Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

19/04/2020

Tình yêu thương, lòng biết ơn và ký ức tuổi thơ luôn là hành trang quý giá nâng bước chân ta vào đời. Ai cũng có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc trong vòng tay che chở của mẹ, sự ấm áp của tình cha. Nhưng, cuộc sống của chúng ta sẽ trọn vẹn và giàu ý nghĩa hơn nếu tuổi thơ chúng ta có một người bà để yêu quý bà và được bà yêu quý. 

           Bắt nguồn từ cảm xúc ấy, bài thơ Bếp lửa được sáng tác, khi nhà thơ Bằng Việt còn là sinh viên đang du học tại Liên Xô. Bài thơ là nỗi nhớ nhung về người bà yêu quý với những kỷ niệm trong sáng của tuổi thơ.

            Có lẽ vào một buổi sáng tinh mơ se lạnh nơi xứ lạ, người cháu chợt nhìn thấy đâu đó bếp lửa nhà ai hửng lên trong làn sương sớm, hay đây là một hình ảnh thức dậy trong tâm trí nhà thơ:

                     Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

                     Một bếp lửa ấp iu nồng đượm   

             Hai câu thơ, hình ảnh bếp lửa lặp đi lặp lại 2 lần, giọng thơ thiết tha, sâu lắng! Hình ảnh đó chắc quen thuộc lắm, cháu từng gắn bó với nó lắm, nhưng đã xa, lâu rồi không nhìn thấy nên bây giờ gặp lại mới bâng khuâng, xúc động đến thế !  

                     Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

            Thì ra bếp lửa gợi lên hình ảnh thân thương. Cuộc đời bà gắn liền với bếp lửa thân quen. Đây là cách nói hoán dụ: Nói đến bếp lửa là liên tưởng đến bà, và ngược lại. Vậy là trong tuổi thơ của cháu, hình ảnh bà hằng ngày cặm cụi nhóm bếp thổi cơm đã khắc sâu trong tâm trí. Hình ảnh bếp lửa còn mang sắc thái ẩn dụ. Từ láy chờn vờn tả thực ngọn lửa nhỏ, run rẩy trong gió sớm, gợi nhớ vóc dáng gầy guộc, mong manh của bà. Những tính từ ấp iu, nồng đượm khiến người đọc có thể hình dung sắc đỏ nồng nàn của ngọn lửa nhưng không gợi cảm giác thiêu đốt mà đem đến cảm giác dịu dàng, thư thái như sưởi ấm giữa mùa đông. Có phải đó là tấm lòng yêu thương của bà luôn ấp ủ, chắt chiu cho con cháu? 

            Cụm từ biết mấy nắng mưa  đã gợi ra phần nào cuộc đời vất vả lo toan của bà. Chỉ với 3 câu thơ, ta thấy trong nỗi nhớ nhung hiện lên chân dung một người bà bình dị và nhân hậu biết bao! 

            Nỗi nhớ khơi nguồn cho những dòng hồi tưởng, mở ra một loạt ký ức yêu thương về một thời thơ ấu: 

                     Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

            Bốn tuổi là lứa tuổi còn chưa đi mẫu giáo, nhưng trong trí khôn non nớt mới hình thành, cháu đã có bà trong tâm trí. Mùi khói vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ. Đó là mùi khói bếp cay cay, hay đó là hơi hướng thân thuộc của bà? 

           Chao ôi, tuổi thơ của cháu thật nhiều ý nghĩa vì được sống bên bà, dù tuổi thơ ấy có bóng đen ghê rợn của nạn đói 1945. Nhưng câu thơ đầy ám ảnh:  

                         Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

                         Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Cụm từ đói mòn đói mỏi không chỉ khắc sâu cảnh gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn mà còn nhấn mạnh sự chịu đựng bền bỉ của con người. Hình dạng chú ngựa khô rạc còm cõi, tội nghiệp, dễ khiến ta hình dung đến vẻ hốc hác, trầm lặng, khắc khổ của người đánh xe. Hình ảnh chú ngựa gầy giơ xương đã nói lên tất cả. Sức ngựa đã mòn, hẳn sinh lực con người cũng rất tệ.               

