từ tấm lòng của người cầm bút, từ “giọt nước mắt” chảy trong lồng ngực của tác giả. Giọt nước mắt ấy chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là những giọt nước mắt đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những niềm vui, nỗi buồn, những vỡ òa trước phận dời hẩm hiu, trước những hiện thực nghiệt ngã, ngang trái. Nó giúp ta khơi gợi trong mình những tình cảm, cảm xúc mới mẻ thông qua xúc cảm của nhân vật và văn chương còn làm đầy đặn nó thêm, tôi luyện thứ cảm xúc đó trở nên vững vàng và đẹp hơn bao giờ hết, khiến cho cách nhìn, cách hiểu của người đọc trong cuộc sống xã hội nghiệt ngã trở nên lạc quan, muôn màu, muôn vẻ.
Văn chương là tâm hồn và cũng chính là cuộc sống, cuộc sống tạo nên văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Tâm hồn nhạy cảm là tiếng nói của trái tim. Đó là lúc nhà văn thâm nhập vào cuộc sống với một con tim nóng hổi luôn sẵn sàng đón nhận vang âm của cuộc đời, chuyển hóa cái đối tượng khách quan thành cái chủ quan đến mức "tưởng như chính mình sinh ra cái khách quan ấy". Để từ đó, khi viết, họ dùng cái vốn bản thân sống sâu nhất để cảm nhận cuộc đời, dùng lăng kính tinh tế và tấm lòng bác ái để nghiền ngẫm, để suy nghĩ, song đưa ra những đút kết, những triết lý về cuộc sống để giáo dục con người. Tình cảm là yếu tố quyết định sự sinh thành, giá trị và tầm cỡ của tác phẩm nghệ thuật. Cái gốc rễ của văn chương nói chung và tác phẩm nói riêng là tình cảm của chủ thể sáng tác. Người nghệ sĩ phải biết rung cảm trước hiện thực của đời sống thì mới sáng tạo nên nghệ thuật. Nhà văn Nam Cao đã từng có nhận định trong tác phẩm “Giăng sáng” như sau: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể là những đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” Thông qua đó nhà văn thể hiện tình cảm, tư tưởng và những triết lý nhân sinh của mình để phán ánh đời sống với những quy luật khách quan về thế giới nội tâm con người. Nhà văn thực thụ sẽ như một người thợ lặn lành nghề có khả năng lặn sâu vào dưới đáy đại dương không chỉ để khơi tìm những rạng san hô tầm thường, mà để khơi dậy những hạt ngọc ẩn sâu vào bề sâu của con người, tìm những thứ cao đẹp và mới mẻ nhất ẩn sâu trong trái tim người đọc. Bởi lẽ đó Nguyễn Đình Thi cũng đã quan niệm rằng: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.”
Một tác phẩm văn học có trở thành một áng văn thơ bất hủ hay không sẽ dựa trên nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là sự công nhận của độc giả hay còn có thể nói là những điều mà tác phẩm ấy mang lại có còn đọng lại trong trái tim người đọc hay không. Chỉ khi tác phẩm của anh đủ hay, đủ sâu lắng và chân thành thì lúc đó trái tim của nhà văn và độc giả mới có thể “hòa chung một nhịp” để họ mãi tin rằng, dù cuộc đời có khốn khó, đen tối đến đâu thì văn chương vẫn sẽ không bỏ rơi con người và nó sẽ mãi là ngọn lửa ấm nóng thắp lên trong tâm hồn bạn đọc niềm hy vọng, sự tích cực để họ mạnh mẽ hơn trong hiện thực cuộc sống. Nếu văn chương không có sự đọc, không có sự công nhận của người xem thì nó cũng chỉ là những vệt đen trên một trang giấy trắng và theo thời gian cũng sẽ trở nên lụi tàn. Qua đó, ta thấy được sự quan trọng giữa mối liên hệ của nhà văn và độc giả thật khắng khít và luôn cần phải đi song song với nhau. Nhà văn sản sinh ra tác phẩm, tác phẩm văn học nâng cao giá trị tư tưởng tâm hồn người đọc và khi có được sự công nhận của người đọc thì tác phẩm ấy sẽ phá bỏ hoàn toàn mọi quy luật của không gian và thời gian, song từ đó, làm nên tên tuổi, thể hiện cái tôi phong phú, làm cho những nhà văn, nhà thơ cảm thấy sự sống của mình thực sự có ý nghĩa.
Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ca ngợi vẻ đẹp của con người? Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân chính là một trong những tác phẩm tiêu biểu để nhà văn mượn hình ảnh khắc nghiệt, khó khăn của cuộc sống để tô đẹp nên vẻ đẹp thiêng liêng, cao cả của người dân lao động. Nơi núi rừng hoang vu nguy hiểm ấy, có những khối đá dựng thành “vách thành” đầy kiên cố, đồ sộ, những con sông nhỏ, hẹp như một cái “yết hầu”, kết hợp với sự hung bạo của “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió…” của quãng Mặt ghềnh Hát Lóong, khiến Đà giang như một con thủy quái đang “đòi nợ suýt” những người đi ngang qua nó. Không chỉ dừng lại ở đó, ở quãng Tà Mường Vát còn xuất hiện những cái hút nước to và sâu như “cái giếng bê tông” tạo ra những âm kêu như “cửa cống cái bị sặc” đầy man rợ, đánh thẳng vào tâm lý của người lái đò. Tuy nguy hiểm là thế, nhưng nhân vật ông lái đò vẫn không hề nao núng, sợ hãi mà còn “quyết chiến” với con thủy quái hung bạo ấy. Ông trang bị cho mình những kinh nghiệm phong phú, sự lanh lợi, hiểu biết và sức dẻo dai của mình để đánh bại và vượt qua sông khúc Đà giang nguy hiểm và đầy khó khăn. Thông qua tác phẩm, ta thấy được sông Đà càng hung bạo, hoang dại thì ông lái đò hiện lên càng anh dũng, mạnh mẽ. Nguyễn Tuân đã mượn hình ảnh những gian nan thử thách trong cuộc sống để nâng cao vẻ dẹp cuả người dân lao động, những con người có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt và nhà văn đã ngợi ca, trân trọng cái tinh thần ấy của người dân Tây Bắc nói riêng và tất cả người dân lao động trên đất Việt nói chung, tạo cho người đọc có cái nhìn mới mẻ hơn về thiên nhiên con người của đất nước.
Hay đến với những vần thơ mang chất điên riêng biệt có trong những vần thơ của Hàn Mặc Tử đã cho ta thấy được khát vọng được sống, khát vọng mưu cầu hạnh phúc của anh. Điên ở đây không phải từ ngữ để miêu tả sự điên dại, sự cuồng dã bất thường, mà cái điên trong văn học chính là cốt lõi của sự sáng tạo và Hàn Mặc Tử đã thành công xuất sắc trong cái thể loại thơ điên ấy. Gắn liền với thơ Tử chính là hình tượng hồn và trăng. Là một hồn thơ dạt dào sức sáng tạo, trong hoàn cảnh bệnh tật giam hãm và nỗi cô đơn phủ lấp, tình yêu và những kỉ niệm đẹp nơi xứ xởĐà Lạtmộng mơ gắn liền với người thương thuở trước đã thôi thúc chàng thi sĩ tài hoa chắp bút làm nên một thi phẩm “Đà Lạttrăngmờ” vô cùng đặc sắc, mơ mộng và nổi bật là những vần thơ sau:
“Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...”
Tuy có lối viết độc lạ và tưởng chừng như đây là những vần thơ nói về nỗi đau, nỗi giày xéo nhưng không, ẩn sâu trong thơ Hàn Mặc Tử đó là sự khao khát tình yêu, khát khao có được hạnh phúc, qua đó đã truyền đến trong trái tim người đọc những triết lý mới, truyền đến họ sự khao khát về sức sống mãnh liệt, bởi lẽ đó, Chế Lan Viên đã có nhận xét trong thơ Hàn Măc Tử như sau: “Hơn nữa, thơ Tử (Hàn Mặc Tử), tiếng khóc của Tử bây giờ lại có tác dụng tích cực. Nó làm cho trái tim ta không còn bị xơ cúng; khối óc ta trở nên đàn hồi. Con mắt ta nhìn sự vật không còn đơn giản nữa; có bàn tiệc, bàn hoa bên này nhưng cũng có vũng máu bên kia. Ta sẽ nhân tình hơn…”
