5 điểm lưu ý khi ôn, thi môn ngữ văn

20/02/2020

1. Phải hiểu văn học là nghệ thuật của ngôn từ

Các từ ngữ trong văn học mang tính hình tượng, có khi hết sức trừu tượng. Vì thế khi tiếp cận cần lưu ý yêu cầu của đề thi để hạn chế những sai sót trong làm bài.

          Cảm nhận một khổ thơ tức là đòi hỏi người đọc khám phá lời hay ý đẹp mà nhà thơ gửi gắm trong ngôn ngữ thơ trong hình tượng thơ, trong từng thủ pháp nghệ thuật… Mỗi khổ thơ tựa như một nốt nhạc trong bản nhạc vì thế tiếp cận khổ thơ nào phải cảm nhận sâu sắc về nó tránh diễn xuôi, lan man.

Bộ môn văn đòi hỏi sự cảm thụ bằng cả nghệ thuật từ chi tiết tưởng chừng rất cụ thể nhưng lại mang ý nghĩa khái quát có khi còn trừu tượng đòi hỏi người đọc phải có cảm nhận thật tinh tế qua ý nghĩa, tiểu chủ đề, chủ đề, tư tưởng,... Ví dụ: bát cháo hành (Nam cao - Chí Phèo), nồi cháo cám (Kim Lân - Vợ nhặt) là hình tượng (cụ thể), qua đó, tác giả muốn truyền thông điệp giá trị của tình yêu thương (trừu tượng - tư tưởng, chủ đề). Hiểu như thế, các em sẽ tiếp cận được tư tưởng tác phẩm, tránh lạc đề.

Một điều cần lưu ý khi tiếp cận tác phẩm văn học phải có sự quan tâm đặc biệt với tiêu đề, dòng chú thích, lời từ, thời gian sáng tác. Đây cũng là chìa khóa để hiểu đúng tác phẩm. Bên cạnh đó cần lưu ý các từ ngữ là nhãn tự của thơ, các hình ảnh là hình tượng nghệ thuật của tác phẩm văn học. 

Nguyên tắc tiếp cận: Từ hình tượng đến trừu tượng


2. Kết quả tốt chỉ dành cho thí sinh học có phương pháp

Điều đầu tiên để làm tốt bộ môn Ngữ Văn thì chính các em phải đọc và đọc nhiều sách. Tất nhiên việc đọc phải có chọn lọc. Quỹ thời gian dành cho học tập môn Ngữ văn không nhiều nên khi đọc phải có phương pháp mới hiệu quả.

Trong quá trình tiếp cận tác phẩm cũng như những vấn đề xã hội, thì việc cần thiết là đọc chậm và áp dụng phương pháp gạch chân và chú thích. Trong quá trình đọc đôi chỗ phải dừng lại, nghiền ngẫm để hiểu được ý nghĩa, dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Cần lưu ý những từ ngữ, hình ảnh, các thủ pháp nghệ thuật của tác giả để diễn đạt “ý tại ngôn ngoại” hàm súc, sâu sắc.

Luôn phải có sổ tay văn học để ghi chép những nội dung quan trọng cần lưu ý để tạo vốn từ, nguồn kiến thức, cách trình bày gãy gọn, xúc tích, chắt lọc, không dài dòng, lan man thì bài thi mới có kết quả cao.

Học sinh nào cũng có ước mơ khát vọng, thậm chí có cả sự siêng năng, nghị lực và cao hơn nữa là kiến thức, nhưng vẫn không có kết quả như ý là vì không có phương pháp học tập. Phương pháp chính là kim chỉ nam, nó giống như ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu, thuyền không lạc bến bờ vậy, nên nhất định phải coi trọng phương pháp học. Bởi lẽ, học là học cách để tiếp cận chứ không phải học cách để thuộc. 

Từ việc “đọc” đến “hiểu” và thể hiện trong bài viết là cả một chặng đường dài miệt mài tích lũy kiến thức và phương pháp học tập hiệu quả. “Có kiến thức mà không có phương pháp thì thiên tài cũng lạc lối”. Xây dựng phương pháp học tập, phương pháp tiếp cận hiệu quả và nhiệm vụ của mọi thí sinh.


3. Tìm hiểu thêm các sách vở, tài liệu

Tìm đọc các sách vở, tài liệu là điều hết sức cần thiết để bổ sung kiến thức, phương pháp học tập hiệu quả. Tuy nhiên trên thị trường sách hiện nay, nào sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn, các bài văn mẫu tràn ngập thị trường thì việc chọn lọc là điều quan trọng. 

Có tham khảo hiệu quả giúp chúng ta tiếp cận đúng hướng, hiểu hơn và hiểu đầy đủ tác phẩm văn học hoặc hiện tượng đời sống xã hội. Nhất là việc đọc được một bài văn hay, một góc nhìn mới, một cách nghĩ mới sẽ giúp ta thêm hứng thú để học tập hiệu quả. Tuy nhiên tham khảo chỉ để bổ sung kiến thức, mở lối, định hướng để chúng ta hiểu đúng, đủ và tái hiện trên trang viết hiệu quả. Những kiến thức trong các tài liệu, các bài văn hay được vận dụng sáng tạo theo cách nghĩ độc lập của bản thân để đánh giá đúng vấn đề hiện tượng xã hội, vấn đề cảm thụ tác phẩm văn học một cách khoa học và nghệ thuật.  

