Cảm nhận về thơ Hàn Mặc Tử

19/12/2023

Cảm nhận về thơ Hàn Mặc Tử

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Viễn

Theo như Tagore, nếu con người chưa từng bật ra những thanh âm thống thiết tận cùng thì làm sao biết nức nở bồi hồi và trăn trở về hạnh phúc. Nếu con người chưa từng trải qua những khoảnh khắc uất nghẹn nước mắt của đớn đau, đày ải thì làm sao có thể trân quý những thời khắc đẹp đẽ của cuộc đời. Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. Và đó vốn dĩ là cũng là bản chất, là cốt cách ngàn đời của văn học. Bởi lẽ đó, phải chăng trong lời giới thiệu Tuyển tập Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên đã từng viết rằng: “Hơn nữa, thơ Tử (Hàn Mạc Tử), tiếng khóc của Tử bây giờ lại có tác dụng tích cực. Nó làm cho trái tim ta không còn bị xơ cúng; khối óc ta trở nên đàn hồi. Con mắt ta nhìn sự vật không còn đơn giản nữa; có bàn tiệc, bàn hoa bên này nhưng cũng có vũng máu bên kia. Ta sẽ nhân tình hơn…”

Như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nói rằng: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…. Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Văn chương là một loại hình nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm như một lớp phù sa để lại trong ta những ký ức đẹp, những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên con người. Đó là thứ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm (Thạch Lam). Nó sẽ giúp ta khơi dậy những tình cảm, cảm xúc mà trước nay ta chưa từng có, đó là thứ tình cảm mà ta cảm nhận được thông qua cảm xúc của nhân vật, bởi lẽ ta chưa từng trải qua cũng như biết đến và đối với những tình cảm nhân bản mà ta có sẵn, văn chương sẽ làm đầy đặn nó thêm, tôi luyện nó trở nên sâu sắc, vững bền và đẹp hơn bao giờ hết, làm cho xúc cảm trong cuộc đời của ta trở nên muôn màu, muôn vẻ. Nhà văn phải hóa thân thành nhân vật mà người đọc cần khám phá và tìm tòi cái đẹp ẩn sâu trong những tầm thường, để tìm những vệt sáng mong manh trong màn đêm u tối, đưa trái tim con người hướng về cái đẹp của chân – thiện – mỹ, về hạnh phúc giữa hiện thực khắc nghiệt và xô bồ.

Sáng tạo văn chương là hành trình nghiệt ngã của nhà văn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc là quá trình phản ánh và tái tạo hiện thực đồng thời là quá trình tự biểu hiện, là giãi bày, chia sẻ, là sự hiện diện của nhà văn giữa cuộc đời. Khi nhà văn thờ ơ, nguội lạnh, khép kín giữa cuộc đời thì tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên). Nhà văn phải là những người “phu chữ” thực sự, đãi ngôn từ và chắt lọc tư tưởng để dâng cho đời những tác phẩm có giá trị. Nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng của nhà văn chỉ là những giáo điều ép khô trên trang giấy, không đủ sức tác động đến tâm hồn một ai. Tình cảm là nhịp cầu nối đưa tư tưởng vào hình tượng nghệ thuật, tạo nên linh hồn cho tác phẩm và rung cảm trước những kiếp người lầm than chính là phẩm chất quan trọng làm nên cái tài của người nghệ sĩ.

Văn chương đẹp nhất là khi nó được khởi phát từ tấm lòng, từ “giọt nước mắt chảy trong lồng ngực của tác giả. Giot nước mắt ấy chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là nước mắt của sự đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những vui buồn, những vỡ òa trước phận đời hẩm hiu hay những niềm vui rực rỡ trước hành trình đi tìm vệt sáng nhỏ nhoi trong cái không gian đen tối, là hạnh phúc bé nhỏ trước những oan trái bất công trong cuộc đời. Họ đem những hạt ngọc ấy cất nên thành những trang văn quý báu xoa dịu tâm hồn bạn đọc, cho họ thấy rằng dù xã hội có tàn khốc đến đâu, lạnh lẽo đến đâu thì văn chương vẫn sẽ không bao giờ từ bỏ bạn, vẫn sẽ luôn ở bên và an ủi, vỗ về tâm hồn bạn, cho bạn niềm tin và sức sống để đối diện với xã hội thực tại. Mỗi một tác phẩm văn học đều sẽ mang đậm trong mình những giá trị về nhân sinh, triết lý nhân đạo, chứa đựng những giá trị về nhận thức cao đẹp, hướng con người về miền của sáng trong, về hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. “Văn chương cuối cùng là viết về con người”.

