Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật

25/11/2023

Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12a1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024

Có ai yêu một loài hoa không sắc, không hương? Có ai lại quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó là tiếng lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời – câu chuyện được ngân vang trên ngọn đồi tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những dóa hoa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo, huyền bí, thơ mộng. Chính hiện thực cuộc sống luôn là cảm hứng và là thi liệu cho sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, đưa con người ta hướng về cái đẹp, cái chân – thiện – mỹ trong xã hội xô bồ khắc nghiệt bằng phương thức nhẹ nhàng, tình cảm của người nghệ sĩ trong thế giới nghệ thuật. Vậy nên, phải chăng Hà Minh Đức đã có quan niệm rằng: “Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.”

Cuộc sống cho thơ hay thơ cho cuộc sống? Cuộc sống thiếu thơ sẽ trở nên nhàm chán, vô nghĩa, thơ thiếu cuộc sống thơ sẽ lụi tàn. Vậy nên văn chương và cuộc sống như sự bù trừ cho nhau để cùng tồn tại, cùng bồi đắp cho nhau để phát triển. Văn chương bồi đắp tình cảm, khiếm khuyết tâm hồn cho con người để con người có cách nhìn đẹp hơn, có những lẽ sống và chân lý tốt hơn trong cuộc sống, song từ đó xã hội với những con người tươi đẹp cũng sẽ trở nên tươi đẹp hơn, giàu tình người và trở nên ấm áp hơn. Văn học cất lên từ sóng biển cuộc đời và bay cao hơn nhờ nguồn gió nghệ thuật. Nhà văn tài năng phải là người thợ lặn có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, có khả năng lặn sâu vào dưới đáy đại dương cuộc đời không chỉ để lượm nhặt những mảnh san hô tầm thường, mà là khơi tìm những hạt ngọc ẩn dấu bên trong chiều sâu của con người, đem những điều tươi đẹp và tích cực đến trái tim của đọc giả. Giống như một cuốn sách giáo khoa về đời sống, văn học là một kho tàng về tri thức phong phú, đồ sộ về tự nhiên và xã hội. Đó là một phương tiện có khả năng phá vỡ giới hạn sức tồn tại trong không gian và thời gian, mang đến cho người đọc những nhận thức mới mẻ, sâu rộng về nhiều mặt trong cuộc sống.

Văn học không phải là thứ gì quá trừu tượng và xa vời. Văn học gần gũi lắm, nó được xuất phát từ những cảm xúc thăng hoa và chìm đắm, từ “trực giác nhiệm màu” dưới ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ với ánh nhìn của tinh yêu thương, với cảm xúc mãnh liệt của họ trong xã hội thực tại để từ đó họ sáng tác ra những đứa con tinh thần góp hương sắc cho đời. Nhưng để sáng tác ra những tác phẩm để đời, những áng văn bất hủ, người nghệ sĩ phải có những am hiểu sâu sắc về cuộc đời, về con người và họ phải hóa thân vào chính nhân vật của mình để tìm hiểu và trải nghiệm những cảm xúc mà họ chưa từng có, họ phải vui với niềm vui của nhân vật và cũng phải đau khổ trước nỗi bi thương của bao số phận, sung sướng với những thăng hoa của cái đẹp và bi phẫn trước những bất công oan trái. Giáo sư Đặng Thai Mai cũng từng tâm đắc rằng: “ Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã cảm thấy sâu sắc mọi nỗi đau đó của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”.

Văn học nhận thức đời sống bằng tư duy hình tượng, nhận thức thế giới bằng mối quan hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái chung và cái riêng, giữa những cái có nghĩa và vô nghĩa đan cài chồng chéo lên nhau. Nó phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn, sinh động, nắm bắt sự vận động bên trong của đời sống hiện thực. Chính trong cảm thụ các tác phẩm văn học, sự “nếm trải” cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng giúp người đọc sống được nhiều hơn, sống dài hơn bằng những số phận, những cuộc đời khác nhau trong từng tác phẩm Vậy nên nhà văn như bước ra từ cuộc sống, họ có những cách nhìn và cách hiểu sâu lắng hơn người bình thường để từ đó người nghệ sĩ rút ra những chân lý, vẻ đẹp trong thực tại xã hội rồi đem chúng vào văn chương bằng nghệ thuật, con chữ, hình thành ra các tác phẩm làm dịu lòng lòng người, dưa con người về lẽ sống chân - thiện - mỹ. Nhà văn Lê Ngọc Chương cũng có quan niệm chắc nịch rằng: “ Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật, nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật và rằng con người ta cần có một khoảng cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật. Nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời”.

