“Văn học kỳ lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau, nó kết nối những nỗi đau tưởng chừng như không thể chia sẻ” (Thanh Thảo)
Trần Thị Như Quỳnh, 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn
Theo như Tagore, nếu con người chưa từng bật ra những thanh âm thống thiết tận cùng thì làm sao biết nức nở bồi hồi và trăn trở về hạnh phúc. Nếu con người chưa từng trải qua những khoảnh khắc uất nghẹn nước mắt của đớn đau, đày ải thì làm sao có thể trân quý những thời khắc đẹp đẽ của cuộc đời. Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. Văn học kéo con người ra khỏi cái tối tăm, cái lạnh lẽo của xã hội và bồi đắp vào đó là tình yêu thương, tình bác ái. Nó lấy những bi thương làm nền mống của tình yêu, lấy phận đời hẩm hiu của bao số phận tạo thành sự đồng cảm để gắn kết trái tim mọi người lại với nhau, giúp con người hiểu rằng dù trong bất kì tình cảnh nào thì văn chương cũng sẽ không bỏ rơi con người. Bởi lẽ đó, nhà thơ Thanh Thảo đã từng chiêm nghiệm rằng: “Văn học kỳ lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau, nó kết nối những nỗi đau tưởng chừng như không thể chia sẻ”.
Sáng tạo văn chương là hành trình nghiệt ngã của nhà văn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc là quá trình phản ánh và tái tạo hiện thực đồng thời là quá trình tự biểu hiện, là quá trình giãi bày, chia sẻ, là sự hiện diện của nhà văn giữa cuộc đời. Khi nhà văn thờ ơ, nguội lạnh, khép kín giữa cuộc đời thì tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên). Nhà văn phải là những người “phu chữ” thực sự, đãi ngôn từ và chắt lọc tư tưởng để dâng cho đời những tác phẩm có giá trị. Nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng của nhà văn chỉ là những giáo điều ép khô trên trang giấy, không đủ sức tác động đến tâm hồn một ai. Tình cảm là nhịp cầu nối đưa tư tưởng vào hình tượng nghệ thuật, tạo nên linh hồn cho tác phẩm. Rung cảm trước những kiếp lầm than là phẩm chất quan trọng tạo nên cái tài của người nghệ sĩ. Bởi một khi tác phẩm của anh đủ hay, đủ sâu lắng thì khi ấy, tác phẩm đó mới có thể xóa tan mọi xiềng xích để chạm đến trái tim độc giả, “hòa cùng một nhịp” với nhà văn. Cụm từ “Kỳ lạ” mà nhà thơ Thanh Thảo nói đến phải chăng là sự kỳ diệu của văn chương khi nó có thể là cầu nối để nối các trái tim lại với nhau? Nhà văn “là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Họ phải vui cái vui của bao người, phải đau khổ trước nỗi bi thương của bao số phận, sung sướng trước sự thăng hoa của cái đẹp, giận dữ trước bất công oan trái. Họ tạo ra và tìm hiểu những mảnh đời hẩm hiu phải chăng là đang tìm nên sự đồng điệu giữa những tâm hồn, những trái tim để nó có thể xóa bỏ mọi khoảnh khắc giữa người với người, để con người cùng nhau tiến tới những tư tưởng, triết lý cao đẹp nhất của cuộc sống. “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M.L.Kalinine)
Chữa lành những nỗi đau cũng là cách để con người kết nối với chính bản thân mình. Từ hiểu đời, hiểu người, văn chương cho ta một lối đi sâu vào tâm hồn mình, bằng việc soi chiếu bản thân với các hình tượng, có những cảm xúc thông qua xúc cảm của các nhân vật. Văn chương không giáo dục ta bằng những quy luật cứng ngắc như đúng – sai, giàu – nghèo, mà nó giáo dục ta bằng trái tim, bằng cảm xúc, nó không thuyết minh cho các nguyên tắc đạo đức, không trưng bày những tấm gương đạo đức, mà văn học sẽ bồi đắp vào tâm hồn, vào trái tim của mỗi người. Văn chương là ánh sáng, hướng con người đến các giá trị về Chân -Thiện – Mỹ thông qua việc phản ánh những mặt tốt xấu của hiện thực đời sống, đồng thời còn giúp ta tố cáo cái ác, cái xấu xa, giả dối để người đọc tránh xa. Ngoài ra văn học còn giúp ta khơi gợi những tình cảm về đạo đức, hình thành trong ta lòng bác ái, sự đồng cảm, nó kéo người đọc vào mạch tình cảm của tác phẩm làm họ không thể dửng dưng, giúp người đọc thêm yêu thương, trân trọng cái tốt, cái thiện và biết căm ghét cái xấu xa, giả dối. Như nhà văn Nam Cao cũng từng chia sẻ: “Văn học giúp cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, bồi dưỡng nhân cách để con người gần người hơn”.
