Có nên giao bài tập về nhà ngày tết?

16/01/2020

       Những ngày nghỉ tết, học sinh là đối tượng háo hức nhất vì được vui chơi, thoát khỏi sách vở suốt 5 tháng qua của học kỳ 1. Tuy nhiên cũng không ít học sinh chỉ vui nửa chừng vì vừa ăn tết vừa lo làm... bài tập.

co-nen-giao-bai-tap-ve-nha-ngay-tet

Học sinh trường THPT Vĩnh Viễn học và trải nghiệm trên mô hình

       Bàn về việc để học sinh (HS) phải học nhiều trong dịp nghỉ tết, có hai luồng ý kiến trái chiều giữa giáo viên và cả phụ huynh. Một bên thích học trò, con cái học để không quên kiến thức; một bên thích học trò, con cái dịp tết nghỉ ngơi, đón tết không cần đụng tới sách vở để có cái tết đúng nghĩa. Cả hai ý kiến đều có những lý do nhất định.

Củng cố kiến thức hay trải nghiệm thực tế ?

       Về ý kiến thứ nhất, với thầy cô, dịp tết nghỉ nhiều ngày, thời gian khá dài nên ra nhiều bài tập cho HS để các em luyện tập, không nên chơi nhiều quên kiến thức và tập cho các em tự rèn luyện trong học tập.
       Với cha mẹ, họ muốn thầy cô ra nhiều bài tập càng tốt để con “học càng nhiều càng giỏi”. Càng nhiều bài tập thì con cái đỡ lơ là trong việc học, đỡ đi chơi... khi gia đình khó quản lý.
       Về ý kiến thứ hai. Cả thầy cô và gia đình đều muốn học trò, con cái ngày tết là dịp nghỉ ngơi. Họ cho rằng, việc học là cả đời. Suốt cả năm học thì những ngày nghỉ nên cho bọn trẻ thoải mái hơn. Những ngày nghỉ, thầy cô cũng như cha mẹ muốn con làm được nhiều việc thiết thực trong cuộc sống chứ không phải là trong sách vở, như chúc tết người thân, phụ giúp gia đình, tham gia các hoạt động xã hội... Đó cũng là những bài học quý.
 

"Cảm giác chán nản, không hứng thú với việc học tập sau tết

        Tết là khoảng thời gian quý giá để HS nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình để gắn kết tình thân, vun đắp bài học ý nghĩa từ cuộc sống, mà không sách vở nào sánh được. Vì vậy giáo viên không nên tạo áp lực bằng việc giao bài tập, khiến các em không có cảm giác thoải mái trong thời gian này. Và hơn thế nữa, lạm dụng việc cho bài tập về nhà bằng suy nghĩ “lơ là sẽ quên kiến thức” có thể tạo cảm giác chán nản, không hứng thú với việc học tập sau tết." - Thầy Nguyễn Văn Thành (Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Vĩnh Viễn , Q. Tân Phú, TP.HCM)

       Cả hai ý kiến, xét về khách quan đều thấy có lý. Đặt vào từng trường hợp cụ thể thì chúng ta cảm thấy như thế. Song, thầy cô và cha mẹ cần phải chọn phương án nào tốt nhất cho con trẻ. Chúng ta đã từng là HS, cũng từng phải làm nhiều bài tập vào ngày tết, cũng từng buồn vì vừa đón tết vừa phải làm hàng tá bài tập các môn. Vậy sao chúng ta không “cởi trói” cho con em mình? Gây áp lực cho HS, con cái trong việc học trong những ngày tết thì làm sao các em được đón cái tết mà các em mong đợi?
       Là người thầy, những năm trước đây, ngày tết tôi cũng không muốn HS phải học nhiều. Tôi chỉ ra cho HS làm đúng một bài tập. Tôi nghĩ, một bài cũng đủ rồi, bởi tôi luôn nhắc nhở và dạy dỗ các em cần làm những việc giúp ích cho gia đình. Nếu môn nào thầy cô cũng giao nhiều bài tập thì chắc chắn học trò sẽ khó trọn niềm vui trong ngày tết. Những năm gần đây tôi không giao bài tập cho học trò làm dịp tết nữa. Vì thấy học trò và những đứa cháu của mình phải học nhiều trong những ngày này, tôi càng hiểu nỗi buồn của các em. Thế nên trước ngày nghỉ tết, tôi thường khuyên các em làm những việc thiết thực cho gia đình, đó là những bài rất quan trọng trong dịp tết.

