Tìm hiểu tác phẩm văn học là hành trình đi tìm chính bản thân mình
Phạm Nguyễn Hữu Thiện
Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn
Mảnh đất văn học nghệ thuật vô cùng đặc biệt, và luôn có một sức hút với những người đi ngang qua chúng. Mảnh đất ấy được sinh ra từ ngòi bút của các nhà nghệ sĩ, và chúng có nhiệm vụ phải luôn khiến lòng người đọc phải động lòng và vun đắp cho họ nhiều nỗi suy tư khó tả, khiến họ phải tự đi tìm câu trả lời cho chính sự trăn trở đó. Những điều trên được khơi nguồn từ các linh hồn nghệ thuật của các nhà nghệ sĩ, từ một ngòi bút nghệ thuật riêng biệt dành riêng để chinh phục tâm hồn độc giả. Tạp chí Sông Hương, số 136, với dòng tiêu đề: "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp" của tác giả Đỗ Đức Hiểu đã viết: "Người đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, là đi tìm chính bản thân mình."
Đi tìm nhà nghệ sĩ là đang đi tìm về chính bản thân mình. Quả vậy, các tác phẩm văn học dù nếu có hoặc không đặt câu hỏi cho ta thì nội dung của nó sẽ khiến cho chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi về ý nó muốn nhắc tới. Các tác phẩm văn học đều có một đặc điểm chung chính là dẫn dắt ta tới quá trình tự nhận thức về chính mình, tự có nhiều thêm điều cần phải tìm tòi về chính bản thân ta. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong số những nhà nghệ sĩ thu hút được sự chú ý từ các tâm hồn của các độc giả và ông đã thành công trong cách truyền đạt góc nhìn của mình và khiến cho họ tự có cho mình nhiều câu trả lời về các vấn đề với bản thân, về sự ý thức vạn vật xung quanh. Vì vậy có thể nói ông chính là hình mẫu của một nhà nghệ sĩ dùng ngòi bút của mình để khơi gợi và dẫn dắt các độc giả.
Khi nhắc tới nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ tác phẩm "Tướng về hưu" của ông chính là một trong nhũng tác phẩm văn học giúp người đọc đi tìm lại chính bản thân mình. Nội dung của tác phẩm này là câu chuyện rất độc đáo và sâu sắc đã khắc ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Truyện ngắn "Tướng về hưu" đã miêu tả được thế giới con người bao quanh với sự cô đơn, sự ích kỷ và cái khao khát ẩn giấu trong trái tim mỗi cá nhân nhân vật. Tác phẩm đã phản ánh về một lối sống phi đạo đức, thiếu nhân tính đã len vào tâm hồn sơ cứng của một bộ phận người mà vẫn tồn tại, thậm chí còn có thế lực trong gia đình, trong xã hội. Cái khéo léo của Nguyễn Huy Thiệp đó là đặt bi kịch trong hài kịch, cái hài trong cái bi. Những bản chất con người được bộc tả trong tác phẩm khiến cho chúng ta không thể phủ nhận độ chân thực quá đỗi của nó, những chi tiết như viên tướng đã cay đắng thốt lên: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục” thì cô con dâu đã khẳng khái trả lời: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả. Thôi ăn đi. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy. Ăn là trên hết”. Cái chữ có nghĩa đạo đức là chữ "tâm" được nhân vật cô con dâu ví như thức ăn trên bàn. Cái thiên lương, cái nội tại cơ bản nhất của con người là chữ "tâm" bị xem là nói năng điên khùng thì quả buồn cười thật, là bi kịch mất rồi. Truyện ngắn "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp đã gợi khắc tính người, tinh chân thực trong mối quan hệ giữa người với người. Nguyễn Huy Thiệp đã tìm thấy những cái hữu hình lẫn vô hình, cái mâu thuẫn giữa chân giá trị và cái giả dối cứ đan xen nhau, nếu không có đôi mắt tinh tường thì khó phân biệt chân giả. Tác phẩm là một chuyến hành trình đưa con người đi tới những ngỏ ngách bên trong gia đình, xã hội, con người. Tuy ngắn gọn mà lại đủ đầy, Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện được suy nghĩ, tư tưởng của mình trong một qui mô nhỏ nhưng lại có sức phản ảnh lớn. Điều này đã hỗ trợ cho độc giả có góc nhìn bao quát hơn, nhìn sự vật không đơn giản, giúp họ nhận thức nhiều vấn đề trong cuộc sống, thế giới con người.
