Quan niệm về đời sống, chữ nghĩa và hình tượng trong văn học

13/01/2024

Quan niệm về đời sống, chữ nghĩa và hình tượng trong văn học

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024

Hơn bao giờ hết, văn học luôn gần gũi với cuộc đời, sống trong cuộc đời, phát triển theo nhịp sống của cuộc đời như một người bạn đồng hành tận tụy, một người thư ký trung thành với thời đại. Văn học tái hiện cuộc sống nhưng lại không dơn thuần là sao chép y nguyên những hiện tượng có thật mà là tái hiện một cách có chọn lọc, sáng tạo thông qua tài năng và quan niệm về cuộc sống của người nghệ sĩ. Bằng sự khéo léo và tinh tế của mình, họ biến những sự vật dù tầm thường nhất cũng có thể trở nên thành các hình tượng đẹp có sức truyền cảm mạnh mẽ, mang những cảm thụ sâu sắc, những triết lý cao đẹp đến với người đọc. Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. Và đó vốn dĩ là cũng là bản chất, là cốt cách ngàn đời của văn học. Như nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Với tư cách là một nghệ sĩ, cái quan trọng là phải tạo ra được quan niệm riêng về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lý thuyết khô khan mà phải hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng”.

Hành trình đọc một tác phẩm văn học chính là hành trình đi tìm vẻ đẹp, tìm linh hồn của tác phẩm, đi tìm những thông điệp, tư tưởng được tác giả gửi gắm trong những đứa con tin thần của họ. Văn chương là một loại hình nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm như một lớp phù sa để lại trong ta những ký ức đẹp, những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên con người. Đó là thứ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm (Thạch Lam). Nó sẽ giúp ta khơi dậy những tình cảm, cảm xúc mà trước nay ta chưa từng có, đó là thứ tình cảm mà ta cảm nhận được thông qua cảm xúc của nhân vật, bởi lẽ ta chưa từng trải qua cũng như biết đến và đối với những tình cảm nhân bản mà ta có sẵn, văn chương sẽ làm đầy đặn nó thêm, tôi luyện nó trở nên sâu sắc, vững bền và đẹp hơn bao giờ hết, làm cho xúc cảm trong cuộc đời của ta trở nên muôn màu, muôn vẻ.

Văn học là một trong những nhân tố giúp con người hình thành tâm sinh quan, thế giới quan và giá trị quan, tác giả Tố Hữu cũng đã nhận định rằng: “Nghệ thuật là câu trả lời đầy thẩm mỹ của con người, thay đổi cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng cao giá trị của con người.” Văn học không giáo dục ta bằng những lý thuyết khô khan, nhàm chán mà văn học hóa thân vào chữ nghĩa, vào hình tượng giáo dục ta bằng trái tim, bằng cảm xúc, văn học sẽ bồi đắp vào tâm hồn, vào trái tim của mỗi người. Văn chương là ánh sáng, là niềm tin, hướng con người đến các giá trị về chân – thiện – mĩ thông qua việc phản ánh hiện thực đời sống, khơi gọi những tình cảm về đạo đức, hình thành trong ta lòng bác ái, sự đồng cảm, nó kéo người đọc vào mạch cảm xúc của tác phẩm, làm họ không thể dửng dưng, giúp người đọc thêm tình yêu thương, trân trọng cái tốt, cái thiện và căm ghét, đẩy lùi cái xấu xa, giả dối. Nhà văn Nam Cao cũng đã quan niệm rằng: “Văn học giúp cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, bồi dưỡng nhân cách để con người gần người hơn.”

