Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

10/11/2021

Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Nam cao, nhà văn “ưu việt”. Người bạn đồng minh muôn thưở của những người nông dân khốn quẩn, những kiếp sống lao khổ, những linh hồn bị lãng quên trong thời đại khói lửa của dân tộc đã “chết non” ở tuổi ba mươi tư dưới nòng súng của giặc. Chuyến tàu chở tài năng Nam Cao đã dừng lại quá sớm, thế nhưng những ưu phẩm nghệ thuật mà ông để lại cho đời thì trường tồn bất tử trong dòng vận động biến đổi không ngừng của thế giới văn học nghệ thuật đương đại. Khám phá ra bị kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, nhà văn Nam Cao đã “soi gương thấy mặt đời” (thấy qui luật hiện thực tàn khốc của xã hội đương thời) và “soi tâm thấy cội người” (nhận ra cõi tinh thần cao đẹp của những linh hồn tưởng như đã chết).

Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Với Nam Cao, mỗi cái tên nhân vật là một biểu tượng cho tính cách: Hảo (Dì Hảo), Lão Hạc (Lão Hạc), Lang Rận (Lang Rận), Giáo Thứ (Lão Hạc) Từ (Đời Thừa),  Điền (Trăng Sáng)… Chí Phèo cái tên làm ta liên tưởng đến hình ảnh một kẻ trời đánh thất học vô đạo nào đó. Ấy chính là một tên lưu manh cô độc, đơn khó trong cái làng quê rệp mạt, đói khổ Hà Nam. Nhưng dưới ngòi bút độc đáo của nhà văn thì ẩn nhẩn sau cái nhân cách nhàu nát đó là một “cõi tinh thần” thiện lương. Như hòn than hồng ủ dưới tàn tro, để đến lúc gặp ngọn gió “nhân tình” (tình người) thì lập tức vụt sáng sưởi ấm cho những kiếp người “phận mỏng cánh chuồn” sau lũy tre làng.

Gấp trang sách lại ta lạnh người vì ám ảnh đâu đây câu hỏi của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?”. Đó là một câu hỏi lớn không lời đáp, mà “hắn” hỏi tận nơi linh thiêng màu nhiệm nhất của tạo hóa - Trời. Huy Cận từng viết:

                      “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

                        Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

                        Một câu hỏi lớn. Không lời đáp.

                        Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.”

                              (Các vị La Hán chùa Tây Phương)

Thật ai oán và tuyệt vọng, một nỗi đau đến khoét thịt đúc xương của nhân vật. Nhưng cái chết của Chí Phèo trong tác phẩm không phải là cái chết của một kẻ cố cùng liều thân, mất hẳn nhân tính mà là sự ra đi đầy tự trọng và cả sĩ khí của một con người ý thức sâu sắc về nhân phẩm.

Chỉ có những ai trải qua nỗi đau khổ tuột cùng mới có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc tuột cùng và Chí Phèo đã được nếm trải hai cảm giác tận cùng đó. Bóng tối đời Chí không phải huyền hoặc, leo lét như của chị em Liên (Hai đứa trẻ- Thạch Lam), hay màn đêm đen khét như mực, mông lung vô lối của Chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố). Bóng tối mà Chí Phèo đang nếm trải như đêm đen địa ngục với tiếng chửi rủa hòa cùng tiếng chó cắn lao xao, như tiếng rít lên của một con vật bé nhỏ đang bị giết thịt. Sự gào thét của một cái xác sống đã bị mù điếc tâm hồn khiến người đọc đau se thắt và cảm nhận được sự “can tràng tấc đoạn” mà nhân vật đang phải gánh chịu.

Từ một anh canh điền lành như đất, giàu lòng tự trọng, biết phân biệt giữa tình yêu cao thượng và cảm giác nhục dục thấp hèn, Chí phèo đã bị đẩy vào tù chỉ vì cớ ghen tuông vu vơ. Mĩa mai thay, nhà tù mang danh công cụ cải tạo con người của Chủ nghĩa Thực dân nhưng đã “nhai nát” một tâm hồn trong sáng nhân hậu và “nhả” ra một nhân cách quỷ dữ. Từ khi ra tù, Chí Phèo đã trở thành một con nhân sư lãnh đạm, bị xa lánh, căm phẫn và chối bỏ khỏi xã hội loài người. Giai cấp thống trị - những kẻ ăn thịt người ngọt xớt như đường, với phương châm róc đời của mình, Bá Kiến đã dụ dỗ Chí phèo thành kẻ đâm thuê chém mướn đi ngược lại lợi ích của những lương dân.

