Chức năng văn học - nâng cao giá trị tâm hồn con người

28/10/2023

Chức năng văn học - nâng cao giá trị tâm hồn con người

Trần Thị Như Quỳnh

Lớp 12a1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024

Sáng tác văn học được ví như công việc của người chèo thuyền trên sông. Nước chảy thuyền trôi… Con thuyền ấy sẽ đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và cả một nơi xa xôi nào đó trên bờ hoang vắng đầy cỏ dại, nó sẽ cập bến, mang theo trong mình những khuôn hàng để trao đến tay độc giả những bài học, những cảm xúc và những suy nghĩ của nhà văn trong suốt chặng đường lênh đênh sóng nước, một tác phẩm chân chính phải có chức năng hàng đầu là nhận thức, sau đó là giáo dục và cuối cùng là chức năng thẩm mỹ có trong từng các tác phẩm văn học. Dù cho phong cách sáng tác của mọi tác giả khác nhau, xuất hiện ở các thời đại khác nhau, song cuối cùng chính là hướng con người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, cho ta nhiều cách nhìn hơn trong hiện thực của cơn sóng cuộc đời.

Tác phẩm văn học bao giờ cũng là kết quả của quá trình nhà văn khám phá lý giải hiện thực đời sống rồi chuyển hóa những hiểu biết đó vào nội dung của tác phẩm nhằm đáp ứng như cầu nhận thức của con người. Học văn chính là chiếc chìa khóa vàng mở ra vô vàn những cánh cửa bí ẩn, đưa con người đến ngưỡng cửa mới của sự hiểu biết về thế giới, về xã hội và cả về loài người. Văn học nhận thức đời sống bằng tư duy hình tượng, nhận thức thế giới bằng mối quan hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái chung và cái riêng, giữa những cái có nghĩa và vô nghĩa đan cài chồng chéo lên nhau. Quan trọng hơn, chức năng nhận thức của văn học không chỉ bọc lộ ở bề rộng của kiến thức về đời sống, chủ yếu là bộc lộ chiều sâu và tâm lý của những khám phá thẩm mỹ về con người. Nhiều tác phẩm đi vào đời sống tinh thần của con người như những tấm gương soi, giúp người đọc tìm ra chính bản thân mình. Từ đó, sự nhận thức thế giới sẽ biến thành quá trình tự nhận thức của người đọc như Kalinine cũng từng quan niệm: “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” Chức năng nhận thức là tiền đề quan trọng cho sự dự báo tương lai. Phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn, sinh động, nắm bắt sự vận động bên trong của đời sống hiện thực. Chính trong cảm thụ các tác phẩm văn học, sự “nếm trải” cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng giúp người đọc sống được nhiều hơn, sống dài hơn bằng những số phận, những cuộc đời khác nhau trong từng tác phẩm.

Văn học chính là một trong những nhân tố giúp con người hình thành tâm sinh quan, thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan, “nghệ thuật là câu trả lời đầy thẩm mỹ của con người thay đổi cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng cao giá trị của con người lên” (Tố Hữu). Văn học giáo dục ta bằng trái tim, bằng cảm xúc, nó không thuyết minh cho các nguyên tắc đạo đức, không trưng bày những tấm gương đạo đức, mà văn học sẽ bồi đắp vào tâm hồn, vào trái tim của mỗi người. Văn chương là ánh sáng, hướng con người đến các giá trị về Chân -Thiện – Mỹ thông qua việc phản ánh những mặt tốt xấu của hiện thực đời sống, đồng thời còn giúp ta tố cáo cái ác, cái xấu xa, giả dối để người đọc tránh xa. Ngoài ra văn học còn giúp ta khơi gợi những tình cảm về đạo đức, hình thành trong ta lòng bác ái, sự đồng cảm, nó kéo người đọc vào mạch tình cảm của tác phẩm làm họ không thể dửng dưng, giúp người đọc thêm yêu thương, trân trọng cái tốt, cái thiện và biết căm ghét cái xấu xa, giả dối. Như nhà văn Nam Cao cũng từng chia sẻ: “Văn học giúp cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, bồi dưỡng nhân cách để con người gần người hơn”.

Ngoài những giá trị trên, cách thức xây dựng ngôn từ của nhà văn, nhà thơ cũng đem lại nét đẹp và sự thành công cho các tác phẩm, nét đẹp xoa dịu tâm hồn con người, gạt bỏ những điều xấu xa khỏi đó, chỉ để lại những gì thanh khiết, đẹp đẽ nhất cho lòng người. Văn học không chỉ thỏa mãn nhu cầu nhận thức cái đẹp của con người mà còn phát triển ở họ khả năng hành đông, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, giúp con người nhạy cảm hơn, tinh tế hơn trong hành động và việc cảm thụ thế giới. Chức năng thẩm mỹ của văn học giúp ta tăng thêm kinh nghiệm cảm thụ cái đẹp, thúc đẩy khả năng sáng tạo trong họ, giúp thanh lọc tâm hồn con người. Cái đẹp của văn học vô tư nhưng không vô tâm, mà nó luôn hướng con người đến những suy tư, trăn trở và trách nhiệm về các vấn đề của cuộc sống, của thời đại.

