“…Thơ là nhân ảnh…” (Nguyễn Tuân)
Phạm Nguyễn Hữu Thiện
Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024
Với các nhà nghệ sĩ của văn chương, những trang thơ vẫn luôn là cái gì đó rất đặc biệt. Nó không chỉ là những ký tự tầm thường ghi trên trang giấy, mà nó còn là cả một giá trị rất thiêng liêng đối với tinh thần và ý thức. Thực rằng, chính cả nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định: "Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể, hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp… Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín.”
Khi bàn luận về thơ, trước tiên, ta cần biết rằng các tác phẩm thơ ca đều có khả năng sáng tác vô cùng lớn. Trải qua xuyên suốt nhiều thời đại, bản thân của "thơ" vẫn không thể định hình theo bất kỳ khuôn mẫu nào, bởi nó sở hữu cho mình một tính linh hoạt để trở nên phù hợp với con người, với xã hội theo thời gian. Thơ là đại diện cho linh hồn của nhà thơ, vừa là tiếng nói độc lập của nhà nghệ sĩ. Những suy nghĩ, các trạng thái cảm xúc của nhà thơ được quy tụ về một dạng văn bản nhỏ gọn, vì vậy các thông điệp mà tồn tại trong thơ ca, chúng phải được thể hiện một cách hàm súc, tinh tế. Ngoài ra, thơ ca không những nằm ở phạm trù nhận thức của nhà nghệ sĩ mà nó ảnh hưởng đến con người bằng chính nhận thức riêng họ, khiến nó có một sức sống riêng trong nghĩa vụ dẫn dắt họ nhắm đến cái đẹp, phần cốt lõi bên trong của con người và cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy, khi ta đọc thơ ta lại cảm thấy những tính nghĩa của nó được thể hiện bằng cảm giác, bằng hình ảnh xuất hiện trong tâm trí ta, những ngôn từ nghệ thuật ấy là cái bản sắc riêng của thơ ca. Quả vậy thơ rất khác với các "cụ thể" của văn.
Khi nhắc tới Nguyễn Tuân, ta biết rằng ông là một nhà văn tùy bút tài ba, là một cá nhân văn xuôi xuất sắc và là một nhà nghệ sĩ cả đời đi tìm cái đẹp. Những trạng thái của tự nhiên, của con người đã trở nên nhạy cảm với ông, khiến ông viết là để thõa mãn chính mình, là để tôn vinh, gột tả cái đẹp chứ không phải viết để đi theo cái chung chung của hiện tượng xung quanh.
"Thơ khởi phát tự trong lòng người ta" (Lê Quí Đôn). Đúng vậy, thơ là sự "hữu hình", là loại "cụ thể", bởi vì nó tự tuôn chảy trong tâm hồn của mỗi nhà nghệ sĩ. Vốn dĩ ta thấy thế, vì trong thơ có tình cảm của con người, chúng là loại tinh thần mang giá trị gần gũi và dễ nhận biết nhất. Tình cảm là giá trị sự sống cho một tác phẩm thơ ca, nó là kết quả của sự hòa trộn giữa cảm xúc và nhận thức, thơ ca có hồn là nhờ tình cảm, có giá trị riêng là nhờ sự đúc kết của những cảm xúc và suy nghĩ tích tụ. Những nhà nghệ sĩ khi chắp bút làm nên các trang thơ, có lẽ họ viết để thõa mãn cảm xúc của mình trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng cũng có lẽ họ viết để tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Nhà nghệ sĩ miệt mài, có tài với con chữ, tìm cho mình một chân lý sống riêng, một hồn thơ khác biệt trong dòng chảy nghệ thuật luôn tồn đọng chờ được đánh thức.
"Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp" (Nguyễn Tuân). Thơ ca đem đến "tấm lòng sứ điệp" của nhà nghệ sĩ với độc giả. Ở đây thơ ca dường như có một điều gì đó rất đặc biệt. Thơ đặc biệt với độc giả là ở khả năng tạo ra không gian và thời gian mà vẫn giữ được thông điệp, tâm tình của nhà nghệ sĩ. "Tấm lòng sứ điệp" ta có thể hiểu đó là một thông tin, một thông điệp đến từ tình cảm, suy nghĩ, điều mong muốn của nhà nghệ sĩ. Tấm lòng là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Nên khi đi cùng với từ "sứ điệp", ý nghĩa và cách thức nó hiện lên cũng trở nên rực rỡ hơn và mang tính biểu tượng hơn, hướng tới điều tốt đẹp nhất của con người.