Tiếng chửi, tiếng nguyền rủa rồ dại hay chăng tiếng ai rao nghĩa lý giữa đất trời? “Hắn” đang chửi trong sự hằn hoặc ghê tởm, “hắn” được đáp trả bằng sự dửng dưng khinh miệt và chỉ còn lại “hắn” cùng tiếng của kẻ khác loài. Sống với chó đôi khi cũng phải gào lên như chó, sống giữa cái xảo trá vô luân, cái độc ác bất nhân đó, hỏi sao không có những tiếng tru lên trong oằn oại đau đớn, tiếng người điên rao giữa chợ đời trong lưới bẩy của màn đêm mịt mùng tăm tối. Trong tiếng chửi có hàm chứa những hạt nhân của tính chất lưu manh nhưng cũng chứa đựng sự hô hét đòi sống, những kéo rút tuyệt vọng cuồng ngây trong tâm tưởng bật ra thành tiếng gào thét có hình sắc. Đói những kết nối, khát được kết nối nhưng giống loài đã quyết tuyệt quay lưng với Chí, đẩy chí vào lối tuyệt vọng vong thân.

May thay, giữa bóng đêm của cuộc đời, vào một đêm trăng thơ mộng, Chí Phèo được gặp Thị Nở. Tạo hóa đã lắp hai mảnh đời khốn cùng vào nhau:

“Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên. 
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người! 
Vườn suông trăng nở nụ cười 
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau.”

                               (Trăng nở nụ cười- Lê Đình Cánh)

Thị Nở đã tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời của Chí Phèo. Khác với người dân trong làng Vũ Đại, Thị vẫn ngày ngày theo lối mòn ra sông kín nước nơi có “tấc đất” mà Chí Phèo “cắm dùi”, rồi còn lui tới “hang cọp” mà xin rọi lửa và rượu bóp chân. Thị không hiểu và cũng không cần hiểu vì sao người dân trong làng kinh hãi Chí. Cho nên Thị nhiều lần ngủ lại vườn chuối cạnh bờ sông, dưới ánh trăng tưới rười rượi nơi mà bước chân vật vờ đường khuya trong cơn ma men của Chí đi về. Và chuyện gì đến cũng đã đến…

Người đàn bà dưới bàn tay nhào nặn của Nam Cao xấu “ma chê quỷ hờn”. Nhưng sau “cái đẹp” mĩa mai của góa công đó là một tâm hồn có sinh khí. Thị vẫn có điều nhân dục như lẽ những người thường, vừa cưỡng lại, vừa dâng hiến. Thị vẫn ngượng đỏ và thinh thích khi nói đến hai tiếng “vợ chồng”; vẫn biết lườm, nguýt, e lệ và âu yếm một cách rất “bình dân” nhưng vẫn không kém phần tình tứ. Đó là cái “nữ tính” mà tạo hóa đã thổi vào trong thân xác ngô nghê, thô vụng. Phía Chí Phèo, anh cũng chả cần ý thức đến cái xấu xúc phạm mắt nhìn của Thị Nở và sự ngây đần của dòng mã hủi. Chí chỉ thấy một điều rằng “Thị thế mà có duyên”. Ngòi bút đầy nhân bản của nhà văn đã sắp đặt một cuộc “ngẫu nhiên tương phùng” với chiều sâu ý nghĩa và giá trị nhân văn.

Phút “hứng tình” ấy đã biến một kẻ mất hết nhân tính, chỉ quen đập phá, cắn xé điên cuồng thành tiếng khóc rít lên kêu đòi để trở về cuộc sống nhẹ nhàng như bao người bình thường? Đó là lần đầu tiên Chí Phèo biết đến người phụ nữ bằng tất cả cảm giác nguyên sơ của mình. Nhân vật AQ (AQ chính truyện của Lỗ Tấn) chỉ mới chạm vào tay Vú Ngò mà đã ngây ngất cái cảm giác về da thịt quấn thít của đàn bà thì mới hiểu rằng khoái hoạt giao hoan với Thị Nở sẽ là "cơn động địa” cực mạnh làm biến đổi toàn bộ đời sống sinh, tâm lý của Chí Phèo. Diễn biến nội tâm của Chí Phèo sáng hôm sau khi gặp Thị Nở là hệ quả của trận “kinh thiên động địa” đó. Quá trình tâm lý diễn ra một cách logic theo kiểu phản ứng dây chuyền. Ở đó, lần đầu tiên sau bao năm say sưa triền miên, các giác quan của Chí Phèo dần tỉnh lại để đánh thức những cảm xúc đã từng bị khỏa lấp phôi phai. Nam Cao đã miêu tả rất tỉ mỉ những diễn biến phong phú và tinh vi này, và điều đó cho thấy sự tế vi trong phong cách trần thuật của ông.