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn với văn đàn nước nhà, với độc giả. Chính sự sâu sắc của mỗi khía cạnh trong mỗi trang văn của ông đã làm cho mỗi bạn đọc có thể tự nhiên mà đưa sự đồng cảm, sự thương xót cho mỗi nhân vật trong truyện và góp phần đưa họ vào trạng thái đặt tâm thế của mình vào trong nhân vật. Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của người nghệ sĩ qua tác phẩm "Tướng về hưu", và củng cố cho người đọc nhận thức đúng đắn về thế giới, về chính bản thân họ.
Hành trình đi tìm chính bản thân mình với văn học đó là sự khám phá và sự thấu hiểu ở mỗi tác phẩm. Khi ta tiếp xúc với mỗi tác phẩm văn học là ta đang ở vị trí góc nhìn của tác giả, là đang cảm nhận linh hồn nhà nghệ sĩ. Quá trình ấy đều được thể hiện một cách bị động qua từng tác phẩm văn học. Vì vậy hành trình đi tìm chính bản thân nó không chỉ dừng lại việc đi tìm ở cá nhân nhà nghệ sĩ Nguyễn Huy Thiệp mà còn có thể đi tìm ở các nhà nghệ sĩ khác. Bản chất của cảm tính nghệ thuật là một điều phi thường. Bên trong mỗi con người nghệ thuật của các nhà nghệ sĩ đều không thể giống nhau, mỗi người là mỗi một phong cách riêng, có nét bút tài hoa khác biệt rõ rệt. Và có cho mình một góc nhìn riêng, một quan niệm nghệ thuật và hệ thống kí mã mà không ai có thể làm được. Quả vậy, ta không thể bắt gặp hình bóng của những giọng văn "sắc lạnh" của Nguyễn Huy Thiệp trong các mẫu truyện ngắn của Thạch Lam được và ngay cả hình ảnh oái oăm giữa quản ngục và nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân. Hành trình của mỗi nhà nghệ sĩ đều khác nhau như sự phong phú, đa dạng của cuộc đời mà người đọc cần khám phá.
"Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý.” (M. Gorki). Thực rằng khi đọc và tìm hiểu các tác phẩm văn học bản thân các độc giả yêu mến văn học đều ắt sẽ tự cảm nhận thấy, có gì đó xao xuyến, có gì đó đang tỏa ra ngay bên trong mình khi thưởng thức các tác phẩm văn học. Đó chính là sự chuyển hóa có tính chủ động, bắt buộc bản thân ta đắm chìm trong nội dung, tư tưởng và suy nghĩ của nhà nghệ sĩ. Từ đây hành trình đi tìm chính bản thân mình mới thực sự phát huy, những giá trị gợi cho ta các cảm xúc và suy nghĩ khác nhau sẽ dần được đúc kết lại vào trạng thái đặt tâm thế, góc nhìn của bản thân vào nhân vật để tự trả lời cho các câu hỏi mà bản thân đang trăn trở hay là về vấn đề ta đang vướng ngay cuộc sống đời thực. Những điều trên là một minh chứng rõ ràng về việc ta đang nhận thức về con người, về cuộc sống và đặc biệt đó là bản thân ta.
Ý kiến của Đỗ Đức Hiểu đã mở rộng cho ta thấy mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả là một mối quan hệ đặc biệt, gắn bó sâu sắc, mật thiết với nhau. Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm văn học, còn độc giả là người tiếp nhận tác phẩm đó. Hai bên có mối quan hệ tương tác, bổ sung cho nhau, tạo nên giá trị của tác phẩm văn học. Mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả là mối quan hệ không thể tách rời. Độc giả là người thổi hồn vào tác phẩm, giúp tác phẩm trở nên gần gũi, thân thuộc và có một giá trị dấu ấn riêng. Ngoài ra, cũng chính từng tác phẩm văn học được cảm nhận từ hai phía sẽ trở nên có giá trị vô cùng đặc biệt. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã khẳng định: "Mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả là mối quan hệ máu thịt. Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó được độc giả tiếp nhận và trân trọng." Quả thật những giá trị mà các tác phẩm đem lại vô cùng nhiều, nó giúp cho người đọc tìm thấy chính mình, tìm ra được những điều mới lạ mà bản thân chưa thấy, hiểu rõ thêm về những vấn đè thực tế ở cuộc sống.