Hiện thực trong văn học phải là muối của biển. Nó phải được gặn lọc từ hiện thực xô bồ của đời sống xã hội với biết bao hiện thực đan cài, chồng chéo nhau giữa bao cái có nghĩa và vô nghĩa, tất yếu và ngẫu nhiên, bản chất và hiện tượng. Nhà văn phải biết chọn lấy những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất trong cái thần của sự vật, mang tính khái quát cao độ để từ đó rút ra những bài học về triết lý đạo đức và nhân sinh. Chính trong cảm thụ các tác phẩm văn học, sự “nếm trải” cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng giúp người đọc sống được nhiều hơn, sống dài hơn bằng những số phận, những cuộc đời khác nhau trong từng tác phẩm. Vậy nên nhà văn như bước ra từ cuộc sống, họ có những cách nhìn và cách hiểu sâu lắng hơn người bình thường để từ đó người nghệ sĩ rút ra những chân lý, vẻ đẹp trong thực tại xã hội rồi đem chúng vào văn chương bằng nghệ thuật, con chữ, hình thành ra các tác phẩm văn chương, giúp con người cảm nhận được mối liên kết của mình với nhân vật để họ có nhiều sự tích cực hơn, có nhiều cách nhìn hơn về cuộc sống, để người đọc mãi tin rằng, dù cuộc sống có khốn khổ đến đâu thì văn chương sẽ không bao giờ bỏ rơi con người.

Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt, nông cạn, Nhà văn không bê nguyên xi các sự kiện, con người vào trong trang sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, quan niệm sống được thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người để những trang sách mãi là những đám mây ngũ sắc. Có những tác phẩm ra đời để rồi bị lãng quên ngay sau đó, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc vào sâu thẳm tâm hồn người đọc. Những tác phẩm ấy đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng và để lại trong trái tim đọc giả một ấn tượng không bao giờ quên, một lẽ sống cao đẹp không bao giờ cũ. Một trong số đó, ta không thể không nhắc đến một tuyệt phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân.

Từ đầu truyện ngắn “Chữ người tử tù”, ta sẽ thấy cái tôi của Nguyễn Tuân được đặt ở vị trí tiền cảnh, tác giả dùng lời dẫn truyện để bộc lộ công khai thái độ khinh bạc của mình đối với một xã hội đang suy tàn. Nhưng cho tới cảnh cho chữ kể lại nét văn hóa dân tộc, cái tôi của tác giả đã nhận thức lùi về sau, nhường toàn bộ khung hình cho những đường nét trang trọng, cao quý nhất đang thắp sáng cả một cái ngục tối. Cảnh tượng trước đây chưa từng có ấy đã tạo nên đỉnh điểm thăng hoa của cái đẹp nghệ thuật. Trong khung cảnh “một người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tử tù viết một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu nước…” Ba con người với địa vị xã hội khác nhau, được xây dựng với bút pháp tương phản, lại có khả năng bổ sung cho nhau, đồng điệu trong phẩm chất. Cái ngục tù đen tối toàn gián và rệp bỗng chốc có thể sánh ngang với thư phòng trang nghiêm, nơi mà Huấn Cao viết chữ tặng cho mỗi ba người bạn thân của ông. Họ xóa đi cái ranh giới không thể bước vào, tất cả đều đang bận say mê thổn thức “những nét chữ vuông tươi tắn”. Nguyễn Tuân đã rất tài tình khi xây dựng nhân vật Huấn Cao tài hoa đi kèm là một nhân cách đẹp. Thông qua lời cảnh tỉnh cuối cùng dành cho viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình rằng “những người nghệ sĩ tạo ra cái đẹp, đại diện cái đẹp, trước hết phải sống đẹp”. Nhiệm vụ của những người sáng tạo là tìm ra những phẩm chất cao quý bị ẩn giấu mà không ai để ý và họ cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng tâm hồn xã hội kể cả những con người có thân thế bề ngoài không được sang trọng, cao quý. Qua đó, gửi gắm tới người đọc những triết lý cao đẹp, những điều cao quý khiến con người hướng tới sự chân thiện mĩ trong cuộc sống.