Đến với những bi kịch chồng chất của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao đã cho ta thấy và cảm nhận được sự đen tối, tàn ác của thời đại phong kiến, sự bi thương cùng cực của một con người. Phải chăng từ khi bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ thì Chí Phèo đã chết và sự lớn lên của Chí cũng chỉ là sự tồn tại khi sống trong một môi trường không có tình yêu thương? Chí bị tước đi quyền được làm người, cái quyền cơ bản nhất của một con người lại bị những người dân bình thường ngoài kia đoạt lấy và bỏ qua sự tồn tại. Cuộc đời đưa đẩy từ một người tá điền chân chất thành tên lưu manh tạo cho Chí cái thói rạch mặt ăn vạ để thu hút sự chú ý mọi người, muốn nói rằng Chí vẫn còn đang “sống” và mong muốn có dược sự quan tâm, công nhận quyền được làm người của Chí. Sự xuất hiện của Thị Nở có lẽ chăng chính là bước ngoặc lớn nhất trong cuộc đời Chí Phèo. Tuy Thị không xinh đẹp như bao người con gái khác nhưng cô chính là người duy nhất quan tâm và công nhận con người Chí, làm cho Chí cảm nhận được hơi ấm mà trước nay anh chưa từng có. Bát cháo hành của Thị tuy đơn giản nhưng lại chính là món quà to lớn nhất mà cả đời Chí Phèo được nhận. Tưởng rằng ta sẽ có kết thúc thật viên mãn giữa hai con người tuy có ngoại hình xấu xí nhưng lại mang trái tim của sự chân thành, trong sáng, mong muốn được hướng thiện, có những chân lý tươi đẹp nhưng lại vì sự phản đối của bà cô Thị nở đã thay đổi tất cả điều ấy. Cái quay đi của Thị Nở chính là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào khuôn mặt Chí khiến anh đau khổ, thất vọng và có ý định trả thù. Trong cơn say, tâm thức của Chí muốn qua nhà bà cô Thị nở để giải quyết” mối hận nhưng tiềm thức của anh lại đưa anh đến nhà Bá Kiến, một nơi đã bắt nguồn cho hàng tấn bi kịch sau này. Chí Phèo đã ôm mối hận không thể làm người để giết Bá Kiến và cùng nó để kết thúc cuộc đời của chính mình. Qua Chí Phèo ta đã có cái nhìn sâu sắc hơn về cả một thời đại, cả một con người khi bị dồn nén đến bước đường cùng, bị tước doạt đi cái quyền mà bất cứ ai cũng có, đó là quyền được sống và được làm một con người bình thường. Cái chết của Chí thật đặc biệt, khác với cái chết của nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc”. Lão Hạc trong tác phẩm của Nam Cao có thể được coi là cái chết của cái nghèo, của cái đói dồn nén còn cái chết của Chí chính là chết tâm, cái chết mà không có vật chất nào có thể bù đắp được. Gía như Chí được sinh ra trong gia đình bình thường, giá như Chí được mọi người công nhận thì ta đã có một cái kết cục khác? Khép lại tác phẩm “Chí Phèo” đã thể hiện được những giá trị nhân đạo sâu sắc, qua đó còn tố cáo cả một xã hội tàn bạo, giả dối, dưới ngòi bút chân thật và tài hoa của nhà văn Nam Cao đã cho ta những quan niệm cao đẹp, nhận thức bạn đọc thông qua hình tượng của các nhân vật để ta có cái nhìn rộng mở hơn, một trái tim bao dung hơn trong cuộc sống xã hội đầy những bất công oan trái, giúp ta không còn bị giam hãm trước những cái xấu xa đen tối của hiện thực xô bồ.
Nếu đời sống con người được ví như một dòng sông mãi trôi chảy thì nội dung của một tác phẩm văn học giống như một chiếc thuyền, chở nhiều ít mặc sức, nhưng không có những cái bơi chèo nghệ thuật thì nó sẽ đứng im bất động. Nghệ thuật không phải là đầy tớ của nội dung, nó là bạn đường, một người bạn đồng hành góp sức không thể thiếu được. Nếu nội dung đúng đắn, nghệ thuật tuyệt đẹp thì tác phẩm sẽ mang một linh hồn thần, một sức mạnh của các vị thánh, nó sẽ thấm vào lòng người một cách nhuần nhuyễn, to lớn, tinh vi. M. Goorky cũng quan niệm như sau: “Văn học là nhân học”. Văn học là tiếng nói, là tình cảm, là suy nghĩ, ước vọng của con người. Người thợ nề dùng gạch để xây nhà, người đi biển dùng lưới để dánh bắt cá, văn học dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm lý người đọc thông qua hiện thực cuộc sống, thông qua ánh nhìn, cách nghĩ và được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của các nhà văn chân chính.
Trần Thị Như Quỳnh