Xuất xứ của tác phẩm Mắt Biếc

23/12/2019

      1. Đo Đo là một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian đầu đời vô tư lự. Năm tôi lên tám, gia đình tôi dời về Cẩm Lũ, sau đó dọn ra huyện lỵ Hà Lam. Như vậy, tôi gắn bó thực sự với làng Đo Đo chỉ khoảng tám năm. Tám năm, một thời gian không dài, tôi lại ở độ tuổi còn quá nhỏ, nhưng không hiểu sao rất lâu về sau này tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở ngôi làng đơn sơ đó. Tôi nhớ ngôi chợ đêm lấp lánh ánh đèn, nhớ những đoàn xiếc lưu diễn thỉnh thoảng vẫn đến làng tôi và làm bọn trẻ con chúng tôi khiếp vía với những con trăn lớn quấn quanh cổ bọn người bán dạo. Tôi nhớ những cái giếng trên con đường cuối chợ ba tôi vẫn dẫn tôi đi tắm vào những đêm trăng sáng trên đường làng. Những hình ảnh thơ mộng ấy sau này đã đi vào trang sách của tôi như những phản quang tuyệt vời của kỷ niệm.

xuat-xu-cua-tac-pham-mat-biec

      Tác phẩm "Mắt biếc" có lẽ là tác phẩm tái hiện nhiều nhất những kỷ niệm của tôi về Đo Đo. Bao giờ đọc lại tác phẩm này tôi cũng rưng rưng nhớ đến hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của bà tôi, những trò chơi tuổi thơ giữa tôi, cô tôi và các anh chị con bác tôi. Ngoài Đo Đo, rất nhiều chi tiết trong truyện được lấy từ những nơi chốn khác tôi từng sống qua. Ngôi trường huyện hai nhân vật Ngạn và Hà Lan theo học dĩ nhiên là trường Tiểu La bây giờ. Tôi nhớ thời tôi đi học, trường Tiểu La nom rất đồ sộ, sân chơi rộng mênh mông với những hàng dương liễu tha thướt dọc bờ rào. Gần đây về lại, đi ngang qua trường cũ, tôi ngạc nhiên thấy ngôi trường bé hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Khu rừng sim trữ tình trong truyện là rừng sim ở Hà-Lam-trong, mà theo bạn bè tôi kể lại thì bây giờ khu rừng nhiều kỷ niệm học trò ấy đã không còn nữa.

xuat-xu-cua-tac-pham-mat-biec

      Thành phố Tam Kỳ cũng xuất hiện trong truyện, như không thể khác, khi Ngạn và Hà Lan học xong cấp 2 ở trường huyện và khăn gói vào thành phố. Trường Nữ tôi mô tả trong truyện đúng như những gì tôi còn nhớ về ngôi trường thơ mộng này, đã khiến nhiều độc giả lứa tuổi tôi bây giờ đọc lại vẫn còn bâng khuâng tiếc nhớ. Ngôi trường này bây giờ đã đổi tên thành trường Trần Cao Vân và không còn dành riêng cho nữ sinh như trước đây.

      2. Từ xưa, Quảng Nam đã là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Vì vậy nỗi hoài nhớ quê hương trong lòng người Quảng Nam xa xứ dằng dặc và rất sâu đậm. Vào Sài Gòn, đa số người Quảng tha hương sống quần tụ tại làng dệt Bảy Hiền. Để gần gũi nương tựa và giúp đỡ nhau là một lẽ. Lẽ khác, để thỏa mãn cái nhu cầu sâu xa về mặt tinh thần: được sinh hoạt, chung đụng giữa một cộng đồng thân thuộc. Làng dệt Bảy Hiền tồn tại như một “đặc khu”: chỉ ở đó mới có bán cái bánh đúc, bánh ú, bánh tráng đó, mới có trái dưa gang đó, củ nén đó, cục đường bát to đùng đó, mới ngoảnh tới ngoảnh lui đều nghe được cái giọng Quảng đặc sệt đó. Lạc vào khu Bảy Hiền, có cảm giác người Quảng xa xứ đã tìm cách bê nguyên cái làng ruột thịt của mình theo. Để thỏa nỗi hoài cố quận.

      Tôi là nhà văn. Nên tôi thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của người hành nghề bằng con chữ. Những kỷ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: có phải đó là nguyên nhân sâu xa khiến tôi trở thành nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ - một thế giới lung linh mà một kẻ tha hương không nguôi nhớ đến và tìm mọi cách tái tạo trong những trang viết của mình?

      3. Bà Kato Sakae, dịch giả người Nhật đã dịch tác phẩm Mắt biếc ra tiếng Nhật cách đây mấy năm, mỗi lần sang Việt Nam gặp tôi bao giờ cũng xuýt xoa hỏi về quả thị vàng, về quả sim, quả trâm, về món canh hoa thiên lý mà tôi mô tả trong truyện. Bà đòi ăn cho bằng được các món đó, bà đòi tôi dẫn bà về Quảng Nam để bà “tham quan” rừng sim, chợ Đo Đo và ngôi trường Nữ mà bà rất yêu thích khi đọc truyện. Cho đến nay, qua nhiều lần khất tới khất lui, cuối cùng tôi cũng đãi bà được món canh hoa thiên lý, đã mua được cho bà một rổ thị to tướng và bóc vỏ dán lên tường thành những bông hoa nhiều cánh cho bà xem, còn tặng bà cả chục quả đem về Nhật để “biểu diễn” cho bạn bè lác mắt chơi. Nhưng dẫn bà về Quảng Nam thì tôi không dám. Rừng sim ở Hà-Lam-trong đâu còn nữa. Trường Nữ cũng thế, đã thành một ngôi trường hoàn toàn khác, làm gì còn có cảnh “trường Nữ giờ tan học là một kỳ quan đối với bọn con trai chúng tôi/ mãi về sau này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thơ mộng của những tà áo trắng lững lờ trôi ra khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù/ dòng sông ảo ảnh đó đã một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời” (Mắt biếc). Cả ngôi chợ Đo Đo với những túp lều ọp ẹp trong truyện nữa, bây giờ cũng không còn. Chợ Đo Đo mới được xây cách đó một quãng. Đó là ngôi chợ lồng với những cây cột xi măng, đâu có giống như những gì tôi tả. Cho nên tôi cứ hẹn lần hẹn nữa với bà Kato Sakae. Đã nhiều lần tôi định nói với bà những trang sách của tôi là những gì thuộc về kỷ niệm, là ký ức mà tôi lần mò trở về khi lòng tôi dậy lên nỗi niềm sầu xứ. Mà tôi thì không có cách gì dẫn bà đi “tham quan” kỷ niệm trong lòng tôi được.

      Tôi định nói như thế nhưng tôi cứ dùng dằng. Tôi sợ bà thất vọng. Tôi sợ bà buồn. Tôi đành hy vọng là đến một lúc nào đó mải bận bịu công việc bà sẽ quên những gì tôi đã hứa. Ờ, lúc đó chắc nỗi mơ ước của bà cũng sẽ hóa thành... kỷ niệm. Cầu trời!

Trích "Sương Khói Quê Nhà"- Nguyễn Nhật Ánh

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...