Là một người nghệ sĩ tài hoa và uyên bác, qua ngòi bút thể hiện đầy đủ chất “ngông” với cái tôi cá tính và bản lĩnh, Nguyễn Tuân được xem là bậc thầy trong sáng tác và sử dụng ngôn từ đầy phong phú, là một người luôn khám phá cuộc sống ở nhiều bình diện văn hóa, thẩm mĩ riêng. Nếu trước Cách mạng tháng Tám, ông không tin vào hiện tại mà chỉ đi tìm cái đẹp còn vấn vương của một thời xưa cũ, thì sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đã tìm thấy riêng tiếng nói với cuộc đời mới với hiện tại và tương lai. Tinh thần yêu nước trong ông được thể hiện mạnh mẽ và tác phẩm “Người lái đò sông Đà” chính là minh chứng cho điều ấy. Đây là kết quả viên mãn của chuyến đi thực tế ở vùng Tây Bắc xa xôi. Thông qua chuyến đi, nhà văn không chỉ tìm thấy vẻ đẹp thiên nhiên “chất vàng mười” của rừng núi Tây Bắc, mà ông còn timg thấy “chất vàng mười đã qua thử lửa” của người dân lao động bình thường mà rất đỗi phi thường qua hình tượng ông lái đò Lai Châu. Hình tượng ông lái đò được thể hiện nổi bật nhất là trong cuộc thủy chiến với khúc sông Đà Giang. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ea một cuộc thủy chiến có một không hai trong lịch sử văn học, giữa một bên là thủy quái sông Đà với sức mạnh ghê gớm, tâm địa xảo trá và một bên là ông lái đò tuy dẻo dai, cường tráng nhưng đơn độc trong cuộc chiến gây go, quyết liệt để dành được chiến thắng. Nhân vật ông lái đò đã bộc lộ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của mình. Qua trùng vi thạch trận thứ nhất, sông Đà đã phô ra sức mạnh thể chất của nó với sự phối hợp của sóng, nước, đá và gió. Chúng vừa đánh trực diện, vừa tung đòn đánh tỉa để dồn ông lái đò vào thế yếu. Dù cảm hứng lãng mạn là cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm, song cái nhìn và cách miêu tả của Nguyễn Tuân về cuộc thủy chiến không hề hời hợt, dễ dàng.., ông ghi lại thời điểm mà tưởng như ông lái đò ngã gục trước đòn đánh chí mạng của sông Đà, nhưng bằng sức chịu đựng phi thường, thể chất dẻo dai, cường tráng vẫn cố gắng kẹp chặt cuống lái, trên thuyền vẫn vang lên sự chỉ đạo ngắn gọn, dứt khoát. Và bằng lòng dũng cảm, sự bình tĩnh của ông lái đò đã vượt qua những trùng vi thạch trận thứ nhất đầy oanh liệt. Tiếp đó, ở trùng vi thạch trận thứ hai, với sự thay đổi bất ngờ, biến hóa khôn lường trong việc bố trí các cửa sinh, cửa tử. Nhưng bằng kinh nghiệm dày dặn, bằng sự linh hoạt của ông lái đò đã nhanh chóng đưa thuyền đi vào đúng cửa sinh. Với đoàn quân sóng nước, cách đánh của ông cũng biến hóa linh hoạt để phù hợp với những trùng vi thạch trận khác nhau. Ở trùng vi thach trận cuối cùng, tác giả miêu tả không nhiều, song vẫn làm bật lên được tài nghệ trong việc lái đò của ông lão. Bằng sức khỏe và sự dẻo dai, sức chịu đựng, đặc biệt là lòng dũng cảm chủ động, quyết đoán, ông đã vượt qua tất cả những cái bẫy mà sông Đà đã tung ra. Cuộc chiến không cân sức giữa một bên là thiên nhiên dữ dội, hoang dã, với một bên là ông lão đơn độc chỉ có mái chèo là vũ khí duy nhất, tuy vậy chiến thắng đã thuộc về con người. Nếu như trong cuộc chiến với Đà Giang thể hiện vẻ đẹp hùng vĩ và sức mạnh ở bề nổi của sông Đà thì sau cuộc chiến