Con người với số phận riêng tư trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

11/10/2021

Con người với số phận riêng tư trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành

Con người là “tiểu vũ trụ”, là ẩn số đầy thách thức cho đến nay chưa có lời giải thỏa đáng, là cả một xã hội tồn tại trong cá thể riêng lẻ, là một cá thể có tác động đến cộng đồng, xã hội. Trong văn học trung đại Việt Nam, con người mang tính “phi ngã”, là con người chức năng. Văn học 1930 – 1945, cái “tôi” con người được đánh thức sau một thời gian dài quên lãng, bản ngã con người được thể hiện trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng, trong niềm khao khát hạnh phúc, trong tình yêu tan vỡ (Khái Hưng – Hồn bướm mơ tiên, Nhất Linh - Đoạn tuyệt, Nguyễn Công Hoan – Tắt lửa lòng…). Rồi hai cuộc kháng chiến trường kỳ, con người trở thành con người của cộng đồng, của sử thi. Mỗi con người là tiêu biểu cho sức mạnh tập thể, ý chí dân tộc (Kim Lân – Làng, Nguyễn Thành Long – Lặng lẽ Sapa, Lê Minh Khuê – Những ngôi sao xa xôi, Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu, Anh Đức – Hòn Đất…). Văn học đương đại, sau Đổi Mới, tìm về bản ngã con người với ưu tư về tồn tại, về thân phận và cả những giá trị nhân bản (Nguyễn Huy Thiệp – Không có vua, Phong Điệp – Điện thoại lúc nửa đêm, Võ Thị Hảo – Người sót lại của rừng cười…).

Con người với số phận riêng tư là đề tài được Nguyễn Ngọc Tư khai thác thành công. Nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là những con người thuần chất Nam Bộ với những cái tên cũng hết sức bình dị, chân chất: Tư Nhớ, Năm Nhỏ, Sáu Đèo, Út Vũ... mang những tâm tư, nguyện vọng bình dị nhỏ bé, đời thường trong cuộc mưu sinh trên sông rạch chằng chịt, trên những cánh đồng mênh mông của cuộc đời bấp bênh mà cái nghèo khổ, thất học cứ bám riết như cái nghiệp của con người từ tiền kiếp. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại là một góc cạnh của cuộc sống chất chứa những đau đớn tột cùng trong nó, là số phận riêng tư, là sự cô độc hiu hắt của cuộc đời nghẹn đắng nỗi buồn thân phận của những người nông dân nhỏ bé chân chất với những khát khao bình dị về cơm áo gạo tiền, về một mái ấm gia đình đơn sơ nhưng không toại nguyện.

Truyện ngắn Đời như ý là một ước mơ hạnh phúc, nhưng những con người khốn khổ ấy làm sao đời được như ý. Một người cha mù lòa, một người vợ tâm thần, cùng hai cô con gái nhỏ cùng dắt díu nhau đi hát rong, rồi nghèo đói, phải cho một đứa con gái cho người khác. Nhan đề của truyện ngắn chất chứa khát vọng về hạnh phúc của con người trong kiếp nhân sinh. Truyện khép lại trong câu văn ngắn gọn, lạnh lùng đến xót xa: “Làm gì có chuyện đời như ý?” [1, trang 66]. Chất bi hài kịch ở chỗ kết thúc câu chuyện là nỗi ngậm ngùi đau xót. Chú Đời đã lìa đời trong lời ru man mác của của người vợ: "Ầu ơ. Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Ơ... Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ". Chú chết đi mang theo nỗi mỏi mòn chờ đợi được gặp lại đứa con gái về chốn tuyền đài.

Mảng đời riêng tư của những con người trong những câu chuyện buồn cứ da diết lòng người. Truyện "Nhớ sông", nói về cảnh bất hạnh của gia đình ông Chín, vợ mất sớm vì một tai nạn bất ngờ trên sông nước. Dù nghèo, nhưng ba cha con vẫn gắn bó với nhau bằng tình cảm thiêng liêng, cảm động. Thân phận người dân vạn đò cuộc đời trôi dạt, lênh đênh trên sông nước mong mỏi tìm một mảnh đất an cư là cả một khát vọng.

