Hồn Trương Ba - da hàng thịt (Kịch Lưu Quang Vũ)

23/01/2024

Hồn Trương Ba - da hàng thịt (Kịch Lưu Quang Vũ)

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước. Tác phẩm đã thông qua yếu tố nhân gian mà mở ra nhiều vấn đề mới mẻ trong thời buổi hiện đại về quan niệm nhân sinh, triết lý sâu xa về đời người, và góp phần sự nhân văn sâu sắc. Và cũng từ đây, một số vấn đề đặc biệt liên quan đến mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn con người, cũng đã được nhắc tới, nó nằm trong câu thoại của "xác hàng thịt" đối với "hồn Trương Ba" : "Tôi là cái binh để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác.” Vậy theo Lưu Quang Vũ mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn là gì ? Và nó đặc biệt như thế nào với cá nhân con người ?

Mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác là sự hòa nhất giữa linh hồn vô hình và chân thân hữu hình trong một "con người". Nói một cách khách quan hơn, mối quan hệ trên là không thể tách biệt, mà nó phải luôn song hành với nhau. Diễn giải cho điều trên, ta có thể hiểu rằng linh hồn, hay tâm hồn đó chính là đại diện cho ý chí, tinh thần, cốt cách của "người". Còn thân xác, hay chân thân chính là vật chứa cho linh hồn, ngoài ra thân xác nơi trần gian còn mang theo những nhu cầu riêng của tự nhiên, bởi thân xác còn có bản thể "con". Vì vậy, nếu linh hồn thiếu xác thịt, thì cũng chỉ là vô diện, vô hình giữa thế giới hữu hình. Và ngược lại nếu thể xác thiếu đi linh hồn thì cũng chỉ là chiếc vỏ rỗng tuếch, không có chứa đựng đủ chất tư con người. Và đây là mối quan hệ song song, không thể thiếu một trong hai, mà phải bổ sung lẫn nhau để có thể tồn tại trên trần gian này.

Quả vậy, mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác rất đặc biệt quan trọng với con người ta. Ta không thể sống thiếu một trong hai được. Mọi sự trên đời có rất nhiều, không đếm xuể, nhưng đối với ta, linh hồn và thể xác của ta kia mới là thứ đáng giá nhất, không gì có thể sánh ngang được. Con người ta đã sống, thì phải có lý lẽ riêng cho cuộc sống của mình, cái lý đó phải thuận theo bản chất của họ, vì vậy dù lý lẽ của mỗi người xung quanh có khác nhau, thì đối với ta chủ đích sống để ta được sống trọn vẹn một đời thì ta phải bảo vệ và kiên định với nó.

Đi vào lý lẽ đầu tiên của "xác hàng thịt" khi đối đáp với "hồn Trương Ba" :"Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn.". Ta nhận thấy, cái "xác" của anh hàng thịt kia dường như nó cũng đã có suy nghĩ riêng, có nhận thức rõ ràng về chính vai trò của nó. "Xác hàng thịt" hiểu rằng nó có tác dụng làm "bình để chứa đựng linh hồn", và nó cũng đã chấp nhận với điều đó. Sau đó nó tiếp tục thể hiện cái vai trò của mình để chứng minh cho cái lý của nó là đúng: "Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… ". Từ "nhờ có" liên tục được lặp lại, nó muốn khẳng định tác dụng của mình, vị trí của mình ngay trong cán cân quan hệ giữa xác và hồn, và cũng từ đây cái xác kia biết rõ rằng, nếu không có nó, thì "hồn Trương Ba" cũng chẳng thể tương tác với sự sống trên trần gian, chẳng thể làm việc mình thích, gặp người mình thương. Thực tế, nó không sai, và đồng thời ta cũng không thể nhận xét được cái lý của nó. Bản thân cái xác kia cũng chỉ là cái bình chứa, nó cũng có vai trò riêng, và cũng rất đỗi quan trọng với hồn. Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đang trực tiếp mở ra cái vấn đề giữa hồn và xác, giữa phần "con" và phần "người".