Tạo áp lực không cần thiết

       Thường xuyên tâm sự với HS, tôi rất hiểu và cảm thông cho các em. Có những HS đã phải chịu ám ảnh bởi số lượng bài tập quá lớn mà các em phải hoàn thành. Có những em về đón tết cùng ông bà ở quê nhưng hành trang là khối bài tập nhiều môn. Về quê đón tết mà phải mang sách vở để học bài thì đã tạo áp lực cho các em, khiến các em chán nản và không còn hứng thú vui tết.
       Với HS, việc học rất cần thiết, là ưu tiên hàng đầu nhưng không phải lúc nào cũng học. Cần tạo khoảng thời gian để các em được thoải mái đầu óc, để các em có tâm trạng hứng khởi với những ngày tết và tinh thần học tập sau tết. Lắng nghe các em chia sẻ, người lớn sẽ hiểu hơn (mặc dù mình đã từng trải). Có những HS được ba mẹ đưa về quê đón tết cùng ông bà, họ hàng thì rất vui, rất háo hức. Nhưng sau đó buồn nhiều hơn vui khi giáo viên giao nhiều bài tập. Hành trang về quê đón tết... nặng đầy sách vở. Trong khi gia đình và người thân đi chúc tết họ hàng, bà con thì không ít em phải ở nhà làm bài tập. Hay những lúc đi chơi lại phải canh giờ để về tiếp tục làm các bài khác. Có em cảm thán: “Nghỉ tết để vui chơi, sao thầy cô lại ra nhiều bài tập. Cứ mỗi một cái tết thì chúng em lại có một “núi” bài tập để làm. Trước lúc nghỉ tết, nhà trường và thầy cô luôn nói câu: “Chúc các em ăn tết vui vẻ” mà lại cho chúng em rất nhiều bài tập về nhà”.

       Tết là ngày mọi người đoàn tụ với gia đình và vui chơi, tất cả các công ty, xí nghiệp đều cho tất cả công nhân, nhân viên về nhà ăn tết và không kèm theo công việc gì cả, khi họ nghỉ xong thì tiếp tục công việc của mình. HS cũng muốn được cái tết như vậy.

Đặt mình vào học sinh

       Có đặt mình vào HS, biết lắng nghe nỗi niềm HS thì người lớn, nhất là thầy cô mới hiểu và cần “cởi trói” cho các em. Nhiều giáo viên muốn trò mình “giỏi” nên ra rất nhiều bài tập khiến HS phải “gồng” mình trong những ngày tết. Cứ môn học nào thầy cô đều ra bài tập thì chắc chắn sẽ làm cho các em “đón tết trong bài tập” - trong sách vở.
       Ngày tết cần tạo niềm vui cho con trẻ. Hãy giúp con trẻ có những bài học quý trong những ngày tết: giúp cha mẹ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, thăm thầy cô giáo cũ, chúc tết ông bà, hàng xóm... Đó là những bài học nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực trong những ngày tết nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
       Đừng đánh cắp ngày tết của HS bằng việc giao bài tập về... tết.
 
Theo Thái Hoàng
Thanh niên
  • (Có 1 bình chọn)

Nhiều huy chương vàng, bạc, đồng các môn thể thao cấp quận, tốt nghiệp THPT 100/100. Trong đó có em Nguyễn Thị Ngọc Lan đạt 27 điểm khối D, em Tôn Thất Quốc đạt điểm 10 môn GDCD. Cánh cửa đại học đang rộng mở chào đón các em. Xin chúc mừng thầy cô và các em học sinh...
Trường THPT Vĩnh Viễn long trọng tổ chức Lễ tổng kết năm học 2022-2023
Kính thưa quý Cha mẹ học sinh, quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến! Năm Tân Sửu 2021 là một năm đầy biến động trên toàn thế giới, nhân loại phải vất vả trong phòng chống dịch bệnh COVID 19 và đặc biệt tại TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch trên mọi mặt của đời sống xã hội...
Sáng 7/12/2021, trong khuôn khổ chuyên đề nghị luận: Phép màu trong cuộc sống, tiết học môn Ngữ Văn lớp 10A2 - Trường THPT Vĩnh Viễn được đón mời Th.s Tâm lý Đặng Hoàng An. Thầy An là một nhân chứng sống về những nỗi đau tuột cùng, về nghị lực khôn cùng và về phép màu trong cuộc sống...
Theo tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, Trưởng phòng Trung học, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng trong phiên họp trực tuyến ngày 1/12/2021; Ban Giám hiệu trường THPT thông tin đến CMHS, GVCN việc chuẩn bị dạy học trực tiếp như sau...
Hướng dẫn TIẾNG ANH LỚP 9 - UNIT 3 ( A TRIP TO THE COUNTRYSIDE )