Hiện thực của cuộc sống, đó là những nguyên liệu để làm nên những tác phẩm văn học. Chính vì thế, kể cả văn hay thơ, bản thân chúng phải là công cụ hữu hiệu để chuyển hóa những điều tự nhiên thành các điều đặc biệt, biến cảm xúc và tư tưởng cao đẹp của nhà nghệ sĩ luôn tồn tại mãi trong thế giới con người, bảo vệ và chia sẻ chúng vượt qua các thời đại. Đó là quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ: “Thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy ở đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu"( Xuân Diệu).
Nguyễn Tuân đã gieo cho chúng ta những suy nghĩ khắc khoải về mối tương quan giữa thơ và văn. Để rồi ta lại tự có cho mình nhiều điểm nhìn giữa chúng, và phải thừa nhận rằng thơ ca khác với văn. Điều này được thể hiện ở chỗ cách nó khai thác. Quá trình này là một hệ thống có tính toán và có chủ đích, thơ ca, nó sẽ ngắt ở những chỗ cần thiết, nó không tiết lộ cũng như không nói rõ cho ta nghe câu trả lời, mà là khiến cho ta phải tự đặt ra nhiều câu hỏi để trả lời cho điều tác giả muốn nhắn nhủ. Với độc giả chúng ta sẽ có những lúc khi đọc những dòng thơ của Hàn Mặc Tử, ta sẽ vô cùng khó hiểu khi bắt gặp các dòng thơ nửa thực nửa ảo:
“Ta muốn hồn trào trên đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.”
(Rướm máu)
Ngay chính không gian này, chính thời gian này, Hàn Mặc Tử đang để cảm xúc, suy nghĩ và điều khắc khoải trong ông trở nên hòa quyện với thế giới thực và ảo. Quả vậy thông điệp mà ta có thể nhận ra đó là Hàn Mặc Tử đang chia sẻ nỗi lòng của quá trình sáng tác, là máu, là suy tư, là cảm xúc tột cùng trên từng câu thơ. Một sứ điệp về sáng tác văn chương. Quả vậy, "Thơ là cái gì huyền ảo tinh khiết, thâm thúy cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật" (Xuân Thu nhã tập)
Nhìn về khía cạnh giá trị của thơ ca, ta nhận thấy các tác phẩm thơ đều có mình về cả ba giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Và đồng thời ở đây, cụm từ "tấm lòng sứ điệp" trên của cá nhân Nguyễn Tuân dường như đã trùng khớp với các giá trị của thơ ca. Quả vậy mỗi đề tài, mỗi chủ thể sáng tạo trong các tác phẩm thơ ca đều có một "sứ điệp" sẽ liên quan đến con người và chúng luôn muốn thông qua con người để bày tỏ mong muốn dẫn dắt con người. Thơ ca diễn tả con người qua từng câu chuyện, từng hình ảnh, nó như một ống kính quan sát sự vật đời thực, nó chuyển biến những sự vật ấy thành các chi tiết nghệ thuật nhằm góp phần hoàn thiện sản phẩm của sự nhận thức, tưởng tượng và sáng tạo của nhà nghệ sĩ. Nhờ vậy, khi nhận thức của nhà nghệ sĩ được truyền tải vào thơ ca, nên lúc ta tiếp cận thơ ca ta mới thấy được sự thực và sự sáng tạo của nhà nghệ sĩ đang hiện hữu trước mắt, và qua các hình tượng con người được nhà nghệ sĩ dàn xếp ta còn nhìn thấy nhiều tầng lớp về thẫm mĩ, về ý nghĩa mà họ muốn đem tới. Đồng thời, thơ ca cũng không đưa ta về với giáo điều của sự tốt đẹp, mà nó hướng ta tới những điều tự nhiên của thiên lương. Quả vậy, khi ta đọc qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta dường như cũng cảm nhận thấy được sự đau khổ, bi ai của nhận vật Thúy Kiều sẽ nhận phải sắp tới qua từng dòng thơ sau:
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Tác phẩm "Truyện Kiều" là áng thơ mạnh mẽ và quyết liệt, bởi lẻ chính tác giả của nó đã không vì quan niệm chung "trọng nam khinh nữ" mà trở nên lo sợ không dám đứng lên vì những thân phận người phụ nữ có số phận bi kịch. Nguyễn Du đã cho ta nhìn thấy hiện thực tàn nhẫn giữa xã hội đương thời khi ấy, và ông cũng đã nêu cao cái cao quý ở con người là sự chung thủy, là cái trung hiếu, là cái khát khao được sống, được hạnh phúc. Giá trị đạo đức trong thơ ca là thứ luôn tồn tại mãi, nó chính phương châm của riêng thơ ca. Với nghĩa vụ đó, nó khiến trái tim và tâm hồn độc giả mỗi chúng ta thoát khỏi sự sơ cứng, khiến ta trở nên dạt dào cảm xúc với người hơn. Song song với đó, nhờ có thơ, ta còn đúc kết nhiều hơn những bài học về cuộc đời, thơ ca dạy ta cách ghét bỏ cái ác, quý mến cái thiện, dạy ta về cách nhìn nhận về thế giới, con người. Quả vậy, thơ ca là thứ nghệ thuật khắc họa rõ nhất tính đạo đức trong mỗi người. "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ nên là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than"( Nam Cao).
“Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín.” Câu nói trên của Nguyễn Tuân, là một điều ông đang thắc mắc và đắn đo suy nghĩ về cái cách mà "thơ" đem tới "một cái gì đó" trước cả câu thơ lẫn nhà thơ. Điều này cũng khiến ta khó lòng giải thích hết được. Tuy vậy thông qua ý kiến trên của Nguyễn Tuân, ta nhận thấy rằng phải chăng thơ cũng nhận thức riêng? Phải chăng nó còn có khả năng xây dựng thông điệp riêng lẻ với tác giả ? "Một cái gì đó" ở đây là biến thể, là cái vô định, vì vậy để thả mình tìm kiếm câu trả lời, thì có lẻ chỉ bản thân ta mới tự có thể giải đáp mà thôi.
Thơ ca là phạm trù nghệ thuật mang đầy tính triết lý mà cũng vừa trữ tình, đối với các độc giả yêu thích văn học như chúng ta, có lẽ những câu thơ hay và tính hàm nghĩa nhất mới có thể tồn đọng và in dấu mãi trong tim chúng ta. "Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung" (Leonit Leonop). Và những đặc tính riêng như trên, thơ ca đã mở ra một cái gì rất hữu hình bên trong ta, đó là một thế giới riêng được khắc tạo nên từ sự cảm thụ, từ cảm xúc và từ chính sự nguyên thủy trong tâm hồn của ta. Thơ ca đi qua từ trí tuệ và trạng thái tâm lý của nhà nghệ sĩ rồi mới được ta tiếp nhận lấy. Người làm thơ là để cho người đọc được: "thưởng thức" và "trông nhìn", đưa người đọc tới thế giới của họ. Đồng thời, ta cũng nhận thấy rằng phải chăng "một cái gì" là sự kết hợp hoàn hảo của tâm hồn thi nhân và độc giả, nó là cái không thể khẳng định, cũng là thứ luôn tồn tại để sáng tỏ và phơi bày các giá trị thật sự đến với cuộc đời con người, đem tới cho họ nhiều ý nghĩa sâu sắc và đầy cao cả nhân văn cao đẹp.
Ông hoàng tùy bút Nguyễn Tuân cùng với quan điểm của chính mình, đã chứng minh cho ta những góc độ khách quan về thơ ca, và cũng miêu tả rõ về tính chủ quan luôn phải hiển thị trong mỗi tác phẩm thơ ca. Quan điểm của ông cũng là một minh chứng cho việc ảnh hưởng của văn học tác động đến nhà nghệ sĩ và độc giả. Khi đọc lên các tác phẩm thơ ca, ta nhìn thấy, mỗi nhà nghệ sĩ đều mang trong mình những câu chuyện riêng, không ai giống ai, tuy vậy, mỗi tác phẩm đều là áng thơ đẹp, trang văn mới mẻ, đều có khả năng đánh thức ta khỏi sơ cứng, đều đem tới cho ta những giá trị vô cùng tốt đẹp và phi thường. Nguyễn Tuân đã đúng khi nhận định: "Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể, hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp… Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín". Có như thế, thông qua thơ ca sứ mệnh của một cá nhân thi ca đã ánh lên và vẫn còn mãi là "người nghệ sĩ trung thành của thời đại." (Balzac)
Thơ ca là công cụ phục vụ cho tư tưởng tìm kiếm cái đẹp trong ánh sáng. Xuyên suốt quá trình nó sáng tác, nó đã không bỏ quên từng chút về những điều đặc biệt quan trọng hệ thống văn học. Nó chỉ cho ta thấy thế giới ngoài kia, xã hội này đẹp đến mức nào, rộng lớn bao nhiêu, và cũng nhờ giá trị nhận thức của văn học được thơ ca xử lý một cách tính chủ quan đưa con người ta ở thời đại này đến về quá khứ và đưa họ đến những phẩm giá mà con người luôn phải giữ đến mai sau. Quả vậy, thơ ca vẫn giữ cho mình bản chất, "Văn học là nhân học" và "Văn học, đó là tư tưởng tìm kiếm cái đẹp trong ánh sáng".
Phạm Nguyễn Hữu Thiện