Văn học phản ảnh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt, nông cạn. Nhà văn không bê nguyên xi các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động…. Thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người… Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ. Như những đám mây ngũ sắc trên đầu. Có những tác phẩm ra đời để rồi bị lãng quên ngay sau đó, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc vào sâu thẳm trong tâm hồn người đọc. Những tác phẩm ấy đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng và để lại trong trái tim đọc giả một ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó ta không thể không nhắc đến một tuyệt phẩm của đại văn hào người Pháp – Victor Hugo với thi phẩm mang tên “Le Notredame de Paris”.

Quasimodo là một thằng gù xấu xí, mồ côi khốn khổ được người ta đưa về nhà thờ nuôi dưỡng và trở thành người kéo chuông cho nhà thờ. Một thằng gù sống hoang dại, trơ lỳ, tưởng như trái tim đã bị đánh cắp, tưởng rằng không còn điều gì có thể lay động nổi trái tim ấy nữa. Vậy mà thằng gù xấu xa đó đã biết yêu, yêu một tình yêu say đắm, cuồng nhiệt. Hắn yêu nàng Esmerald, trong khi nàng lại sợ sệt cái hình dạng xấu xí của hắn. Thật trớ trêu khi nàng thiếu nữ Bohemien xinh đẹp ấy đã đem lòng yêu một con người khác. Mối tình ấy là một mối tình câm lặng, tuyệt vọng. Nhưng chính nó là sự cứu rỗi vô cùng với tâm hồn Quasimodo, để hắn biết yêu, biết khóc, biết hận thù, và đi đến tận cùng của những cung bậc cảm xúc của loài người. Tình yêu chính là nguyên nhân của tất cả những điều mà Quasimodo đã làm. Hắn chấp nhận đánh đổi tất cả những gì đã tồn tại trước đây để có được những khoảnh khắc sống thật với tình yêu của mình. Và đó là con đường mà hắn lựa chọn từ đầu cho tới khi kết thúc tác phẩm. Khi hắn đã dám giết chết người đã cưu mang hắn từ nhỏ, để giải thoát cho nàng Esmerald, và cũng tự giây phút ấy, hắn kết thúc cuộc sống của mình.

Khép lại tác phẩm cũng là lúc mọi bi kịch và đau thương được giải thoát, nhưng dư âm của tác phẩm vẫn còn đọng mãi trong ta những nỗi đau âm ỉ, qua đó ta thấy được cả một thời kì tăm tối, phản ánh lên một xã hội chứa đầy những giả dối, những xấu xa thông qua hình tượng trong sáng, tươi đẹp. Thành công vang dội của hai tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng. Tác phẩm đã thể hiện được sự vươn đến một tầm cao triết lý, qua cách mô tả một định mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy diệt. Tính cách của các nhân vật trong tuyệt phẩm được khắc họa đậm nét. Mối tình đau khổ dẫn đến ghen tuông của Đức cha Frollo biến ông thành kẻ ích kỷ, độc ác. Viên đại úy Phoebus với nét hào hoa, đỏm dáng nhưng tâm hồn vô cùng hời hợt. Người đẹp Digan Esméralda trong trắng, ngây thơ và có số phận bất hạnh. Còn Quasimodo, một tên gù mồ côi giữ nhiệm vụ kéo chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris, là một tâm hồn đầy thống khổ với nỗi cô đơn và tình yêu, sự hy sinh cao cả dành cho người con gái mà mình tôn thờ.

Tuyệt phẩm trên cũng chính là một minh chứng về cách nói “ văn chương hướng con người về cái chân – thiện – mỹ. Với hoàn cảnh và tính cách của nhân vật quá đổi chân thật khiến cho ta có cái nhìn tổng quát hơn về cách nhận thức con người và xã hội, câu chuyện còn giáo dục cho ta bằng phương pháp đánh vào cảm xúc, khơi gợi trong lòng người những sự rung cảm, tình bác ái và hướng con người về cái thiện, dù cho bề ngoài gai góc và sần sùi nhưng tâm và cách nghĩ của ta hướng thiện thì ta vẫn sẽ luôn là người tươi đẹp. Song bằng cách xây dựng hoàn cảnh và nhân vật đầy phong phú và chân thật, bằng tài năng và phong cách riêng của nhà văn đã góp phần tạo nên sự thành công cho thi phẩm, giúp thi phẩm đủ mạnh để đương đầu với khói bụi trần gian.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định rằng: “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội.” Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ngợi ca con người? Văn chương thật lớn lao và đầy ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác và suy nghĩ, thiên về chiều sâu của nội tâm thông qua hoàn cảnh, hiện thực của xã hội, nhà văn chính là người phản ánh hiện thực một cách chân thực, là người truyền đi nhiệt huyết và tình cảm tốt đẹp đến mọi người. Mỗi nhà văn cần phải là “người thư kí trung thành của thời đại”, là “người cho máu”. Hãy trân trọng những giá trị chân chính mà mỗi tác giả đã mài công gặn lọc từ hiện thực xô bồ, từ những trải nghiệm và sự đúc kết từ cuộc sống, để giờ đây, thế hệ trẻ chúng ta có những bài học quý báu, những nhận thức đáng giá từ sự hy sinh của người nghệ sĩ cầm bút ấy và nên tôn trọng những vần thơ, câu chữ vì vốn dĩ văn học cuối cùng là viết về trái tim con người.

Trần Thị Như Quỳnh

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...