Và ngoài kia vẫn có các nhà nghệ sĩ đã và luôn ở lại trong tim mỗi bạn đọc, các tác phẩm của họ đã thành công trong việc gửi gắm các giá trị quan trọng của văn học đến bạn đọc. Để lại trong tim họ một ấn tượng khó phai, giúp khối óc và tâm hồn họ thoát khỏi sơ cứng mà trở nên tình người hơn với sự vật và con người xung quanh. Và có lẻ "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao chính là một trong những tác phẩm như thế. Nhân vật Chí Phèo, một hình tượng nghệ thuật đại diện cho tầng lớp người nông dân bị áp bức trong xã hội cũ. Chỉ trong mẫu truyện ngắn này, từ lúc sinh ra và lúc ra đi khỏi cuộc đời của nhân vật Chí Phèo, các độc giả chúng ta đã nhìn thấy một bối cảnh xã hội thối nát sẵn sàng bỏ rơi chính đồng loại của mình, đè bẹp các số phận khác. Và ngay trong chính nhân vật này ta lại có thể bắt gặp được sự ấm áp của tình yêu đang lan tỏa, chi tiết "bát cháo hành" kia giống như một liều thuốc thần kỳ giúp cho Chí tìm lại bản chất lương thiện mà mấy chục năm dài bị khuất lấp, bị lãng quên. Nói đến cùng, nhân vật Chí Phèo là gã ác quỷ tội nghiệp, là một hình ảnh con người không có lối thoát trong xã hội bị bần cùng hóa, lưu manh hóa. Thế nhưng tất thảy hắn ta cũng là minh chứng cho rằng đã là con người thì phải có phẩm chất và quyền được sống như một con người. Từ những khoảnh khắc nhân vật Chí đem tới ta thêm nhiều trăn trở về thế giới con người, có thêm nhiều thắc mắc về mối quan hệ vật chất và nhân sinh. Nhà văn Nam Cao không chủ động cho ta một câu trả lời thỏa đáng thế nhưng ông lại ẩn ý gửi gắm nhiều câu hỏi đầy tính triết lý một cách có chủ đích.
"Văn học không quan tâm đến những câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này, luôn luôn rộng hơn bất kì một câu trả lời cặn kẽ nào.” (Claudio Magris). Nhà văn người Ý dường như cũng đã một cảm nhận sâu xa như thế với mối quan hệ nhà văn và độc giả. Những câu hỏi được các nhà nghệ sĩ đem tới cho ta, đó cũng có thể là những câu hỏi mà chính bản thân họ cũng đang tự mình đi tìm câu trả lời. Không ai trong số chúng ta có thể nhận định được bất kì câu trả lời nào hoàn toàn chính xác và theo ý của nhà nghệ sĩ. Tuy vậy, điều đặc biệt trong các câu hỏi trên là ta đang mày mò và tìm kiếm cho câu trả lời của riêng mình, đó là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa đối với các độc giả chúng ta. “Mọi lí thuyết chỉ là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.” (Goeth). Cảm nhận nghệ thuật là một điều đáng quý, nó đưa ta đến nơi hành trình tìm kiếm hạnh phúc, thúc đẩy con tim ta đến những điều cao đẹp, thân ái. "Văn học là nhân học" (Maxim Grooki), điều đó vẫn luôn là tư tưởng to lớn, là câu trả lời mang nhiều hàm ý.
Văn học sẽ luôn mang lại cho độc giả những trải nghiệm thú vị, đáng giá. Những dấu ấn mà nó thể hiện ở các nhà nghệ sĩ đã chứng minh cho chúng ta nhìn những điều trân thực ở cuộc đời. Những điều đó ta không chỉ thưởng thức mà còn là học hỏi và tự rút cho bản thân mình nhiều câu trả lời có ý thức hiệu quả với cuộc sống chính mình. Một áng văn có giá trị riêng biệt đấy là nó đã đem tới cho cái một nhìn rộng mở và đánh thức ta ra khỏi suy nghĩ xô bồ bằng chính hình ảnh nó mang tới. “Văn học là tấm gương lớn di chuyển dọc theo đường đời” (Stendhal), là hành trình đi tìm chính bản thân mình của mỗi độc giả chúng ta.