Trong Vết chim trời, mở đầu với một buổi trưa ám ảnh bởi tiếng khóc của bà nội. Tiếng khóc của quá khứ đã chìm sâu vào vô thức như xé lòng người, khơi gợi nỗi đau của vết thương chiến tranh tưởng đã lành kín miệng sao vẫn cứ nhức nhói lòng người: “Sao bây bắn chết Út Hơn của má?” (Vết chim trời, trang 7). Đó không là hội chứng sau chiến tranh mà là ký ức đau thương bất chợt ùa về trong tâm trí của người bà lú lẫn để người cha cả đời sống trong nỗi lo âu thấp thỏm, nỗi mặc cảm cháy lòng bởi một quá khứ xa xôi nào đó mà hai anh em ở hai đầu chiến tuyến, và kẻ thất bại trở về, còn người em trong đoàn quân chiến thắng đã nằm lại mãi mãi. Vết chim trời là nỗi đau của con người với số phận riêng tư để không biết đến bao giờ hai đứa trẻ, hai anh em chú bác xích lại gần nhau như những ngày ấu thơ thân ái: “Và tôi cứ chờ đợi mãi…” [2, trang 18]. Sự chờ đợi với dấu ba chấm đằng đẵng mù khơi, biết đến bao giờ?

Nguyễn Ngọc Tư mang đến cho người đọc ba con người với ba số phận riêng tư mà mỗi người như chính bước chân hụt hẫng trong Sầu trên đỉnh Puvan. Ước vọng chiêm ngưỡng bằng được cảnh bông sầu nở trên đỉnh Puvan đã thôi thúc Vĩnh, một chàng trai đam mê khám phá lên đường, dù nó mang theo mình một lời nguyền rât thiêng. Cảnh đời trái ngược với số phận riêng tư trên chặng hành trình đến đỉnh Puvan huyền thoại. Vĩnh, một người tưởng như có tất cả, nhưng lại không có gì; Dịu, một thứ gái bao của dòng đời đưa đẩy, sau khi bị lừa đi lao động ở Đài Loan; cậu bé Củi chăn dê khốn khổ trong mùa hạn hán đã tạo nên câu chuyện đặc sắc, giàu chất triết lý. Cái chết của Vĩnh cũng chính là nỗi hoang mang của người đời, phải chăng khi lên đến đỉnh cao rồi, chỉ một bước chân nữa sẽ là vực thẳm? Vĩnh đã ở lại vĩnh viễn trên đỉnh Puvan. Anh “treo mình lơ lửng trên cành sầu khẳng khiu trơ trụi. Trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi, và Vĩnh không muốn xuống núi, chẳng có gì chờ đợi anh, ở đó” [2, trang 60]. Vĩnh không quay trở lại với cuộc đời, anh chối bỏ mọi thứ để ngủ yên bên vẻ đẹp bất tử của những bông sầu nở trên đỉnh Puvan.

 Của ngày đã mất là nỗi đau riêng tư của một ông thầy sắp đến tuổi cổ lai hy không còn đủ sức để đáp lại tình cảm của cô gái chỉ mới hai mươi hai tuổi đời. Trong chuyến đi du khảo ở đồng bằng sông Cửu Long để sưu tầm dân ca, cả hai cùng nhận ra giá trị chân lý “Chuyến xe cập bến vào một buổi chiều tàn lụi, nhưng chúng tôi mãi mãi không trở về được cái nơi mình ra đi. Đời vốn không buồn, nhưng người ta cứ làm cho nó buồn” [2, trang 110]. Không là cuộc tình cút bắt, nhưng qua chuyến đi thực tế, ảo tưởng về tình yêu không phân biệt tuổi tác là một sai lầm: “May quá, mai kia khi trút hơi thở cuối cùng, tôi chẳng phải nặng lo cho em lúc đó ngồi cạnh tôi với gương mặt ướt” [2, trang 110]. Những dòng kết thúc câu chuyện trầm buồn da diết như khúc dân ca lắng đọng và ngân nga. Con người là chuỗi hành trình đi tìm hạnh phúc, nhưng cái duyên phận so le ấy không thể đảm bảo hạnh phúc. Có một cái gì đó trôi qua tầm tay, đó là thời gian đã mất, là tình yêu vô vọng. Câu chuyện đơn giản mà nỗi buồn man mác, lan tỏa, thấm sâu.