Tuy nhiên, cái xác kia, nó rất khéo léo khi đặt ra vị trí của tâm hồn và thể xác có chung mối liên hệ: "Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác.”. Khi "xác hàng thịt" đề cập tới mối quan hệ song hành của thể xác và tâm hồn thông qua hình thức "hành hạ" tâm hồn và "xúc phạm" thể xác. Y như bản thân của "xác hàng thịt" cũng đã sẵn có quan niệm riêng về con người trong cuộc sống. Nếu đặt góc độ quan sát ở mức độ rộng hơn, ta sẽ thấy nhân vật "xác hàng thịt" đã có tư tưởng chủ đạo về phần hồn, phần xác hoàn toàn khác biệt so với "hồn Trương Ba", từ lập luận, ý thức, và cách nhìn nhận cũng khác hẳn. Nhờ thế, chúng ta ở vị trí tiếp nhận tác phẩm, ta đã nhìn thấy rộng hơn về khái niệm của mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn thông qua cuộc đối thoại trên. Và có lẽ những khái niệm mới đặt ra về mối quan hệ trên, cũng đã gieo rắc trong tâm trí ta, khiến ta đã biết thì phải càng biết rõ hơn, để có thể trả lời đủ cho chính mình, về con người của ta.

"Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác.”. Câu nói mang theo cái lý đanh thép từ góc độ của "Xác hàng thịt". Mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn có rõ giá trị mật thiết. Đồng thời, "xác" cũng đã muốn thông báo với "hồn" rằng nếu "hồn" cứ mãi ở đây thì chẳng thể giữ vẻ thanh khiết vốn có của mình nữa, "hồn" sẽ bị thói đời của "xác" nuốt chửng và hòa nhập với "xác". Và đặc biệt hơn, câu nói của "xác hàng thịt" cũng đã có chủ ý liên quan đến quan niệm "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Từ đây, ta đã hiểu được sự "xúc phạm" về thân thể sẽ rất nguy hiểm đối tâm hồn con người, những nhu cầu cơ bản, nếu không được kiếm nén, nó sẽ trở thành những thói xấu, dục vọng xấu xa, khiến tâm hồn con người ta không bao giờ xứng đáng với hai chữ "trong sáng".

Bên trong là tâm hồn, bên ngoài là thể xác, vậy đâu mới là phía quyết định con người ? Quả vậy, càng giữ lấy những phẩm chất thanh cao kia mà bản thân ta lại chưa thể xác định rõ đâu là nguyên nhân, đâu là cái khó đã dẫn đến sự dung tục, thì có lẽ ta chẳng thể giữ mãi được những phẩm chất ấy. Thực tế rằng, sự quyết định của con người cũng phải đến từ con người. Chúng ta vẫn là những sinh vật của tự nhiên, chũng ta vẫn sống và phát triển theo tự nhiên, ta không thể đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên kia, mà đúng ra ta phải quan sát về phần mình. Và những hành vi tự chủ kia sẽ trở nên thông thoáng hơn, nếu chúng ta biết chấp nhận phần "con" của mình, Lưu Quang Vũ đã rất thành công trong cách mở rộng vấn đề về tính nhất quán của mỗi con người: "Liệu rằng thân xác ta có khiến ta mất đi sự "tốt đẹp" bên trong mình ? Liệu nhu cầu tự nhiên kia có quá đỗi nguy hiểm? Thế nhưng, nhìn đi ngoảnh lại về hướng luận ý, chúng ta đều biết rằng "nguy hiểm" kia có hay không đều đến từ sự quyết định của bản thân ta.

Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã dựa vào hai nhân vật "xác hàng thịt" và "hồn Trương Ba" là hai hình tượng đại diện cho hai nhận thức độc lập về cuộc sống. Chính hoàn cảnh bất đắc dĩ kia, đã góp phần tạo nên sự mẫu thuẫn giữ cả hai. Giữa hai bên đều đã từng có hồn, có xác, đều đã từng là con người. Thực tại ngày trước dù họ có hai thân phận khác nhau, có lối suy nghĩ khác nhau, có bản chất riêng biệt, tuy nhiên ở họ đều không thể đủ đầy về phần "con" và lẫn phần "người" được. Một bên thì bảo rằng phải coi trọng phần hồn, một bên cho rằng không thể quên được phần xác. Ta không thể chống lại tự nhiên mãi được bằng chính sự tốt đẹp trong khuôn khổ cực nhọc và cũng như ta cũng không thể xa lầy bào thú vui, dung tục của thể xác mãi được. Hai nhân vật trên là biểu thị cho sự phổ biến của quan niệm sống con người, khi xuyên suốt thời gian, những kết quả của cuối cùng của cuộc đời vẫn là thứ con người ta theo đuổi. Có người sẽ giống như "xác hàng thịt, không ruồng chặt mình vào những giáo điều của con người, không muốn phần xác của mình vì khuyên là sống vì phần hồn mà bị kiềm hãm bởi khổ sở, nhếch nhác, và họ cũng sẽ bảo như "xác hàng thịt" luôn cho rằng đó là "cách chiều chuồng linh hồn". Và cũng có những người như "hồn Trương Ba" vẫn luôn giữ sự tốt đẹp của tâm hồn trong sáng cho dù có không còn tồn tại trên cõi trần. Quả vậy, "Linh hồn là phần không thể chết của con người." (Plato) và "Linh hồn là một thực thể luôn muốn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống." ( Kierkegaard)