Tuy nhiên, để dẫn đến sự khát khao lương thiện ở Chí Phèo, cần nhiều chất xúc tác hơn nữa đó chính là bát cháo hàng thơm thảo. Ban đầu, Chí rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên trong đời mình nhận được sự chia sẻ từ giống loài. Sau phút ngỡ ngàng là sự xúc động chân thành, nhờ đó Chí Phèo mới cảm nhận được cái ngon đặc biệt của món cháo hành. Bát cháo hành cũng buộc Chí Phèo phải đối mặt với quá khứ của chính mình bằng những vụ trộm cướp thường xuyên để có cái ăn - một kiểu ăn không khác gì súc vật. Rồi bất ngờ Chí so sánh cử chỉ ân tình và tâm hồn thuần khiết của Thị Nở với bản chất “dâm nhơ đắm nhiễm” của bà ba nhà Bá Kiến. Tất cả những điều đó đã khiến tâm trạng Chí Phèo xao động dữ dội. Những gốc rễ tốt đẹp từng bị bao bọc bởi cặn bã nay trỗi dậy “trinh nguyên”: "Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi, sao mà hắn hiền... Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!" Có phải người canh điền của tuổi đôi mươi lại hiện diện trong bộ dạng vốn đã thay đổi một cách đáng sợ chăng? Anh ta đang lên tiếng nhiệt thành yêu cầu được sống một cuộc sống đúng chất người. Đây là kết quả của sự chuyển biến tâm trạng Chí Phèo hết sức tinh vi, phức tạp nhưng cũng rất hợp lý. Miêu tả quá trình này, ngòi bút của Nam Cao đạt đến độ “vuông thành sắc cạnh”.

Một đêm trăng vườn chuối, một bát cháo hành đã đủ làm cho “anh” bừng tỉnh trong lương tri.  Thị Nở, một người đàn bà với sự gọt đẽo sơ sài của tạo hóa đã mang đến “thang thuốc cháo hành” chữa khỏi cho Chí căn bệnh trầm kha tâm hồn đã di căn. Tình cảm đã chữa lành vết thương lòng và giúp Chí phèo vượt qua đau khổ một cách dễ dàng. Tâm hồn cằn cỗi, tăm tối đó đã được tưới tắm, tẩy gội và xua đi những mây mù ngu tối. Từ đó Chí định vị được thời gian, hồi quang về quá khứ đã từng mơ ước về tình yêu chân thành và hạnh phúc giản dị thấm thía. Nhận ra hiện hữu trong tương lai gần về đói khát, bệnh tật và cô độc, nghe được những âm thanh quen thuộc của tự nhiên, xã hội và tiếng đổi chác mưu sinh đầu sông cuối bãi: “tiếng hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá tiếng của mấy bà đi chợ về”. Và hơn tất cả, giọt nước mắt làm người đã rơi xuống, hòa vào bốn bể nước mắt của kiếp nhân sinh, “hắn thèm lương thiện và muốn làm lành với mọi người”. Trong sinh quyển hiện thực bùng nhùng đen tối đó vẫn rạng lên cầu vồng bảy sắc của tình yêu cao thượng, nhân bản và không kém phần trong đẹp. Trong nhánh kênh đen của cuộc đời bỉ cực đó vẫn rạo rực một dòng trong xanh lưu động dưới chiều sâu tâm hồn. 

Nhưng: “Một mình nàng Thị Nở/ đủ đền anh đó chăng/ ngoái nhìn lò gạch cũ/ thương biết sao cho vừa”. Nguyên Hồng đã từng nói rằng, nếu định kiến xã hội nó là một hòn đá ông sẽ gồng mình mà đẩy nó ra khỏi đường, là thủy tinh ông sẽ đập vỡ, nhai nát, nuốt tất, thế nhưng định kiến vô hình. Như một đàn mối ăn lẹm vào gỗ, hay một cây tầm gửi bám rễ sâu hủy hoại bức tường, định kiến xã hội đã không cho Chí phèo một sự khoan hồng nào hết.