Nghệ thuật chân chính phải chăng là vỏ bọc của cảm xúc? Sáng tạo nghệ thuật cũng vì lẽ đó mà trường tồn. Những vần thơ ngọt ngào rung cảm trái tim của con người, những trang văn nồng ấm yêu thương sẽ mãi là những gì sống sót qua hàng trăm thập kỉ. Và người nghệ sĩ, nếu anh muốn đưa huyết lệ của mình để viết nên những vần thơ, trang văn bất hủ thì trước hết nó phải là những hạt ngọc được kết tinh bằng tình cảm, bằng cảm xúc – thứ vượt trên mọi sự. Vì như nhà thơ Tố Hữu cũng đã tâm tình rằng: “Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ. Chỉ còn cảm thấy tình người”, và quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta thấy nó như tiếng ca trong lòng mình, như là của mình.Có rất nhiều cách bộc lộ và trình bày khả năng sáng tạo nghệ thuật từ các nhà văn. Lãng mạn như Xuân Diệu, hiện thực như Nam Cao, chính trị cách mạng như Tố Hữu hay đặc biệt là phong cách thơ điên như Hàn Mặc Tử. Điên trong nghệ thuật, trong văn chương không phải sự điên loạn bình thường mà đó chính là cốt lõi của sự sáng tạo. Trong nền thi ca của văn học Việt Nam, sẽ rất ít có những nhà thơ cất lên những vần thơ rên xiết, đau thương và quằn quại như thơ của Hàn Mặc Tử. Những vần thơ như “là tiếng kêu rỏ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫng, tan hoang, là tiếng nói của một thân phận bị dồn đẩy vào miệng vực của cái chết…”.Nhưng có mấy ai biết được, đằng sau tất cả những thứ ấy là một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người và ham sống mãnh liệt, một tâm hồn đang“chới với bên miệng vực mà vẫn nhìn đời, níu đời”chứ không muốn bất lực buông xuôi. Đó chỉ có thể là Hàn Mặc Tử - người đã tạo ra“một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, xanhưng vẫn tràn đầy tình cảm thiết tha.

Thơ Hàn Mạc Tử thuở ban đầu mang đậm chất lãng mạn, trữ tình, dằm thắm, thể hiện một tình yêu to lớn với cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng, gắn liền với thơ ông là hình tượng hồn và trăng. Là một hồn thơ dạt dào sức sáng tạo, trong hoàn cảnh bệnh tật giam hãm và nỗi cô đơn phủ lấp, tình yêu và những kỉ niệm đẹp nơi xứ xở Đà Lạt mộng mơ gắn liền với người thương thuở trước đã thôi thúc chàng thi sĩ tài hoa chắp bút làm nên một thi phẩm “Đà Lạt trăng mờ” vô cùng đặc sắc, mơ mộng và nổi bật là những vần thơ sau:

“Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...”

Cũng là hình tượng trăng nhưng khi bước qua một vần thơ khác của Hàn Mạc Tử ấy vậy là một cách sáng tạo khác, một cách thể hiện khác qua bài thơ “Trăng vàng, trăng ngọc” “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” là một câu thơ hay nằm trong thi phẩm. Nếu hồi xưa các nhà thơ đều ca ngợi và tôn thờ trăng, nâng niu nó như là một người bạn tâm tình của người thi sĩ, thì trong câu thơ này của Hàn Mặc Tử trăng lại là một thứ được rao bán. Với ông trăng mang một dáng vẻ rất đời thường, bình dị và được nhà thơ rao bán. Vậy nhưng ta có thể lý giải rằng trăng ở đây là của chung mà cũng là của riêng mỗi người. Qua đó có thể hiểu câu thơ rao bán trăng ấy cũng là cách để thể hiện tiếng lòng thủy chung của nhà thơ:

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.”

Hay đến với “Đây thôn Vỹ Dạ” – một bài thơ ta không thể không nhớ đến, là chất thơ “ trữ tình gợi cảm trong điên cuồng đau thương” cũng là thi phẩm tạo nên tiếng vang cho ba chữ Hàn Mặc Tử. Bài thơ được viết trong hoàn cảnh bệnh tật đày đọa của ông nhưng với niềm tin khát khao, sự mưu cầu về hạnh phúc mãnh liệt và cảm hứng ấy bùng lên mạnh mẽ qua tấm bưu thiếp và những lời hỏi thăm của cô gái nơi thôn Vĩ, là người “tình trong mộng” của nhà thơ mang tên Hoàng Thị Kim Cúc. Bài thơ là bức tranh phong cảnh nhưng cũng chính là tâm cảnh của thi sĩ, thể hiện nỗi cô đơn, hiu quạnh của nhà thơ trong một mối tình xa xăm, không có hồi đáp, một trái tim tuy đau đớn bởi sự dằn vặt của nỗi đau của thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn luôn lạc quan, hướng về thiên nhiên, về cuộc sống con người. Khổ thơ cuối cùng chính là những ám ảnh về tình đời, tình người sẽ luôn đọng lại mãi trong lòng người đọc:

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ớ đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy dường như hòa quyện và quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và là sản phẩm của những con người biết yêu thương, dù cho nó được xuất phát từ trong hoàn cảnh đen tối nhất, từ những nỗi đau có thấu tận tâm can thì cuối cùng, văn chương vẫn làm tròn chức trách của chúng, đó là đưa cái đẹp đến bạn đọc, đưa những thứ chân thành nhất, dịu dàng nhất đến với trái tim con người, hướng con người đến những chân lý, lẽ sống cao đẹp, tích cực, hướng về cái dẹp của chân – thiện – mỹ, mở rộng thức con người, cũng như M. Goorki cũng đã quan niệm rằng “văn học là nhân học”.

“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lõi khắp hang cùng ngỏ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọcmột bài học trông nhìn và thưởng thức”.

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...