Nội dung ôn tập hóa

20/02/2020

Dựa vào đề  thi THPT QG 2019 môn Hóa mà Bộ GD-ĐT cho biết sẽ là căn cứ giúp học sinh định hướng ôn tập phù hợp. Trong đó tỉ lệ câu hỏi lí thuyết so với câu tính toán là 25:15 (6,25 điểm: 3,75 điểm). Số câu cơ bản yêu cầu mức độ nhận biết 16 câu (4 điểm), mức độ hiểu 4 câu (1 điểm), 12 câu vận dụng (3 điểm) và 8 câu vận dụng có độ khó cao (2 điểm). Kiến thức chủ yếu lớp 12 chiếm 36 câu, có 4 câu kiến thức của lớp 11. Có 2 câu liên quan thực hành, 1 câu vận dụng trong đời sống về môi trường. Có nhiều câu mô tả thí nghiệm hóa học.

Học lực trung bình yếu vẫn có khả năng kiếm 5-6 điểm

Theo yêu cầu như đề thi minh họa, 16 câu ở mức độ nhận biết học sinh chỉ cần học bài là trả lời được. Ví dụ câu 2: Kim loại nào sau đây là kim loại kiềm? Na, Ca, Al, Fe. Có 4 câu hiểu cũng khá cơ bản. Để kiếm được 5 điểm cho 20 câu này học sinh chỉ cần học nhẹ nhàng và nhớ các kiến thức được học. Học sinh trung bình yếu nếu chăm chỉ sẽ không khó kiếm được từ 4 đến 4,5 điểm nội dung này.

Một số lời khuyên với các em chọn ban tự nhiên để xét tốt nghiệp mà không xét đại học:

  • Nên phân chia thời gian ôn tập các kiến thức đã học cho hợp lí.

  • Không chủ quan học qua loa chiếu lệ hay dựa vào kết quả môn khác bù lại. 

  • Không học các kiến thức nâng cao có độ khó quá sức sẽ không hiệu quả, mất thời gian.

  • Đọc đi đọc lại các kiến thức cơ bản cho thành phản xạ nhớ.

  • Giải những bài toán cơ bản ngắn sử dụng ít bước.

  • Hệ thống hóa kiến thức liên quan giúp dễ nhớ và kiến thức dễ liền lạc.

  • Phần vận dụng cao hơn tùy theo mức độ hiểu và kiến thức mình có thể nắm vững mới giải quyết. 

Phần vận dụng ở mức độ vừa phải học sinh trung bình yếu vẫn có thể làm được và làm tốt nếu nắm vững các kiến thức cơ bản liên quan. ví dụ câu 57: Đốt cháy amin X (no, đơn chức, mạch hở) thu được 0,2 mol CO2 và 0,05 mol N2. Công thức phân tử của X là? 

Như vậy học sinh trung bình yếu nếu ôn tập tốt và hợp lí hoàn toàn có thể kiếm được 5-6 điểm.

Để có thể có điểm cao hơn các em có thể tham khảo thêm một số lời khuyên dành cho học sinh lấy điểm thi Hóa xét vào đại học. 

Một số lời khuyên cho các em chọn ban tự nhiên để xét đại học

Ngoài việc làm tốt 20 câu đầu ở trên các em cũng cần làm tốt phần còn lại của bài thi. Để đạt điểm cao cho bài thi của mình:

  • Các em cần ôn luyện thường xuyên các kiến thức đã học nhằm tránh sự quên sót, bối rối, không chắc chắn khi xử lí tình huống. Kiến thức mình nắm vững sẽ xử lí vấn đề dễ dàng.

  • Nên giải quyết phần lí thuyết trước, phần tính toán sau. Phần lí thuyết thường chỉ yêu cầu kiến thức cần nhớ, đánh giá, phân tích và giải quyết ở mức độ đơn giản hơn nên đây là phần các em dễ có điểm an toàn.

  • Cần phân bố thời gian hợp lí. Phần lí thuyết dù nhiều nhưng những câu nào chắc chắn ta giải quyết luôn và không quay lại nữa.

  • Những câu chưa chắc giữa hai hoặc ba lựa chọn ta cần đánh dấu, ghi nhớ kiến thức đang giải quyết để sau đó nếu vòng lại không phải suy nghĩ lại từ đầu.

  • Có thể giải quyết theo phân nhóm kiến thức để sự tư duy thuận lợi, liền lạc. Ví dụ: giải quyết theo axit-bazơ, kim loại, nhóm chức…

  • Phần bài tập tính toán, để giải quyết nhanh các em cần sử dụng tốt các định luật bảo toàn: khối lượng, nguyên tố, electron trao đổi, điện tích… Chuyển đổi hỗn hợp các chất tương đương. Với việc chọn kết quả trắc nghiệm các em chỉ xét nhanh các lượng chất tương quan chứ không cần xét đủ phương trình phản ứng, tự bỏ các bước theo trình tự như bài giải tự luận dễ làm ta tốn thêm thời gian. Việc này đòi hỏi ở học sinh phải biết tự trang bị kiến thức cho mình.

  • Có thể gặp câu hỏi lí thuyết hay bài tập giải quyết được bằng phương pháp loại trừ nên ta có thể dựa vào đáp án suy ngược lên để giải quyết.

  • Tận dụng thời gian là quan trọng. Các phần lí thuyết đã nắm vững ta cần làm nhanh để dành thời gian cho các câu tính toán. 

  • Cần sử dụng giấy nháp hiệu quả. Chỉ tóm tắt dùng những dữ kiện cần thiết. Sau mỗi câu, mỗi kiến thức nên gạch ngang kết thúc để khỏi lẫn nội dung mỗi câu. Giữ lại các nội dung đã nháp để kiểm tra và không mất thời gian khi ta cần giải tiếp các câu chưa trọn vẹn.

  • Thường có câu liên quan đến hình vẽ thực nghiệm. Các em tham khảo các thí nghiệm mô tả trên sách giáo khoa.

  • Có thể có kiến thức liên quan đến đời sống quanh ta: ô nhiễm môi trường, chất gây nghiện, ứng dụng trong đời sống…

  • Có khoảng 4,5 câu rất khó dành cho học sinh đạt điểm 9,5-10. Các em tự nhận thấy yêu cầu kiến thức, giải quyết vấn đề ngoài khả năng của mình thì nên dành thời gian quay lại các câu mình còn ngập ngừng, lúng túng ở mức độ dễ hơn. Các câu rất khó này nếu không giải quyết được có thể là những câu có điểm may mắn cho kết quả cuối cùng.

Với việc ôn tập hợp lí cùng với kiến thức vững vàng

Học lực khá có khả năng kiếm 6,5-7,5 điểm

Học lực giỏi có khả năng kiếm 7,5-9 điểm. Điểm 10 sẽ khó đạt hơn.

Chúc các em Thành công!

                                                  Huỳnh Tấn Vinh ( THPT Vĩnh Viễn TP HCM )

  • (Có 1 bình chọn)

Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT và gợi ý giải
Hướng dẫn giải đề minh họa kỳ thi TNTHPT bộ môn Hóa học năm 2021 của Bộ GDĐT
HƯỚNG DẪN DẠNG TOÁN CO2 PHẢN ỨNG VỚI DUNG DỊCH BAZƠ
Hóa Học lớp 12 - ÔN TẬP KIM LOẠI KIỀM
Hóa Học lớp 12 - HƯỚNG DẪN ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT
Hóa học Lớp 12 - HƯỚNG DẪN ÔN THI TN THPT 2020 ( HÓA HỮU CƠ )