Bằng những biện pháp nghệ thuật tài hoa và riêng biệt có trong mỗi một tác giả gửi gắm vào đứa con tinh thần, nó sẽ cho ta những cảm nhận và cảm xúc khác nhau. Nghệ thuật sinh ra để vì con người, nghệ thuật vì nhân sinh, vậy nên, tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của con người.Nói như Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”.Chỉ khi tình cảm trong tác phẩm đủ lớn, đủ sâu thì trái tim của cả nhà văn lẫn bạn đọc mới “hòa chung một nhịp”, để người đọc có thể tin rằng, dù cuộc đời khốn khó đến đâu, văn chương cũng không bỏ rơi con người. Thử hỏi nếu đại thi hào Nguyễn Du, không đau đớn, không trào “nước mắt” trước phận đàn bà trong xã hội phong kiến bất công thì làm sao lại có những trang Truyện Kiều lừng lẫy? Tất cả là vì “văn chương ấyđược viết nên từ huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường)

Nhà văn Nguyễn Minh Châu tâm niệm: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người.” Mối quan hệ đời sống, văn học và con người phải chăng từ lâu đã được các nghệ sĩ chân chính thừa nhận và xem nó như lẽ sinh tồn của tác phẩm. Thật vậy, văn học phải được xuất phát từ hiện thực trần trụi của cuộc sống, nó phải vì cuộc đời mà phản ánh. Người nghệ sĩ phải là “Người thư ký trung thành của thời đại”, dám dũng cảm đương đầu với hiện thực đau khổ và Kim Lân chính là một nhà văn như vậy. Khi đến với tác phẩm “Vợ nhặt” ông đã để cho ngòi bút của mình thể hiện sứ mệnh cao đẹp qua hình tượng nhân vật Tràng – một nạn nhân tiêu biểu của nạn đói 1945. Dẫu cái đói, cái chết cận kề nhưng vẫn luôn khao khát hạnh phúc, khát khao mái ấm gia đình và đầy tình nhân ái, sẻ chia,… Tràng – một người đẩy xe bò thuê nghèo khổ có ngoại hình thô kệch, xấu xí và xoàng xĩnh. Cũng chẳng phải người bình thường như ai, ăn nói lại cọc cằn, thô lỗ thế nên “làm đếch gì có vợ”. Dù nghèo khổ nhưng anh vô cùng tốt bụng và rất mực yêu trẻ con. Tâm trạng của Tràng biến đổi khi bỗng “nhặt” được vợ ngoài đường trong nạn đói năm ấy chỉ bằng một câu hò vu vơ:

“ Muốn ăn cơm trắng mấy giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”

Tràng chỉ cười toét miệng và mời cô ả đẩy xe bò cùng ăn dù không dư dả gì. Đó là hành động của người nông dân hiền lành tốt bụng. Khi người đàn bà quyết định theo mình về, Tràng chợt nghĩ đến việc phải đèo bòng thêm một miêng ăn, nhưng tặc lưỡi “ chặc, kệ”. Đây vốn không phải quyết định của kẻ bồng bột mà trái lại là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, luôn khát khao có được hạnh phúc và luôn thương yêu người đồng cảnh ngộ. Hành động đưa người đàn bà lên chợ tỉnh mua đồ như một người chồng thực thụ đã cho thấy sự nghiêm túc, chu đáo của Tràng trước quyết định lấy vợ. Thông qua chi tiết “nhặt vợ” của Tràng, nhà văn Kim Lân đã đổi mới góc nhìn về con người trong nạn đói 1945, dẫu trong hoàn cảnh nghèo khổ nhưng vẫn sáng lên những phẩm chất tốt đẹp. Nếu số phận của Chí trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao là bóng tối của người nông dân, là tấn bi kịch của một thời đại đen tối của con người đi tìm lương thiện mà cuộc đời dánh mất trong những năm 1930 - 1945 thì ở Tràng ta đã cảm nhận được ánh sáng của cách mạng. Qua đó ta thấy được văn học luôn phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp thông qua ánh nhìn hiện thực đời sống và ngòi bút, tiếng lòng của người nghệ sĩ.

Nếu đời sống con người được ví như một dòng sông mãi trôi chảy thì nội dung của một tác phẩm văn học giống như một chiếc thuyền, chở nhiều ít mặc sức, nhưng không có những cái bơi chèo nghệ thuật thì nó sẽ đứng im bất động. Nghệ thuật không phải là đầy tớ của nội dung, nó là bạn đường, một người bạn đồng hành góp sức không thể thiếu được. Nếu nội dung đúng đắn, nghệ thuật tuyệt đẹp thì tác phẩm sẽ mang một linh hồn thần, một sức mạnh của các vị thánh, nó sẽ thấm vào lòng người một cách nhuần nghuyễn, to lớn, tinh vi. M. Goorky cũng quan niệm như sau: “ Văn học là nhân học”. Văn học là tiếng nói, là tình cảm, là suy nghĩ, ước vọng của con người. Người thợ nề dùng gạch để xây nhà, người đi biển dùng lưới để dánh bắt cá, văn học dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm lý người đọc thông qua hiện thực cuộc sống, thông qua ánh nhìn, cách nghĩ và được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của các nhà văn chân chính.

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...