Truyện ngắn Gió lẻ là số phận riêng tư của một đứa trẻ lạc giữa dòng đời đông đúc bon chen mà không tìm thấy hơi ấm của tình người. Câu chuyện về người bố nói một câu xúc phạm, người mẹ treo cổ tự vẫn và cô con gái 10 tuổi “như ném trả tiếng nói lại cho loài người, cô câm hẳn và bỏ nhà đi lang thang cho đến ngày thành thiếu nữ rồi chết trong một tình yêu ngổn ngang” (Hồ Trung Tú). Một cô bé bị nỗi đau của quá khứ ép quên để trở nên dị ứng với tiếng của loài người. Một số phận bi thương trong cõi nhân sinh, một cuộc đời bị lãng quên trong cõi đời. Đó là một bi kịch. Nói theo Tâm An: “Đọc truyện, chợt giật mình bởi những cái chết kia không gì khác chính là hồi chuông thức tỉnh yêu thương trong mỗi người chúng ta, đâu mất rồi những tình người, những mái ấm gia đình chở che cho những cơn gió lẻ xao xác và mong manh, để không còn đường nào khác, những cơn gió ấy phải chấm dứt cuộc hành trình trong cuộc đời này, đầy uất hận và bi ai. Và tận cùng nỗi khắc khoải, không ai khác lại chính là chúng ta - đã và đang rơi những giọt máu xót xa khi chứng kiến những vụn vỡ của yêu thương, vẫn ngày ngày, rong ruổi trên khắp nẻo cõi người...” (Tâm An).

Nguyễn Ngọc Tư sắp xếp các số phận riêng tư trong cuộc hành trình cuộc đời mang chút triết lý của Phật pháp: “Đời là cõi tạm”, “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Cánh đồng bất tận là sự hội tụ của con người bất hạnh, mỗi con người quá giang nhau một đoạn đời trên sông nước bồng bềnh. Út Vũ ngay lần gặp đầu tiên người đàn bà ngồi khóc bên bực con sông Dài: “…Cha tôi chèo ghe đi ngang, đã qua khỏi một quãng nhưng vì mủi lòng, cha quay mũi lại. Cha hỏi, cô về đâu tôi cho quá giang. Má tôi ngước lên, mặt ràn rụa nước, “tôi cũng không biết về đâu”. Cha tôi chở người con gái tội nghiệp này về nhà, và trong thời gian suy nghĩ tính coi mình đi đâu, má yêu cha mất rồi, sau đấy thì đẻ hai chị em tôi. Rõ ràng, quá rõ ràng, thấy chưa, má tôi chỉ quá giang một khúc đời rồi đi, ai cũng linh tính vậy, chỉ cha tôi là không, nên bây giờ mới khóc hận, cười đau.” [3, trang 171]. Người đàn bà “quá giang” trong cuộc tình để hai đứa trẻ ra đời, rồi người đàn bà cũng ra đi, “quá giang” bờ bến khác để nỗi hận tình trong lòng người đàn ông. Rồi cô gái “làm đĩ” cũng “quá giang” gia đình du mục trong cuộc trốn chạy vụ đánh ghen thảm khốc. Một thoáng hy vọng mong manh trong cuộc tình rượt đuổi, rồi tất cả cũng trở thành vô vọng. Sau khi thấy không còn đủ kiên nhẫn chinh phục người đàn ông lạnh lùng vô cảm, người đàn bà thảng thốt nhận ra: “ - Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười” [3, trang 204]. Rồi người đàn bà ấy cũng bỏ đi. Không một cái vẫy tay tạm biệt: “Nói rồi, chị quay đi. Chân vướng dấp dúi vào cỏ. Con đường nhỏ dầm chan trong màu hoa mua tím. Tôi đắng đót thầm trong lòng một cái vẫy tay. Bóng người khuất trong vườn. Thằng Điền xách nước về, nó cuồng lên hỏi chị đâu. Tôi chỉ con đường kinh xao xác hoa cỏ dại. Em tôi chạy hồng hộc về phía đó”  [2, trang 204].