cách ứng xử với chiến công chiến thắng của ông lái đò lại cho thấy những vẻ đẹp ở bề sâu tâm hồn, nhân cách. Chiến thắng được sông Đà với bảy mươi ba ghềnh thác là một điều mà không phải ai cũng có thể làm được, thậm chí đây là một chiến công phi thường. Song với ông lái đò và tát cả những người lao động nơi đây lại là một điều hết sức bình thường. Nhưng chính bởi biết giản dị hóa, bình thường hóa những điều phi thường mà tâm hồn nhân cách của những người lao động nơi đây càng trở nên trân trọng đáng quý. Hình tượng người lái đò in đậm dấu ấn phong cách Nguyễn Tuân, bởi ông chính là kiểu người tài hoa, nghệ sĩ, biết nâng nghề nghiệp của mình lên mức nghệ thuật. Song ở hình tượng ông lão đã thể hiện rất rõ sự chuyển biến trong tư tưởng Nguyễn Tuân khi những con người tài hoa, nghệ sĩ được ông miêu tả không phải là những con người phi thường mà là những con người bình dị, thậm chí là vô danh. Đây chính là cách Nguyễn Tuân gợi ca, tôn vinh những người lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sông Đà hiện lên càng hung dữ, hoang dại thì người lái đò hiện lên càng anh dũng, ngoan cường. Nhà văn đã phát hiện trong con người bình dị ấy là vẻ đẹp của chất “vàng mười đã qua thử lửa” nơi núi rừng Tây Bắc. Cuộc sống quanh ta vốn dĩ rất cũ kĩ, tầm thường, mây vẫn trôi, gió vẫn thổi, ngày lại qua ngày, nhà văn chính là những con người đã mang lại cho ta một thế giới mới, tinh khôi hơn, kỳ diệu hơn. Và Nguyễn Tuân đã làm tròn sứ mệnh của một nhà văn, ông đã góp phần mang đến cho Thế giới những màu sắc mới. Bước vào thế giới của Nguyễn Tuân, chúng ta như bước vào một chân trời với màu sắc riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của tài hoa và sự uyên bác, đem lại cho đọc giả những kiến thức mới, những phẩm chất và lẽ sống tươi đẹp. Song “tấm lòng sứ điệp” (Nguyễn Tuân) qua hình tượng con sông Đà chính là con người vượt qua những bản chất hung hãn, hoang dại thì sẽ trở nên mềm mại, dịu hiền, uyển chuyển, trữ tình như áng tóc nàng sơn nữ thơm lừng trong mùa xuân đầy hoa ban, hoa gạo.

Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy dường như hòa quyện và quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và là sản phẩm của những con người biết yêu thương, dù cho nó được xuất phát từ trong hoàn cảnh đen tối nhất, từ những nỗi đau có thấu tận tâm can thì cuối cùng, văn chương vẫn làm tròn chức trách của chúng, đó là đưa cái đẹp đến bạn đọc, đưa những thứ chân thành nhất, dịu dàng nhất đến với trái tim con người, hướng con người đến những chân lý, lẽ sống cao đẹp, tích cực, hướng về cái dẹp của chân – thiện – mỹ, giúp bạn đọc tìm thấy trong mình sự tích cực trong cuộc sống thông qua những số kiếp của nhân vật, giúp họ, giúp họ có những triết lý riêng về đời sống, cũng như M. Goorki cũng đã quan niệm rằng “văn học là nhân học”, Văn chương không phải là những lý thuyết cũ kĩ, khô khan trên trang giấy trắng, mà đó là lẽ sống, là hiện thực tươi đẹp để giúp con người hướng về những cái chân – thiện – mỹ, những điều tích cực trong cuộc sống. Đó là cốt cách, là vẻ đẹp ngàn đời của văn chương.

Trần Thị Như Quỳnh

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...