Cháu nhớ hết, nhưng tại sao lại chỉ nhớ khói? :

                         Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

                         Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!      

Sức trai tráng của bố dường như cạn kiệt, huống chi bà già yếu, mong manh? Có lẽ bà tiều tụy nhiều lắm, thương lắm, chịu đựng lắm! Tác giả không kể ra những nhọc nhằn, kham khổ. Chỉ biết ký ức ấy không bao giờ phai nhạt, đến nỗi nghĩ lại còn đau xót ngậm ngùi. Có thể hình dung trong gia đình ba thế hệ ấy, bà là người mong manh nhất nhưng mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất. Dường như bà không gục ngã, thì con cháu cũng không thể gục ngã. Bà của cháu nhẫn nại, kiên cường biết bao!    

Dấu ấn sâu sắc nhất là những năm tháng bố mẹ công tác xa, hai bà cháu âm thầm đùm bọc, cưu mang nhau: 

                       Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

                        Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

                        Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà? 

Tiếng chim tu hú từ xa xăm vẳng lại có thể nghe thấy được, chứng tỏ âm thanh đó đã bay qua những không gian mênh mông, vắng lặng. Âm thanh ấy không làm cho cảnh vật vui lên mà càng gợi lên cảm giác vắng vẻ, quạnh hiu. Tác giả như tách khỏi dòng hồi tưởng, như đang trò chuyện cùng bà: Bà còn nhớ không bà? Bởi chỉ có hai bà cháu mới hiểu hết ý nghĩa của âm thanh ấy. Tiếng chim tu hú phải da diết, khắc khoải lắm, nên cháu khó quên và bồi hồi xúc động khi nhớ lại. Có lẽ khi tiếng chim tu hú từ xa vọng lại, hai bà cháu mới cảm nhận rõ rệt nhất sự thiếu vắng trong ngôi nhà của mình. Đứa trẻ nào không khao khát tiếng nói của cha, hơi ấm của mẹ? Người bà nào chẳng ước mong tuổi già có con cháu quây quần bên cạnh? Vì hoàn cảnh chiến đấu, bố mẹ công tác xa không về, bà nuôi cháu trong trống vắng, quạnh hiu.              

Những lúc tiếng chim kêu khắc khoải như vậy, bà thương cháu nên hay kể chuyện để vỗ về cháu và có lẽ để chính mình khuây khỏa. Những năm tháng ấy, bà thực vừa là bà, vừa là mẹ, là cha của cháu:

                            Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

                            Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Hàng loạt động từ được liệt kê: bà bảo, bà dạy, bà chăm. Cháu được dạy dỗ, chăm chút trong tình yêu thương của bà. Con đi xa, bao nhiêu yêu thương bà dành hết cho đứa cháu nhỏ. Cháu cũng cảm nhận được tình yêu thương đó và thấu hiểu nỗi vất vả của bà. Trong trai tim ngây thơ, cháu thầm trách chim tu hú sao chẳng đến ở cùng bà cho vui nhà vui cửa, cho bà vợi bớt nhớ mong. Điệp từ bà, cháu lặp đi lặp lại, góp phần diễn tả cảnh bà cháu quấn quýt không rời. Dù thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ cha nhưng tình yêu thương của bà đã bù đắp tất cả. Cháu thật diễm phúc khi có một người bà như thế!               

Kỷ niệm về bà không chỉ là những ngày tháng dẫu gian nan nhưng êm đềm vì có bà bên cạnh. Cũng có lúc đau buồn đến tuyệt vọng:  

                    Năm giặc đốt làng cháy tàn, cháy rụi.