Tại sao khát vọng cứu chuộc cao đẹp của Chí Phèo lại bị từ chối? Những thay đổi ở Chí Phèo dù kỳ lạ đến đâu cũng chỉ dừng lại ở khát vọng thầm lặng trong đáy thẳm nội tâm. Người làng Vũ Đại ngoại trừ chứng kiến ​​một sự việc lạ lùng: Thị Nở đã sống với Chí Phèo một tuần trăng mật (vốn sẽ là đề tài hấp dẫn cho những câu chuyện phiếm kiểu quê mùa), họ vẫn chưa hề nhận được một dấu hiệu khả quan nào thông tin về sự thay đổi thái độ của Chí Phèo. Đường biên ngăn trở Chí Phèo đó là: hắn đã gieo rắc quá nhiều đau thương, bất hạnh cho cuộc đời vốn đã tuyệt lộ của những con người lương thiện yếu đuối. Bản năng tự vệ buộc họ phải tránh xa Chí Phèo. Vì vậy, để được chấp nhận trở lại trong xã hội thân thiện và phẳng lặng này, Chí Phèo phải trải qua những thử thách hòa nhập và trải qua những “sát hạch” của thời gian. Còn Chí Phèo không ý thức và không đủ kiên nhẫn để thực hiện. Đó là chưa kể đến sự chống trả từ những kẻ thường lợi dụng chất thú dữ hiện tại của Chí Phèo, hòng khống chế Chí trong trạng thái điên loạn. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy việc Chí Phèo trở về với cuộc đời lương thiện là một ước mơ đẹp nhưng “kém khả dụng”. Sự thật hiển nhiên đó Nam Cao hiểu, và với nhận thức của một nhà văn hiện thực triệt để, ông không thể nói “trái lẻ tạo hóa”.

 Thị Nở đã khước từ tình cảm của Chí Phèo vì lời lăng mạ của bà cô: “sao mà đi lấy một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Chí Phèo nhận thức được rằng bát nước đã đổ đi rồi không thể hốt lại tất. Tình yêu kết thúc thì hận thù ập đến đó qui luật đời sống. Chí đã tìm lại với rượu, nhưng rượu không còn làm hắn quên đời, rượu thức tỉnh Chí, giúp Chí nhận ra bao cơ sự của cuộc đời mình: “nhìn phía trước không người thân thích, ngó sau lưng quá khứ rợn ghê người”. Chí vác dao ra đi, trong đầu hắn định vị rõ hai kẻ thù của cuộc đời: kẻ thù tình ái và kẻ thù giai cấp. Trong giây phút sáng suốt nhất của một người nông dân thức tỉnh Chí Phèo đã vung dao lên đâm Bá Kiến và tự cướp đi mạng sống của mình. Sự thể hiện của Chí phèo hôm nay không phải của một kẻ lưu manh mà là hành động lấy máu rửa hờn của một người nông dân lương thiện bị đày ải trong ngục sâu tăm tối nơi trần gian đã xé rào thoát sáng và phân diện rạch ròi bộ mặt kẻ thù. Như cục than hồng ủ dưới lớp tro nguội, chất người trong Chí Phèo đã bừng sáng thiêu rụi cả lũy tre làng rửa sạch mối thù giai cấp từ ngàn đời.

Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.

Cuối tác phẩm Thị Nở nhìn trộm Bà cô, mọi người xung quanh, nhìn “chồng mình”, giãy đành đạch giữa bao nhiêu máu tươi và nhìn xuống bụng thấy “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người” (Một cõi đi về- Trịnh Công Sơn). Trong đầu Thị thấp thoáng bóng hình chiếc lò gạch bỏ không… Từ chi tiết đó, Nam Cao đã khám phá và khẳng định một quy luật hiện thực mới mẻ, độc đáo: Lúc nào còn những kẻ thống trị độc ác, man rợ như Bá Kiến thì còn những người nông dân tha hóa và ngỗ ngược như Chí phèo được sinh ra để “nối nghiệp”, đó cũng là bi kịch điển hình của người nông dân trong chế độ cũ. Và cuộc sống theo chu kì “đạp xe”, nối tiếp nhau cuộc giằng co thiện ác nhưng cuối cùng “bể dâu chớp mắt ngoảnh đầu thành mơ”. Nam Cao đã đặt một dấu chấm kết thật tròn cho bi kịch một con người và cũng là số phận của hàng vạn con người trong buổi Thực dân Phong kiến, khi tình trạng người nông thôn bị “riết cổ bóp hầu”. Chí Phèo đã sống đời hôn ám đã thực hiện một cuộc chiến âm thầm tàn khốc và róng riết thét lên câu triết ngôn vĩ đại: “Ai cho tao lương thiện”. Từ đó đã mở ra cuộc khai chiến bất tử của cả dân tộc này, vùng lên trong đói nghèo rơm rác để rũ bụi sáng lòa…

Sáng tạo ra nhân vật Chí Phèo với gương mặt không tuổi chằng chịt đầy vết và một tâm hồn mang nỗi đau quằn quại của một con người bị cự tuyệt. Nam Cao đã mang lại cho người đọc một cái nhìn hoàn toàn mới, cái nhìn vào cõi tinh thần và chiều sâu bi kịch. Và cũng chính những trang viết thấm đẫm nước mắt về người nông dân thức tỉnh đó, Nam Cao đã tự cắm cho mình cái mốc vinh quang trên con đường trở thành nhà văn lớn của dòng văn học hiện thực phê phán và văn xuôi hiện đại Việt Nam thế kỉ XX.

Trần Quốc Tuấn

 (GV Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 21 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...