Những mảng đời quá giang nhau, rồi vứt bỏ nhau trên dòng lênh đênh là những số phận riêng tư mà Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả. Những người đàn bà đã lên chiếc ghe chòng chành của Út Vũ rồi bị bỏ lại trên bờ, không biết có còn nẻo quay về? Bấp bênh chấp chới thân phận con người, những mảng đời nghèo khổ bất hạnh trôi dạt Những cuộc tình quá giang nghiệt ngã tiếp nhau tưởng chừng như tuyệt vọng ấy lại ánh lên ngọn lửa tình nhân ái là điểm nhấn trong tác phẩm đi vào lòng người. Cũng là một cuộc quá giang, nhưng Cái nhìn khắc khoải mang nỗi niềm riêng tư không chất chứa hận thù như Cánh đồng bất tận mà man mác buồn, mơ hồ huyền ảo của mối tình cao thượng, đẹp như một vần thơ trên sông nước buồn hiu hắt và những mảng đời chân chất lam lũ mà đậm nghĩa tình của người Nam Bộ: “Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết mình đi đâu" (…). Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc. - Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay ... làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen” [3, trang 52]. Câu chuyện có chi tiết hao hao như truyện ngắn Bông hồng vàng của Pautopxky. Người đàn ông tìm thấy trong mơ hồ ngọn lửa của mái ấm gia đình chợt nhen lên, nhưng tình nhân ái của một tâm hồn nghĩa hiệp, cao thượng xua đi cái ích kỷ riêng tư. Ông đã chủ động đi tìm những tin tức về người thợ gặt An Bình, giúp người đàn bà tìm lại hạnh phúc: “Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì…” [3, trang 60].

Truyện ngắn Cải ơi bắt đầu là một cuộc tìm kiếm trên khắp hang cùng ngõ hẹp của ông già Năm Nhỏ trong hơn mười hai năm trời với tiếng gọi “Cải ơi!”, tên con gái con riêng của vợ: “Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà” [3, trang 8]. Rồi ông Năm chợt biến thành “Tên trộm đãng trí”. Bị bắt, nhân lúc được phỏng vấn trên đài, ông tranh thủ gởi lời nhắn: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không?  Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình.  Con là trọng chớ đôi trâu có nhằm nhò gì...  Về nghe con, ơi Cải...” [3, trang 16]. Đó là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc, cuộc tìm kiếm vô vọng mà xót xa cứ lắng lại trong lòng người đọc một nỗi buồn mơ hồ lan tỏa trong kiếp nhân sinh: “Nghe đâu hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng nói một cách tuyệt vọng” [3, trang 16].

 Nỗi niềm riêng tư của những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện tâm trạng phản ứng với cuộc sống thực tại bằng việc “bỏ đi”. Và “bỏ đi” trở thành một định mệnh, một nét riêng tư trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Bỏ nhà: Cải ơi, đứa con gái tên Cải bỏ nhà đi khi đánh mất đôi trâu. Đời như ý, con bé Ý cũng bỏ đi khi hiểu lầm tình cảm yêu thương của người cha mù lòa. Vết chim trời, Út Hơn bỏ nhà đi vào rừng để tìm xem phía bên kia sống như thế nào mà anh hùng quá. Văn bỏ mảnh đất Mút Cà Tha chắt chiu tình người ở lại: Thương quá rau răm. Bỏ người: Cái nhìn khắc khoải. Bỏ chồng: Một mối tình, Cánh đồng bất tận. Bỏ trốn: Một dòng xuôi mải miết. Bỏ ghe: Nhớ sông. Bỏ người yêu, bỏ bến: Duyên phận so le, Dòng nhớ.  Bỏ thế giới ngôn ngữ loài người: Gió lẻ. Bỏ cả cuộc đời: Sầu trên đỉnh Puvan

“Bỏ đi” và “tìm kiếm” gần như là một ám ảnh ray rứt không thể nào thiếu vắng được trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Trong Biển người mênh mông, Phi thôi học, bỏ đi theo đoàn hát. Ông già Sáu Đèo làm nghề bán vé số cũng có những ngày vui bên cô vợ trẻ cùng lênh đênh sông nước trong kiếp nghèo. Rồi cô vợ cũng bỏ đi để ông lặn lội tìm kiếm suốt cuộc đời: “Cổ đi rồi.  Sống khổ quá nên cổ bỏ qua.  Cổ lên bờ, không từ giã gì hết, bữa đó đúng là qua bậy, qua nhậu xỉn quá trời, rồi cũng có cự cãi mấy câu, cảnh nhà không con nên sanh buồn bực trong lòng, qua có hơi nặng lời, cổ khóc. Lúc thức dậy thì cổ đã đi rồi” [3, trang 109]. 

Bỏ đi và tìm kiếm là phạm trù là triết lý mà những nhân vật, những số phận riêng tư được Nguyễn Ngọc Tư khám phá trong các truyện ngắn như những cuộc săn tìm, trốn chạy trong trò chơi nghiệt ngã của số phận. Kể từ lúc vợ rời ghe lên bờ và bỏ đi mất biệt, ông Sáu Đèo cũng bỏ ghe, lặn lội khắp bốn phương trời để tìm kiếm vợ mình nhưng vẫn như bóng chim tăm cá: “Qua đã tìm gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò rồi mà chưa thấy” [3, trang 109]. Rồi ông Sáu Đèo cũng tiếp bước ra đi trong cuộc tìm kiếm giữa biển người mênh mông.