Văn học phản ảnh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt, nông cạn. Nhà văn không bê nguyên xi các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động… Thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người… Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ. Như những đám mây ngũ sắc trên đầu. Có những tác phẩm ra đời để rồi bị lãng quên ngay sau đó, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc vào sâu thẳm trong tâm hồn người đọc. Những tác phẩm ấy đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng và để lại trong trái tim đọc giả một ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó ta không thể không nhắc đến chính là tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Được lấy cảm hứng từ sau chuyến đi thực tế ở Tây Bắc, Tô Hoài đã khắc họa thành công khung cảnh tàn bạo, ác độc của giai cấp thống trị, tố cáo lên cả một một tầng lớp giả dối đầy đau thương của người dân lao động và phận đàn bà ở vùng núi cao. Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã phản ánh lên sự cơ cực, bị đè nén của phận đàn bà trong nhà Thống Lý “Ai ở xa về, có việc vào nhà Thống lý Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi quay sợi gai bên tầng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa”. Không ai khác, đây chính là cô Mị, trước đây Mị là một cô gái hồn nhiên, trong sáng nhưng từ khi gả vào nhà Thống lý, trở thành “con dâu gạt nợ” thì cô đã mãi mất đi nụ cười vốn có, cô sống trong nhà không bằng “con trâu con ngựa”, làm việc quần quật không quản ngày đêm, chịu sự khinh miệt của A Sử. Kể từ ngày cha cô mất, Mị sống như một cái xác không hồn, cô như đang tồn tại để tiếp tục để hoàn thành cuộc sống, tồn tại ngay trong chính căn nhà của mình và chịu áp bức từ ba gọng kìm như là xiềng xích, trói chặt tâm hồn cô, bị đè nặng dưới thần quyền, cường quyền của Thống lí và chịu cả bạo quyền của cái người được gọi là chồng. Nhưng chính vào đêm tình mùa xuân năm ấy, chính vào tiếng sáo du dương đã thức tỉnh tâm hồn Mị, khiến cô như bừng tỉnh và sống dậy. Mị lén uống rượu và như đang sống trong quá khứ, nhớ rồi Mị lại vào buồng thay đồ và có suy nghĩ thật táo bạo “Mị muốn đi chơi”, nhưng ngay khoảnh khắc Mị muốn đi thì trớ trêu thay A Sử lại về, hắn đánh đập, trói chặt cô vào cột suốt mấy ngày đêm khiến cô suýt chết. Tuy lần đấu tranh của Mị thất bại nhưng đây cũng chính là một bước ngoặc lớn, tạo nên những đợt sóng ngầm dâng lên trong lòng Mị và phải chăng chỉ cần một tác động nữa thì đợt sóng ngầm sẽ hóa thành một cơn sóng thần lớn cứu rỗi cuộc đời Mị. Và đúng như thế, nếu tiếng sáo ban đầu là tác động tạo nên những đợt sóng ngầm thì giọt nước mắt của A Phủ chính là làn gió thôi thúc, dâng trào nó tạo thành cơn sóng thần mãnh liệt của việc khao khát được sống và khiến cô quên đi nỗi sợ chết. Trong màn đêm u tối, hai con người đáng thương mang trên mình những nỗi đau tận cùng về cả tinh thần lẫn thể xác, ấy vậy mà lại là sức mạnh của nhau, là hơi ấm của nhau để thoát ra khỏi cái “địa ngục” chốn trần gian, giải thoát cho nhau và hướng tới một tương lai hạnh phúc tốt đẹp, nơi đó có tình yêu, có lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Nhà văn Nam Cao đã từng chia sẻ trong tác phẩm “Giăng sáng” như sau: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, cũng không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể là những tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” và tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân chính là một minh chứng cho câu văn trên. Ngay từ tiêu đề ta đã thấy được sự đối lập hoàn toàn, “Vợ” là một danh từ thiêng liêng để nói về người phụ nữ còn động từ “nhặt” lại là từ để lượm hoặc lấy những đồ rơi, rớt. Hai từ ngữ trái ngược nhưng lại làm nên một tuyệt phẩm hoàn chỉnh để nói về hoàn cảnh đói khổ của nước ta trong những năm 1945, qua đó đã khắc họa thành công một thời đại của lịch sử tối tăm của sự nghèo đói và tình người giữa những năm đặc biệt như vậy. Tràng – một người đẩy xe bò thuê nghèo khổ có ngoại hình thô kệch, xấu xí và xoàng xĩnh. Cũng chẳng phải người bình thường như ai, ăn nói lại cọc cằn, thô lỗ thế nên “làm đếch gì có vợ”. Dù nghèo khổ nhưng anh vô cùng tốt bụng và rất mực yêu trẻ con. Tâm trạng của Tràng biến đổi khi bỗng “nhặt” được vợ ngoài đường trong nạn đói năm ấy chỉ bằng một câu hò vu vơ:
“ Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”
Tràng chỉ cười toét miệng và mời cô ả đẩy xe bò cùng ăn dù không dư dả gì. Đó là hành động của người nông dân hiền lành tốt bụng. Khi người đàn bà quyết định theo mình về, Tràng chợt nghĩ đến việc phải đèo bòng thêm một miêng ăn, nhưng tặc lưỡi “ chặc, kệ”. Đây vốn không phải quyết định của kẻ bồng bột mà trái lại là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, luôn khát khao có được hạnh phúc và luôn thương yêu người đồng cảnh ngộ. Hành động đưa người đàn bà lên chợ tỉnh mua đồ như một người chồng thực thụ đã cho thấy sự nghiêm túc, chu đáo của Tràng trước quyết định lấy vợ. Thông qua chi tiết “nhặt vợ” của Tràng, nhà văn Kim Lân đã đổi mới góc nhìn về con người trong nạn đói 1945, dẫu trong hoàn cảnh nghèo khổ nhưng vẫn sáng lên những phẩm chất tốt đẹp.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Vì thế, trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã đi tìm và khám phá vẻ đẹp đời thường của những con người lao động lam lũ, nhọc nhằn, bị đói nghèo và túng quẫn vây quanh nhưng vẫn ngời sáng lên những đức tính tốt đẹp và cao quý. Nổi bật nhất trong toàn tác phẩm chính là hình tượng nhân vật người đàn bà làng chài với tình bao dung đối với người chồng vũ phu, tình yêu thương vô bờ đối với các con của mình trong những năm khó khăn. Không có tên, không rõ tuổi, chỉ đoán chị trạc ngoài bốn mươi, được gọi một cách phiếm chỉ là người đàn bà hàng chài, người đàn bà vùng biển hay còn gọi là mụ. Chị hiện lên với một dáng vẻ xấu xí, thô kệch và số phận chua chát, cuộc đời người đàn bà ấy là ngày ngày chịu những trận đòn roi của người chồng vu phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” bất kể khi nào chồng bực thì chị sẽ bị đánh. Mặc cho bản thân bị hành hạ về thể xác nhưng chị vẫn cắn răng cam chịu, bởi lẽ ăn sâu vào trong tâm trí chị là sự nhẫn nhục như một cái gì đó hiển nhiên. Chị cảm thấy vui khi những đứa con của mình được ăn no, cũng vì lẽ đó mà chị thà chịu phạt cũng kiên quyết không chịu bỏ chồng để đổi lấy bờ vai vững chãi chèo chống gia đình. Hình ảnh người đàn bà làng chài trong tác phẩm là đại diện tiêu biểu cho những đức tính tốt của người phụ nữ Việt Nam khi vừa bước chân ra khỏi chiến tranh, cuộc sống đói nghèo lạc hậu, bạo lực gia đình đã dồn họ vào ngõ cùng tối tăm nhưng sâu trong bóng tối thăm thảm đó lại ngời sáng những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ nông dân hồn hậu. Thông qua các tác phẩm nói trên đã cho ta cái nhìn phong phú về thiên chức của văn chương đối với đời sống con người là hết sức quan trọng và cao cả. Chúng có thể phá bỏ mọi định luật nói về thời gian, xóa bỏ hoàn toàn cái gọi là khoảng cách giữa người với người. Thêm vào đó, văn học còn trao thêm cho độc giả những triết lý cao đẹp, những quan niệm mới mẻ về đời sống, bồi đắp thêm vào lòng người tình yêu thương, tình bác ái, gắn kết những trái tim xa lạ với nhau bằng sự đồng cảm và hơn thế nữa đây cũng là cách chia sẻ niềm đau, chữa lành tâm hồn con người một cách nhẹ nhàng và tinh tế nhất.
Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy dường như hòa quyện và quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và là sản phẩm của những con người biết yêu thương, dù cho nó được xuất phát từ trong hoàn cảnh đen tối nhất, từ những nỗi đau có thấu tận tâm can thì cuối cùng, văn chương vẫn làm tròn chức trách của chúng, đó là đưa cái đẹp đến bạn đọc, đưa những thứ chân thành nhất, dịu dàng nhất đến với trái tim con người, hướng con người đến những chân lý, lẽ sống cao đẹp, tích cực, hướng về cái dẹp của chân – thiện – mỹ, giúp bạn đọc tìm thấy trong mình sự tích cực trong cuộc sống thông qua những số kiếp của nhân vật, giúp họ tìm ra và thức tỉnh chính mình, cũng như M. Goorki cũng đã quan niệm rằng “văn học là nhân học”, văn chương không những giáo dục và thức tỉnh người khác, mà đó cũng là cách thức tỉnh và tìm lại bản thân của chính mình.