Nhìn rộng hơn về mối quan hệ của tâm hồn và thể xác, ta cũng nhận thấy, đã từng có những nhân vật trong văn học cũng đã biểu hiện sự tương quan của mối quan hệ trên. Điển hình là nhân vật "Chí Phèo" trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo, hắn ta sống một cách bất cần, không quan trọng sống hay chết, suốt cả đời hắn gần như gắn với rượu chè, chửi bới, gây hấn người khác. Nhưng đâu ai biết, bỗng có ngày hắn ta thức tỉnh chỉ vì tô cháo hành của Thị Nỡ, và có cho mình suy nghĩ rõ ràng về cuộc sống, về bản thân hắn. Chí Phèo mà ta thấy nay, thật tội nghiệp, thời khắc hắn ta nhận ra mơ ước xưa, là có một gia đình, có công việc nông dân, có một người hắn ta sẽ yêu thương trọn đời, tất cả đều đã quá muộn. Số phận ki như không tha cho chính hắn, hay cũng có thể nói chính hắn cũng không thể chấp nhận chính hắn sau ngần ấy thời gian. Chí Phèo thay vì đi đến nhà bà cô của Thị để giải quyết cho ra lẽ, thì trong cơn men, tiềm thức của hắn lại đưa hắn sang nhà Bá Kiến để đòi lại sự lương thiện vốn có của bản thân. Ở khoảnh khắc này, phần "người" bên trong hắn đã bùng phát, mọi vết nhơ trước đó, nay đã trở thành chất xúc tác khiến khát vọng được sống như một con người, quyền được hạnh phúc diễn tả qua hành động đồng quy với Bá Kiến. Chính Chí Phèo đã tự tay mình giải quyết ngọn nguồn của vấn đề, cũng như đó cũng là tự giải quyết cho bản thân.

Tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao đã đặc tả nhân vật trung tâm là "Chí Phèo" một cách rất công tâm. Ta không thể phủ nhận rằng sự thay đổi trong khoảnh khắc đã khiến Chí Phèo nay hoàn toàn khác xa Chí Phèo trước. Và đây cũng chính sự quyết định đến từ bản chất thực sự của một con người.

Ngoài Chí Phèo ra, ta còn nhận thấy còn có nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Mị trong bối cảnh sống không bằng con trâu, con ngựa, vì đã tin vào giáo điều, vào mê tín, mà gần như đánh mất đi cả đời mình trong nhà thống lí Pá Tra. Cô cũng giống như Chí Phèo, Mị đã nghe thấy "tiếng sáo" của ngày tết, lòng Mị đã mong muốn đi chơi, muốn được như bao người trong đêm tình mùa xuân. Chính điều đó, đã thúc đẩy ý thức Mị trốn thoát khỏi nơi nhà thống lí, dành lại quyền sống cho mình. Dù thất bại ở lần thứ nhất, nhưng lần thất bại đó như một tiếng động mạnh làm va đập hàng ngàn con sóng ngầm mạnh mẽ bên trong Mị. Và sau này, ở cuộc giải thoát lần thứ hai Mị đã thành công trốn thoát khỏi nhà thống lí, giành lại quyền tự chủ cho chính mình.