Đọc bài văn hay là cần thiết nhưng tránh làm theo văn mẫu. Các em cần định hướng bài làm văn trên cơ sở lập dàn ý đại cương (tránh dàn ý chi tiết, vì không thể có đủ thời gian trong khi làm bài thi). Dàn ý đó là cái khung ghi các vấn đề trọng tâm, các ý cơ bản để tránh lan man, lạc đề. Với bài văn nghị luận từ văn học hay xã hội, cũng phải đảm bảo làm bài hoàn chỉnh, đầy đủ các bước rõ ràng từ mở bài, khái quát tác phẩm, các khái niệm, nêu luận điểm, luận cứ, triển khai và đi đến ý nghĩa, chủ đề, nhận định chung, kết bài để bài văn hoàn chỉnh. 


4. Phân phối thời gian làm bài thi

Cấu trúc đề thi 2020 cơ bản không khác với năm trước, nhưng nhẹ nhàng hơn vì trọng tâm ở chương trình 12. Về thời gian, các em cần phân phối hợp lý. Điều lưu ý đầu tiên là các em phải dành từ 3 đến 5 phút đọc kỹ đề, gạch dưới các từ ngữ quan trọng. Sau đây là phần cụ thể:

a/ Phần đọc – hiểu (3 điểm với 4 câu hỏi từ thấp đến cao): Đây là phần dễ kiếm điểm cho học sinh. Thời gian dành cho phần này từ 10 đến 15 phút.

- Ngữ liệu được chọn lọc thông thường qua các năm là những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phổ thông nên rất mới và lạ bắt buộc thí sinh phải đọc kĩ và hiểu được thông tin bàn đến trong ngữ liệu.

- Ngữ liệu thường xuất hiện ở hai loại phong cách ngôn ngữ:

+ Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (bài thơ ngắn hoặc đoạn trích thơ) chủ yếu của những nhà thơ hiện đại và đương đại.

+ Phong cách ngôn ngữ chính luận (bài phát biểu, tham luận, bình luận…trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Các ngữ liệu thường đề cập đến những vấn đề trong cuộc sống và phù hợp với nhận thức của  tuổi trẻ, học sinh hiện nay.

Các câu hỏi trả lời cho ngữ liệu cần lưu ý:

+ Trả lời thành câu văn hoàn chỉnh.

+ Ý trả lời phải trúng và gọn.

+ Các câu hỏi thuộc hướng suy luận cũng phải đúng trọng tâm, không lan man .

b/ Phần làm văn (7 điểm) có 2 câu.

- Câu 1. Đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ. Có thể viết đến 250 từ. Nói chung là 1 trang giấy thi (2 điểm). Phần này các em dành 15  đến 20 phút.

  Đề thường chọn một luận điểm nào đó có trong ngữ liệu phần đọc hiểu.

Yêu cầu khi viết đoạn nghị luận xã hội:

+ Đọc thật kĩ yêu cầu trong đề: viết và bàn về nội dung gì ?

+Thí sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp (giải thích, bình luận, phân tích, chứng minh…) song phải bàn luận đúng , đủ để  luận điểm giải quyết tron vẹn. 

Lưu ý: yêu cầu viết đoạn là khai thác một góc độ của vấn đề chứ không hoàn chỉnh như một bài. Cho nên tránh viết dài dòng, lê thê.

- Câu 2. Bài văn nghị luận văn học. Phần này, các em dành 75 phút (dư 5 phút dành cho việc xem lại bài). Nói thêm về phần này theo đề minh họa sẽ tập trung ở chương trình 12. Tuy nhiên có xu hướng đề yêu cầu khai thác 2 vấn đề trong cùng một tác phẩm hoặc ở 2 tác phẩm, nhưng cùng chương trình 12. 

Cần lưu ý phương pháp và kĩ năng làm văn tích hợp (Phân tích – cảm nhận kết hợp liên hệ). 

Trong phần nghị luận văn học cần liên hệ so sánh trong mối tương quan với những tác phẩm, những tác giả, hay các vấn đề có liên quan để làm nổi bật trọng tâm cần nghị luận.


5. Trình bày dễ nhìn, chữ rõ nét

     Các em hãy nhớ hình thức trình bày vài tự luận rất quan trọng. Em tẩy xóa, trình bày xấu, chữ viết quá tệ thì rất dễ bị giám khảo "âm thầm" trừ điểm. Cho nên cố gắng trình bày dễ nhìn. Chữ viết nếu không đẹp, phải rõ nét, đủ dấu dễ đọc. Lưu ý thêm tránh dùng từ ngữ khó hiểu, dùng từ ngữ của mạng xã hội, hạn chế tối đa từ ngữ của văn nói.

Chúc các em có một mùa thi thành công !

        Thạc Sĩ Nguyễn Văn Thành 

(Phó Hiệu trưởng THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 2 bình chọn)

Hướng dẫn giải đề minh họa kì thì tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Ngữ văn 12 năm 2024...
Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT và gợi ý giải
Đề thi và Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 2 - môn Ngữ Văn
Hướng dẫn giải đề minh họa tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Văn
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.Câu 2: Hai hình ảnh thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung là:
Mỗi tác giả, nhà văn đều có một vùng đất để thương để nhớ. Nếu NguyễnTrung Thành tìm nguồn cảm hứng với vùng đất thiên nhiên đầy nắng gió với nhiềucon người đậm chất sử thi, Nguyễn Thi về với miền đất Phương Nam với những conngười miền Tây hào sảng thì với Tô Hoài là mảnh đất miền Tây Bắc đã để thương đểnhớ cho tôi quá nhiều.