Trên Cánh đồng bất tận cũng là một cuộc bỏ đi và tìm kiếm. Người đàn bà bỏ chồng, bỏ con ra đi, chị Sương tìm kiếm trong vô vọng tình yêu của Út Vũ, Điền tìm kiếm trong tình yêu khiếm khuyết với chị Sương “Điền yêu chị, nhưng tình yêu đó khiếm khuyết mất rồi.  Sau giấc ngủ dài, bản năng nó không trở dậy.  Trái tim nó chỉ là một hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể ngả màu tro” [3, trang 200]. Mẹ bỏ đi, chị Sương bỏ đi, rồi Điền cũng bỏ đi nốt để lại nỗi cô đơn trên cánh đồng bất tận.

Và cuộc đời con người như Nước chảy mây trôi, cô học trò, yêu ông thầy giáo, rồi ông thầy giáo lại trở thành bố dượng. Ra đi là giải pháp tối ưu của cuộc tình vô vọng. Dì Thu Lê và cậu Tư Nhớ trong Chiều vắng cũng dang dở đời người. Dì bỏ xứ ra đi, nhưng ngọn lửa tình vẫn âm ỉ cháy, để rồi sau hai mươi năm biết bao biến động, Dì Thu Lê, Cậu Tư Nhớ gặp mặt nhau trong nỗi đau tuổi thanh xuân đã qua mất rồi.

Số phận riêng tư của con người chừng như chưa tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống. Và nếu như quan hệ con người và con người có khi chưa tìm được sự đồng điệu thì những con vật và những số phận bất hạnh lại có thể tìm được điểm chung để chia sẻ. Con vịt Cộc trong Cái nhìn khắc khoải trở thành người bạn tâm giao của ông già nuôi vịt chạy đồng: “Ông ngồi lại, bồn chồn.  Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình: “Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?”  Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi, tui đâu ngán!” [3, trang 61]. Và cũng chính con vịt mù trong Cánh đồng bất tận như hiểu; như đồng cảm sẻ chia nỗi đau của hai chị em Nương, Điền; như con chó Cò trong Gió lẻ cảm thông với thân phận cô bé chạy trốn loài người, Con Cóc trong Một cuộc hẹn hò bi thương thấu hiểu mối tình vụng trộm. Cái nhìn về hạnh phúc của những số phận riêng tư sao cứ vẫn là cái nhìn khắc khoải?

Mỗi nhà văn đều có cái nhìn riêng về đời sống về cá thể con người trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Karl Marx). Mỗi nhà văn có quan niệm nghệ thuật về con người riêng biệt. Những nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Tuân là những con người tài hoa, uyên bác, cầu kỳ, có phần ngạo mạn. Đọc trong Vang bóng một thời, người đọc bắt gặp cái nét cao ngạo, khinh bạc của Huấn Cao trong Chữ người tử tù; cái thú uống trà uyên thâm, thanh cao của người ăn xin trong Cái ấm đất; cái lối cờ bạc tao nhã trong Thả thơ… Con người của Nguyên Ngọc là những con người đi ra từ sử thi, của buôn làng kiên cường, bất khuất (Đất nước đứng lên, Rừng xà nu). Nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước 1975 là những con người đầy ắp những ước mơ lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng (Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng), con người trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là nỗi đau con người về số phận sau chiến tranh; con người trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai là ưu tư, dằn xé của ký ức chiến tranh trước hiện thực xã hội. Hay như Nguyễn Ngọc Tư với niềm đau thân phận con người bấp bênh trên sông nước (Dòng nhớ, Cánh đồng bất tận)… Văn học phơi trải cái nhìn về con người trong quan niệm nghệ thuật. Mỗi nhà văn khám phá con người một cách khác nhau và đặt ra vấn đề con người, Anh là ai? Con người đến từ đâu? Con người đi về đâu? Con người tồn tại ra sao? Nhu cầu của con người là gì? Làm thế nào để con người hướng đến chân – thiện – mỹ … Và mỗi nhà văn sẽ đi tìm hướng trả lời cho hàng loạt các câu hỏi trên bằng ngôn từ nghệ thuật.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành

Trích dẫn:

[1]: Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa, 2005;

[2]: Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, 2008;

[3]: Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, những truyện hay mới nhất, 2005

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...