Nhân vật Mị trên đã từng bị chính ngoại cảnh ở nhà thống lí Pá Tra vùi dập mà mất đi nhận thức về sự tự do, lu mờ đi thế giới quan của chính mình. Và cũng chính nhờ ngoại cảnh là đêm tình mùa xuân, mà Mị mới thể nhận ra tầm quan trọng của sự sống và cái chết. Cô đâu muốn chết, cô đâu muốn làm con ma mãi cho nhà thống lí. Mị có cái lý riêng cho mình, cô có quyền để được sống, được sống cho chính mình. Mị giờ đây đã trở lại, cô không còn là cô gái mềm yếu, mỏng manh khi trước mà giờ đây đã mạnh mẽ, táo bạo với cuộc sống của chính mình.

Thực đúng vậy, mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác là cái gì đó rất đặc biệt, mà chỉ có con người ta phải tự trải nghiệm và đúc kết qua nhiều kinh nghiệm thì mới nhìn nhận theo cách chủ quan nhất. Đối với các nhân vật trên, họ phải mất một khoảng thời gian mới có thể nhận ra và sống đúng với chính mình. Họ như là một tâm gương, bài học để chính ta học hỏi tự khắc cho chính mình. Mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác chính là sự liên kết mật thiệt nhất, những gì thể xác thể hiện ở bên ngoài là cũng đang thể hiện cho tâm hồn bên trong. Con người ta như thế nào ở bên ngoài thì ắt bên trong họ cũng sẽ như thế.

Nhìn lại câu nói "xác hàng thịt, ta đã hiểu ra rằng thực chất những động thái của bên ngoài sẽ tác động đến trực tiếp đến tâm hồn con người. Thực rằng, xác và hồn ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. "Xác" là phương tiện để linh hồn thể hiện bản thân. Và "hồn" không thể tồn tại độc lập với "xác". Bởi lẻ "xác" là phương tiện để linh hồn cảm nhận thế giới bên ngoài, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, và ý chí của mình. Còn "hồn" là động lực thúc đẩy sự phát triển của "xác". "Hồn" là nơi chứa đựng những khát vọng, ước mơ, và lý tưởng của con người. Những khát vọng này thúc đẩy con người phát triển thể chất, trí tuệ, và tinh thần. "Thể xác là một món quà cần được trân trọng. Chúng ta cần chăm sóc và bảo vệ thể xác của mình để có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc." (Aristotle) và "Linh hồn là một thực thể tinh khiết, không bị chi phối bởi những ham muốn của thể xác." (Platon).

" Mối quan hệ về tâm hồn và thể xác" chính là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học

Vấn đề mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt còn có thể giúp ta liên tưởng đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong mỗi sự vật. Khi nội dung và hình thức phù hợp thì sự vật tồn tại và phát triển. Ngược lại khi nội dung và hình thức không phù hợp với nhau thì sự phát triển bị kìm hãm, sự tồn tại của sự vật có thể bị đe dọa. Đây cũng là một triết lí mang tính nhân văn giúp cuộc sống con người ngày càng hoàn thiện và tốt đẹp hơn. Hiện thực đời sống không phải chỉ là những hiện tượng, những sự kiện nằm thẳng đó trên trang giấy mà phải hòa tan vào trong câu chữ trở thành máu thịt của tác phẩm. Chất hiện thực làm nên sức sống cho tác phẩm và chính tài năng người nghệ sĩ đã bất tử hóa sức sống ấy. Điều độc giả bao đời tìm kiếm trong văn chương đâu chỉ là cái đẹp nội dung mà còn là cái đẹp về hình thức, vẻ đẹp lấp lánh của ngôn từ. Bên cạnh đó, cái đẹp trong nghệ thuật mang tính hoàn thiện: “Ðến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể dùng mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” (Hoàng Đức Lương). Điều này thúc đẩy người đọc phải có tri thức và tâm hồn sâu sắc, nhạy cảm trước cái đẹp. Có thế cái đẹp mới chạm đến phần sâu nhất của tấm lòng người đọc.

Và chính vì thế, chỉ có sự hài hòa giữa thể xác và linh hồn, giữa nội dung và hình thức là điều cần thiết để con người ta có được một cuộc sống hạnh phúc, và ý nghĩa nhất.

Phạm Nguyễn Hữu Thiện

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hơn bao giờ hết, văn học luôn gần gũi với cuộc đời, sống trong cuộc đời, phát triển theo nhịp sống của cuộc đời như một người bạn đồng hành tận tụy, một người thư ký trung thành với thời đại...