Ai đã từng chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, cảnh ngôi nhà thân yêu đổ nát tan hoang, mới cảm nhận được nghị lực phi thường trong lời nói bình thản, giản dị của bà:

                          “Bố ở chiến khu bố còn việc bố

                          Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

                          Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Không một giọt nước mắt, bà giấu nỗi đau thương để luyện cho cháu một tình cảm cao hơn. Hình ảnh người bà đã vượt ra khỏi tình cảm bà cháu thông thường, mà vươn đến một tình cảm rộng lớn hơn: Lặng lẽ hi sinh, chia sẻ với chiến trường!           Những năm chiến tranh ròng rã ấy, bà âm thầm nhóm lửa, giữ lửa: 

                           Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

                           Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

                           Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng. 

Bà cùng cháu nhóm lửa, giữ lửa để sống, để chờ đợi ngày chiến thắng, ngày sum họp. Đến đây, bếp lửa cụ thể đã biến thành ngọn lửa trừu tượng. Đó là ngọn lửa trong lòng bà, ngọn lửa của sức sống, của niềm tin! Như ngọn lửa, tấm lòng của bà, đức hi sinh tần tảo của bà đã truyền cho cháu ý chí và nghị lực phi thường. 

Mấy chục năm rồi, ngọn lửa ấy vẫn tỏa hơi ấm từ đôi tay chắt chiu, chịu thương chịu khó của bà:  

                              Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

                              Nhóm bếp lửa ấp iu , nồng đượm

                              Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

                              Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Từ vẫn khẳng định sự bền bỉ sắt son. Bà vẫn thế, trước sau như một, giàu đức hi sinh, lòng thương yêu ấp iu, nồng đượm. Những điểm sáng của khổ thơ này lại là tình cảm chan hòa với cuộc đời, với mọi người. Từ củ khoai, nồi xôi gạo mới bà nấu, bà dạy cháu biết sẻ chia, biết sống yêu thương, có thủy có chung, có tình làng nghĩa xóm. Có lẽ bà cũng không hề hay biết, bà là người đã Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ của đứa cháu cưng! Là điều gì vô cùng thiêng liêng và kỳ diệu trong cuộc đời cháu:

                            Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!    

Điệp từ nhóm lặp đi lặp lại ở đầu mỗi câu thơ, tạo âm điệu mỗi lúc một mạnh hơn, tha thiết hơn. Khẳng định một suy gẫm giản đơn mà sâu sắc: Những gì thân thiết với tuổi thơ đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời! Bà là người truyền lửa, truyền cho cháu tình yêu thương và những phẩm chất tốt đẹp. Có một người bà như thế, đứa cháu nào chẳng ngoan ngoãn, nên người!               

Vậy đó, hình ảnh bếp lửa còn mãi tỏa sáng trong tâm hồn đứa cháu xa nhà:                

                         Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

                         Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

                         Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

                         Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? 

Bằng cách nói hoán dụ, những hình ảnh ngọn khói, con tàu, ngọn lửa, ngôi nhà… kết hợp với điệp từ trăm, diễn tả cảnh xa hoa, hiện đại nơi xứ người. Cháu đã lớn khôn, được đi đây đi đó, tầm mắt được mở rộng, được thấy nhiều thứ, có nhiều niềm vui mới mẻ. Nhưng không lúc nào cháu quên nguồn cội: Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?                  

Bài thơ sáng tác khi tác giả đang học ở Liên Xô, nơi có nhiều bếp ga, bếp điện. Nhưng người cháu không quên bếp lửa quê nhà. Nhớ đến bếp lửa là nhớ đến bà. Nhớ đến bà là nhớ đến quê hương, nguồn cội. Nhớ quê hương nơi xứ lạ, đó chính là tình yêu Tổ Quốc!                  

Có thể nói, trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, bà là Tổ Quốc, bà là Quê hương! Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu thương , gắn bó với gia đình, quê hương. Cũng là khởi đầu của tình yêu đất nước, con người.       

Đoàn Ngọc Phương

(GV THCS Ngô Quyền)

  • (Có 157 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...